Love Telling ThanhCaVN nhắn với Gia đình TCVN và Quý Khách: BQT-TCVN xin cáo lỗi cùng ACE vì trục trặc kỹ thuật 2 ngày vừa rồi. Trân trọng! Loan Pham nhắn với Gia Đình TCVN: Kính chúc quý Cha, quý tu sĩ nam nữ và toàn thể quý anh chị em một Giáng Sinh ấm áp bên gia đình, người thân và tràn đầy ơn lành từ Chúa Hài Đồng. ThanhCaVN nhắn với TCVN: Nhân dịp Sinh Nhật lần thứ 16 Website, BQT-TCVN kính chúc Quý Cha, Quý Tu sỹ Nam Nữ, Quý Nhạc sỹ - Ca Trưởng – Ca sỹ, Quý Ân Nhân và toàn thể ACE luôn tràn đầy HỒNG ÂN CHÚA. Edit LM Loan Pham nhắn với TCVN: Kính Chúc Cà Nhà Một Tam Nhật Thánh và Một Mùa Phục Sinh Tràn Đầy Thánh Đức ... Loan Pham nhắn với TCVN: Chúc mừng năm mới đến quý Cha, quý tu sĩ nam nữ cùng toàn thể quý anh chị em tron gia đình TCVN thân yêu... Xin Chúa xuân ban nhiều hồng ân đến mọi người. Amen ThanhCaVN nhắn với ÔB & ACE: Kính chúc Năm Mới Quý Mão: Luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa ThanhCaVN nhắn với Gia đình TCVN: Kính chúc Giáng Sinh & Năm Mới 2023: An Bình & luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa. bethichconlua nhắn với Gia Đình ThanhCaVietNam: Chúc mừng sinh nhật thứ 15 website ThanhCaVietNam. Kính chúc quý Cha, quý tu sĩ nam nữ cùng toàn thể anh chị em luôn tràn đầy ơn Chúa. Amen ThanhCaVN nhắn với Quý ACE: Nhân dịp Sinh Nhật lần thứ 15 Website, BQT-TCVN kính chúc Quý Cha, Quý Tu sỹ Nam Nữ, Quý Nhạc sỹ - Ca Trưởng – Ca sỹ, Quý Ân Nhân và toàn thể ACE luôn tràn đầy HỒNG ÂN CHÚA. phale nhắn với cecilialmr: Nhớ em nhiều lắm ! cầu mong nơi ấy được bình yên. phale nhắn với thiên thần bóng tối: Nhớ em nhiều lắm ! cầu mong nơi ấy được bình yên. phale nhắn với teenvnlabido: Ngày mai (1/6) sinh nhật của bạn teen / chúc mọi điều tốt lành trong tuổi mới. phale nhắn với tất cả: Xin Chúa cho dịch bệnh sớm qua đi và ban bình an cho những người thành tâm cầu xin Ngài. ThanhCaVN nhắn với ACE: Kính chúc ACE: Giáng Sinh & Năm Mới 2021 - An Bình & luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa

+ Trả lời chủ đề + Gửi chủ đề mới
kết quả từ 1 tới 1 trên 1

Chủ đề: "Tiếng nói" và những khoảng thinh lặng trong Phụng vụ

  1. #1
    agapaw's Avatar

    Tham gia ngày: May 2012
    Tên Thánh: Piô
    Giới tính: Nam
    Đến từ: HCM city
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 71
    Cám ơn
    60
    Được cám ơn 169 lần trong 59 bài viết

    Default "Tiếng nói" và những khoảng thinh lặng trong Phụng vụ

    "TIẾNG NÓI" VÀ NHỮNG KHOẢNG THINH LẶNG TRONG PHỤNG VỤ

    Piô Phan Văn Tình, CMS.

