Love Telling ThanhCaVN nhắn với Gia đình TCVN và Quý Khách: BQT-TCVN xin cáo lỗi cùng ACE vì trục trặc kỹ thuật 2 ngày vừa rồi. Trân trọng! Loan Pham nhắn với Gia Đình TCVN: Kính chúc quý Cha, quý tu sĩ nam nữ và toàn thể quý anh chị em một Giáng Sinh ấm áp bên gia đình, người thân và tràn đầy ơn lành từ Chúa Hài Đồng. ThanhCaVN nhắn với TCVN: Nhân dịp Sinh Nhật lần thứ 16 Website, BQT-TCVN kính chúc Quý Cha, Quý Tu sỹ Nam Nữ, Quý Nhạc sỹ - Ca Trưởng – Ca sỹ, Quý Ân Nhân và toàn thể ACE luôn tràn đầy HỒNG ÂN CHÚA. Edit LM Loan Pham nhắn với TCVN: Kính Chúc Cà Nhà Một Tam Nhật Thánh và Một Mùa Phục Sinh Tràn Đầy Thánh Đức ... Loan Pham nhắn với TCVN: Chúc mừng năm mới đến quý Cha, quý tu sĩ nam nữ cùng toàn thể quý anh chị em tron gia đình TCVN thân yêu... Xin Chúa xuân ban nhiều hồng ân đến mọi người. Amen ThanhCaVN nhắn với ÔB & ACE: Kính chúc Năm Mới Quý Mão: Luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa ThanhCaVN nhắn với Gia đình TCVN: Kính chúc Giáng Sinh & Năm Mới 2023: An Bình & luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa. bethichconlua nhắn với Gia Đình ThanhCaVietNam: Chúc mừng sinh nhật thứ 15 website ThanhCaVietNam. Kính chúc quý Cha, quý tu sĩ nam nữ cùng toàn thể anh chị em luôn tràn đầy ơn Chúa. Amen ThanhCaVN nhắn với Quý ACE: Nhân dịp Sinh Nhật lần thứ 15 Website, BQT-TCVN kính chúc Quý Cha, Quý Tu sỹ Nam Nữ, Quý Nhạc sỹ - Ca Trưởng – Ca sỹ, Quý Ân Nhân và toàn thể ACE luôn tràn đầy HỒNG ÂN CHÚA. phale nhắn với cecilialmr: Nhớ em nhiều lắm ! cầu mong nơi ấy được bình yên. phale nhắn với thiên thần bóng tối: Nhớ em nhiều lắm ! cầu mong nơi ấy được bình yên. phale nhắn với teenvnlabido: Ngày mai (1/6) sinh nhật của bạn teen / chúc mọi điều tốt lành trong tuổi mới. phale nhắn với tất cả: Xin Chúa cho dịch bệnh sớm qua đi và ban bình an cho những người thành tâm cầu xin Ngài. ThanhCaVN nhắn với ACE: Kính chúc ACE: Giáng Sinh & Năm Mới 2021 - An Bình & luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa

+ Trả lời chủ đề + Gửi chủ đề mới
kết quả từ 1 tới 4 trên 4

Chủ đề: 100 năm ngày sinh Hàn Mạc Tử

  1. #1
    Caohuong's Avatar

    Tham gia ngày: Sep 2010
    Tên Thánh: Antoine
    Giới tính: Nam
    Đến từ: http://gxvinhhuong.net
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 2,636
    Cám ơn
    5,176
    Được cám ơn 7,780 lần trong 1,873 bài viết

    Default 100 năm ngày sinh Hàn Mạc Tử

    Lời giới thiệu:

    Như tin đã loan, kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hàn Mạc Tử đã được các tác giả bộ sưu tập Có Một Vườn Thơ Đạo đánh dấu bằng buổi gặp gỡ chiều 21-9-2012, đêm thơ nhạc Hàn Mạc Tử tối hôm đó và cuộc hành hương theo dấu chân Hàn Mạc Tử trong chính ngày 22-9-2012. Để bạn đọc khắp nơi cùng hiệp thông, chúng tôi xin giới thiệu loạt 8 bài viết: Bài 1: Có chở trăng về kịp tối nay. Bài 2: Bộ sưu tập Có Một Vườn Thơ Đạo và những triển vọng. Bài 3: Vài suy tư từ tình bạn của Hàn Mạc Tử. Bài 4: Hành hương kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hàn Mạc Tử. Bài 5: Từ vườn thơ đến vườn văn. Bài 6: Cuộc tưởng niệm hướng về tương lai. Bài 7: Vườn thơ đạo nở hoa. Bài 8: Tiến tới một hệ thống phát hành sách đạo. Lm Trăng Thập Tự

    CÓ CHỞ TRĂNG VỀ KỊP TỐI NAY?

