Love Telling ThanhCaVN nhắn với Gia đình TCVN và Quý Khách: BQT-TCVN xin cáo lỗi cùng ACE vì trục trặc kỹ thuật 2 ngày vừa rồi. Trân trọng! Loan Pham nhắn với Gia Đình TCVN: Kính chúc quý Cha, quý tu sĩ nam nữ và toàn thể quý anh chị em một Giáng Sinh ấm áp bên gia đình, người thân và tràn đầy ơn lành từ Chúa Hài Đồng. ThanhCaVN nhắn với TCVN: Nhân dịp Sinh Nhật lần thứ 16 Website, BQT-TCVN kính chúc Quý Cha, Quý Tu sỹ Nam Nữ, Quý Nhạc sỹ - Ca Trưởng – Ca sỹ, Quý Ân Nhân và toàn thể ACE luôn tràn đầy HỒNG ÂN CHÚA. Edit LM Loan Pham nhắn với TCVN: Kính Chúc Cà Nhà Một Tam Nhật Thánh và Một Mùa Phục Sinh Tràn Đầy Thánh Đức ... Loan Pham nhắn với TCVN: Chúc mừng năm mới đến quý Cha, quý tu sĩ nam nữ cùng toàn thể quý anh chị em tron gia đình TCVN thân yêu... Xin Chúa xuân ban nhiều hồng ân đến mọi người. Amen ThanhCaVN nhắn với ÔB & ACE: Kính chúc Năm Mới Quý Mão: Luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa ThanhCaVN nhắn với Gia đình TCVN: Kính chúc Giáng Sinh & Năm Mới 2023: An Bình & luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa. bethichconlua nhắn với Gia Đình ThanhCaVietNam: Chúc mừng sinh nhật thứ 15 website ThanhCaVietNam. Kính chúc quý Cha, quý tu sĩ nam nữ cùng toàn thể anh chị em luôn tràn đầy ơn Chúa. Amen ThanhCaVN nhắn với Quý ACE: Nhân dịp Sinh Nhật lần thứ 15 Website, BQT-TCVN kính chúc Quý Cha, Quý Tu sỹ Nam Nữ, Quý Nhạc sỹ - Ca Trưởng – Ca sỹ, Quý Ân Nhân và toàn thể ACE luôn tràn đầy HỒNG ÂN CHÚA. phale nhắn với cecilialmr: Nhớ em nhiều lắm ! cầu mong nơi ấy được bình yên. phale nhắn với thiên thần bóng tối: Nhớ em nhiều lắm ! cầu mong nơi ấy được bình yên. phale nhắn với teenvnlabido: Ngày mai (1/6) sinh nhật của bạn teen / chúc mọi điều tốt lành trong tuổi mới. phale nhắn với tất cả: Xin Chúa cho dịch bệnh sớm qua đi và ban bình an cho những người thành tâm cầu xin Ngài. ThanhCaVN nhắn với ACE: Kính chúc ACE: Giáng Sinh & Năm Mới 2021 - An Bình & luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa

+ Trả lời chủ đề + Gửi chủ đề mới
kết quả từ 1 tới 1 trên 1

Chủ đề: Nên Thánh theo tinh thần Công đồng Vaticanô II

  1. #1
    kemlanh's Avatar

    Tham gia ngày: Mar 2012
    Giới tính: Nữ
    Đến từ: ĐH Hutech
    Quốc gia: Không chọn
    Bài gởi: 15
    Cám ơn
    141
    Được cám ơn 69 lần trong 15 bài viết

    Default Nên Thánh theo tinh thần Công đồng Vaticanô II

    NÊN THÁNH
    THEO TINH THẦN CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II.


    Như những cánh cửa được mở rộng, Công Đồng Vaticanô II đã khai mào những viễn ảnh mới, cùng mang lại cho Giáo Hội những nét vui tươi và trong sáng hơn để đưa dân Chúa đến gần nguồn cội của Tin Mừng. Lời mời gọi nên thánh mà Công Đồng nêu lên như muốn đưa ta vào mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể để thực tại hóa đời sống con người. Mọi thành phần dân Chúa đều được Giáo Hội lưu tâm vì sự cần thiết và tầm quan trọng của việc nên thánh.
    Như một lễ “hiện xuống” mới, qua Công Đồng Vaticanô II, Chúa Thánh Thần đã thổi mạnh trên Giáo Hội luồng khí mới để thôi thúc con người trong thời đại chúng ta bước lên và bước ra khỏi những rào cản khiến họ ngày càng thêm trĩu nặng và lặng chìm trong tối tăm, mà bước sang cánh cửa của niềm tin và hy vọng.