    Dẫn nhập

    Hình thức phụng vụ diễn ra trong những "tiếng nói" và một vài khoảng thinh lặng được chèn vào. Hình thức mà "tiếng nói" chuyển tải là cả một nội dung của tiến trình mạc khải mà Thiên Chúa trao ban cho con người. Và vì đây là tiến trình mạc khải của Thiên Chúa, những mầu nhiệm được trao ban cho con người trong mối tương quan hỗ tương, nghĩa là một lời mời gọi cần một lời đáp trả, do đó ở giữa những "tiếng nói" là những khoảng lặng khách quan để con người và Thiên Chúa gặp nhau, nghe và nhìn từ sâu thẳm. Vậy đâu là ý nghĩa và vai trò thực sự của "tiếng nói" và những khoảng lặng trong phụng vụ?
    1. Ý nghĩa và vai trò của "tiếng nói"
    "Thánh Lễ gồm hai phần: phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể; cả hai phần liên kết chặt chẽ với nhau đến nỗi làm nên một hành vi phụng tự duy nhất. Quả thật trong Thánh Lễ có dọn sẵn bàn tiệc Lời Chúa và Mình Thánh Chúa, để các tín hữu được giáo huấn và bổ dưỡng. Lại có những nghi thức mở đầu và kết thúc việc cử hành". "Tiếng nói" chứa đựng mầu nhiệm thánh nơi hai bàn tiệc thánh: Lời Chúa và Thánh Thể. "Tiếng nói" cũng là mầu nhiệm của việc đáp trả mà dưới tác động của Chúa Thánh Thần, con người được phúc diện đối diện với Thiên Chúa: lời con người đáp lại Lời Thiên Chúa. Cho nên, trong phụng vụ, "tiếng nói" đóng một vai trò chính yếu.
    Trước tiên hình thức cầu nguyện mang tính tư tế, trong đó linh mục, nhân danh toàn thể cộng đoàn, nói với Chúa Cha qua Đức Kitô, trong Chúa Thánh Thần. Sau đó có nhiều hình thức khác nhau: các bài đọc, Tin Mừng, bài giảng. "Khi vị tư tế, người giúp lễ hay mọi người phải đọc các bản văn cách rõ ràng và lớn tiếng, thì phải liệu sao cho giọng nói phù hợp với từng loại bản văn, tùy như đó là bài đọc, lời nguyện, lời nhắn nhủ, lời tung hô hay bài hát, đồng thời cũng phải phù hợp với hình thức cử hành và tính cách long trọng của buổi lễ. Ngoài ra, còn phải để ý đến tính chất của các ngôn ngữ khác nhau và cách cảm nghĩ của mỗi dân tộc. Vậy trong các nghi tiết và các quy tắc sau đây, các từ "nói" hay "đọc" phải hiểu cả về hát lẫn đọc, miễn là giữ các nguyên tắc nêu trên". Kế đến là việc đáp trả lại Lời, qua đó cộng đoàn nhận lấy và chấp nhận Lời. Bố cục của Lời và sự đáp trả thuộc về bản chất của phụng vụ. Bố cục này lấy theo mẫu bố cục cơ bản của tiến trình Thiên Chúa mạc khải, trong đó Lời và sự đáp trả, lời nói của Thiên Chúa và sự đón nghe của Hiền Thê là Hội Thánh đi chung với nhau.
    Trong phụng vụ, lời đáp trả mang nhiều hình thức khác nhau. Chẳng hạn có công bố ("nói to lên"), vốn mang tầm quan trọng trong thế giới luật lệ cổ xưa. Lời tung hô đáp trả xác định việc đến của Lời và làm cho tiến trình mạc khải (việc Thiên Chúa trao ban chính mình trong Lời) hoàn tất.