    BÀI CHIA SẺ TRONG THÁNH LỄ KỶ NIỆM 100 NĂM SINH NHẬT THI SĨ HÀN MẶC TỬ[1] tại TRUNG TÂM THÁNH THỂ THÁNH MẪU GHỀNH RÁNG CHIỀU 22-9-2012

    Kính thưa cộng đoàn Phụng Vụ,

    Trong bầu khí ấm cúng, thân thương của Bàn Tiệc Thánh Thể hôm nay, thánh lễ dành kỷ niệm 100 năm ngày sinh của thi sĩ Hàn Mặc Tử, một nhà thơ Công Giáo, một vì sao chói lọi trên vòm trời thi ca Việt Nam thế kỷ 20, quả thật chúng ta thấy gần gũi dường nào và ấm cũng biết bao :

    - Ấm cúng với nhau, bên nhau trong niềm tin phục sinh - cõi vĩnh hằng và trong đồng cảm văn hóa, văn hóa của thi ca mà người đón mời và nối kết hôm nay - thi sĩ Hàn Mặc Tử, đang hiện diện cách vô hình.

    - Gần gũi với cõi thiêng liêng, với Đấng Thiên Chúa yêu thương và toàn năng, một sự gần gũi mà hình như chỉ có ngôn ngữ thi ca của Hàn Mặc Tử mới diễn đạt cách tài tình và sống động :

    Cả trời bỗng tiêu diêu như báu vỡ:
    Nên tiếng vang thầm dội đến thâm tâm,
    Mà ta ngỡ đấng tiên tri muôn thuở
    Giữa đêm nay còn đứng giảng Phúc Âm. (Nguồn Thơm)

    Hôm nay chúng ta tưởng niệm một người đã khuất nhưng trong một "bàn tiệc của sự sống" ; niềm tin đã nối kết kẻ sống và người đã ra đi trong niềm hoan vui đoàn tụ và hy vọng phục sinh. Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rất chí lý khi diễn tả cảm nhận nầy trong ca khúc "Nối vòng tay lớn" : "Người chết nối linh thiêng vào đời và nụ cười nở trên môi". Tôi tin chắc rằng, nếu thi sĩ Hàn Mặc Tử mà sống lại và hiện diện như chúng ta và với chúng ta trong bối cảnh nầy, chắc anh đã có một bài thơ khác về cái chết, về sự sống bên kia sẽ đầy hy vọng, tươi sáng hơn những bài thơ mà anh đã sáng tác khi liên tưởng tới cái chết của chính mình, một sự hiện hữu của thế giới bên kia mà anh cảm nhận quá ư cô đơn, đen tối, lạnh lùng :

    Tôi vẫn còn đây hay ở đâu ?
    Ai đem tôi bỏ dưới sông sâu ?
    Sao bông phượng nở trong màu huyết ?
    Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu ? (Những Giọt Lệ)

    Hoặc :

    Rồi hồn ngắm tử thi hồn tan rã,
    Bốc thành âm khí loãng nguyệt cầu xa .
    Hồn mất xác, hồn sẽ cười nghiêng ngả,
    Và kêu rêu thảm thiết khắp bao la ... (Hồn lìa khỏi xác)

    Hoặc :

    Một mai kia ở bên khe nước ngọc
    Với sao sương Anh nằm chết như trăng
    Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc
    Đến hôn Anh và rửa vết thương tâm (Duyên kỳ ngộ)

    Mà quả thật, hôm nay, trên cõi vĩnh hằng, chắc chắn anh đã cảm nhận khác rồi.

    Đặc biệt hôm nay, và trong suốt bao tháng năm qua, tưởng nhớ đến anh không chỉ là "bông phượng nở trong màu huyết" để "Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu", hay để "nàng tiên mô đến khóc " và hôn Anh và rửa vết thương tâm" ...mà như nhận xét của Kiều Văn :

    “Hơn nửa thế kỷ qua, không thể đếm xuể những con người thuộc mọi tầng lớp, mọi trình độ, đã nghiêng mình kính cẩn trước anh linh Hàn Mặc Tử, không thể đong được những dòng lệ mà người đời đã nhỏ xuống khóc người thi sĩ tài hoa bạc mệnh ấy" (Trích trong bài khảo luận : "Hàn Mặc Tử Anh là ai? của Hoàng Vũ Thuật).

