Love Telling ThanhCaVN nhắn với Gia đình TCVN và Quý Khách: BQT-TCVN xin cáo lỗi cùng ACE vì trục trặc kỹ thuật 2 ngày vừa rồi. Trân trọng! Loan Pham nhắn với Gia Đình TCVN: Kính chúc quý Cha, quý tu sĩ nam nữ và toàn thể quý anh chị em một Giáng Sinh ấm áp bên gia đình, người thân và tràn đầy ơn lành từ Chúa Hài Đồng. ThanhCaVN nhắn với TCVN: Nhân dịp Sinh Nhật lần thứ 16 Website, BQT-TCVN kính chúc Quý Cha, Quý Tu sỹ Nam Nữ, Quý Nhạc sỹ - Ca Trưởng – Ca sỹ, Quý Ân Nhân và toàn thể ACE luôn tràn đầy HỒNG ÂN CHÚA. Edit LM Loan Pham nhắn với TCVN: Kính Chúc Cà Nhà Một Tam Nhật Thánh và Một Mùa Phục Sinh Tràn Đầy Thánh Đức ... Loan Pham nhắn với TCVN: Chúc mừng năm mới đến quý Cha, quý tu sĩ nam nữ cùng toàn thể quý anh chị em tron gia đình TCVN thân yêu... Xin Chúa xuân ban nhiều hồng ân đến mọi người. Amen ThanhCaVN nhắn với ÔB & ACE: Kính chúc Năm Mới Quý Mão: Luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa ThanhCaVN nhắn với Gia đình TCVN: Kính chúc Giáng Sinh & Năm Mới 2023: An Bình & luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa. bethichconlua nhắn với Gia Đình ThanhCaVietNam: Chúc mừng sinh nhật thứ 15 website ThanhCaVietNam. Kính chúc quý Cha, quý tu sĩ nam nữ cùng toàn thể anh chị em luôn tràn đầy ơn Chúa. Amen ThanhCaVN nhắn với Quý ACE: Nhân dịp Sinh Nhật lần thứ 15 Website, BQT-TCVN kính chúc Quý Cha, Quý Tu sỹ Nam Nữ, Quý Nhạc sỹ - Ca Trưởng – Ca sỹ, Quý Ân Nhân và toàn thể ACE luôn tràn đầy HỒNG ÂN CHÚA. phale nhắn với cecilialmr: Nhớ em nhiều lắm ! cầu mong nơi ấy được bình yên. phale nhắn với thiên thần bóng tối: Nhớ em nhiều lắm ! cầu mong nơi ấy được bình yên. phale nhắn với teenvnlabido: Ngày mai (1/6) sinh nhật của bạn teen / chúc mọi điều tốt lành trong tuổi mới. phale nhắn với tất cả: Xin Chúa cho dịch bệnh sớm qua đi và ban bình an cho những người thành tâm cầu xin Ngài. ThanhCaVN nhắn với ACE: Kính chúc ACE: Giáng Sinh & Năm Mới 2021 - An Bình & luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa

+ Trả lời chủ đề + Gửi chủ đề mới
kết quả từ 1 tới 2 trên 2

Chủ đề: Linh thao

  1. #1
    chư dân's Avatar

    Tham gia ngày: Apr 2011
    Tên Thánh: Louis Mary Grignon de Monfort
    Giới tính: Nam
    Đến từ: CHXHCN VIỆT NAM
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 597
    Cám ơn
    3,363
    Được cám ơn 3,341 lần trong 582 bài viết

    Default Linh thao

    LINH THAO

    Có người cao hứng hát:
    Ai bảo Linh Thao là khổ?
    Linh Thao khoái lắm chứ!
    Có người bẻ ngược lại:
    Mà Linh Thao là cái quái gì?



    Từ hơn mười năm nay, nghi ngờ, hiểu lầm, thấc mắc và ca tụng cứ nối đuôi lượn vòng giữa các cộng đoàn công giáo người Việt sống ở nước ngoài; nhiều nhất là tại Bắc Mỹ và Âu châu. Và tại đâu rồi cũng như thế cả! Bởi vì, ngay từ đầu, lúc mới thoát thai, Linh Thao cũng đã phải sống qua những trạng huống tương tự.
    Như thế bởi vì nhiều lý do khác nhau. Một trong những lý do: là vì chưa rõ Linh Thao là gì. Linh là thiêng liêng, là tinh thần; thao là luyện tập; linh thao là luyện tập cho tinh thần, là tu tập cho đời sống thiêng liêng. Ðó là theo nguyên ngữ. Còn theo ngôn ngữ tu đức trong Gíáo Hội Công Giáo, thì Linh Thao (Exercices Spirituels – Spiritual Excercises) là một giữa nhiều phương pháp cấm phòng, là phương thức rèn luyện nội tâm trong thinh lặng và qua cầu nguyện, dựa theo kinh nghiệm và những lời khuyên mà Thánh Inhã Loyola đã ghi lại trong cuốn sách mang cùng tên Linh Thao.

    Nếu có thể thao để luyện tập cho thể xác, thì cũng cần phải có linh thao để luyện tập cho linh hồn!
    Mở đầu cuốn Linh Thao, trong lời chú dẫn đầu tiên, Thánh Inhã Loyola đã giải thích là: “Hai tiếng linh thao ở đây có nghĩa là mọi cách xét mình, suy gẫm, chiêm niệm bằng miệng lưỡi (tức là khẩu nguyện) hay bằng tâm trí (tức là tâm nguyện) và các việc thiêng liêng khác… Ví như đi dạo, đi bộ, chạy bộ, là những việc thể thao, thì cũng thế, linh thao là tất cả những phương cách chuẩn bị và chỉnh đốn linh hồn nhằm loại bỏ những quyến luyến lệch lạc, và sau đó tìm kiếm ý Chúa hầu sắp đặt cuộc đời làm sao để có thể mưu ích cho linh hồn mình” (Linh Thao, số 1=LT 1). Muốn giúp kiếm tìm ý Chúa và tiếp nhận cho đủ nghị lực thiêng liêng mà chu toàn kế hoạch của Ngài, phương pháp Linh Thao đề ra một số kỹ thuật làm phương thế chuẩn bị hầu tạo cho tâm hồn có đủ điều kiện để mở rộng đón nhận ánh sáng và sức mạnh của Thánh Thần Thiên Chúa.

    Nói thế tức là Linh Thao có mục đích giúp người cấm phòng nhận định cho thấy và thực thi cho trọn thánh ý Thiên Chúa đối với riêng mình, tức là kế hoạch Ngài đề ra cho đời mình.
    Cũng nên lưu ý là các cách nói như: “Thực thi thánh ý Chúa”, “Sống trọn kế họach Chúa yêu thương đã đề ra cho đời mình”, “Sống ơn gọi của mình”, “Yêu mến Chúa”, “Sống lời Chúa”, “Nên thánh”, “Mưu ích cho phần rỗi linh hồn”, hay là “Mưu cầu hạnh phúc đời đời” v.v… đều là những cách nói dù khác nhau, nhưng cuối cùng rồi cũng đồng qui nơi một thực tại, nơi một tiêu đích duy nhất, và cũng chỉ mang có một ý nghĩa duy nhất. Khi sống trọn kế hoạch của Chúa là cùng lúc, con người nên thánh và tạo được hạnh phúc đích thực và trường cửu cho đời mình. Vậy khi muốn giúp “mưu tìm cho được lợi ích của linh hồn” là Linh Thao muốn giúp người cấm phòng nên thánh, tức là sống trọn ơn gọi Kitô của đời mình.