    Amen, alleluia và Et cum spiritu tuo...tất cả đều là phần tử của tiến trình mạc khải. Một trong những kết quả quan trọng của việc đổi mới phụng vụ là dân Chúa thực sự đáp trả trong việc tung hô chứ không để dành cho một người đại diện, người giúp lễ như ngày xưa nữa. Đó là cách duy nhất để bố cục đích thực của phụng vụ có thể được phục hồi. Một bố cục làm cụ thể hóa cấu trúc cơ bản của hành động thần linh trong việc thờ phượng. Thiên Chúa, Đấng mạc khải, không muốn ở lại như solus Deus, solus Christus. Người đã muốn tạo dựng một Thân xác cho Người, muốn tìm một Hiền Thê, Người tìm một sự đáp trả. Thực ra, Lời đã đi trước Hiền Thê. Cùng với lời tung hô là những hình thức khác thích hợp để chiêm niệm về Lời, đặc biệt trong việc hát Thánh Vịnh, cũng như thánh thi và những bài đáp ca, thánh ca...
    "Các bài đọc lấy từ Thánh Kinh, cùng với các bài hát xen giữa, tạo nên phần chính của phụng vụ Lời Chúa; còn bài diễn giảng, kinh Tin Kính và lời nguyện cho mọi người, cũng gọi là lời nguyện tín hữu, khai triển và kết thúc phần này. Qua các bài đọc, được bài diễn giảng giải thích, Thiên Chúa nói với dân Ngài, Ngài mạc khải mầu nhiệm cứu chuộc và ơn cứu độ, đồng thời cung cấp lương thực thiêng liêng; chính Ðức Kitô dùng lời của mình mà hiện diện giữa các tín hữu".
    Lời Đức Kitô đạt tới đỉnh cao khi Người trao ban chính mình qua lời công bố truyền phép của linh mục. Ngang qua lời này cả Ba Ngôi Thiên Chúa đồng hiện diện cho cả cộng đoàn được chiêm ngưỡng như Lời Đức Kitô hứa: "ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha" (Ga14,9). Như vậy là mọi "tiếng nói": lời đọc, lời hát, lời đáp, lời mời gọi, lời cầu nguyện trong phụng vụ thánh lễ đều có trung tâm điểm là Đức Kitô trong Chúa Thánh Thần, đến cùng Chúa Cha nhằm đem lại ơn cứu độ cho con người.
    Ở đây cũng cần nhắc đến "bài ca mới", bài ca cao cả, Hội thánh hát lên khi Hội thánh đi tới âm nhạc của Trời mới Đất mới. Điều này giải thích tại sao, để thêm vào việc hát cộng đoàn, phụng vụ Kitô giáo, bởi chính bản chất của phụng vụ, tìm thấy chỗ thích hợp cho ca đoàn và cho nhạc khí. Cho nên, việc hát tập thể không phải để tranh tài, phô diễn. Dĩ nhiên, luôn luôn có sự khác biệt nơi này nơi kia nhưng như một toàn thể, Hội thánh cố gắng làm hết mình vì Chúa. Vì từ chính bản chất của phụng vụ đã sinh ra một nền văn hóa và nền văn hóa này trở nên tiêu chuẩn cho mọi nền văn hóa đời, do sự cần thiết nội tại.
    Chung quy, Có thể nói "Thánh Lễ gồm hai phần: phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể; cả hai phần liên kết chặt chẽ với nhau đến nỗi làm nên một hành vi phụng tự duy nhất. Quả thật trong Thánh Lễ có dọn sẵn bàn tiệc Lời Chúa và Mình Thánh Chúa, để các tín hữu được giáo huấn và bổ dưỡng. Lại có những nghi thức mở đầu và kết thúc việc cử hành". Do đó, tất cả những "tiếng nói" được công bố lên trong phụng vụ đều quy về mầu nhiệm Đức Kitô, một Đức Kitô tử nạn và phục sinh. Cho nên "tiếng nói" là mầu nhiệm cao cả mà người này được phúc công bố, kẻ kia được phúc lắng nghe và đón nhận một cách sống động. Để rồi các tín hữu cùng với vị chủ tế hiệp thông với nhau và với mầu nhiệm được công bố hầu sinh hoa trái cho chính mình cùng toàn thể Hội thánh. Mặc dù ý nghĩa của "tiếng nói" trong phụng vụ mang tính quyết định làm nên nội dung phụng vụ nhưng cũng cần có những khoảng thinh lặng để mầu nhiệm Đức Kitô vọng lại trong trái tim con người.
    2. Ý nghĩa và vai trò của thinh lặng