    I. Mọi người phải nên thánh.
    1. Lý do và bổn phận trong dân Chúa.
    Trước đây, quan niệm nên thánh như được dành riêng cho hàng giáo sĩ và tu sĩ. Việc nên thánh thường được dân gian quan niệm như kho tàng quí, chỉ được ký gởi cho một số ít người – “như một cách thức chọn mặt gởi vàng” - là những người được Giáo Hội tôn kính trên bàn thờ, được tôn phong trong danh sách của các thánh hay được mọi người chứng nhận như mẫu gương chuẩn mực cho mọi đời mọi giới noi theo. Quan niệm ấy cho chúng ta một hình ảnh về các thánh như những người không bình thường vì họ khác chúng ta!
    Vào thời Cựu Ước, quan niệm nên thánh như thế cũng rất phổ biến trong khắp cả thiên hạ, ngôn sứ Isaia đã run sợ và thốt lên khi nghe tiếng đối đáp của các thiên thần Xê-ra-phim về Danh Thánh Đức Chúa: “Nếu tôi nhìn thấy Thiên Chúa thì tôi sẽ chết mất vì tôi là kẻ môi miệng ô uế, tôi sống giữa một dân môi miệng ô uế” (Is 6,5).
    Người ta thường nói: “Nên thánh là việc của những người đi tu, chứ người đời như tụi này thì làm thánh sao được…” Câu nói ấy xem ra thật trái ngược vào thời hậu Công Đồng khi mà lịch sử đã sang trang. Nhờ một sự chuyển mình vĩ đại, Công Đồng gợi cho ta nhớ lại lời nói đầy xác quyết của thánh tông đồ Phaolô trong thơ gửi giáo đoàn Êphêsô rằng ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh (x. Ep 1,4 // 1 Tx 4,3). Không chỉ thế, Đức Kitô còn phải trả giá đắt để chuộc chúng ta về, hầu chúng ta trở nên tinh tuyền thánh thiện như Vị Hiền Thê trước Đấng Lang Quân (x. 1 Cor 6,20 ; Ep 5,25–2). Sự thánh thiện mà Thiên Chúa muốn đó là mọi người nhận biết Danh Đức Chúa: “Từ nhỏ chí lớn đều sẽ nhận biết Ta” (Gr 31, 34 ; Dt 8,11). Thiên Chúa muốn chúng ta nên thánh vì Ngài là Đấng Thánh: “Hãy nói với toàn thể cộng đồng con cái Israel rằng: ‘Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh” (Lv 19,2). Thánh Phêrô cũng nhắc nhở chúng ta trong thư 1 Pr 1, 13-16 về nhiệm vụ của người Kitô hữu là để thuộc trọn về Thiên Chúa. Trong lời mở thư gởi giáo đoàn Rôma, thánh Phaolô gọi các Kitô hữu là thánh: “Kính gởi tất cả anh em ở Rôma, những người được Thiên Chúa yêu, được gọi là thánh” (Rm 1,7) và những lời chào tương tự trong các thư gởi tín hữu Côrintô, Êphêsô, Côlôsê, Philiphê. Theo tư tưởng của thánh Phaolô, các thánh là những người được tuyển chọn trong Chúa Kitô nhờ đức tin. Từ nguồn Thánh Kinh này mà công đồng Vaticanô II khẳng định: “Chúng ta có quyền và có bổn phận phải nên thánh mà không nại lý do để phủ nhận. Không là của riêng ai, nên thánh là ơn gọi thiên triệu của hết mọi người” (LG 2,3).

    2. Nên thánh trong ân sủng:
    Chúng ta có lý khi nói chỉ có Chúa là Đấng Thánh, vì quả thật chỉ có Ngài là Đấng Thánh, là nguồn của mọi sự thánh thiện. Khi nói đến ơn gọi nên thánh là chúng ta nói đến sự cần thiết của con người đang lệ thuộc vào những thực tại trên trần gian mong được Thiên Chúa thánh hóa. Ân sủng Chúa ban là thiên chức làm con Thiên Chúa mà trong con người ấy sự thiện đã tiềm tàng, nhưng đồng thời cũng là đòi hỏi của sự dấn thân vào tiến trình tiếp tục thăng tiến trong ân sủng. Ngay khi sáng tạo vạn vật, Thiên Chúa đã có ý định thông ban sự thánh thiện của Ngài cho con người. Thánh Phaolô đã khẳng định rằng anh em là giống nòi được Thiên Chúa tuyển chọn, hiến thánh và yêu thương (x.Cl 3,12). Thánh Phêrô cũng khuyên nhủ chúng ta: “Như những người con biết vâng phục, anh em đừng chiều theo những đam mê trước kia, lúc anh em còn mê muội, nhưng hãy sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em, vì có lời Kinh Thánh chép: ‘Hãy sống thánh thiện, vì Ta là “Đấng Thánh” (1Pr 1,14-16). Thánh Tôma Aquinô: “Thánh thiện nơi con người là sự uốn nắn cuộc sống và các hành động của họ theo ý Thiên Chúa.” Hiểu như thế thì sự thánh thiện tuỳ thuộc vào sự liên hệ của người ấy với Thiên Chúa. Công Đồng muốn nhắc lại cho chúng ta sự kết hợp thần tính của cả Ba Ngôi luôn hoạt động trong nhân loại. Đấng Tác Tạo, Đấng Cứu Chuộc và Đấng Thánh Hóa, là nguyên lý làm cho Hội Thánh tươi trẻ lại (x. LG 2,3,4 ; GLCG 2780).
    Qua phép thánh tẩy, chúng ta được thông phần vào bản tính của Thiên Chúa, cùng mang lấy phần trách nhiệm trong chính mình, là sự phản chiếu cho thế giới một bằng chứng và gương mẫu về một Giáo Hội duy nhất, thánh thiện và tinh tuyền. Tuy nhiên, chúng ta không thoát khỏi những trở ngại nội tại cũng như ngoại giới khiến chúng ta không chu toàn luật Chúa dạy và thực hành điều Chúa muốn. Vì thế, chúng ta cần đến ơn trợ lực của Chúa. Chúng ta được Thiên Chúa kêu gọi và được công chính hóa, hoàn toàn không bởi công lao riêng, nhưng bởi tình yêu và lòng thương xót trong ý định ngàn đời của Ngài. Trong thư gởi tín hữu Rôma thánh Phaolô nói: “Nhưng giờ đây anh em đã được giải thoát khỏi ách tội lỗi mà trở thành nô lệ của Thiên Chúa; anh em thu được kết quả là được trở nên thánh thiện, và rốt cuộc được sống đời đời” (Rm 6,22).
    Khi đề cập đến bổn phận của người Kitô hữu phải nên thánh, Công Đồng muốn đưa chúng ta quay về lại với chính mình, và nhờ ơn thánh thúc đẩy, lòng con người quay về với Thiên Chúa. Do đó, sự thánh thiện luôn bao gồm ơn thánh và sự đáp trả của con người trong tự do. Đấng khởi xướng, mời gọi, là Thầy dạy và là Đấng hoàn tất: “Hãy nên trọn lành như Cha anh em trên trời là Đấng trọn lành và hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, yêu như Ngài yêu” (Mc 12,30 // Ga 13,34 ; 1,12).