    Nhưng cho dù anh thế nào và nhiều người ở đây đã biết về anh ra sao, thì trong ngày kỷ niệm 100 năm anh mở mắt chào đời, 100 năm anh được Thượng Đế trao ban cuộc sống làm người và làm con Thiên Chúa, chúng ta cũng phải một lần sơ lượt cuộc đời và sự nghiệp của anh, như nghĩa cử "đập cổ kính ra tìm lấy bóng", một cái bóng vĩ đại trên thi đàn Việt Nam và trong vườn thơ Công Giáo.

    Hàn Mạc Tử hay Hàn Mặc Tử [2] tên thật là Nguyễn Trọng Trí. Sinh ngày 22.9.1912 tại làng Lệ Mỹ, tổng Võ Xá, huyện Phong Lộc (nay là Đồng Hới), tỉnh Quảng Bình. Được rửa tội ngày 25.9.1912 tại nhà thờ Tam Tòa với tên thánh Phanxicô Assisi và 21 năm sau – 1933 - chịu phép Thêm Sức tại nhà thờ Chính Tòa Qui Nhơn với tên thánh là Phanxicô Xavie.[3] Thân phụ và thân mẫu của thi sĩ là Vinh Sơn Phaolô Nguyễn Văn Toản và Maria Nguyễn thị Duy.

    Nhà thơ Hàn Mạc Tử là người con thứ tư trong một gia đình có 8 anh chị em: anh trai là Nguyễn Bá Nhân, hai chị là Nguyễn Thị Như Nghĩa, Nguyễn Thị Như Lễ và bốn em trai là Nguyễn Bá Tín, Nguyễn Bá Hiếu, Nguyễn Văn Hiền, Nguyễn Văn Thảo. Vì là một nhà nho học, ông Nguyễn Văn Toản đã chọn Ngũ Thường (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí Tín) của Ðức Khổng Tử để đặt tên cho các con với ước mong chúng sẽ bước theo vết chân của các bậc thánh hiền.[4]

    Do hoàn cảnh gia đình, thi sĩ phải di cư và sống nhiều nơi : Sa Kỳ Quảng Ngãi (1924-1926), Qui Nhơn (1926-1928), Học Pellerin ở Huế (1928-1930), làm công chức ở Qui Nhơn (1930-1933), sống và viết báo tại Sài Gòn (1934-1936), về lại Qui Nhơn và tạm trú nhiều nơi khi trỗ bệnh hiểm nghèo (1937-1940). Ngày 20.09.1940 nhập trai phong Qui Hòa với số hiệu bệnh nhân 1134 để được các nữ tu dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ chăm sóc.

    Sau 52 ngày được các nữ tu, đặc biệt sơ Julienne và Mẹ Nhất Maria Juetta, tận tình săn sóc, cùng một người bạn thân đồng bệnh đồng đạo người Huế, ông Nguyễn Văn Xê, giúp đỡ, nhà thơ tài hoa bạc mệnh Hàn Mạc Tử đã nhẹ nhàng tắt thở lúc 5 giờ 45 sáng ngày 11 tháng 11, 1940, hưởng dương 28 tuổi.[5]

    Sau đây là “gia tài văn hóa” của Hàn Mặc Tử :

    - Lệ thanh thi tập Thơ
    - Gái quê Thơ
    - Nắng xuân Giai phẩm
    - Đau thương Thơ
    - Xuân như ý Thơ
    - Thượng thanh khí Thơ
    - Cẩm châu duyên Thơ
    - Duyên kỳ ngộ Kịch
    - Quần tiên hội Kịch
    - Chơi giữa mùa trăng Thơ văn xuôi

    Sau 72 năm từ khi thi sĩ qua đời (1940), đã có không biết bao nhiêu phê bình, đánh giá , nghiên cứu, mổ xẻ. Nhà phê bình Trần Văn Lý trong tiểu luận văn học tái bản năm 2006, đã xếp Hàn Mặc Tử là một trong 4 thi sĩ tiêu biểu đáng nhớ nhất của thế kỷ 20.[6]

    Riêng trong lãnh vực niềm tin và thi ca nơi hàn Mặc Tử, linh mục Trần Quý Thiện đã có những nhận xét chí lý :

    Hàn Mặc Tử, một thi nhân, một nhà thơ Công Giáo, một tâm hồn thuấn nhầm Niềm Tin Công Giáo sâu sắc, được nuôi dưỡng bằng kinh nguyện, bằng đời sống nội tâm phong phú thánh thiện, đã khám phá được những chiều kích mới lạ vượt qua những niềm đau bất hạnh mà thi nhân đã trải qua. Càng đọc thi phẩm bất hủ Ave Maria càng đưa chúng ta tới bến bờ huyền nhiệm trong thế giới vô hình. Phải chăng qua đó, nhà thơ đã đi tiên phong trong sứ mệnh trình bày một nền Thần học Á Châu dựa trên những suy tư và văn hóa lâu đời của Á Châu. Ðem tôn giáo vào thơ, lấy nguồn cảm hứng thơ trong tôn giáo phải chăng Hàn Mạc Tử đã đi đúng con đường mà sau này Tông Huấn Giáo Hội Á Châu đã trình bày. Ðây chính là một vinh dự cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, vì có một người con đã đóng góp và khai phá một con đường mới trong Văn Học Việt Nam”[7].