    Thinh lặng là một phần của phụng vụ. Bằng cách ca hát và cầu nguyện, con người đáp lại Thiên Chúa, Đấng đang nói với họ. Nhưng mầu nhiệm càng cao cả, càng vượt trên mọi từ ngữ, càng mời gọi con người thinh lặng. Dĩ nhiên, sự thing lặng phải có nội dung. Thinh lặng không phải là sự vắng mặt của ngôn từ và hành động. Thinh lặng đúng nghĩa trong phụng vụ là sự thinh lặng tích cực. Sự thinh lặng này sẽ mang về một sự phục hồi con người. Sự thinh lặng như thế không đơn thuần chỉ là lúc tạm ngừng để rồi hàng ngàn tư tưởng và ước muốn tấn công con người, nhưng lúc ngừng lại là thời gian hồi tâm cho con người sự bình an nội tại, cho con người lấy hơi và tái khám phá điều cần thiết duy nhất mà họ đã quên. Đó là lý do tại sao thinh lặng không đơn giản chỉ là "làm ra", được tổ chức như thể thinh lặng là một hoạt động giữa nhiều hoạt động. Trong tất cả mọi nơi, không phải chuyện tình cờ mà người ta đang tìm kiếm những kỹ thuật để chiêm niệm, một linh đạo làm trống rỗng tâm trí. Một trong những nhu cầu sâu xa nhất của con người là cảm nhận được sự hiện diện, một nhu cầu được biểu hiện trong hình thức hiện tại của phụng vụ chứ không phải hữu thể gặp gỡ.
    Để thinh lặng đem lại kết quả, thinh lặng không phải là một điểm dừng trong hành động phụng vụ. "Sự thinh lặng thánh, kể như thành phần của việc cử hành Thánh Lễ, cũng phải được tuân giữ đúng lúc. Bản chất của sự thinh lặng tùy thuộc vào lúc phải giữ trong Thánh Lễ. Thật vậy, trong nghi thức sám hối và sau lời mời cầu nguyện, mỗi người hồi tâm lại; sau bài đọc và bài diễn giảng, mỗi người suy gẫm vắn tắt về những gì đã nghe; còn sau khi hiệp lễ thì ca ngợi và cầu xin Chúa trong lòng. Trước khi cử hành, rất nên giữ thinh lặng trong thánh đường, trong phòng thánh và những nơi kế cận để mọi người dọn mình cách sốt sắng tham dự các lễ nghi thánh".
    Khoảng lặng ngắn chuẩn bị trước khi công bố Tin Mừng. Linh mục cầu nguyện với sự hồi tâm và tôn kính thực sự, ý thức nhiệm vụ của ngài để công bố Lời Chúa cách chính xác và cũng ý thức nhu cầu đòi hỏi phải thanh luyện môi miệng và tâm hồn. Khi linh mục làm như vậy, ngài cho cộng đoàn thấy sự cao trọng và vĩ đại của Tin Mừng và ngài giúp cho cộng đoàn hiểu làm thế nào mà Lời Thiên Chúa đến giữa cộng đoàn cách lạ thường. Lời cầu nguyện của linh mục tạo nên sự tôn kính và không gian để lắng nghe Lời Chúa.
    Khoảng thinh lặng sau bài giảng: một khoảng lặng để cho Lời Chúa và lời mời gọi mang tính cầu nguyện của chủ tế đọng lại nơi tâm hồn người tham dự: "Phải cử hành Phụng vụ Lời Chúa thế nào tạo thuận lợi cho việc suy gẫm, vì thế tuyệt đối tránh mọi hình thức vội vã, ngăn trở việc hồi tâm. Nên có những giây phút thinh lặng ngắn, tùy theo cộng đoàn tụ họp, để nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, Lời Chúa được tiếp nhận trong tâm hồn và lời đáp trả qua kinh nguyện được chuẩn bị. Những lúc nên giữ thinh lặng là sau bài đọc thứ nhất và thứ hai, cũng như sau bài giảng".