    3. Thánh hoá bản thân và sự hoàn thiện nhân bản.
    Thế giới càng tiến bộ nhanh chóng thì Giáo Hội càng phải thích ứng không ngừng theo dòng lịch sử ! Ơn gọi nên thánh đòi hỏi người Kitô hữu một đời sống được diễn tả cách đặc biệt qua việc hội nhập vào các thực tại trần thế, mà thánh Phaolô nhắc nhở: “Anh em có làm gì, nói gì thì hãy làm, hãy nói nhân danh Chúa Giêsu Kitô” (Cl 3,17a). Thật nhiệm mầu, dù muốn hay không, con người vẫn mang trong thâm tâm khát vọng sự thiện, khát vọng như người trộm lành, chỉ xin “Đấng tử tội” nhớ đến mình khi vào Nước của Ngài. Con người đang cố gắng ra khỏi tội lỗi, và người ta cảm thấy hổ thẹn khi không làm điều lành. Vì con ngưòi có tự do, nên sự đáp trả tiếng gọi của Thiên Chúa cũng phải hoàn toàn tự do (x. Gaudium et Spes, 17). Dựa theo lời thánh Phaolô, trong Hiến chế Ánh Sáng muôn dân số 38, Công Đồng khẳng định rằng: “Mỗi giáo dân phải là động lực, là chứng nhân của sự phục sinh và sự sống của Chúa Giêsu, đồng thời là dấu hiệu của Thiên Chúa hằng sống Họ hãy làm cho thế giới sống như linh hồn làm cho thân xác sống”. Các nghị phụ của Công Đồng cũng tuyên bố sự thống nhất đời sống của người giáo dân có tầm quan trọng đáng kể, bởi họ phải tự thánh hóa bản thân trong nghề nghiệp, và trong cuộc sống hằng ngày. Nghĩa vụ đó đòi hỏi người Kitô hữu hãy nên như dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa giữa thế gian, bởi nó làm nên phẩm giá của họ, đồng thời ơn gọi nên thánh liên kết với sứ vụ và trách nhiệm được trao phó cho họ trong Giáo Hội và trong xã hội.
    Quả thật việc nên thánh phát xuất từ việc tham dự vào sự thánh thiện của Giáo Hội như một sự hiệp thông với các thánh, để Giáo Hội thêm vui mừng vì đoàn con ngày càng thêm thánh thiện. Thánh Lêô Cả nói: “Hỡi người Kitô hữu hãy nhận biết phẩm giá của mình”. Cùng một tư tưởng ấy thánh Maxime, Giám mục thành Turin nói: “Hãy trân trọng danh dự đã được ban cho bạn trong mầu nhiệm này,” vì “không ai có thể nên thánh mà không cần chiến đấu, nhất là chiến đấu với chính bản thân và sẽ không có chiến thắng nếu không có chiến đấu. Lịch sử Giáo Hội đã chứng minh cho thế giới thấy nhiều tâm hồn đã dám liều thân trong hăng say đến quên mình, họ mang trong tâm huyết một khát vọng về Chúa Kitô. Thiên Chúa sẽ gặp gỡ ta ngay tại nơi chốn và hiện trạng của ta. Dựa trên nền tảng Kinh Thánh, Công Đồng chỉ cho ta nhiều lối đi để tìm về một sự thánh thiện tuyệt đối.


    II. Phương thế nên thánh:
    1. Phương thế chung:
    Chính tình yêu đã làm cho Thiên Chúa hòa mình với nhân sinh trong mọi khía cạnh của kiếp người, Ngài đã tỏ tình yêu của Ngài bằng cách hy sinh chính mạng sống mình cho chúng ta. Chúa Giêsu nói: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” và chính tình yêu ấy đã làm cho chúng ta được ở với Thiên Chúa. Ơn Chúa sẽ giúp chúng ta biết yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu tha nhân vì Ngài. Nhưng tình yêu ấy phải được lớn lên như hạt giống nảy mầm, trong cầu nguyện và hy sinh, họ nhiệt tâm phục vụ anh em mình, đồng thời biết kín múc từ các nhiệm tích thánh những ơn ích thiêng liêng khác. Chính đây là mối dây liên kết của sự trọn lành thánh thiện nơi người kitô hữu để trở nên người môn đệ đích thực của Chúa Kitô và đạt đến cùng đích, họ không thể tự mình mưu cầu cho mình nên hoàn thiện nhưng phải cậy vào lòng Chúa tín trung để được biến đổi. Ngài đã đổ vào lòng ta tràn đầy đức ái của Ngài, nhờ Chúa Thánh Thần mà Ngài đã ban cho chúng ta.
    Nhờ đức ái chúng ta biết yêu thương là gì, nhưng để hạt giống đức ái nảy sinh, và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, chúng ta hãy sẵn lòng lắng nghe Lời Chúa và với ơn Chúa, hãy thực thi thánh ý Ngài, năng lãnh nhận các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, năng tham dự các nghi lễ phụng vụ, chuyên cần cầu nguyện, tập luyện các nhân đức, nhiệt tâm phục vụ anh em… Đức ái chi phối mọi sự, là sự viên mãn của lề luật và là mối dây liên kết của sự trọn lành. Sự liên kết ấy thúc giục ta thực thi điều răn Chúa dạy. Vì đức ái có mặt trong mọi hành vi của các nhân đức khác, nó khởi đi từ lòng mến Chúa và yêu người cùng kiện toàn các nhân đức khác. Thánh Phao lô đã chỉ rõ cho ta thấy vẻ đa dạng và sự phong phú của nhân đức này trong bài ca đức ái.
    Chính đức ái là linh hồn và sự nâng đỡ cho mọi liên đới khác mà qua mọi thời người ta nhận ra Giáo Hội nhờ dấu hiệu của tình yêu này. Thánh Phaolô khuyên bảo chúng ta: “Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật của Chúa Kitô”. Nơi khác ngài nói: “Anh em hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau – và anh em đừng mắc nợ ai điều gì, ngoài món nợ tương thân tương ái.” Nhân danh đức ái, thánh Phaolô khuyến khích lòng quảng đại qua việc chia sẻ, nâng đỡ những anh em đang túng thiếu trong dân thánh. Viện phụ Isaac cũng nói: “Đức ái là tiêu chuẩn, là nguyên lý và là cùng đích, tất cả đều quy về đó, theo tinh thần của đức ái mà hành động một cách chân thành thì không có gì là tội, nếu không có đức ái chúng ta không thể làm đẹp lòng Thiên Chúa và cũng không làm gì được”.