    Nhưng có lẽ để tóm kết những gì đặc biệt nhất, thâm sâu nhất, tuyệt vời nhất về giá trị thi ca nơi Hàn Mặc Tử, cả đạo lẫn đời, nhiều người có thể tâm đắc với nhận xét của thi sĩ Chế Lan Viên, người bạn và nhà thơ đồng thời với Hàn Mặc Tử : “Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia biến tan đi và còn lại của cái thời kỳ này chút gì đáng kể, đó là Hàn Mặc Tử”.

    Kính thưa cộng đoàn, trong khung cảnh Phụng Vụ của thánh lễ tưởng niệm hôm nay, đặc biệt, qua gợi ý của trích đoạn Tin Mừng Luca về “Dụ ngôn người gieo giống”, tôi chỉ xin chia sẻ đôi điều về người thi sĩ mang danh “thi sĩ của đạo quân Thánh Giá” :

    1. Hàn Mặc Tử : người đã đem hạt giống Lời Chúa, hạt giống đức tin nhập thể vào đời bằng ngôn ngữ thi ca.

    Để xác định ý nghĩa nầy chúng ta có thể đọc lại chính quan niệm của anh về thơ :

    “Đức Chúa trời tạo ra trăng, hoa, nhạc, hương là để cho người đời hưởng thụ, nhưng người đời u mê phần nhiều không biết tận hưởng một cách say sưa, và nhân đấy chiêm nghiệm lẽ mầu nhiệm, phép tắc của Đấng Chí tôn. Vì thế, trừ hai loài trọng vọng là “ thiên thần” và “ loài người”, Đức Chúa Trời phải cho ra đời một loài thứ ba nữa: “ loài thi sĩ”! Loài này là những bông hoa rất quí và rất hiếm, sinh ra đời với một sứ mạng rất thiêng liêng: Phải biết tận hưởng những công trình châu báu của Đức Chúa Trời đã gây nên, ca ngợi quyền phép của Người, và trút vào linh hồn người ta những nguồn khoái lạc đê mê, nhưng rất thơm tho tinh sạch…Cho nên tất cả thi sĩ trong đời phải qui tụ, phải đi khơi mạch thơ ở Đức Chúa Trời. Thi sĩ không phải là một người thường. Với một sứ mệnh của Trời thi sĩ phải biết đem cái tài năng ra ca ngợi Đấng Chí Tôn, và làm cho người đời thấy rõ vẽ đẹp của thơ, để đua nhau nhìn nhận và tận hưởng…” (Thư gửi cho Trọng Miên: Quan niệm về Thơ).

    Và phải chăng đó chính dòng chảy bất tận thiên thu của công trình “hội nhập hạt giống Lời Chúa” mà ngay từ thuở hồng hoang Cựu ước, các tác giá Thánh Kinh thể hiện với “Diễm Tình Ca”, với “Thánh Vịnh”, với những hình ảnh thơ mộng nơi Isaia, tình tứ nơi Hô-sê hay huyền ảo, mầu nhiệm với Ê-giê-ki-en, Đa-ni-en…

    Chỉ một đôi câu trong bài thơ “Thánh Nữ Đồng Trinh”, thi sĩ Hàn Mặc Tử đã cho chúng ta cái cảm nhận thật sống động về mầu nhiệm Nhập Thể-Giáng Sinh :

    Hỡi Sứ Thần Thiên Chúa Gabriel,
    Khi người xuống truyền tin cho Thánh Nữ,
    Người có nghe xôn xao muôn tinh tú?
    Người có nghe náo động cả muôn trờỉ
    Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời… (Thánh Nữ Đồng Trinh)

    Và đó chính cuộc gặp gỡ, giao duyên của những con người đã từng có những cảm nhận sâu xa về đức tin, về Lời Chúa để có thể “bật ra” những diễn cảm thâm thúy, hay ho mà lịch sử Giáo Hội đã minh chứng qua các chứng nhân như Giáo phụ Augustinô, các nhà thần bí như Têrêsa Avila, Gioan Thánh Giá...[8]