    Nếu thế thì đâu có còn thắc mắc hỏi rằng: trong Giáo Hội, lối cấm phòng theo phương thức Linh Thao của Thánh Inhã Loyola sẽ được dành cho những ai? Cho linh mục, tu sĩ không thôi, hay là cho cả giáo dân nữa? Cho người trẻ không thôi, hay là cho cả người cao niên nữa? Trong Giáo Hội, – cả trong nhân loại nữa – ai lại không được Chúa kêu gọi để nên thánh, để mến yêu Ngài!
    Ấy thế mà có người vẫn vặn hỏi: “Tại sao lại đi xúi giáo dân thực hành một phương pháp thiêng liêng cầu kỳ rắc rối và đòi hỏi nhiều thứ đến thế ? Không biết ai mới dựng đứng bày ra cái kiểu Linh Thao như vậy, chứ hồi xưa đâu có thấy!”.

    Linh Thao không phải mới bắt đầu từ hôm qua, từ mười mấy năm nay, nhưng là từ năm 1522, từ hơn 4 thế kỷ rưỡi nay lận! Lối 4-5 tháng sau khi dứt khoát với cuộc đời 31 cái xuân nặng mùi trần tục, không mấy phù hợp với danh nghĩa kitô hữu, Inhã Loyola đã hành hương đến Montserrat và lưu lại Manresa suốt gần một năm (từ 23 tháng 3 năm 1522 cho đến lối trung tuần tháng 2 năm 1523). Trong thời gian này, Inhã đã sống đời khổ hạnh, dành nhiều thì giờ để cầu nguyện, và nhận được nhiều ánh sáng nội tâm Chúa ban cho. Nhờ những kinh nghiệm và ánh sáng nhận được, Inhã đã tiến những bước thật dài trong đường nội tâm. Không muốn giữ ơn Chúa cho riêng một mình mình, cũng như không muốn để những kinh nghiệm nội tâm quí giá rơi vào quên lãng mà không chia sẻ với tha nhân anh em, Inhã đã cần mẫn và cẩn thận ghi lại tất cả: đó là những ngày tháng phương pháp Linh Thao được thai nghén và cuốn Linh Thao bắt đầu chào đời; cho đến năm 1547, nghĩa là 25 năm sau, cuốn Linh Thao mới đạt đến mức lớn khôn như chúng ta đang thấy ngày nay. Sau khi đi hành hương thánh địa (1523) trở về, Inhã lưu lại Barcelona (từ tháng 2, 1524 đến gần cuối tháng 3,1526) và quyết định đi học trở lại để “giúp các linh hồn” cho đắc lực hơn. Nhưng cho đến lúc dời qua học tại Alcala từ cuối tháng 3, 1526, thì cuốn “Cuộc đời tự thuật” (Autobiographie) của Inhã mới tiết lộ rõ sự việc tác giả cuốn Linh Thao giúp cấm phòng theo phương thức Linh Thao, và “từ cách đó, thấy có những hoa trái nẩy sinh ra cho vinh danh Chúa” (Cuộc đời tự thuật, số 57); những người được Inhã dùng Linh Thao mà giúp đỡ trong thời ấy, đều thuộc thành phần giáo dân, nam hoặc nữ. Lúc đó, dù đã 35 tuổi đầu , Inhã cũng chỉ mới chập chững bước vào đại học và đang cố học để làm linh mục. Muốn làm linh mục để giúp các linh hồn cho hữu hiệu hơn; tuy nhiên không phải vì thế mà Inhã bó tay không giúp những người khác thực hành Linh Thao trong thời gian còn đi học. Nổi bật nhất trong các giáo dân được giáo dân Inhã giúp làm Linh Thao, là 9 người bạn chí thiết sau này đã cùng với tác giả Linh Thao sáng lập Dòng Tên. Thánh Phanxicô Xaviê là một trong các người bạn chí thiết ấy.

    Vậy, sử sách cho thấy rằng: Linh Thao là một phương pháp cấm phòng Chúa đã muốn ban tặng cho Giáo Hội qua trung gian của một giáo dân, là Thánh Inhã Loyola; và Linh Thao đã được chia sẻ trước hết cho giáo dân! Thế nên, nếu ngày nay, có tiếp tục giới thiệu Linh Thao cho giáo dân, thì điều đó cũng chẳng có gì là lạ cả. Hơn nữa, trong thời tiếp theo sau công đồng Vatican II và chuẩn bị bước vào năm 2000 này, vai trò của giáo dân ở giữa lòng Giáo Hội mang một tầm cỡ rộng lớn hơn thời Inhã nhiều. Vì vậy, nếu hôm nay, có đề ra cho giáo dân những phương cách thao luyện tâm linh chặt chẽ và thích ứng hơn xưa, sâu đậm và hữu hiệu hơn, thì cũng chỉ là chuyện dĩ nhiên nếu không nói là bức thiết.
    Nếu có lạ thì đó là: sau hơn 4 thế kỷ rưỡi rồi mà vẫn có nhiều người còn hiểu lầm coi Linh Thao như là một cái gì riêng rẽ của cá nhân Inhã Loyola, chứ không phải là một phương pháp tâm linh được Giáo Hội công nhận, tán dương và quí mến đến độ đặt tác giả Linh Thao làm bổn mạng công tác cấm phòng và các sinh hoạt tĩnh tâm trong Giáo Hội. Có người lại nghĩ: Linh Thao là do Dòng Tên đẻ ra và chỉ được dành riêng, dành độc quyền cho Dòng Tên. Nhưng thực ra phải nói ngược lại mới đúng: Linh thao đã đẻ ra Dòng Tên, vì nhờ sống qua kinh nghiệm Linh Thao, cho nên 10 bạn sáng lập mới có đủ tinh thần, ơn Chúa soi sáng và nghị lực mà lập ra Dòng Tên. Rồi cứ nhìn các dòng không phải Dòng Tên, cũng như các giáo dân nam nữ trên khắp thế giới hiện đang giúp cho nhiều anh chị của mình làm quen và thực hành Linh Thao, thì sẽ thấy rõ là: không phải Linh Thao chỉ được dành riêng cho Dòng Tên mà thôi.

    Nếu trong thực tế, các tu sĩ Dòng Tên giúp làm Linh Thao nhiều hơn, thì chỉ vì trung thành với gốc cội tu đức của mình, cũng như chăm lo học hỏi, đào sâu và biết khá về Linh Thao, nên Dòng Tên cảm thấy dễ dàng sẵn sàng hơn để giúp tha nhân trong đường hướng đó. Chứ không phải là độc quyền.
    Không kể vô số cá nhân và rất nhiều dòng tu trong Giáo Hội, từ nhiều thế kỷ nay, đã và đang ái mộ cùng sống theo tinh thần Linh Thao, còn có cả một đoàn thể giáo dân rải rác khắp nơi, cũng đang bước theo đường lối thiêng liêng của Linh Thao nữa. Ðó là phong trào Hiệp Hội Thánh Mẫu ngày xưa, và từ sau công đồng Vatican II đã được canh tân trở thành phong trào Các Nhóm Ðời Sống Kitô ( tiếng Pháp- cũng như Ý và Tây Ban Nha- viết tắt là CVX, tức là Communauté de Vie Chrétienne, còn tiếng Anh thì gọi là CLC,có nghĩa là Christian Life Community ). Ðoàn thể nầy đã công khai chào đời năm 1563, tức là lúc Linh Thao mới được 41 tuổi kinh nghiệm. Năm đó, Jean Leunis, tu sĩ Dòng Tên người Bỉ, tuổi 28, đã lập ra một nhóm Hiệp Hội Thánh Mẫu đầu tiên giữa các học sinh trường Dòng Tên tại Roma. Sau đó các nhóm khác đã thành hình và đoàn ngũ chung quanh nhóm đầu tiên để trở thành phong trào Hiệp Hội Thánh Mẫu. Kể ra thì trước đó đã có những nhóm “đạo đức” giúp nhau sống tinh thần Linh Thao, dựa vào tác vụ trợ giúp thiêng liêng của các tu sĩ Dòng Tên đầu tiên, đặc biệt là của Thánh Inhã Loyola; tuy nhiên các nhóm này không đoàn ngũ và liên kết với nhau một cách rộng lớn như Hiệp Hội Thánh Mẫu. Năm 1584, Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô XIII đã chính thức công nhận Hiệp Hội là một đoàn thể của Giáo Hội. Năm 1587 Ðức Xistô V đã củng cố Hiệp Hội với nhiều đặc ân thiêng liêng. Các thế kỷ tiếp đó, Hiệp Hội đã có mặt tại nhiều nơi trong thế giới công giáo: tại cả nhiều nơi không có mặt Dòng Tên; chẳng hạn như tại Việt Nam trước đây (trước1957). Phần đóng góp đặc sắc nhất mà Hiệp Hội Thánh Mẫu đã mang lại cho Giáo Hội là giúp khơi dậy và nuôi dưỡng nhiễu ơn gọi linh mục và tu sĩ; rồi từ đó, đã giúp ghi thêm nhiều tên tuổi lừng danh vào bảng vàng các thánh. Xin kể ra đây một vài vị quen thuộc với chúng ta nhất, như: Thánh Gioan Berchmans, Thánh Phanxicô de Sales, Thánh Gioan Eudes,Thánh Grignon de Montfort, Thánh Anphongsô de Liguori, Thánh Gioan Báptít de la Salle, Thánh Camille de Lellis…