    2. Một vài phương thế đặc thù:
    a. Trong ơn gọi hôn nhân:
    Công Đồng gợi lại cho ta nhiều mức độ và hình thức nên thánh khi đề cập đến vai trò của người giáo dân. Bậc sống hôn nhân có tính cách trần thế, nhưng để thể hiện và làm chứng cho một tình yêu cao cả, họ hăm hở trong cuộc hành trình đức tin, cho tình yêu của họ đối với Thiên Chúa được triển nở và lớn lên. Vì Chúa Kitô, người kitô hữu nỗ lực dấn thân trên bình diện đời sống nói chung cũng như trong đời sống đức tin nói riêng. Theo ân huệ Thiên Chúa ban, họ giúp nhau nhận ra ơn gọi của mình để làm tròn bổn phận, yêu thương và giáo dục con cái theo tinh thần của Tin Mừng. Qua cách sống, người kitô hữu giới thiệu và làm chứng về Thiên Chúa cho thế gian bằng tấm lòng chung thủy, yêu thương và quảng đại cho nhau, họ nên dấu chỉ yêu thương và sự hiệp thông giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Quả thật, qua đời sống gia đình, nhờ đức ái toàn hảo, họ làm cho sự thánh thiện của Giáo Hội ngày nên rạng rỡ.

    b. Qua đời sống thánh hiến:
    Bởi tiếng gọi của tình yêu, có những người nam nữ đã dấn bước theo Chúa Kitô. Qua đời sống tận hiến, họ noi gương Người trong khiêm hạ, nghèo khó và vâng phục, để trở nên nhân chứng sống động của tình yêu không chia sẻ mà họ dành cho Thiên Chúa trong đời sống độc thân vì Nước Trời. Họ lắng nghe Lời Chúa trong Tin Mừng và ước mong sống theo Lời Chúa dạy.
    Qua lời tuyên khấn, tu sĩ cam kết hiến trọn con người mình để phụng sự một mình Thiên Chúa, theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, dựa trên tu luật và hiến pháp của hội dòng, cũng như tính chất và nhiệm vụ riêng biệt của mình trong đặc sủng, họ triệt để sống các lời khuyên Phúc Âm trong sự kết hợp với Đức Kitô.
    Như vậy, dù sống cộng đoàn hay chỉ sống một mình, người sống đời tận hiến luôn ước mong đạt đến sự trọn lành. Phần thưởng lớn lao Chúa hứa trong tương lai luôn song hành với một đòi hỏi khắt khe trong hiện tại, dành sẵn cho những ai bỏ nhà cửa, anh chị em, cùng những sự vinh hoa trần thế vì danh Chúa và vì Tin Mừng.
    Thế gian sẽ khinh chê họ vì sự điên dại ấy trước mặt người đời, “Vì, i đem hết gia tài mà đổi lấy tình yêu, ắt sẽ bị người đời khinh dễ.” Chính tình yêu đã làm rạng rỡ, và nảy sinh nhiều tâm hồn cao thượng. Họ đồng hóa mình với Con Thiên Chúa, Đấng đã nói lên tình yêu ấy bằng chính mạng sống của mình, một tình yêu tự hiến, hy sinh bản thân, có khi phải hy sinh mạng sống vì chính nghĩa của Nước Trời.

    III. NÊN THÁNH NƠI CÁC THÀNH PHẦN TRONG GIÁO HỘI.
    Giáo hội là một cộng đoàn có sự thánh thiện và có những phương tiện thánh. Mầu nhiệm thánh mà Giáo Hội cử hành trong suốt cuộc lữ hành trần thế có vai trò thánh hóa và thông ban ơn cứu độ cho chúng ta. Giáo Hội luôn có những người quảng đại đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa. Họ là những người con ưu tú của Giáo Hội, họ làm chứng cho những giá trị của Tin Mừng đang bị quên lãng trong thời đại họ đang sống.

    1. Nên thánh trong hàng giáo phẩm – Chứng tá phục vụ

    a. Các Giám mục:
    Bởi ấn tích của bí tích truyền chức, các ngài đã trở thành người đại diện Chúa Kitô hiện diện giữa cộng đoàn dân thánh với việc phục vụ như một bổn phận hơn là quyền bính để thống trị. Là chủ chăn trong Giáo Hội, các ngài thực hiện bổn phận giảng dạy, giáo huấn, cai quản, thánh hoá và thông ban ơn thánh qua các bí tích. Sự hiện diện cũng như vai trò của các ngài sẽ là một động lực có đủ sức nâng đỡ dân Chúa trong lúc khó khăn, cả đối với những người chưa thuộc về đoàn chiên duy nhất này, noi gương Chúa Kitô, Đấng đến để phục vụ chứ không phải để phục vụ chứ không phải để được phục vụ.

    b. Các Linh mục.
    Một khi đã đựơc xức dầu thánh hiến, các linh mục lại càng có lý do đặc biệt để đạt đến sự hoàn thiện này, càng trở nên giống Chúa Kitô, Con Người hoàn thiện, linh mục thượng phẩm vĩnh viễn . Được nhìn trong góc cạnh mục vụ, người linh mục trở nên khí cụ sống động của vị Tư Tế muôn đời, là người đại diện cho dân Chúa, người linh mục tham dự vào chức vụ tư tế của Chúa Giêsu cách trọn hảo hơn qua chức thánh. Cũng như mọi kitô hữu, bởi Phép Rửa các ngài đã đón nhận ân sủng của ơn gọi nên thánh để theo đuổi sự hoàn thiện dù bản tính nhân loại yếu hèn. Các ngài luôn cố gắng tiến lên và đạt đến đích của con đường thánh thiện để trở nên ngày càng xứng đáng và thích họp hơn trong việc phục vụ dân Chúa. Nhờ tương quan mật thiết với Chúa Kitô, các ngài được chia sẻ sự thánh thiện của chính Đấng là Tư Tế muôn đời. Ngoài ra các linh mục cần có một nền tảng nhân bản mà xã hội trân trọng. Như lời thánh tông đồ Phaolô trong thư gởi tín hữu Philipphê 4,8 : “Những gì là chân thật cao quý, là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng khen, đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt là khả ái, là thánh thiện, thì xin anh em hãy để ý”. Để xây dựng đời sống thiêng liêng và cho sự thánh thiện của con người linh mục, Công Đồng đưa ra các phương tiện quan trọng khác như sống Lời Chúa, cử hành Thánh Thể, và năng kết hợp với Chúa trong tác vụ mục tử của mình. Ngoài ra, Công Đồng còn đề cập đến thái độ sẵn sàng của các linh mục trong việc thực thi đức ái, trong đức vâng phục … . Cùng với Giám mục các ngài nỗ lực trong công cuộc truyền bá Tin Mừng, duy trì và phát huy sự hiệp nhất để coi sóc, cai quản và dẫn dắt dân Chúa với lòng nhân từ của Đấng Mục Tử: “Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn”.
    Ngày nay hơn bao giờ hết, các linh mục cần nội lực tâm linh để chu toàn sứ vụ, một nội lực được xây dựng trên đời sống cầu nguyện để được thần lực Chúa Kitô tiếp sức.