    Riêng Hội Thánh Việt Nam, trước Hàn Mặc Tử, cũng đã có bao nhiêu con người đã vận dụng thơ văn để chuyển tải Lời Chúa, để truyền bá đức tin mà hôm nay chúng ta xác nhận bằng ngôn ngữ của thời đại đó là những cuộc “hội nhập văn hóa”.[9]

    2. Hàn Mặc Tử : Người đã biến cuộc đời thành mảnh đất tốt để hạt giống đức tin sinh hoa kết trái phong phú.

    Với chỉ 28 năm trong cuộc đời tại thế mà trong đó là lao đao lận đận trong bể khổ bến mê, thất bại trong đường tình, đớn đau vì bệnh tật. Thế nhưng, Hàn Mặc Tử không vì thế mà để cuộc đời mình chìm đắm trong thất vọng nảo nề, thui chột trong đầu hàng bế tắc. Anh đã sống hết mình và đã biến mình thành một “hạt giống chịu mục nát với thời gian”, một “mảnh đất tốt để trỗ sinh nhiều hoa trái”. Anh đã nói :

    “Tôi đã sống mãnh liệt và đầy đủ. Sống bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn. Tôi đã phát triển hết cả cảm giác của Tình Yêu. Tôi đã vui, buồn, giận hờn đến gần đứt cả Sự Sống”. (Lời tựa của tập Thơ Điên 1938)
    Trong ý nghĩa đó, quả Hàn Mặc Tử đã gia nhập những thế hệ nhân chứng mà thi sĩ đã tự nhận đó là “đạo quân Thánh giá” :

    "Đây thi sĩ của đạo quân Thánh giá,
    Nửa đêm nay vùng dậy để tung hô,
    Để sớt cho cả xuân xuân thiên hạ
    Hương mến yêu là lộc của lời thơ". (Nguồn Thơm)

    Kính thưa quý vị, trong bàn Tiệc Thánh Thể hôm nay, trong niềm tin vào sự Phục Sinh của Chúa Kitô, chúng ta tin rằng, Hàn Mặc Tử đang cùng chúng ta tham dự bàn Tiệc Tạ Ơn nầy, đang cùng nhau dâng lời ca ngợi tạ ơn Chúa, tôn vinh Đức Mẹ Đồng Trinh, lời tôn vinh ca ngợi vượt qua không gian và thời gian mà ngày xưa chính thi sĩ đã từng cảm nhận :

    Ngọc như ý vô tri còn biết cả
    Huống chi tôi là Thánh thể kết tinh
    Tôi ưa nhìn Bắc Đẩu rạng bình minh,
    Chiếu cùng hết khắp ba ngàn thế giớị..
    Sáng nhiều quá cho thanh âm vời vợi,
    Thơm dường bao cho miệng lưỡi khong khen. (Thánh Nữ Đồng Trinh)

    Và có lẽ, nói về Hàn Mặc Tử sẽ không bao giờ ta nói hết, chia sẻ về người thi sĩ mang tiếng “Điên” nầy sẽ không bao giờ cạn. Bởi chính anh ta cũng chỉ là một nổi khát vọng vô bờ như hình ảnh con chim phượng hoàng bay cao, bay cao lên mãi như lời thơ anh :

    Phượng Trì! Phượng Trì!Phượng Trì! Phượng Trì!
    Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu,
    Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu.

    Và như thế, để tưởng niệm 100 năm ngày sinh của Hàn Mặc Tử hôm nay, chúng ta cũng chỉ như một khách sang sông mượn chiếc thuyền chở trăng về quá khứ cho kịp tối nay :

    Thuyền ai đậu bến Sông Trăng đó,
    Có chở trăng về kịp tối nay? (Đây thôn Vỹ Dạ)

    Để nói với Hàn Mặc Tử rằng : Yên tâm đi thi sĩ, chúng tôi ở đây, bây giờ vẫn dành cho anh một tình cảm đậm đà, đậm đà như tim anh đã từng rung lên khi về thăm thôn Vỹ :

    Ở đây sương khói mờ nhân ảnh,
    Ai biết tình ai có đậm đà? (Đây thôn Vỹ Dạ)

    Và như thế, chúng ta đã sẵn sàng cùng với anh tiến dâng cuộc đời làm hy lễ. Amen.