    Tại một số nơi, việc dâng lễ vật có khuynh hướng dành một khoảng lặng: điều này có ý nghĩa và mang lại hiệu quả bởi món quà thực sự trong "hy tế quy Lời" qua việc con người chia sẻ hành động tự dâng hiến của Đức Kitô cho Chúa Cha. Kế tiếp, sự thinh lặng này không chỉ là thời gian chờ đợi, một cái gì bên ngoài, mà là những gì xảy ra bên trong tương ứng với những gì đang xảy ra bên ngoài. Đây là một sự chuẩn bị sẵn sàng để cho Thiên Chúa biến đổi. Sự thinh lặng được chia sẻ trở thành lời cầu nguyện được chia sẻ. Hành động chia sẻ là hành trình ra khỏi đời sống thường ngày để đến với Thiên Chúa, hướng tới sự tháp nhập thời gian của con người với thời gian của Thiên Chúa, và như vậy sự thinh lặng đầy tràn nội dung.
    Khoảng lặng thánh thiêng lúc truyền phép, khi nâng cao bánh và rượu đã được thánh hiến. Đây là lời mời gọi hướng nhìn về Đức Kitô, nhìn lên Người từ bên trong. Cái nhìn này nói lên lòng biết ơn, tôn thờ và cầu xin cho sự biến đổi của riêng người tham dự.
    Giây phút mà Thiên Chúa xuống và biến đổi bánh và rượu thành mình và máu Người không thể nào thiếu việc kinh ngạc từ chính những người tham dự vào Thánh Thể bằng đức tin và nguyện cầu. Khi điều này xảy ra, người tham dự không thể làm gì khác hơn là quỳ xuống và chào kính Người. Truyền phép là giây phút Thiên Chúa hành động cách tuyệt vời trong thế giới vì con người. Hành động ấy đưa đôi mắt và tâm trí con người lên cao. Trong một lúc, thế giới thinh lặng, mọi sự đều thinh lặng và trong sự thinh lặng ấy, con người chạm tới vĩnh cửu, vì từng nhịp đập trong trái tim, con người bước ra khỏi thời gian đi vào trong "Thiên Chúa ở cùng chúng ta" (Mt1,23).
    Khoảng lặng khi mọi người chúc bình an cho nhau: một khoảng lặng hồi tâm để trở về với anh chị em bên cạnh mình. Một sự gặp gỡ giữa hai cuộc trở về: trở về với Chúa và trở về với anh chị em. Như vậy, khoảng lặng này mời gọi một sự hiệp thông hai chiều như dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu trong Tin Mừng Luca mời gọi hai người con trở về với Cha và với nhau (x. Lc15, 11-32).
    Sau lời tuyên bố "đây Chiên Thiên Chúa" (Ga1,29) là một khoảng lặng để đôi mắt tâm hồn của mọi người hướng về Con Chiên, lúc đó có thể trở thành thời gian thinh lặng hồng phúc.
    Sự thinh lặng đầy tràn nội dung được chính phụng vụ cung cấp cho. Sự thinh lặng là một phần của hành vi phụng vụ, chứ không phải là sự gián đoạn. Vì vậy ở đây có một khoảng lặng riêng cho lời nguyện cầu của linh mục. Những lời cầu nguyện thinh lặng của linh mục mời gọi chính ngài làm nhiệm vụ của mình trở thành cá vị, để ngài có thể dâng lên toàn thể con người của ngài cho Thiên Chúa. Những lời cầu nguyện thinh lặng này làm nổi bật cách thức mà tất cả những người tham dự cần phải tiếp cận Thiên Chúa.
    Ở đây có một khoảng lặng khá quan trọng. Việc linh mục rước lễ xảy ra sau hai lời cầu nguyện thật đẹp và sâu sắc trong thinh lặng. Như vậy linh mục cầu nguyện thực sự trong thinh lặng hồi tâm để cho cá nhân chuẩn bị lãnh nhận Thiên Chúa. Điều ấy sẽ giúp mọi người đi vào thinh lặng trước sự hiện diện thánh.
    Sau khi linh mục rước lễ, có một lời cầu nguyện thinh lặng tạ ơn khác được dành cho ngài, lời cầu nguyện này có thể được các tín hữu làm thành lời nguyện cho riêng mình: "Vị tư tế đọc thầm các kinh này, vào những lúc trước khi đọc Tin Mừng, khi chuẩn bị lễ phẩm, cũng như trước và sau khi ngài rước lễ".