    c. Các Phó tế.
    Công Đồng không quên nhắc đến chức năng đặc biệt của các phó tế trong Giáo Hội. Các Phó tế được chỉ định bởi các vị có thẩm quyền, qua việc đặt tay của các Giám mục, không phải để tế lễ nhưng để có thể thông chia và mang lấy trách nhiệm phục vụ với các Giám mục và Linh mục đoàn trong lãnh vực phụng vụ, rao giảng Lời Chúa và thực thi bác ái, trong tinh thần siêu thoát, cao thượng với lòng nhân hậu, nhiệt thành của lòng mến thôi thúc. Họ theo chân Chúa và phục vụ Ngài trong mọi người, Đấng đã tự trở nên tôi tớ của mọi người (Thánh Policarp).

    2. Các tu sĩ – Dấu chỉ ngôn sứ qua đời sống thánh hiến
    Công Đồng bày tỏ sự thánh thiện của Giáo Hội cũng như giá trị và tầm quan trọng của những người sống đời sống thánh hiến được biểu lộ theo lời Chúa Giêsu khuyên nhủ. Họ tự buộc mình tuân giữ các lời khuyên của Phúc Âm. Qua đó, người tu sĩ thêm nhiệt tâm yêu mến Thiên Chúa và tôn thờ Người, và là dấu chỉ sống động tiên báo sự vĩnh cửu của nước trời mà chính họ trong tư cách là ngôn sứ của thời đại đang loan báo sự vĩnh cửu ấy. Trong sự tự do của con cái Thiên Chúa, họ từ bỏ mọi sự mà lẽ ra họ có quyền được hưởng trên trần gian, để thoát khỏi những rào cản của sự lo lắng trần tục để hướng tới một đời sống mai hậu vượt trên mọi sự của thế trần. Điều đó cũng đòi hỏi các tu sĩ gắn kết với sự thánh thiện của Giáo Hội trong đơn sơ và khiêm tốn.
    Qua việc tuân giữ các lời khuyên Phúc Âm, tu sĩ thể hiện ước muốn đạt đến đức ái trọn hảo trong Thiên Chúa cùng với tha nhân. Bằng một tình yêu không san sẻ, họ dâng hiến chính mình cho Đấng mà lòng họ yêu mến dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, cùng sự nâng đỡ của hội dòng theo tinh thần của đấng sáng lập. Người tu sĩ làm cho Giáo Hội được phong phú và đáng được chúc phúc theo đặc sủng riêng của ơn gọi. Họ không những không làm khô héo và xa lạ với con người cũng như xã hội, mà còn nhưng một cách thiêng liêng, người tu sĩ xây dựng trần thế bằng sự khiêm tốn, trung kiên trong đời sống dâng hiến và quảng đại phục vụ mọi người qua nhiều hình thức khác nhau theo ơn mình lãnh nhận.
    Vì thế Giáo Hội luôn vui mừng khi có những người nam nữ muốn theo chân Chúa Kitô, Đấng đã tự hủy mình ra không trong thân phận của người tôi tớ. Công Đồng khích lệ người tu sĩ chuyên tâm bền đỗ và tiến bộ trong ơn gọi để sự thánh thiện của Giáo Hội ngày nên phong phú hơn và sự vinh hiển của Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúa Giêsu cầu nguyện cùng Chúa Cha: “Con xin thánh hiến mình con cho Cha, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến,” như vậy người tu sĩ được thánh hiến nhờ sự thánh hiến của Chúa Kitô.

    3. Nên thánh trong đời sống đan tu.
    Trong thế giới hôm nay, nhiều người vẫn còn xa lạ với đời sống đan tu. Mặc dầu mọi ơn gọi luôn khởi đi từ tiếng gọi của Thiên Chúa, nhưng vẫn có những người nam nữ, vì say mê lý tưởng thánh thiện, nhất tâm tìm kiếm và phụng sự một mình Thiên Chúa trong cô tịch, đó họ bước vào cuộc chiến với chính mình. Họ gắn chặt tư tưởng trong Ngài để sau cùng là đạt đến sự trọn hảo của đặc sủng ơn gọi mình. Căn tính của ơn gọi đan tu mời gọi đan sĩ lánh xa thế gian để lui vào thinh lặng, không chỉ hàm ý sự thinh lặng của không gian, nhưng họ đắm chìm trong cô tịch siêu nhiên của nội giới, đan quyện trong kinh nguyện, tụng ca Đấng họ tôn thờ và yêu mến, cùng theo đuổi và tìm kiếm sự bình an. Họ giữ tâm thinh lặng để lắng nghe tiếng Chúa qua việc đọc Lời Chúa, trong Thần Vụ cùng lời giáo huấn trong Đan Viện… Đan sĩ xây dựng và vun trồng các nhân đức. Với sự nâng đỡ của anh chị em, họ chiến đấu chống lại các thế lực vô hình luôn cản lối họ tiến đến đích đã nhắm trước. Họ lánh xa trần thế nhưng sự hiệp thông sâu xa của họ với Giáo Hội luôn làm cho ơn gọi đan tu sinh hoa kết trái và ngày càng nên phong phú hơn trong Giáo Hội. Họ sống ơn gọi Kitô hữu nhờ bí tích thánh tẩy, trong đức tin và đức ái trọn hảo để vững vàng đến với Đấng Thánh mà họ một lòng một ý khao khát kiếm tìm. Thật thế, đan sĩ trút bỏ tất cả để nhẹ nhàng thanh thoát hơn trong cuộc chiến đấu nơi sa mạc này. Cuộc mạo hiểm khó khăn nhất là sự từ bỏ chính mình. Đó là một sự đòi hỏi triệt để hầu có thể sống sự hoán cải tận căn của ơn gọi. Họ cần vượt thoát thử thách trong những khác biệt giữa anh chị em về mọi phương diện, sự đơn điệu thường ngày và xem ra nhàm chán nữa, để chu toàn bổn phận với lòng kính sợ và yêu mến Chúa. Ơn gọi đan tu thật cần thiết và độc đáo trong nhiệm thể Chúa Kitô. Để giữ vững cùng thi hành nhiệm vụ được Giáo Hội uỷ thác, họ ca ngợi, chúc tụng Chúa trong hân hoan. Họ dâng lên Thiên Chúa hoa trái thánh thiện bằng những hy sinh âm thầm nhưng cao quý. Đời sống đan tu luôn hòa điệu với Giáo Hội, đan sĩ họ cưu mang thế giới trong kinh nguyện để giữ và vun trồng tinh thần Kitô giáo nhờ những hy sinh trong âm thầm mà họ luôn đối diện. Không có con đường nào khác ngoài con đường Đức Kitô đã đi, bởi chính Ngài là dùng đích của con đường nên thánh. Chính tình yêu thôi thúc đan sĩ dám buông mình theo ân sủng để sống và làm trọn Thiên Ý, vì Chúa Giêsu đến để làm theo thánh ý của Cha. Vì hoa trái của sự hoàn thiện là làm cho Danh Cha được vinh hiển. Chỉ trong Chúa Kitô, đan sĩ mới sinh hoa trái. Giáo Hội đề cao sự thánh hiến này như một ân huệ lớn lao, diễn tả đức ái như là bằngchứng hùng hồn, cao cả nhưng rất dịu dàng.