    [1] Trong bài chia sẻ nầy, xin được dùng tên “Hàn Mặc Tử”, là bút hiệu sau cùng của thi sĩ Nguyễn Trọng Trí và cũng là tên được xã hội và công luận đang sử dụng (Sách vở, báo chí, bài viết, tên đường…). Để rộng đường dư luận về hai bút danh “Mạc” và “Mặc” xin tham khao 2 tài liệu sau : Tài liệu 1. Bài cuối trong loạt bài “Hàn Mặc Tử : Nhà thơ có số phận kỳ lạ” của Trần Việt Thu”. Nguồn http://vietbao.vn/tp/Han-Mac-Tu. tài liệu 2 : Tác phẩm : Có một vườn thơ đạo, tập 1. Phần ghi chú từ trang 21-22 của nhà thơ Trăng Thập Tự.
    [2] Bút danh Hàn Mạc Tử : Nguyễn Trọng Trí làm thơ từ năm mười sáu tuổi lấy hiệu là Phong Trần rồi Lệ Thanh. Đến năm 1936, khi chủ trương ra phụ trương báo Saigon mới đổi hiệu là Hàn Mạc Tử, sau ông lại đổi thành Hàn Mặc Tử. "Hàn Mạc Tử" nghĩa là chàng trai đứng sau bức rèm lạnh lẽo, trống trải. Sau đó bạn bè gợi ý ông nên vẽ thêm mặt trăng khuyết vào bức rèm lạnh lẽo để lột tả cái cô đơn của con người trước thiên nhiên, vạn vật. "Mặt trăng khuyết" đã được "đặt vào" chữ "Mạc" thành ra chữ "Mặc". Hàn Mặc Tử có nghĩa là "chàng trai bút nghiên". (Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)
    [3] Là một gia đình công giáo, theo luật Giáo Hội, sau khi sinh được 3 ngày, ngày 25 tháng 9, 1912, bé Nguyễn Trọng Trí được cha mẹ đưa đến nhà thờ Giáo xứ Tam Tòa, (thành lập năm 1885, sau biến cố Văn Thân), tỉnh Ðồng Hới, để được linh mục Phó xứ Giuse Trần Phan rửa tội, lấy tên thánh là Phanxicô Assisi, người đỡ đầu là ông Phanxicô Thông Hài, sổ rửa tội giáo xứ ghi số 437.- Nhưng mãi đến năm 1933, khi Hàn Mặc Tử lên 21 tuổi, mới được lãnh Thêm Sức tại nhà thờ Chánh Tòa Quy Nhơn với tên thánh Thêm Sức là Phanxicô Xaviê. “Tưởng niệm nhà thơ Công Giáo Hàn Mặc Tử của LM. Nguyễn Quý Thiện (16.10.2011) – Nguồn : Diễn đàn CLCGK (http://clcgk.forumotion.net)
    [4] Theo bài viết “Tưởng niệm nhà thơ Công Giáo Hàn Mặc Tử của LM. Nguyễn Quý Thiện (16.10.2011) – Nguồn : Diễn đàn CLCGK (http://clcgk.forumotion.net)
    [5] Đọc thêm tài liệu đã dẫn.
    [6] Trần Văn Lý. Cam nhận thi ca, Tiểu luận văn học. NXB Thanh Niên 2006. Trang 273-279.
    [7] Có một vườn thơ đạo, Tập 1, trang 33-34
    [8] Xin xem phần 9 : Từ góc nhìn huyền học Cát Minh của Trăng Thập Tự trong tác phẩm “Có một vườn thơ đạo”, tập 1. Từ trang 455-526.
    [9] Xem tác phẩm “Ở thượng nguồn thi ca Công Giáo Việt Nam” – Miền thơ kinh cầu nguyện, của Lê Đình Bảng.

    Lm Giuse Trương Đình Hiền

    Chữ ký của Caohuong



  2. Có 8 người cám ơn Caohuong vì bài này:


  3. #2
    Caohuong's Avatar

    Tham gia ngày: Sep 2010
    Tên Thánh: Antoine
    Giới tính: Nam
    Đến từ: http://gxvinhhuong.net
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 2,636
    Cám ơn
    5,176
    Được cám ơn 7,780 lần trong 1,873 bài viết

    Default 100 năm ngày sinh Hàn Mạc Tử: Bộ sưu tập Có Một Vườn Thơ Đạo và những triển vọng

    Bộ sưu tập Có Một Vườn Thơ Đạo và những triển vọng

    Chia sẻ của LM Trăng Thập Tự trong buổi giao lưu các tác giả ngày 21/9/2012

    Buổi gặp gỡ chiều nay là để mở rộng vòng quen biết giữa những tác giả trong bộ sưu tập Có Một Vườn Thơ Đạo, cùng nhau chia sẻ cảm nghĩ và kinh nghiệm, cùng nhau nối kết tình thân, nhất là để cùng nhau cảm tạ Thiên Chúa về những ơn chúng ta nhận được khi thực hiện bộ sách này, đồng thời cũng tiến tới những cái nhìn cho tương lai.