    Ngày nay, tiếp tục truyền thống của Hiệp Hội Thánh Mẫu ngày xưa, các Nhóm Ðời Sống Kitô có mặt tại năm châu cũng đang ra sức sống trọn tinh thần Linh Thao hầu phục vụ đắc lực cho Chúa và anh em đồng loại của mình.
    Từ mười mấy năm gần đây, giữa các anh chị người Việt sống tại nước ngoài, đặc biệt nhất là tại Bắc Mỹ và Âu châu, tiếp theo các khóa Linh Thao được tổ chức càng ngày càng nhiều dần lên tại các châu nói trên, đã thấy mọc lên phong trào các nhóm Linh Thao. Giữa các nhóm Linh Thao này, có rất nhiều các nhóm đã đoàn ngũ lại với nhau theo một đường hướng rõ rệt và trong một tổ chức chặt chẽ hơn: các nhóm này được gọi là nhóm Ðồng Hành trong Nhóm Ðồng Hành lớn, hay là Phong Trào Ðồng Hành (=Bạn Ðồng Hành với Chúa Kitô), cũng tương tự như phong trào Các Nhóm Ðời Sống Kitô (CLC) nói ở trên. Còn các nhóm khác thì tổ chức và sinh hoạt tùy theo nhu cầu và hoàn cảnh riêng. Nhưng trong thực tế thì khó mà nhận ra được sự khác biệt vừa nói; trước tiên là bởi vì các nhóm Linh Thao – cũng như các nhóm viên Linh Thao – và các nhóm Ðồng Hành – cũng như các nhóm viên Ðồng Hành – đều nhằm chung cùng một tiêu đích, đó là trở nên bạn thân của Chúa Kitô dựa theo đường hướng Linh Thao, và thứ đến là bởi vì nhóm này hay nhóm kia – nhóm viên Linh Thao hay nhóm viên Ðồng Hành – cũng thường có những sinh họat chung với nhau và khá đều đặn. Cơ quan liên lạc và phát ngôn hiện nay của Phong trào Ðồng Hành là tờ Nguyệt San Ðồng Hành. Phong trào Ðồng Hành cũng soạn thảo nhiều tài liệu viết hoặc ghi âm để giúp các anh chị muốn tìm hiểu và sống tinh thần Linh Thao.Tóm lại, giữa cao trào tham dự các khóa cấm phòng theo phương thức Linh Thao đựợc tổ chức tại các cộng đoàn người Việt ở nước ngoài, chúng ta có thể nhận ra bốn loại thành phần sau đây:

    1-Những bạn hàng năm tham dự Linh Thao, nhưng hoàn cảnh riêng không cho phép tham gia sinh họat với một nhóm đạo đức nào.
    2-Những bạn thuộc các hội đoàn và phong trào khác, nhưng lại muốn nhờ lối tu đức Linh Thao mà đẩy mạnh đời sống thiêng liêng của mình, nên hàng năm vẫn đều đặn tham dự cấm phòng theo phương thức Linh Thao, đồng thời vẫn tiếp tục sinh họat trong các hội đoàn hoặc phong trào của mình.
    3-Những anh chị đã từng đi Linh Thao, và tiếp tục sinh họat đều đặn trong các nhóm Linh Thao.
    4-Và các anh chị thuộc các nhóm Ðồng Hành.