    4. Hàng giáo dân - Nên thánh giữa đời.
    Công Đồng còn xác quyết sự dấn thân của nhiều người nam cũng như nữ đã và đang cố gắng sống thánh giữa đời, trong gia đình và ngoài xã hội, để nên như muối men và ánh sáng. Họ là những công dân làm vườn nho cho Chúa, những người thợ vừa khiêm tốn vừa cao cả, vừa yếu đuối vừa can trường. Công Đồng tuyên bố: “Sự thánh thiện của dân Thiên Chúa sẽ sinh hoa trái dồi dào như trong lịch sử Giáo Hội đã từng minh chứng rõ ràng qua đời sống của bao vị thánh”.
    Công Đồng đã làm nổi bật vai trò của tín hữu khi đề cao chức tư tế cộng đồng. Nhờ bí tích thánh tẩy người giáo dân được tháp nhập vào thân cây nho là Đức Kitô và được dự phần trong chức vụ tư tế, vương đế và ngôn sứ của Người. Họ có bổn phận làm cho người khác nhận ra Đức Kitô bằng sự kiên trì và lòng can đảm khi đối phó với những khó khăn của thời hiện tại. Truyền thống của Giáo Hội không bao giờ lãng quên khía cạnh sống động và vai trò chính đáng của người giáo dân Với tư cách là chi thể của Giáo Hội, tín hữu được mời gọi tham dự vào chức vụ của Chúa Kitô làm nên thân mình duy nhất của Người. Như lời thánh Phêrô đã nói: “Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hoàng tộc chuyên lo việc tế tự, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa” (1 Pr 2,9).

    a - Ngôn Sứ tính của dân Thiên Chúa:
    Như khí cụ và phương tiện Thiên Chúa dùng Giáo Hội để thánh hoá và làm cho mọi người nên thánh. Được Chúa Cha tuyển chọn để tiếp nối sứ mạng cứu chuộc của Chúa Kitô, Giáo Hội mang trong mình ơn gọi nên thánh, một sự thánh thiện được khởi đầu từ đức tin và đức ái của dân Chúa để sinh hoa kết trái trong tâm hồn mọi người. Ơn gọi này biểu lộ qua đời sống thường ngày của tín hữu. Để chứng tỏ mình là con cái Thiên Chúa, họ không ngừng canh tân bản thân và chống lại sự dữ (x. Ep 6, 12). Họ công bố nước Thiên Chúa bằng chứng tá đời sống của mình. Họ làm chứng cho nhau và loan truyền cho thế giới về Chúa Kitô, Con Thiên Chúa nhập thể trong xác phàm, đã sống và chết như chúng ta. Họ giúp nhau tìm thấy ơn gọi của mình trong đời sống thường ngày. Bởi thế, Kitô hữu có vai trò rất cao trọng trong bậc sống gia đình nhờ được thánh hoá bởi giao ước trong bí tích hôn nhân. Họ cộng tác trong công việc hoạt động tông đồ, tham gia vào việc mở mang Nước Chúa, để làm chứng cho thế gian về việc Chúa Kitô sẽ trở lại trong vinh quang.

