Chúa Nhật XXIII Thường Niên A
Sửa lỗi trong tinh thần đệ huynh
Ed 33,7-9 ; Rm 13,8-10 ; Mt 18,15-17


«Nhân vô thập toàn»,


------------Trong kiếp nhân sinh, ai cũng có những thiếu sót và lầm lỗi, mà tôi và bạn đã có những kinh nghiệm từ chính bản thân mình trong cuộc sống.Nhưng mỗi người theo thánh ý của Chúa Giêsu, được mời gọi vượt lên trên, chữa lành những khiếm khuyết bất toàn, lầm lỗi, để trở «nên hoàn thiện, như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện» (Mt 5, 48). Vì thế, mỗi người luôn sửa lỗi và cần được sửa lỗi. Chúa Giêsu trong Tin Mừng Mt 18,15-17, đã dạy cho chúng ta bài học sửa trị trong tình huynh đệ xuất phát từ đức ái tuyệt hảo mà Đức Chúa Giêsu đã dạy : “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mc 12, 31) trong luật mến Chúa yêu người, mà mỗi chúng ta đã được gieo vào trong tâm hồn khi mới có trí khôn.Thánh Phaolô đã dẫn chúng ta đến cùng điểm yêu thương khi mời sống cụ thể: "Anh em hãy mặc lấy áo của sự thành thật, thông cảm, nhân hậu... khiêm nhượng, hiền lành, kiên nhẫn. Chịu đựng lẫn nhau, tha thứ cho nhau... Trên hết mọi sự, anh em hãy mặc lấy tình yêu" (Col 3,12-14).

------------Chính trong tâm tình đó Chúa Kitô hiện diện trong mọi người : “Đâu có tình yêu thương, ở đó có Đức Chúa Trời” như trong thư gửi cho giáo đoàn Colôsê thánh Phaolô đã khẳng định : "Ngài đã làm cho chúng ta được sống với Ngài" (Col 2, 13).

------------Vì thế, Ki-tô hữu – người sống và kế thừa tinh thần yêu thương khi sửa lỗi anh em lấy tâm tình đức ái giúp người anh em hướng thiện. Cho nên, sửa lỗi trong tinh thần Tin Mừng không có nghĩa là “bới lông tìm vết, vạch lá tìm sâu”, hay chia bè phái, chia rẽ bên ta tốt, bên kia xấu, làm khổ người lỗi phạm vì chúng ta mang tư tưởng nhị nguyên trong các mỗi quan hệ : “chúng ta là người tốt còn người phạm lỗi là phế liệu, là đồi trụy và ngụy phản”, để rồi quan hệ nhân văn với anh em như Triết gia người Pháp J.P.Sartre quan niệm : “tha nhân là hỏa ngục” hay như người La mã cổ có nhận xét : “tha nhân là chó sói”. Cho nên, bạn hữu của Chúa Kitô mang tâm tình như Phaolô chia sẻ : đức bác ái và tình yêu thương đối với người phạm lỗi khi ta thấy và sửa lỗi người anh em. Việc sửa lỗi, giúp nhau trở lên tốt hơn, tiến bộ hơn, cùng nhau nên thánh, hoàn thiện như Cha ở trên Trời, đó chính là món nợ tương thân tương ái mà Thánh Phaolô đã nhấn mạnh (x. Rm 13, 8).

------------Người anh em lầm lỗi không hẳn thuộc hạng người không đáng đươc ta tin tưởng, cũng chưa hẳn vì họ xấu về mặt luôn lý hay đạo đức, có thể do những nguyên nhân đưa đẩy họ đến lầm lỗi hay có những căng thẳng, khổ đau làm cho họ kiệt quệ về tinh thần, bào mòn ý chí, làm mất ý chí và làm tổn thương trí nhớ. Tất cả đưa đến những hành động lầm lỡ như tâm sự của Hyler Bracey và các bạn hữu thổ lộ qua “ Lời từ trái tim ” :

Xin hãy nghe và hiểu cho tôi
Dù người chẳng bằng lòng.
Xin đừng làm cho tôi thất vọng,
Xin người hãy nhìn trong sâu thẳm,
Để nhận ra sự cao cả của tôi
Nhớ tìm thấy những yêu thương ấp ủ của tôi (*)

------------Cần lắng nghe, cảm thông và tìm ra những “ma đồ trận “ đã lừa anh em lạc lối, để chúng ta dẫn đưa họ về với chính lộ. Cho nên trong sửa lỗi anh em, chúng ta cần có thái độ lắng nghe, tìm hiểu, tìm kiếm những tin tức liên quan đến người mà ta có bổn phận sửa lỗi. Dù sự việc thế nào chăng nữa, người lầm lỗi vẫn luôn được chúng ta kính trọng, vì họ là người, hơn nữa trong Chúa Ki tô là anh em với chúng ta. Họ luôn cần được nâng đỡ, để nhận ra sự lỗi lầm và trở về. Nhu cầu được nâng đỡ như tâm tình của Emily Dickinson nói thay cho những người lỗi lầm:

Hãy giúp chú chim nhỏ
Tìm về mái tổ ấm,
Hãy xoa dịu những vết thương
Làm nguôi những lỗi đau của mỗi người
Để cuộc sống không bao giờ là vô ích (*)

------------Vâng, việc sửa lỗi cho nhau dựa trên tình yêu và lời của Chúa: ” Anh em phải tha thứ cho nhau đến bảy mươi lần bảy “, nghĩa là cảm thông mãi mãi và tha thứ không ngừng. .

------------Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã đưa ra tiến trình sư phạm tiệm tiến sửa lỗi cho anh em mình :
  • ------------ Một mình mình với người anh em có lỗi: «Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi». Sự tế nhị kín đáo gìn giữ danh dự cho anh em là bổn phận đức ái Ki tô.
  • ------------Nhưng nếu sự tế nhị ta dành cho anh em bị khinh thường, chúng ta dùng biện pháp mạnh hơn bằng việc nhờ sự đóng góp sửa chữa nơi những anh em khác có uy tín như Chúa Giêsu đã nhấn mạnh : :«Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân». Nếu lòng nhân ái của chúng ta một lần nữa bị trà đạp, thì chúng ta nại đến Giáo Hội can thiệp như Chúa Giêsu nói : «Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh».
  • ------------Nhưng nếu tất cả biện pháp đều thất bại thì : “ Không nên lấy của Thánh mà đem cho chó ” hoặc “ Ngọc ném cho heo dẫm lên”, do sự cố chấp không muốn trở về chính lộ của người lỗi lầm. Đức Giêsu dứt khoát khép lại lộ trình sửa chữa : «Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế», vì họ tự cắt đứt nguồn tình yêu bao dung đến từ Thiên Chúa qua anh em, tách mình ra khỏi cộng đoàn yêu thương, cộng đoàn tiến về sự hoàn thiện như Cha trên trời.

------------Tiến trình sửa sai huynh đệ mang tinh thần bao dung thương xót của tình yêu, nhưng công minh thẳng thắn với kẻ cố chấp từ chối lòng nhân ái, bao dung của anh em .Trước bài học sửa sai huynh đệ mà Chúa dạy, chúng ta cùng rút tỉa cho cuộc sống mình :
  • ------------Trong tư cách là người phạm lỗi : “Đừng nói : “Tôi tự nhiên như vậy. Sửa sao được”, đó là những khuyết điểm con phải “nên người”, “nên con Chúa”. Những tính ấy bất xứng với con” (Đức H.Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận, Đường Hy Vọng). Vâng, chân thành đón nhận và sửa chữa theo những chỉ bảo của anh em, của các vị trách nhiệm cộng đoàn để sự khiếm khuyết của mình được lấp đầy bằng tình yêu của Thiên Chúa qua anh em. Khi nhận ra lỗi lầm do sự góp ý của anh em và sửa chữa, chúng ta có phúc: phúc vì biết hướng thượng, tham dự vào sự hoàn thiện của Cha trên trời, phúc vì được tắm gội trong tình yêu bao dung của Thiên Chúa. Nếu không đón nhận sự chân thành sửa chữa của anh em, chúng ta sẽ đối diện với cái họa : họa vì chối bỏ tình thương của Thiên Chúa, họa do mình tự tách biệt, cách đứt nguồn suối ân sủng trong Giáo hội.
  • ------------Trong bổn phận trách nhiệm giúp anh em sửa lỗi, tôi và bạn luôn mang tình yêu, mặc lấy lòng bao dung, đó là tiếng nói cảnh tỉnh giúp người anh em nhận ra lầm lỗi để sửa chữa, đó là nâng đỡ tình bác ái như Đức H.Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận dạy : “cuộc sống huynh đệ thử thách và nâng đỡ tình bác ái, cây trên rừng che đỡ nhau lúc gió bão: (Đường Hy Vọng ).

------------Lạy Chúa, Xin cho con được luôn biết mở lòng trước những lời chỉ dạy của anh em…

------------Xin cho con được lòng đầy bao dung yêu thương, cất tiếng nói chân lý để bổ khuyết những thiếu sót, sửa chữa những lầm lỗi trong tha nhân.

Lm. Vinh Sơn, Saigòn 06/09/2008
(*) Jack Canfield, Những câu chuyện tuyệt vời trong cuộc sống