    Như thế có nghĩa là: Không phải hễ đi Linh Thao thì nhất thiết phải vào nhóm Linh Thao hoặc là Ðồng Hành, bởi vì đi Linh Thao chỉ là để nhận rõ và sống trọn ơn gọi kitô riêng của mình, chứ không phải là để trở thành thành viên này nọ của một nhóm hay là của một phong trào nào đó.
    Hiện nay, có thể nói rằng hằng năm,70-80% trong số các cộng đoàn công giáo người Việt tại Bắc Mỹ đều có tổ chức một hay nhiều khóa Linh Thao cho những ai trong cộng đoàn muốn tham dự. Các khóa Linh Thao này đều được tổ chức với sự tán đồng và giúp đỡ chí tình của các linh mục quản nhiệm các cộng đoàn.Có một điểm đáng lưu ý là: các nhóm Linh Thao và phong trào Ðồng Hành đã bừng lên như một “luồng gió mạnh”… mà không có một sự tính toán hay đặt kế hoạch nào trước cả, và đã bừng lên trong những người giáo dân trẻ. Kế họach, chương trình, các linh mục và tu sĩ chỉ sau đó mới chạy theo để đáp ứng nhu cầu hiện ra trước mắt, nhằm hợp tác với ơn Chúa và với thiện chí của những người trẻ. Mười mấy năm trước đây, ai có thể ngờ được rằng ngày nay có một phong trào bành trướng nhanh và rộng đến như thế, đến độ có người tự hỏi rằng: hiện tượng ấy chẳng phải là dấu chỉ cho thấy rõ Chúa đang muốn dùng Linh Thao như là một giữa nhiều phương thế để giúp người Việt ở nước ngoài, đặc biệt là người trẻ, sống mạnh đức tin và làm tông đồ nơi những môi trường sống mới, đầy khó khăn, chông gai và cạm bẫy giữa thế giới tân tiến ngày nay hay sao? Nếu thực sự như thế thì cần phải học hỏi và đào sâu để hiểu biết Linh Thao cho thấu đáo và sử dụng Linh Thao cho điêu luyện hầu cộng tác đắc lực với ơn Chúa mà giúp cho anh chị em đồng bào Việt trong nỗ lực sống mạnh và sống trọn đời kitô của mình.Linh Thao là một giữa nhiều phương pháp cấm phòng thường đựợc đắc dụng trong Giáo Hội. Vậy so sánh với các phương pháp khác, Linh Thao có những đặc nét như thế nào?Trước khi bàn sơ về các đặc nét chính của Linh Thao, thì xin được nói cho rõ ngay là: khen xoài ngon không có nghĩa là chê mít dở. Nói đến cái hay cái đẹp của một phương pháp cấm phòng không có nghĩa là coi các phương pháp khác tầm thường, không ra gì.Giữa những yếu tố làm nên những đặc nét của Linh Thao, có thể nêu lên hai yếu tố nổi bật nhất sau đây:1.Linh Thao Giúp Sống Trọn Lại Toàn Bộ Lịch Sử Cứu Ðộ:Một kỳ cấm phòng có thể chọn một đề tài nào đó để làm nội dung cho suy tư và cầu nguyện. Chủ đề được chọn chỉ cần làm sao cho hợp với hoàn cảnh của cá nhân hay của nhóm tham dự cấm phòng là được. Chẳng hạn chọn chủ đề “Ơn gọi và đời sống linh mục” cho các thầy phó tế cần cấm phòng để dọn mình chịu chức linh mục; chủ đề ” Bí tích hôn nhân và đời sống gia đình” cho các cặp nam nữ cấm phòng để chuẩn bị lễ cưới; chủ đề “Ðời tu và các lời khấn” cho tập sinh cấm phòng để sửa sọan khấn dòng .v.v…Linh Thao thì không làm thế; bất cứ ai cấm phòng và bất cứ giúp cấm phòng cho ai, Linh Thao cũng đề nghị với người giúp cấm phòng và người cấm phòng đi theo một chủ đề duy nhất, đó là “Lịch sử Cứu Ðộ”, tức là lịch sử Thiên Chúa yêu thương tạo dựng và cứu độ con người, kể từ ban sơ vũ trụ cho đến lúc Chúa Giê-su lên trời, và cả cho đến ngày nay…Lịch sử Cứu Ðộ toàn bộ đó đã được Lời Chúa ghi lại trong Kinh Thánh và đang được Giáo Hội làm sống lại suốt Năm Phụng Vụ. Còn Linh Thao thì đề nghị với người cấm phòng lần bước đi theo từng diễn biến trong tiến trình của Lịch Sử Cứu Ðộ. Khi trầm mình vào trong tĩnh mạc, lắng đọng và cầu nguyện để sống lại Lịch Sử Cứu Ðộ như thế suốt thời gian cấm phòng, thì cùng lúc người làm Linh Thao cũng được mời gọi để sống trở lại tiểu sử đời mình. Sự việc chiêm ngắm song đôi nầy trong ánh sáng của Chúa chiếu soi qua cầu nguyện, sẽ giúp cho người cấm phòng theo phương pháp Linh Thao tìm ra được chỗ đứng của mình trong Lịch Sử Cứu Ðộ, và từ đó, nhận ra được những gì cần phải gọt giũa đi trong đời của mình để đứng cho vừa vào chỗ đã dành cho mình. Hệt như một cơ phận cần phải gọt giũa làm sao để ráp cho vừa vào trong guồng máy vậy. Nói cách khác: sống trọn lại Lịch Sử Cứu Ðộ và cùng lúc sống trở lại tiểu sử đời mình trong ánh sáng Lịch sử Cứu Ðộ, sẽ giúp người cấm phòng nhận ra kế hoạch Chúa dành cho đời mỗi người, tức là nhận ra thánh ý Chúa. Chẳng hạn khi nhìn ngắm gương Chúa Giê-su “là đường” đã thực thi trọn vẹn thánh ý Thiên Chúa Cha thế nào, thì cũng giống như vậy, người làm Linh Thao cũng nhờ đó mà nhận ra đúng đường hướng để đi về với Thiên Chúa Cha.Sự việc Linh Thao luôn luôn giới thiệu một chủ đề duy nhất là Lịch Sử Cứu Ðộ có làm cho người cấm phòng nhàm chán như lúc phải ăn mãi một món ăn cũ không? – Lịch sử Cứu Ðộ là cũ, nhưng lại tiềm tàng ý nghĩa thiên hình vạn trạng và phong phú vô song. Bởi lẽ Lịch Sử Cứu Ðộ được chính Lời Chúa miêu tả qua Kinh Thánh. Bao nhiêu đời người mới múc cạn nguồn suối Lời Chúa- Bao nhiêu đời người mới gẫm suy cho xong ý nghĩa phong phú và những bài học muôn hình thái tiềm ẩn ở nơi Lịch Sử Cứu Ðộ – Mặt khác, đời con người lại không ngừng di động và biến đổi với năm tháng dần trôi, với những cảnh huống chưa bao giờ sống qua; những vấn đề phải đương đầu, phải đối phó của hôm qua không còn phải là của hôm nay, không còn phải là của ngày mai. Những đổi thay như thế của cuộc sống làm cho người thực hành Linh Thao chiêm ngắm Lịch Sử Cứu Ðộ qua Lời Chúa, với những cách nhìn mới, trong những phối cảnh mới, theo một mức độ kinh nghiệm và trưởng thành mới, để từ đó rút ra những ứng dụng mới, những bài học chưa từng thấy cho những bước sắp phải đi của đời mình.Tuy nhiên, dù có phải luôn luôn trung thành đi theo sát Lịch Sử Cứu Ðộ trong khi giúp làm Linh Thao, thì không phải vì thế mà người hướng dẫn các khóa Linh Thao không cần phải ra sức thay đổi lề lối, lời lẽ và cách thức trình bày làm sao cho thích ứng với hoàn cảnh của những người cấm phòng, chẳng hạn: bằng cách nhấn mạnh đến một số điều xét thấy cần thiết hơn cho họ, hoặc cố tránh lối trình xuất độc điệu gây nhàm chán, buồn tẻ mà họ có thể cảm thấy khi phải theo dõi nhiều lần, cùng một cách thức diễn đạt, miêu tả không thay đổi.2. Linh Thao Giúp Nhận Ðịnh Cho Thấy Và Thực Thi Cho Trọn Thánh Ý Chúa.Nhằm tiêu đích chủ yếu là “xếp đặt toàn bộ đời sống” (LT 1) một cách triệt để, dựa theo kế hoạch Thiên Chúa đề ra cho mọi người và cho từng người: phương pháp cấm phòng nào, kể cả Linh Thao, cũng đều ra sức giúp cho người cấm phòng có đủ điều kiện để tip tục “quay về” với Chúa cho thiết thực và triệt để hơn, để làm cho đức tin thêm sinh động và nồng cháy hơn, để sống mạnh lại những xác tín kitô mà cuộc sống xô bồ hằng ngày làm cho lu mờ, tê liệt đi; hoặc là để đẩy mạnh đời sống kitô đang ở trong thế dậm chân tại chỗ, thiếu nghị lực tông đồ, .v.v… Nhưng tất cả những điều đó chưa phải là tiêu đích chủ yếu Linh Thao nhắm tới, bởi vì những điều đó chỉ là những khía cạnh, chưa phải là toàn bộ bản chất của đời sống kitô. Trên đây, khi đề cập đến mục đích của Linh Thao, chúng ta đã nghe Thánh Inhã xác định là: Linh Thao nhắm tới việc “loại bỏ những quyến luyến lệch lạc, và sau đó, tìm kiếm ý Chúa hầu sắp đặt cuộc đời làm sao để có thể mưu ích cho linh hồn mình” (LT 1). Không phải chỉ loại bỏ một vài quyến luyến lệch lạc nào đó gây ra trục trặc cho đời sống nội tâm là đủ, không phải chỉ xếp đặt, sửa đổi hay vá víu lại một vài khía cạnh nào đó trong cuộc sống đạo để cho yên lương tâm là xong, không phải chỉ có làm đẹp lòng Chúa trong một số chi tiết rời rạc là được, nhưng là dốc hết toàn lực để cộng tác với sức mạnh Chúa ban, ngõ hầu canh tân toàn diện con người của mình, và triệt để khuôn rập toàn bộ cuộc sống của mình đúng theo kế họach Thiên Chúa an bài cho đời mình, tức là đúng theo ơn gọi của mình. Tính cách toàn diện và triệt để của tiêu đích mà Linh Thao nhắm tới, đã được tác giả Linh Thao nêu rõ qua những lời khuyên sau đây dành cho người làm Linh Thao: Nên “dâng trọn cả ý muốn và tự do của mình cho Ðấng Tạo Hóa, và là Chúa mình, để Ngài tùy nghi xử dụng chính mình cũng như mọi sự mình có theo Thánh Ý Ngài” (LT 5). Nên “suy sét về cách thức phải tự chỉnh đốn nhằm đạt tới mức toàn thiện trong bất cứ bậc hay lối sống nào mà Thiên Chúa, Chúa chúng ta, sẽ cho chúng ta lựa chọn” (LT 135).Trong đền thờ của Chúa, Samuel thưa: “Lạy Ngài, xin hãy nói, tôi tớ Ngài đang lắng tai nghe”. Trên đường Damas, Thánh Phaolô thưa với Chúa: ” Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?”