    Cuối cùng là khoảng lặng hiệp lễ dành cho hết mọi người tham dự thánh lễ: chuẩn bị rước lễ và sau khi rước lễ. Cả hai khoảng lặng đều cần thiết vì một nhu cầu thiêng liêng: Khoảng lặng hồi tâm dọn lòng cho Chúa đến như lời ngôn sứ Isaia mà thánh Gioan Tiền Hô đã trưng dẫn: hãy dọn đường...(x. Is 40, 1-5.9-11; 2Pr 3, 8-14; Mc 1, 1-8) để cho Chúa ngự đến. Khoảng lặng sau khi rước lễ: Đúng là thời gian hồng phúc của linh hồn. Người lãnh nhận Chúa trào tràn tình yêu kết hợp trong chiều sâu nhờ bầu khí thinh lặng. Đây là giây phút cho cuộc đối thoại nội tâm với Chúa, Đấng ban chính mình Người cho con người, để rồi đi vào một tiến trình hiệp thông. Nếu không có sự hiệp thông thì việc lãnh nhận bí tích bên ngoài chỉ là nghi thức và vì thế không sinh hiệu quả. Một sự thinh lặng chuyển tải lòng biết ơn, thờ lạy và yêu mến như Êlia đã lắng nghe được tiếng Chúa qua ngọn gió hiu hiu trong chiều sâu phẳng lặng (x. 1V19, 11-14) hay Hôsê chính nơi sa mạc mà "Ta sẽ quyến rũ nó...để cùng nó thổ lộ tâm tình" (Hs 2,16).
    3. Một vài suy tư nhận định và áp dụng
    Thật vây, "nhờ thinh lặng và các bài hát, dân chúng làm cho Lời Chúa thành của mình; nhờ lời tuyên xưng đức tin, họ gắn bó với Lời Chúa; và khi được Lời Chúa nuôi dưỡng, nhờ lời nguyện cho mọi người, họ cầu xin cho các nhu cầu của Hội Thánh và cho cả thế giới được cứu độ". Bởi đó, "tiếng nói" và thinh lặng trong phụng vụ hòa quyện lấy nhau như một tiến trình trao ban mạc khải mà không thể tách rời. Nếu chỉ dừng lại ở "tiếng nói" người ta sẽ quá chú trọng đến hình thức bên ngoài, mà dù đó là những mầu nhiệm được công bố đi chăng nữa thì cũng thường là sự chủ quan mang tính xô bồ gưỡng ép. Bởi rõ ràng trong thực tế của thời đại kinh tế thị trường cùng với sự xô bồ, người ta muốn rút ngắn tiến trình mạc khải của phụng vụ thánh lễ bằng cách giảm bớt, cắt xén, hoặc làm sao để "tiếng nói" được trôi đi thật nhanh. Ngay cả những vị chủ chăn cũng vậy, đọc thật nhanh nhiều lời đọc rất quan trọng, không chia sẻ Lời Chúa hoặc có chia sẻ cũng chỉ qua loa, bỏ qua những khoảng lặng cần thiết để cho nội dung mạc khải được cư ngụ trong lòng con người...Cho nên ở đây thiết nghĩ rằng vì "tiếng nói" chuyển tải nội dung mầu nhiệm nên khi cử hành phải hết sức khoan thai, tạo một bầu khí và sự cảm nhận bình an cùng với những khoảng lặng thiết yếu cho việc suy niệm, chiêm niệm Lời Chúa và chính Chúa nơi hai bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể.
    Về các khoảng lặng trong phụng vụ thiết nghĩ không thái quá cũng không bất cập. Một mặt không để những khoảng lặng quá lâu đến mức trở thành một sự ngắt quảng như một sự nghỉ xả hơi, trong khi phụng vụ là "sống, động" (Cv17, 28), liên tục, ngay cả khi trưng dụng những khoảng lặng thì những khoảng lặng ấy cũng chứa đựng một nội dung "chuyển động nội tại" chứ không phải nghỉ mệt. Mặt khác những khoảng lặng được xem như là những khoảng "mềm" nối kết các tiến trình mạc khải của Thiên Chúa, mầu nhiệm của Thiên Chúa phải được nối kết với nhau bằng một thứ "khoảng mềm" trong lòng người tham dự như dấu lặng trong âm nhạc, dù im lặng nhưng người ta vẫn phải gõ nhịp.... Có như vậy "tiếng nói" trong phụng vụ mới thực sự tác động mang lại ơn cứu độ cho con người.

