Ga 7,40-53
Bài tin mừng hôm nay nằm trong trình thuật những cuộc tranh luận của dân chúng về Đức Giêsu. Đức Giêsu là chủ đề cho cuộc tranh luận hôm nay. Họ nói: “ông này thật là vị ngôn sứ” (Ga 7,40), nhưng kẻ khác lại nói: “ông này là Đấng Kitô” (Ga 7,41). Như vậy dưới khuôn mặt của Đức Kitô họ nhìn ra Người dưới hai góc cạnh, thứ nhất là ngôn sứ, thứ hai là Đấng Kitô. vậy ngôn sứ được hiểu theo nghĩa nào? Ngôn sứ là người như thế nào? Ngôn sứ có mối tương quan như thế nào với Thiên Chúa không?
Ngôn sứ theo nghĩa kinh thánh là người đại diện Thiên Chúa để thông truyền lời mạc khải cứu độ của người cho nhân loại. Vậy ngôn sứ có mối liên hệ gì với Thiên Chúa và nhân loại ?

Thứ nhất ngôn sứ là người được Thiên Chúa tuyển chọn. Thiên Chúa tuyển chọn ngôn sứ của mình từ khi chưa lọt lòng mẹ. Như ngôn sứ Giêrêmia nói: “có lời Đức Chúa phán với tôi rằng: trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi: trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân”(Gr 1,5). Còn ông Gioan tẩy giả lại được đầy thánh thần khi còn trong lòng mẹ: “và ngay khi còn trong lòng mẹ, em đã đầy thánh thần” (Lc 1,15). Chính ơn gọi này thánh Phaolô cũng đã nghiệm được điều đó ông nói: “Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ và đã gọi tôi nhờ ân sủng của người”(Gl 1,15). Như vậy ngôn sứ là người hoàn toàn do thiên Chúa tuyển chọn.

Thứ hai ngôn sứ là người trung gian giữa Thiên Chúa và dân người. Như ông môsê là người làm trung gian giữa Thiên Chúa và dân Israel. Để khi Chúa phán với dân thì người nói qua ông Môsê và khi dân kêu cầu Thiên Chúa thì họ đến với ông Môsê để ông nói lại với Thiên Chúa. Qua ông Môsê Chúa ban 10 giới răn(X.Xh).

Hình ảnh đấng trung gian này mang ý nghĩa đặc biệt nhưng lại là người phải chị nhiều đau khổ. Người trung gian rất quan trọng trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Thứ ba ngôn sứ là người ở với Thiên Chúa, hay là người được Thiên Chúa ở vơi. Khi nói đến ở với là nói lên mối giây liên kết mật thiết giữa Thiên Chúa và ngôn sứ. Nghĩa là người ngôn sứ luôn sống trước sự hiện diện của Thiên Chúa. Như Đức Chúa nói với Apraham: “Ta là Thiên Chúa toàn năng, ngươi hãy bước đi trước mặt ta và hãy sống hoàn hảo” (St 17,1). Khi Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ cũng một lý do đó là để họ ở với Chúa và được sai đi(x. Mc3,14). Sống với Chúa là sống gắn kết như thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi mà là Đức Kitô sống trong tôi”(Gl 2,20). Một sự kết hợp khăng khít với nhau, một sự sống hoàn toàn ở trong Chúa và cho Chúa mà không có chúa chúng con sẽ đi về đâu ? hay như thánh phêrô đã thốt lên: “bỏ Thầy con biết theo ai” (Ga 6,68).

Qua một vài điểm dừng về ngôn sứ mà Thiên Chúa đã chọn. Là người rao truyền lời của Chúa. Vậy Chúa Giêsu có phải là vị ngôn sứ tối cao hay không ?

Thứ nhất là người được thiên Chúa tuyển chọn để rao truyền Lời của Thiên Chúa. Đức Giêsu được Thiên Chúa gọi là con yêu dấu (x. Mt3,17;17,5;lc9,35). Người là con yêu dấu vì “con là con của Cha, ngày hôm nay cha đã sinh ra con” (Tv 2,7). Đức Kitô được tuyển chọ để loan báo lời của Thiên Chúa. Khởi đầu công cuộc rao giảng Ngài nói: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mt 4,17), tại sao lại phải tin vào tin mừng, thánh Phao-lô cho chúng ta câu trả lời: “Vì Tin Mừng là sức mạnh Thiên Chúa dùng để cứu độ bất cứ ai có lòng tin” (Rm 1,16). Ngài không chỉ mang sứ điệp Tin Mừng cứu độ cho mọi người mà còn là Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và dân Người.