    b - Tư tế tính của Dân Thiên Chúa:
    Thánh Phêrô nói: “… Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng, và hãy để Người đặt anh em làm tư tế thánh, dâng những của lễ thiêng liêng đẹp lòng Người nhờ Đức Kitô”. Qua bí tích rửa tội, tín hữu được chia sẻ chức tư tế với Đức Kitô, để họ trở thành những tư tế trong Ngài. Nhờ đó, họ có khả năng dâng của lễ của chính mình kết hợp với hy lễ của Ngài và nhờ hy lễ ấy mà hy lễ của chúng ta được thánh hoá. Vì thế mọi Kitô hữu đều có khả năng hiến dâng ở bất cứ nơi nào và bất cứ sự gì thuộc về mình: “Con dâng tinh thần, thể xác, sự lao nhọc, công việc, người thân …” Do đó, không phải ai khác dâng thay cho họ nhưng chính họ cùng toàn thể Giáo Hội hiệp thông với Chúa Giêsu dâng về Cha để thờ phượng Người. Vì thế, trong phụng vụ, tín hữu dâng về Chúa Cha nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần, Đấng đã được ban tặng cho họ để thánh hóa họ thành dân riêng của Thiên Chúa. Trong Kinh Nguyện Thánh Thể, Giáo Hội cầu xin Chúa Thánh Thần đến “thánh hóa của lễ này để trở nên Mình và Máu Chúa làm lễ dâng…” Chính Thánh Thần thánh hóa lễ dâng, thánh hóa người dâng và làm cho lễ dâng trở thành của lễ đẹp lòng Cha. Trong thánh lễ, linh mục là tư tế, nhưng hằng ngày tín hữu là tư tế để dâng những gì họ làm và những gì họ có cho Thiên Chúa.
    Là những người con đã được tái sinh nhờ bí tích thánh tẩy, họ được quyền dự phần vào chức tư tế cộng đồng để danh Chúa được tôn vinh ngay trong đời sống thường ngày. Họ được thánh hiến trong Chúa Kitô, cùng tham dự vào các nhiệm vụ khác nhau trong dân thánh, được mời gọi để ơn Chúa Thánh Thần sinh hiệu quả nơi họ, được ngày càng phong phú hơn nếu họ kiên trì đón nhận và thánh hoá cuộc sống thường nhật qua những khó khăn của nó. Tất cả đều được trở nên hiến lễ cùng với hiến tế trên bàn thơ,ø họ làm đẹp lòng Thiên Chúa. Qua mọi hoạt động và kinh nguyện thường ngày, cũng như công việc tông đồ trong đời sống gia đình, Kitô hữu đã thánh hoá thế gian rồi.
    c - Tính vương đế của dân Thiên Chúa:
    Là Vua các vua, Chúa các chúa, Đức Kitô đã tự hạ trong vâng phục cho đến chết. Chính vì thế Người được Thiên Chúa tôn vinh. Trong Đức Kitô người tín hữu được tham dự vào chức vụ vương đế của Người, để chiến thắng quyền thống trị của sự tội trong chính bản thân mình và theo đuổi sự thánh thiện trọn hảo. Tín hữu được kêu gọi để phục vụ và làm lan rộng Nước Chúa, nước của chân lý và sự sống, của ân sủng và thánh thiện, của công lý, tình yêu và hòa bình.
    Công Đồng nhắc lại nhiệm vụ phổ quát của Kitô hữu trong cuộc sống trần thế. Với quyền lợi và nghĩa vụ, họ đem hết khả năng làm cho thế giới nhận ra Đức Kitô và hạt giống Lời Ngài, cùng giúp tha nhân sống tinh thần Kitô Giáo mỗi ngày một hơn.

    IV. Giá trị chứng tá của ơn gọi nên thánh.
    Nên thánh không có nghĩa là sống phản lại sự tiến triển cơ bản của nhân loại, mà cũng có nghĩa là được miễn trừ những gì là tự nhiên của con người. Là người giữa bao người, nhưng họ vẫn có nét đặc thù riêng biệt trong lúc tìm cách phát triển và lớn lên theo khuôn khổ và cảm nghiệm của cuộc chiến trong kiếp sống này.

    1/ Giáo dân.
    Dưới lăng kính riêng của mình, chắc chắn mỗi người sẽ tìm thấy vẻ đa dạng của con đường nên thánh mà Thiên Chúa mời gọi: “Các anh hãy ra ngã ba, ngã tư đường gặp ai bất luận lớn bé, đều mời họ vào”. Trong một Giáo Hội đang mở ra với tầm phóng của thế giới, con người ngày càng cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa (Fatima 13/7/1917). Công Đồng Vaticanô II trình bày vai trò người giáo dân giữa trần thế như Men trong bột, như Muối giữa lòng đời. Công Đồng nhấn mạnh rằng: “… Với tư cách là chi thể sống động, họ đem hết sức mình đã lãnh nhận do ơn thánh của Đấng tạo hóa và ân sủng của Đấng cứu chuộc để làm cho Giáo Hội được lớn mạnh và được thánh hóa không ngừng”. Thực tế cho thấy thời hậu Công Đồng, nhiều phong trào tông đồ giáo dân nở rộ khắp nơi. Đây là điều mà Công Đồng nhấn mạnh trong sắc lệnh Apostolicam Actuositatem. Ngày nay Giáo Hội trở nên môi trường thuận lợi cho người giáo dân trong căn tính và vai trò của mình là xây dựng và bảo vệ xã hội trần thế trong viễn tượng cánh chung.
    * Tháng 11/2004 nhân kỷ niệm 100 năm thành lập hội Unitalci, Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã khuyến khích các thành viên của hội như sau: “Anh chị em thi hành một công tác phục vụ khiêm tốn và âm thầm, anh chị em hãy trở thành chứng nhân tình thương của Thiên Chúa, hãy trở thành cung thánh, thành bàn thờ sống động của Thiên Chúa được nuôi dưỡng bằng kinh nghiệm bản thân và công tác phục vụ của hội Unitalci qua việc lắng nghe Lời Chúa và cầu nguyện, siêng năng lãnh nhận các bí tích và không ngừng tìm kiếm thánh ý Chúa.” Trích dẫn theo đài Vatican ngày 3/3/2011.
    Không phân biệt là tu sĩ, giáo dân hay giáo sĩ, tất cả đều là chứng nhân cho tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa trong mọi thời đại. Bởi đó, Công Đồng như mời gọi các tín hữu hãy thánh hiến các thực tại trần thế, yêu Chúa mà không thắc mắc đòi hỏi gì và hoàn toàn tín thác nơi tình yêu và thánh ý Ngài.

    2/ Tu sĩ.
    Để nói lên giá trị của tu sĩ, Công Đồng xác định giá trị của việc tuân giữ các lời khuyên Phúc Âm, vì họ nói lên ước nguyện dâng hiến cho Thiên Chúa tất cả những gì họ là và những gì họ có, để chỉ phụng sự và làm vinh danh Người với tất cả sự quảng đại của tình yêu.
    Như mối dây liên kết trong tình yêu, họ kết duyên với Đấng hôn phu và tuân giữ những cam kết của đời sống tận hiến, nhưng đồng thời họ cũng rất gần gũi với tha nhân và hữu ích cho xã hội khi sự hiện diện và công việc của họ được đặt nền móng trên tình yêu của Đấng Thánh.
    Tuy nhiên trong ánh mắt của người đời, mặc dù tu sĩ luôn được người đời tôn trọng, nhưng bậc sống này vẫn là là một câu hỏi cho nhiều người. Qua việc tuân giữ các lời khuyên Phúc Âm, tu sĩ làm vinh danh Chúa bằng cả cuộc sống và dấn thân vì Tin Mừng. Họ vui lòng đáp ứng những đòi hỏi của đời sống thánh hiến vì tình yêu Chúa và vì tin rằng phần thưởng lớn lao đã được dành sẵn cho họ ở trên trời.