. Trong Linh Thao, với tâm tình dâng hiến trọn vẹn, người cấm phòng cũng thưa với Chúa: “Lạy Chúa, xin hãy nhận lấy tất cả tự do, trí khôn và ý chí của con, tất cả những gì con có và làm chủ …Xin Chúa xử dụng hoàn toàn theo tôn ý”.(LT 234). Người làm Linh Thao muốn tín thác trọn vẹn con người và cuộc sống của mình vào trong vòng tay an bài đầy yêu thương của Chúa, để được “tình yêu và ân sủng” của Ngài hỗ trợ mà hành động cho đúng theo cách thức và đường lối “xử dụng” của chính Ngài. Và người thực hành Linh Thao hân hoan thâm tín rằng : “thế là đủ !”.Chiêm ngắm toàn bộ Lịch Sử Cứu Ðộ kéo theo cố gấng nhìn lại toàn bộ lịch sử đời mình – như đã thấy ở trên kia – thế nào, thì nỗ lực uốn nắn chính mình và cuộc sống của mình một cách toàn diện và triệt để, theo mẫu mực kế họach của Thiên Chúa, cũng kéo theo phương thức giải quyết các vấn đề nơi chính mình và trong cuộc sống của mình một cách toàn bộ và tận gốc rễ như vậy. Ðó là thành quả độc đáo của Linh Thao, và có thể coi như là hệ luận xuất phát từ hai nét đặc thù vừa đề cập đến ở trên đây.Làm Linh Thao là dấn bước theo con đường lịch sử Thiên Chúa đã tạo dựng và cứu độ nhân loại, mang theo những buồn vui của tiểu sử đời mình. Linh Thao đề nghị chia con đường này ra làm 4 chặng hay là 4 giai đoạn. Cuốn Linh Thao gọi các giai đoạn nầy là Tuần. Cũng có thể gọi là 4 bước trong cách thức cấm phòng theo phương thức Linh Thao:1- Trong bước đầu, ngỡ ngàng nhận ra tình thương sáng tạo của Chúa và thái độ thờ ơ, phản bội của con người cũng như của chính riêng mình, người làm Linh Thao sẽ cảm thấy đau xót thấm thía, ước muốn đền đáp lòng thương ấy: “Tôi phải làm gì cho Chúa ?” , (LT 53). Nhưng cùng lúc người làm Linh Thao cũng cảm nhận được rằng: tự sức riêng, mình không thể làm gì nên công để đền đáp tình Chúa yêu cho xứng được cả, tức là cảm nhận ra thân phận tội lỗi và bất lực của mình. Từ cảm nhận xâu xa ấy, người làm Linh Thao sẽ thâm tín rằng: “Không có Chúa Kitô giúp, mình sẽ không làm được gì cả” (xem Ga 15,5). Thế nên cần phải ôm chặt lấy chân của Ngài. Và chính vì thế cho dù biết mình tội lỗi, bất lực thì cũng không nản lòng thất vọng như Giuđa, nhưng trái lại, vẫn tin tưởng cậy trông và phó thác như Phêrô. Việc nhận thức trên đây trong ánh sáng ơn Chúa, cộng với sức mạnh cứu độ của Ngài, sẽ cung ứng cho tâm hồn của người làm Linh Thao những điều kiện thanh luyện và đổi mới cần thiết, cũng như giúp cho tâm hồn ý thức về sự cấp thiết cần phải xếp đặt lại trật tự đời sống, và cần phải tìm về với tự do nội tâm. Như thế mới nhận ra được hoa trái của bước một trong Linh Thao không phải là kết quả của một cuộc “chùi rửa” nội tâm hời hợt cho sạch “bùn nhơ tội lỗi” không thôi, nhưng thực sự là một cuộc biến đổi sâu xa, một cuộc biến đổi tận gốc rễ: đem cả toàn bộ tiềm năng của con người đặt vào trong đường hướng của Thiên Chúa, sẵn sàng thực thi trọn vẹn kế họach của Ngài.2. Cảm nhận được sức mạnh của Chúa Kitô là điều tối cần, nhìn ngắm Ngài và sẵn sàng sống theo chương trình của Thiên Chúa là những thái độ căn bản làm điều kiện thiết yếu cho nỗ lực tìm và sống ý Chúa. Tuy nhiên, cảm nhận mình cần Chúa Kitô, ngắm nhìn Ngài và sẵn sàng hành động như Ngài thì vẫn chưa phải là thực sự đón nhận chính Ngài. Quan sát kỹ lưỡng thái độ, hành động của Ngài và khuôn rập cuộc sống của mình làm một với đời Ngài: đó mới là thực sự đón nhận chính Ngài, và đó cũng chính là điểm khác biệt giữa bước thứ nhất và bước thứ hai trong Linh Thao. Vì thế, có thể nói rằng hoa trái của bước thứ hai được gói ghém trong lời – mà suốt trong giai đoạn hai nầy – Thánh Inhã khuyên người làm Linh Thao thành khẩn xin Chúa ban cho, đó là: “Xin cho được hiểu biết thâm sâu về Chúa Kitô … để yêu mến Ngài hơn, và để theo Ngài … cũng như để bắt chước Ngài” (LT 104 & 109). Người làm Linh Thao sẽ nhìn ngắm, sẽ chiêm niệm diễn tiến các biến cố trong cuộc đời dương thế của Chúa Kitô, từ lúc mới Nhập Thể, mới sinh ra cho đến lúc tiến đến trước ngưỡng cửa cuộc tử nạn.Cùng một lúc với nỗ lực nhìn lại Lịch Sử Cứu Ðộ qua cuộc đời Chúa Giêsu, người làm Linh Thao cũng nhìn lại cuộc đời của mình, con người của mình với những thái độ và hành động khác nhau: không phải là chỉ nhìn một cách thờ ơ, bàng quan, nhưng là với cặp mắt của nhà điêu khắc, của một họa sĩ đang chăm chú nhìn mẫu tượng và tác phẩm chưa hoàn thành của mình để uốn nắn, để đẽo gọt cho thật kỹ, cố làm sao cho tác phẩm của mình trở thành thật giống với kiểu mẫu. Nghĩa là làm thế nào để trở thành một “Kitô khác” (Alter Christus). Từ đó nhờ ánh sáng Chúa soi dẫn và sức mạnh tình yêu của Chúa trợ lực, người làm Linh Thao sẽ nhận ra được và nhất quyết sống theo đường lối, kế hoạch của Ngài, tức là thi hành trọn vẹn thánh ý Chúa Cha, dựa theo mẫu gương tỏ rạng nhất mà Chúa Kitô đã nêu cho thấy, đó là: ” Ðến để thi hành thánh ý Thiên Chúa Cha”,(Ga 6,38). Không còn “vô tri bất mộ nữa”, người làm Linh Thao sẽ biết rõ và yêu mến Chúa Kitô hơn, sẽ kết thân với Ngài thật chặt chẽ hơn, và thực sự trở thành bạn chí thiết, bạn đường của Ngài vậy.3. Sao con không theo sát Thầy ngay bây giờ được? Con sẵn sàng chết vì Thầy mà!?: Phêrô đã mạnh dạn khẳng định với Thầy mình như vậy, (Ga 13,37). Cuối giai đoạn hai trong Linh Thao, người cấm phòng cũng hăng say khẳng khái thưa lên với Chúa như vậy. Nhưng nếu Phêrô đã chối Thầy mình và đã trốn chạy trong cuộc tử nạn, thì ai còn dám tự phụ để nói như ông nữa rằng: “Dù cho mọi người có vấp ngã vì Thầy, thì phần tôi, tôi sẽ không vấp ngã bao giờ”(Mt 26,33). Ðó là kinh nghiệm đau thương của Phêrô cũng như của hết thảy các tông đồ (xem Mt 26,35), và đó cũng là kinh nghiệm đầy nước mắt của con người muôn thuở sa đi ngã lại: kinh nghiệm hiện rõ nơi từng chặng đường của Lịch Sử Cứu Ðộ. Vậy để người cấm phòng tìm được sức mạnh mà noi gương Chúa Kitô thi hành thánh ý Thiên Chúa Cha cho đến giọt máu cuối cùng, mà sống mãi trong tình bạn chí thiết với Thầy mình, khi vui cũng như lúc buồn, khi thành công hạnh phúc cũng như lúc gặp gian nan thất bại … Linh Thao tiếp tục giới thiệu một giai đoạn khác trong Lịch Sử Cứu Ðộ: đó là cuộc tử nạn của Chúa Kitô. Trong bước thứ ba nầy, Linh Thao đề nghị với người làm Linh Thao tập sống các kinh nghiệm đáng gía nhất của tình yêu đích thực: kinh nghiệm của Ðức Kitô chịu nhục nhã và khổ đau cho