    - Ơn thứ nhất, là đã hình thành được một cái khung để sưu tầm văn thơ Công giáo và tiếp tục xây dựng việc nghiên cứu về lịch sử văn học Công giáo mà cụ Võ Long Tê đã khởi đầu. 140 tác giả tiếp sau Hàn Mạc Tử được xếp theo thứ tự năm sinh, và rồi các tác giả về sau trong bộ sưu tập dự kiến Vườn Thơ Đạo Nở Hoa cũng sẽ được xếp như thế.

    - Ơn thứ hai, là đã thấy được một hướng tìm tòi về tâm linh cho việc phát triển văn chương Công giáo. Quyển 1 của bộ sưu tập, Thi sĩ của Thánh giá, đã giúp khám phá ra chân dung Kitô hữu của Hàn Mạc Tử. Nhà thơ tiền phong trẻ tuổi này đã để lại một kinh nghiệm, một lộ trình và một thành đạt trên đường tâm linh. Nơi các tác giả sau Hàn Mạc Tử, qua các bài chia sẻ đăng trong bộ sưu tập, một số vị cũng đã đóng góp thêm những kinh nghiệm đáng quý.

    - Ơn thứ ba, là đã thấy một hướng làm việc chung. Chương trình sưu tập thoạt đầu chỉ có Lê Đình Bảng và Trăng Thập Tự, đưa ra định hướng chung. Mấy năm sau có thêm Cao Huy Hoàng và Nguyễn Đình Diễn (họp định kỳ làm việc ở Sài Gòn) và đã thực hiện được quyển Kinh Trong Sương. Sau khi Lê Đình Bảng hoàn thành 6 tập Ở Thượng Nguồn Thi Ca Công Giáo, năm 2011 ngoài nhóm chủ chốt họp mặt đinh kỳ hàng tháng tại Qui Nhơn, còn triển khai làm việc qua email và điện thoại với Trần Vạn Giã (Nha Trang), Lê Hồng Bảo (Ninh Thuận), Cao Huy Hoàng (Bình Thuận), Lê Đình Bảng và Vũ Thủy (Sài Gòn). Dĩ nhiên phải có một người chủ biên nhưng chính là nhờ làm việc chung mà công việc mới được phong phú và nhanh chóng. Thiếu sự làm việc chung, có thể mười năm nữa vẫn chưa có được bộ sưu tập như lần này.

    - Ơn thứ tư, là đã có được sự phấn khởi quan tâm và dấn thân của các tác giả. Các tác giả được mời tham gia bộ sưu tập đã tích cực hợp tác. Khi tiến hành xuất bản, một số đông các tác giả đã quảng đại đóng góp, kẻ ít người nhiều, tổng cộng lên đến 139 triệu, tức 15,5% số tiền ủng hộ. Quan trọng hơn nữa, trong những lá thư đính kèm tiền gởi, phần đông đều tha thiết với vấn đề đào tạo tiếng Việt cho thế hệ trẻ, nhất là những tông đồ tương lai của Chúa. Dù sách bị thay thế bằng màn hình và văn hóa viết suy thoái thành ngôn ngữ nhắn tin điện thoại, Tin mừng vẫn phải rao giảng thật chính xác trong lớp giáo lý, trên tòa giảng, trên trang mạng… Vẫn cần những người viết các văn bản định hướng… Sự hiểu biết về Hàn Mạc Tử và dòng chảy thơ văn tuy lặng thầm nhưng có thật trong cộng đồng Dân Chúa sẽ giúp nhiều bạn trẻ ý thức hơn và đầu tư thời giờ trau dồi tiếng Việt để loan báo Lời Chúa.