Thứ hai người là Đấng trung gian. Ngước nhìn lên thập giá con thấy được hai chiều kích đó thanh dọc nối với trời chiều ngang hướng đến tha nhân. Chúa Giêsu vừa là Đấng có tương quan với trời là thanh dọc của cây thập giá và chiều ngang nói lên mối tương quan với nhân loại. Thập giá chính là đỉnh cao của Đấng Trung gian, mà thư gửi tín hửu Do thái gọi là “Người là trung gian của một giao ước mới” (Dt 9,15). Tại sao chỉ có Chúa Giêsu là Đấng trung gian duy nhất và cao cả? Vì chúa Giêsu vừa là Chúa vừa là Thầy(Ga13,13). Cho nên để đến với Thiên Chúa phải qua Chúa Giêsu và muốn đến với Chúa Giêsu phải nhờ ân ban của Thiên Chúa, như người đã nói: “không ai đến được với Chúa Cha mà không qua thầy” (Ga 14,6). Làm sao con có thể đến được với Chúa Giêsu ? Thưa con đến được là nhờ ân ban của Thiên Chúa, Người nói : “Thầy bảo cho anh em không ai đến với Thầy được nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho” (Ga 6,65).

Như vậy, Chúa Giêsu là Đấng mà bỏ ngài con biết theo ai (x.Ga6,68) như lời chúa Giêsu đã khẳng định: “không có thầy anh em không làm gì được” (Ga15,5).

Chúa Giêsu là người ở với chúa Cha như ngài nói: “thầy ở trong chúa cha và chúa cha ở trong thầy” (Ga14,11). Người có mối dây liên kết chặt chẽ với chúa cha mối dây liên kết thành một “tôi và chúa cha là một” (Ga10,30). Là một vì ngài ở trong cung lòng chúa cha: “Thiên Chúa chưa bao giờ có ai thấy cả nhưng con một vốn là thiên chúa và là đấng hằng ở nơi cung lòng chúa cha, chính người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga1,18).

Khi suy niệm về về ngôn sứ mà đỉnh cao của ngôn sứ là chính Đức Kitô. Ngài là người được Chúa Cha sai đến để làm chứng cho sự thật đồng thời qua ngài mọi người được cứu độ. Dân chúng đã nhìn ra được ngài là ngôn sứ đồng thời là Đấng Kitô nghĩa là được xức dầu. Vậy thì tại sao những người Do thái lại tìm cách bắt và giết Người ? Phải chăng họ không muốn có một vị Ngôn Sứ hay một Đấng Kitô như vậy ? Còn ngày hôm nay thì sao phải chăng con người ngày nay cũng đang loại Chúa ra khỏi cuộc sống của họ, ra khỏi cuộc đời họ ?

Còn chúng ta thì sao ? là những kitô hữu, chúng ta là những người bước theo chân Chúa, là những ngôn sứ của Chúa. Như sắc lệnh tông đồ giáo dân của công đồng vatican II đã nói là mọi kitô hữu đều được thông phần chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa Kitô. Người tín hữu được mời gọi làm ngôn sứ bằng việc cộng tác với lời Chúa, rao truyền lời cứu độ và chữa lành cho tha nhân. Trong bối cảnh những hoạt động của đời sống của mình.

Là ngôn sứ phổ quát chúng ta sẻ làm gì cho ngày hôm nay?

Để kết con xin trích đoạn thư của thánh phaolô gửi tín hữu 2Cr6,2tt: “vì được cộng tác với thiên Chúa, chúng tôi khuyên nhủ anh em : anh em đã lãnh nhận ân huệ của Thiên Chúa, thì đừng để trở nên vô hiệu…trái lại, trong mọi sự, chúng tôi luôn chứng tỏ mình là những thứa tác viên của Thiên Chúa; gian nan, khốn quẫn lo âu, đòn vọt, tù tội, loạn lỵ, nhọc nhằn, vất vả mất ăn mất ngủ, chúng tôi đều rất mực kiên trì chịu đừng”. Chỗ khác thánh nhân nói: “anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em” (Ep 4,1).

Lạy Chúa, xin cho con sống xứng với ơn kêu gọi, đăc biệt trong chiều kích ngôn sứ, biết loan báo lời Chúa qua suộc sống của mình. Amen.
hoadongnoi