    3/ Giáo sĩ.
    Xuyên qua mọi thời, hàng giáo sĩ vẫn mang một giá trị không thể thay đổi, vì Đức Kitô hôm qua cũng như hôm nay và như vậy mãi đến muôn đời. Tuy nhiên có những cuộc khủng hoảng đáng kể xảy ra trong Giáo Hội khiến cho dư luận xã hội nghi ngờ sự thánh thiện của dân thánh. Thế nhưng, Giáo Hội vẫn xác tín rằng họ được chính Chúa Giêsu kêu gọi để ở với Ngài và để được sai đi. Vì thế, ngay từ thời các tông đồ, việc kêu gọi và sai đi luôn mang một giá trị cao cả và bất biến, để phục vụ và làm phát triển dân Chúa trong nhiệm cục cứu độ.

    V. Kết Luận.
    Phương thế nên thánh không phải là gánh nặng, nhưng giúp mọi người vác lấy gánh nặng của cuộc sống. Hãy tin tưởng và mạnh dạn đặt trọn niềm hy vọng vào sự hướng dẫn đầy khôn ngoan của Chúa Thánh Thần, để tất cả đều tiến theo con đường tốt đẹp nhất, cho dầu nẻo đường ấy có thể không phù hợp với những tính toán nhân loại và giới hạn của con người.
    Phụng vụ Chúa Nhật thứ VII mùa Thường Niên nói về thánh ý Thiên Chúa được thể hiện trong đời sống con người như sau: “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh”. Bằng những lời này cũng như những giáo huấn theo sau, Thiên Chúa mời gọi dân tộc được Ngài chọn thể hiện lòng trung thành với giao ước Ngài đã thiết lập trên hành trình của cuộc đời, đồng thời đặt giới răn trên luật lệ xã hội: “Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình”. Nơi Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm để trở nên người thân cận với con người, và tỏ lộ tình yêu vô tận cho con người, nếu con người lắng nghe lời dạy của Chúa Giêsu, con người lại tìm thấy lời mời gọi trên đây với cùng một mức độ mãnh liệt và táo bạo.
    Ai có thể nên hoàn thiện? Sự hoàn thiện của con người là sống khiêm nhường như con cái Thiên Chúa và thi hành thánh ý của Người cách cụ thể. Thánh Syprianô đã từng viết: “Cách hành xử của con cái Thiên Chúa phải tương hợp với tình phụ tử của Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa được tôn vinh và ca tụng từ những việc tốt lành của con người, như thế con người có thể trở nên hoàn thiện khi sống tròn đầy, khi sống đúng cương vị làm con cái Thiên Chúa. Ngoài ra con người còn có một mẫu gương cụ thể của người làm con Thiên Chúa”.
    Đức Thánh Cha Bênêdictô cũngminh họa: “Chúng ta bắt chước Chúa Giêsu như thế nào? Hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những người ngược đãi anh em, như vậy anh em mới trở nên con cái của Cha anh em Đấng ngự trên trời. Ai đón nhận Thiên Chúa trong đời sống mình và yêu mến Người hết lòng, người ấy có khả năng bắt đầu một chặng đường mới, có thể chu toàn thánh ý Thiên Chúa, hầu hiện thực hóa một hiện hữu mới, được nuôi sống bởi tình yêu và hướng đến một tình yêu và hướng đến sự vĩnh cửu. Thánh Phaolô tông đồ nói: “Nào anh em chẳng biết rằng, anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần của Thiên Chúa ngự trong anh em sao”. Nếu chúng ta thực sự ý thức được thực tế này và đời sống chúng ta được xây dựng vững chắc trên ấy, khi đó chứng tá của chứng ta trở nên rạng ngời, hùng hồn và hữu hiệu. Phêrô, người môn đệ đầu tiên đã được Chúa Kitô trao cho trách vụ thầy dạy và mục tử để hướng dẫn dân riêng của Chúa tiến về quê trời” (Trích dẫn huấn từ của Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI - Đài Vaticanô 21/2/2011).
    Ơn thánh không thay thế cho sự thánh thiện của con người, nhưng giúp con người kiện toàn trong Chân Lý. Sự thánh thiện là nền tảng thiết yếu không thể thay thế trong việc chu toàn sứ vụ cứu độ của Giáo Hội. Sự thánh thiện là mở lòng cho tình yêu của Thiên Chúa và không có gì khác hơn là kết hiệp với Người trong cuộc hành trình trở về của thụ tạo với Đấng Chí Thánh. Nó được tỏ lộ bằng nhiều phương cách, nhưng tất cả đều mang một đặc tính chung là vì Chúa Giêsu, mọi Kitô hữu đều được mời gọi để noi gương Người, đó là một hạnh phúc mà con người không thể hiểu được.

    SÁCH THAM KHẢO.
    Kinh Thánh trọn bộ. Nhóm PVCGK. Nhà Xuất Bản Thành Phố Hồ Chí Minh. 1998.
    Công Đồng Vaticanô II. Phân Khoa Thần Học Giáo Hoàng học viện thánh Piô X. 1972.
    Sống đời sống kitô giáo. Lm. Gioan Trần Khả.
    Sách Lễ Rôma.
    Tông Huấn Kitô Giáo. ĐGH Gioan Phaolô II
    Nụ Cười của người nghèo. J. L. GONZALEZ – BALADO
    Tu Luật Thánh Biển Đức.


    Nữ Biển Đức
    Chữ ký của kemlanh
    Xin cùng con đi Chúa ơi !

  2. Được cám ơn bởi:


+ Trả lời chủ đề + Gửi chủ đề mới

Quyền hạn của bạn

  • Bạn không được gửi bài mới
  • Bạn không được gửi bài trả lời
  • Bạn không được gửi kèm file
  • Bạn không được sửa bài

Diễn Đàn Thánh Ca Việt Nam - Email: ThanhCaVN@yahoo.com