đến chết để nói lên tình yêu của mình đối với con người (xem Ga 15,13). Ðã vượt qua giai đoạn quyết tâm bước theo Chúa Kitô, quyết tâm noi gương và nên giống Ngài, thì đây chính là lúc cần phải tiến xa hơn, sâu hơn, cần phải sống, phải cảm nhận và thông dự vào kinh nghiệm khổ nạn đau thương nhất và hùng hồn nhất của tình bạn, của tình yêu đích thực mà Chúa Kitô dành cho mỗi một người trong nhân loại (xem LT 203). Lửa thử vàng, gian nan thử đức: cùng thông dự vào những khổ đau của Chúa Kitô là bằng chứng hùng hồn và chắc chắn nhất cho thấy lòng mến yêu chân thật đối với Ngài, cho thấy tình bạn tín trung dành cho Ngài. Kết hiệp với Chúa Kitô khổ đau có sức tôi luyện cho ý chí nên kiên cường, bền đỗ trong quyết tâm thực thi thánh ý Chúa. Ðó là tiêu đích thứ ba trong Linh Thao muốn nhắm đến.4. Mầu nhiệm Phục Sinh là chìa khóa của mầu nhiệm cứu rỗi, là hoa trái cao đẹp nhất trong vườn Lịch Sử Cứu Ðộ. Và nói đến mầu nhiệm Phục Sinh tức là nói đến cuộc tử nạn và sống lại của Chúa Kitô. Ðó là hai khía cạnh của cùng một thực tại. Giai đọan ba của Linh Thao đã nhìn ngắm Chúa Kitô khổ đau, thì giai đọan cuối, tức là bước thứ tư của Linh Thao, cũng phải dẫn đưa người cấm phòng đến chỗ thông dự vào niềm vui phục sinh của Chúa (xem LT 221). Niềm vui Phục Sinh là tiêu đích của đời sống kitô. Hướng về tiêu đích đó là giúp cho xác tín của đức tin kitô được chắc chắn thêm, là giúp cho quyết tâm thực thi thánh ý Chúa được mạnh mẽ thêm. Chẳng thế mà Kinh Thánh nói: “Niềm vui của Chúa là thành lũy chở che anh em” (Nh 8,10). Thánh Phaolô khẳng định rằng: “Nếu Chúa Kitô không sống lại …thì chúng ta là những kẻ khốn khổ nhất trần gian. Nhưng không, Chúa Kitô đã sống lại” (1Cr 15,17a-19a). Cho nên chúng ta là những người hạnh phúc nhất trần gian! Niềm hạnh phúc này là nguồn sức mạnh cho đời kitô. Ðiều mà bước thứ tư trong Linh Thao muốn nhắm tới, là đề nghị với người cấm phòng hãy cố tìm đến nguồn sức mạnh đó ở nơi Chúa Kitô sống lại, để được củng cố trong quyết tâm sống thánh ý Chúa qua mọi trạng huống. Về điểm nầy thì bước thứ ba và bước thứ tư trong Linh Thao có phần giống nhau, vì cả hai cùng nhắm đến một thành quả.Có một điểm khác cũng làm cho hai bước Linh Thao nầy giống nhau nữa, đó là cả hai đều cố đưa người cấm phòng đến chỗ kết hợp mật thiết với Chúa Kitô: một đàng là bằng cách thông phần với những khổ nhục đớn đau của Chúa trong cuộc tử nạn; và đàng kia là bằng cách thông dự vào niềm vui phục sinh chiến thắng của Chúa. Nếu cần phải miêu tả theo kiểu nói tu đức cổ điển, thì có thể đồng hóa bước đầu của Linh Thao với “con đường thanh luyện” (voie purgative -purgative way), và bước thứ hai với “con đường quang khải” (voie illuminative – illuminative way), còn hai bước thứ ba và thứ tư thì có thể so sánh với “con đường kết hợp” (voie unitive – unitive way).Ðã nói đến phương pháp, thì tất cũng cần phải nói tới các điều kiện thiết yếu để thực hành phương pháp cho đúng với kỹ thuật của nó. Ðại để có bốn điều kiện cần phải tôn trọng để Linh Thao có thể tiến hành đúng với đường lối riêng của nó, đó là : thinh lặng, cầu nguyện, nỗ lực và bàn hỏi.1.Thinh Lặng:Tức là giữ yên tĩnh, tránh ồn ào náo động, không to tiếng …;tuy nhiên, đó mới chỉ là thinh lặng bề ngoài, làm điều kiện cần thiết cho một trạng thái thinh lặng khác, chủ yếu hơn, đó là thinh lặng bên trong, tức là để cho tâm hồn lắng đọng xuống và quy hướng về Chúa, không xao lãng phân tán, không để những ưu tư lo nghĩ hay những gì khác xâm chiếm …Một người có thể ở trong tĩnh mạc, thanh vắng nhưng lại không có thinh lặng nội tâm, nếu tâm tư người đó vẫn tưởng nghĩ đến trăm ngàn thứ chuyện ngổn ngang giữa chợ đời.Nếu chỉ thinh lặng để lặng thinh, tức là nếu chỉ giữ một thinh lặng rỗng tuếch, vô ý nghĩa thì ai mà có thể giữ được? Lúc làm Linh Thao, cần phải giữ thinh lặng, bởi vì có thinh lặng thì mới cầm trí được để nói chuyện với Chúa và lắng nghe Ngài nói qua cầu nguyện. Không trao đổi với Chúa, không nghe được Ngài nói gì, không để tâm đọc các dấu chỉ và ánh sáng của Ngài, thì làm sao mà biết được Ngài muốn gì, làm sao mà nhận ra được ý của Ngài, và làm sao Linh Thao đạt cho được mục tiêu của mình là giúp nhận định ý Chúa? Không riêng gì Linh Thao yêu cầu phải giữ thinh lặng: mọi hoạt động nghiêm chỉnh và có chiều sâu của trí tuệ cũng đều yêu cầu tương tự như thế. Có phòng tra cứu của một thư viện nào lại chịu để cho người ta tự do làm ồn đâu!2. Cầu Nguyện:Là chuyện trò thân tình với Chúa. Cầu nguyện dẫn lối vào trong mối thâm tình đó, hướng tới tiêu đích kết hợp hai nên một trong mối đồng tâm nhất trí đượm đầy yêu thương. Cầu nguyện để gặp Chúa: là như thế! Ðã kết thân hoặc nên một với Chúa, tất nhiên con người sẽ biết Chúa muốn gì, ý Chúa là như thế nào. Ðã trở nên thắm thiết trong tình yêu thương, tất nhiên con người sẽ có đủ sức mạnh của yêu thương để thi hành những gì Người Yêu của mình muốn! Tình yêu không mạnh như sự chết đó sao? (xem Dc 8,6). Và đúng như Thánh Augustinô nhận định: đã trót yêu thì đâu còn biết nhọc mệt!Cầu nguyện đóng một vai trò trụ cột trong phương pháp Linh Thao, và bao gồm nhiều nhân tố trọng yếu cần nêu rõ. Thế nên, trong những trang tiếp theo sau bài viết về Linh Thao này, sẽ có một bài viết thứ hai bàn về cầu nguyện, xin tiếp tục theo dõi …Ơ ۼo:p> đây, chỉ xin lưu ý thêm một điểm như sau: trong cuộc sống thường nhật, lúc cầu nguyện, có thể tự do lựa chọn bất cứ đề tài nào thấy thích, còn trong lúc làm Linh Thao, người cấm phòng sẽ cố gắng tuần tự dựa theo các đề tài rút ra từ tiến trình Lịch Sử Cứu Ðộ mà cầu nguyện.3- Nỗ Lực:Là đem hết sức mình mà hợp tác với ơn Chúa cũng như với sự trợ giúp của người khác để hành động, để – trong trường hợp cụ thể đang bàn đây – sống đời nội tâm, để làm Linh Thao với tất cả chú tâm và quyết tâm, với hết lòng quảng đại của mình. Trong cuộc sống, và dĩ nhiên là trong tất cả mọi sinh hoạt tu đức, người kitô xác tín rằng con người không hành động và cũng không thể hành động lẻ loi một mình; con người hành động với sức của Chúa, cũng như với sự trợ lực trực tiếp hay gián tiếp, nhiều hay ít của người khác. “Không có Thầy, các con không thể làm gì được” (Ga 15,5), Ðức Kitô đã nói rõ như thế. Tuy nhiên không phải vì thế mà con người có thể lười biếng khóan trắng cho Thiên Chúa phần nỗ lực cần phải đóng góp của mình; Người kitô không được phép khoanh tay ngồi chờ những “quả sung ơn Chúa” rụng thẳng vào miệng, như anh chàng làm biếng khó có hai mà Giáo Khoa Thư nước ta ngày trước đã một dạo nói tới. Nếu thử dùng đồ biểu phần trăm mà tính “cổ phần” của Thiên Chúa đóng góp vào trong hành động của con người, thì có thể nói rằng Ngài có khoảng 85-90%. Thế thì trong lúc làm Linh Thao, người cấm phòng phải dốc lực lối 7-8% của những gì cần cho việc thành tựu công tác thiêng liêng, và người giúp hướng dẫn tiến trình Linh Thao, tức là “người giảng cấm phòng” có bổn phận làm phần còn lại, vào lối 2-3%. 