    Kết luận
    Tóm lại, với những gì vừa trình bày trên, "tiếng nói" và những khoảng thinh lặng đóng một vai trò thiết yếu trong phụng vụ thánh lễ. "Tiếng nói" là những hình thức công bố mầu nhiệm của Thiên Chúa, là mầu nhiệm Thiên Chúa theo nghĩa được chia sẻ sứ vụ của Người, chẳng hạn như khi thừa tác viên đọc Lời của Chúa xong thì thưa rằng: "đó là Lời Chúa", thay vì "đó là lời tôi". Vì vậy "tiếng nói" chính là nội dung của phụng vụ. Không có "tiếng nói" thì không thể chuyển tải nội dung mầu nhiệm Đức Kitô cho con người được. "Tiếng nói" đóng một vai trò quyết định trong phụng vụ. "Tiếng nói" gồm: lời mời gọi, lời đáp, lời hát, lời cầu nguyện...xoay quanh bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể để loan truyền ơn cứu độ cho con người.
    Tuy nhiên nếu tiến trình trao ban mầu nhiệm Thiên Chúa mà cứ liên tục như vậy thì con người sẽ như những chiếc máy. Thiên Chúa không hề muốn con người máy móc như vậy. Người luôn muốn con người đáp trả bằng sự tự do tự nguyện, có suy nghĩ, có chiều sâu. Vậy nên, những khoảng lặng trong phụng vụ dù không mang tính quyết định như là "tiếng nói" nhưng cũng rất cần thiết. Có những khoảng lặng được áp dụng: để hồi tâm, để ý thức sự cao cả của Lời Chúa, để Lời Chúa và lời diễn giảng đọng lại trong lòng người tham dự, để hiệp với hy lễ của Đức Kitô, để sống giây phút Con Thiên Chúa thành bánh và rượu cho con người "được sống và sống dồi dào" (Ga10,10), để trở về với anh chị em tìm lại nguồn bình an đích thực, để chiêm ngưỡng Con Thiên Chúa khi linh mục nâng cao Thánh Thể, để chuẩn bị lòng người tham dự đón Con Thiên Chúa đến và để tâm sự, tạ ơn, thờ lạy, yêu mến khi được phúc Người ngự vào lòng. Đó là những khoảng lặng thiết yếu mang lại chiều sâu nội tâm cho con người.
    Dù là "tiếng nói" hay khoảng lặng thì tất cả đều diễn ra trong một tiến trình mạc khải sống động của Thiên Chúa, mang lại ơn ích cho phần rỗi linh hồn con người và từng khoảnh khắc trong phụng vụ thánh lễ "đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Thiên Chúa" (Rm8,28).



    Sách tham khảo

    Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước. Bản dịch và chú thích có hiệu đính do nhóm phiên dịch CGKPV. Nxb Tôn Giáo Hà Nội, 2008.
    Quy Chế Sách Lễ Rôma. Trích từ ấn bản mẫu lần ba, do Thánh bộ về Phụng Tự Thánh và Kỷ Luật Bí Tích chịu trách nhiệm in ấn, Rôma - 2000. Lm. Phanxicô Xaviê Nguyễn Chí Cần phiên dịch.
    Joseph Ratzinger. Tinh Thần Phụng Vụ. Biên dịch Nguyễn Luật Khoa & Phạm Thị Huy. Nxb Tôn Giáo, 2007.
    Chữ ký của agapaw
    Mức độ của yêu mến là yêu mến không mức độ.

  2. Có 3 người cám ơn agapaw vì bài này:


+ Trả lời chủ đề + Gửi chủ đề mới

Quyền hạn của bạn

  • Bạn không được gửi bài mới
  • Bạn không được gửi bài trả lời
  • Bạn không được gửi kèm file
  • Bạn không được sửa bài

Diễn Đàn Thánh Ca Việt Nam - Email: ThanhCaVN@yahoo.com