7-8% ít thật! Tuy nhiên, nếu không chịu ứng ra phần ấy, thì không thể hưởng được “cổ phần” 85-90% mà Thiên Chúa luôn luôn sẵn sàng đóng cho!Nếu không ai có thể ăn ngủ thay cho người khác, thì cũng vậy, không ai có thể sống đạo đức, thực hành công việc nội tâm thay cho người khác được. Và do đó, không ai có thể lên thiên đàng hay xuống hỏa ngục thay cho người khác được! Thế mà có người vẫn đổ lỗi cho người khác để mình khỏi giữ đạo: tại “Ông cha giảng buồn ngủ !”, tại “Giáo Hội thủ cựu, lỗi thời !” … Nỗ lực cá nhân là yếu tố luôn luôn phải có, và không thể thay thế bằng bất cứ gì khác được.Vấn đề nỗ lực cá nhân còn dây dưa liên hệ đến một vấn đề khác nữa: đó là vấn đề lý thuyết và thực hành trong đời sống đức tin. Có người tưởng rằng tin là hiểu biết và “lấy đầu óc, trí tuệ” mà xác tín về các chân lý Thiên Chúa và Giáo Hội dạy: chỉ có thế thôi! Có lẽ họ “giữ đạo” mà không “sống đạo”; có lẽ họ tin mà không cố gắng sống đức tin, không nỗ lực đưa đức tin vào trong cuộc sống thực tế của cá nhân mình …Thái độ nhầm lẫn này cũng thường hay gặp thấy trong cách quan niệm về các khóa cấm phòng, về các kỳ Linh Thao. Nhiều người coi các kỳ Linh Thao, các khóa cấm phòng như là những “khóa học”: đi cấm phòng, đến dự Linh Thao là để học hỏi thêm một số điều mới lạ hay ho, là để biết thêm về một phương pháp thiêng liêng nghe nói cự phách, danh tiếng, có sức biến đổi ồ ạt vũ bão; là để nghe một người thuyết giảng hùng hồn, hấp dẫn, lưu loát… Quan niệm như thế là bóp méo tiêu đích của tôn giáo, của đức tin. Tôn giáo và đức tin không nhằm đến lý thuyết cho bằng thực hành, cho bằng hành động: “Hãy đón nhận Lời Chúa… và hãy đem ra thực hành” (Gc 1,21-22). “Rêu rao là mình có đức tin mà việc làm lại không có thì thử hỏi có ích gì?…Ðức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc2,14-17). “Không phải cứ kêu với ta: ‘lạy Chúa, lạy Chúa’ là sẽ vào được Nước Trời , nhưng là phải thi hành ý Cha Ta, Ðấng ngự trên trời…Ai nghe Lời Ta mà không thi hành, thì chẳng khác chi người dại xây nhà trên cát” (Mt 7,21.26). Thánh Inhã Loyola dựa theo kinh nghiệm mà nhận định nói là : ” …Không phải hiểu biết nhiều, nhưng là chính cảm nhận sâu xa tự trong đáy lòng mới làm cho linh hồn no thỏa”(LT, chú dẫn 2). Vì thế, cần phải quan niệm lại cho đúng: tiêu đích đầu tiên và cuối cùng các khóa cấm phòng, các kỳ Linh Thao nhắm tới không phải là việc “học” lý thuyết, nhưng là việc “hành” thực tế. Nếu có “học” thì cũng chỉ là tạo điều kiện cần thiết cho “hành”, cho hành động chứ không thể dừng lại ở mức hiểu biết lý thuyết không thôi.Nếu đem sinh hoạt cấm phòng so sánh với các hành động: dạy/học làm bếp, nấu ăn và ăn, thì trong ba việc này, hành động nào sẽ giúp hiểu rõ sinh hoạt cấm phòng – hay làm Linh Thao- nhiều nhất? Hành động “ăn”! Cấm phòng, tĩnh tâm hoặc làm Linh Thao là đưa các chân lý đức tin thấm nhập vào trong các sinh hoạt thiêng liêng nội tâm của chính mình, là cố làm cho các chân lý ấy trở “thành xương, thành thịt” của đời sống kitô cho riêng cá nhân mình. Có cố gắng tức là phải nỗ lực. Ăn là hành động dễ nhất trong đời. Ấy thế mà cũng có lúc “phải gắng mà ăn”. Vậy thì không cố gắng, không nỗ lực làm sao mà cấm phòng cho tốt được?!Ðã nói tới chuyện ăn, thì xin bàn tiếp cho trọn: Ăn dễ, ăn khó; lúc nào ăn dễ, lúc nào lại khó ăn? Làm sao để ăn cho dễ, ăn cho ngon và ăn cho nhiều? Phải có thức ăn cho tốt, cho béo bổ? Phải có đầu bếp giỏi? … Cũng cần phải có như thế; tuy nhiên đó không phải là điều kiện tiên quyết và chủ yếu. Ðiều kiện tiên quyết và chủ yếu là phải cảm thấy “ngon miệng”, cảm thấy “đói”…Không thấy đói, miệng lại cảm thấy đắng, thì có cao lương mỹ vị đến mấy cũng không nuốt nổi. Trái lại, khi đói thì dù có ăn cơm nguội với xì dầu không thôi cũng thấy ngon! Trong đời sống thiêng liêng cũng hệt như vậy: có khao khát chân lý của Chúa; có cảm thấy đói khát ánh sáng và sức mạnh của Ngài …, thì tâm hồn con người mới tha thiết và hăng say mở lòng ra mà đón nhận Lời Chúa một cách dễ dàng và quảng đại, ngay cả khi Lời ấy chỉ được nói lên qua những lời lẽ vấp váp của một con người tầm thường, không mấy tài cán. “Quả thực, -Thánh Phaolô chia sẻ cho biết rằng :”Ðức Kitô đã …(sai tôi đi) rao giảng Tin Mừng: không phải bằng cách dùng khôn ngoan khéo léo của khoa ngôn ngữ [của tài hùng biện]; vì có thế, thập giá Chúa Kitô mới khỏi bị trở thành hư vô” (1Cr 1,17). Không phải cái mới lạ của các đề tài, không phải cái hay ho của phương pháp, cũng như không phải tài hùng biện hấp dẫn của diễn giả là yếu tố chính làm cho lòng con người cảm nhận được ơn soi sáng và biến đổi của Chúa. Chủ yếu là con người phải cố gắng, nỗ lực mở rộng lòng ra, làm cho lòng mình đói, khát ánh sáng và sức mạnh của Chúa!Nếu tưởng rằng chỉ cần có phương pháp tu đức hay, tốt, danh tiếng và chỉ cần có người giảng thuyết lưu loát, hùng hồn, hấp dẫn … là mình sẽ sốt sắng nóng cháy, sẽ nhận được nhiều ơn Chúa, sẽ tiến đức nhanh và cao mà không để ý gì tới nỗ lực cá nhân, thì chẳng khác gì người thức dậy ban sáng, nằm nhìn những người tập thể dục trong tivi, rồi cứ yên lòng cho sức khỏe của mình, vì nghĩ là mình cũng đã tập thể dục rồi! Nhẩy xuống khỏi giường, làm các động tác thể dục thì mệt, thì chảy mồ hôi…nhưng có thế mới thực sự hữu ích cho sức khỏe. Trong sinh hoạt nội tâm tu đức cũng thế: có nỗ lực, có cố gắng, có nhọc mệt, – tức là có Linh Thao, – thì mới tăng cường được sức khỏe cho linh hồn. Tiền nào của nấy: chính là thế!4. Bàn Hỏi:Linh thao là một cuộc thực tập để tu luyện linh hồn. Giống như trong mọi cuộc thực tập, trong thời gian làm Linh Thao cũng cần có một huấn luyện viên, một người có kinh nghiệm để chỉ dẫn đường đi nước bước của tiến trình thiêng liêng. Có thể gọi là người giảng, hay là người hướng dẫn Linh Thao. Vị này giữ một vai trò song đôi: vừa làm người thuyết trình Lời Chúa theo kỹ thuật Linh Thao, vừa làm người linh hướng- người linh trợ – để giúp cho người cấm phòng bước đi vững dạ giữa những kinh nghiệm nội tâm, và từ từ nhận ra con đường Thiên Chúa đã ân cần kẻ sẵn cho đời mình, tức là để giúp lớn lên trong kinh nghiệm nội tâm và trong khả năng nhận định thiêng liêng. Thường thường người ta nghĩ rằng công tác thuyết giảng là việc chính yếu của người giảng cấm phòng hay hướng dẫn Linh Thao; thực ra không phải thế: tác vụ linh trợ mới thực sự là công việc chính yếu của người hướng dẫn Linh Thao, đầy tế nhị và khó khăn cũng như đòi hỏi nhiều kinh nghiệm …Không thể nào quan niệm được một khóa Linh Thao mà không có tác vụ linh trợ. Hễ đã có Linh Thao là phải có linh trợ. Cũng thế, hễ đã làm Linh Thao tất phải cần đến linh trợ, tất cần phải lấy tinh thần cởi mở và chân thành mà bàn hỏi về các sự việc nội tâm với người hướng dẫn.Trên sân khấu Linh Thao, có ba loại diễn viên: Thiên Chúa, người hướng dẫn Linh Thao và người thực hành LinhThao. Mỗi loại diễn viên đều có phần đóng góp nhiều hay ít của mình ở trong công tác chung, như đã thấy qua hình ảnh của biểu đồ phần trăm nói ở trên. Có thể lấy hình tam giác với các góc và các cạnh, để tạm cụ thể hóa vị trí của các diễn viên (ở mỗi góc), và mối tương liên giữa ba loại diễn viên (qua các cạnh) : Thiên Chúa soi sáng và tác động trên người hướng dẫn lẫn người thực hành Linh Thao, các người nầy quy hướng và mở rộng lòng mình để đón nhận ơn Chúa hầu làm công tác của phần mình, rồi đồng thời cũng trao đổi với nhau qua việc bàn hỏi và tác vụ linh trợ. Linh Thao chính là hợp tác vậy. Ðâu có lý do chính đáng để nằm ỳ trong ảo tưởng cô đơn và lẻ loi?Như thế bốn yếu tố chính làm trụ cột cho việc thực hành phương pháp Linh Thao có thể được tóm kết như sau với các mục tiêu chủ yếu của chúng:Thinh lặng để lắng nghe
    Cầu nguyện để gặp Chúa
    Nỗ lực để hợp tác
    Bàn hỏi để nhận định

    “Hãy làm như vậy!”
    (Lc 10,28)

    Nguyễn Thế Minh SJ
    thay đổi nội dung bởi: chư dân, 26-05-2012 lúc 09:11 AM
    Chữ ký của chư dân
    CÓ CHÚA, CON VUI!
    (Chị Elisabeth Chúa Ba Ngôi)

  2. Có 6 người cám ơn chư dân vì bài này:


  3. #2
    Rabouni's Avatar

    Tuổi: 33
    Tham gia ngày: Apr 2011
    Tên Thánh: ANNA
    Giới tính: Nữ
    Đến từ: GP Bắc Ninh
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 147
    Cám ơn
    158
    Được cám ơn 998 lần trong 142 bài viết

    Default

    Mỗi năm, vào dịp hè, thường là vào đầu tháng 8, Tổng giáo phận Hà Nội đều tổ chức Linh thao, năm ngoái được tham gia (01/08/2011) gặp gỡ được rất nhiều người, từ những bạn sinh viên đến những Thầy, Sơ, hay những người đang đi làm.
    Ấn tượng là gặp được 1 chị đã tham gia liên tục 6 khóa Linh thao từ khi còn là sinh viên.
    Thật sự Linh thao là "món ăn tinh thần" quí lắm
    Chữ ký của Rabouni
    Đời có Giêsu cho ta những điều thật lạ

  4. Có 2 người cám ơn Rabouni vì bài này:


+ Trả lời chủ đề + Gửi chủ đề mới

Quyền hạn của bạn

  • Bạn không được gửi bài mới
  • Bạn không được gửi bài trả lời
  • Bạn không được gửi kèm file
  • Bạn không được sửa bài

Diễn Đàn Thánh Ca Việt Nam - Email: ThanhCaVN@yahoo.com