    - Ơn thứ năm, là đã đến lúc chúng ta không còn cô đơn trên bước đường mục vụ văn hóa. Bài toán lúc đầu của chúng tôi giản dị là làm sao để đẩy tới mỗi giáo phận ít là 1.000 bộ sách, những giáo phận lớn 2.000 bộ, thì nhiều hay ít, các bạn trẻ sẽ có lúc tiếp cận và kết quả rồi sẽ đến. Với 26 giáo phận, con số sẽ là 30.000 bộ. Muốn bù lỗ cho mỗi bộ sách 50.000 đồng, sẽ cần đến 1 tỷ rưỡi. So với những ngôi nhà thờ đang đua nhau làm lại, chỉ là một con số khiêm tốn, nhưng liệu mấy ai hưởng ứng giúp đỡ? Không dám ảo tưởng, chúng tôi lên kế hoạch thực hiện 1/3 chương trình, tức 10.000 bộ. Người nhận giúp phát hành cho rằng vẫn nhiều quá, sợ không tiêu thụ hết, cần thăm dò nhu cầu trước xem sao đã. Thật bất ngờ, chỉ sau mười ngày, đã có bốn giám mục đăng ký tổng cộng 2.800 bộ. Anh em nhóm biên tập lạc quan tập trung lo hoàn thành bản thảo. Người ta giới thiệu một số đại ân nhân thường giúp các nhà thờ. Tôi gõ cửa và bị chối khéo. Thế nhưng rồi đã có 19 anh chị em trong nước, kể cả thân nhân, bạn hữu giáo và lương đã ủng hộ được 202 triệu, người nhiều nhất là 100 triệu và người ít nhất là 200.000 đồng. Một nữ độc giả chưa quen biết tại Úc đã vận động quyên góp được 2.300 Úc kim. Một bệnh nhân bại liệt từ Mỹ giúp 1.000 Mỹ kim. Một cộng đồng Việt Nam tại Mỹ giúp 1.000 Mỹ kim. Một linh mục đang làm việc tại nước ngoài đã dốc hết số tiền thưởng hậu đại học để giúp 20 triệu đồng. Một linh mục trong gia tộc thường cho tôi những dồng tiền dành dụm của ngài, tôi cũng góp vào đây. Có 7 cựu chủng sinh hải ngoại giúp được gần 20 triệu. Quay lại Việt Nam, một cựu chủng sinh giúp 100 Mỹ kim, một cha Tổng đại diện đã giúp 30 triệu đồng, một cha xứ giúp 100 Mỹ kim, một cha ở nhà hưu dưỡng giúp 400.000 VND. 11 dòng nữ đã giúp tổng cộng 63 triệu. Cộng với sự giúp đỡ lớn lao của các Đức Giám mục như sẽ nói dưới đây, sau cuộc kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hàn Mạc Tử, chúng tôi sẽ xúc tiến ấn hành thêm 3000 bộ sách. Ước mong các tổ chức và đoàn thể tại các giáo phận tiếp tay để sách đến được với đông đảo sinh viên học sinh. Nếu số lượng đăng ký gia tăng, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm nguồn hỗ trợ và xin giấy phép tái bản để đáp ứng nhu cầu.

    - Ơn thứ sáu là sự quan tâm đặc biệt của các Đức Giám mục. Cách đây hơn 20 năm, khi tôi lặn lội tìm gặp những anh chị em thơ văn cũ thì đa số đã xếp bút nghiên kiếm sống qua ngày. Thấy vẫn còn một linh mục hỏi thăm đến, một số người đã lại cầm bút. Cuộc phấn đấu dai dẳng khá mệt mỏi nhưng rồi chúng tôi đã in được 5.000 bản để tặng đến tất cả các giáo xứ và dòng tu Việt Nam và thanh thỏa được nợ nần đã đem lại một tín hiệu hy vọng. Bộ sách “Những bài thơ hay lạ xưa nay” của Long Biên Trương Quang Nguyên (Nxb Văn Nghệ, 2009) đã chọn giới thiệu 10 trong số 15 tác giả Kinh Trong Sương, giúp độc giả ngoài Kitô giáo biết thêm một vài tác giả Công giáo nào đó ngoài Hàn Mạc Tử. Đó là niềm khích lệ thứ hai. Dù vậy, lúc ấy vẫn còn là hành trình đi trong sương và có phần lẻ loi. Còn nay thì sự ủng hộ của các Đức Giám mục đã rất rõ.




    Bộ sưu tập Có Một Vườn Thơ Đạo không những đã được xuất bản dưới logo của Ban Văn Hóa HĐGMVN mà còn nhận được sự giúp đỡ cụ thể. Trong số 42 vị giám mục đương nhiệm và hưu dưỡng có 5 vị đã viết thư khích lệ. Có 7 vị, chưa kể hai giám mục tác giả, đã nâng đỡ về tài chánh bằng cách mua sách tặng và ủng hộ tiền bạc. Ngoài số sách mua để tặng lên đến 4.500 bộ, tổng cộng 270 triệu đồng còn có số tiền giúp bù lỗ lên đến 212 triệu VNĐ, cộng lại là 482 triệu đồng. Nói rõ hơn: Hơn 1/5 số các giám mục quan tâm ủng hộ công việc này bằng tiền bạc với một số tiền xấp xỉ số giúp đỡ của mọi thành phần khác trong Dân Chúa cộng lại (497 triệu, kể cả 27 triệu đặt mua sách tặng).

    Đó là thông điệp bằng con số để những anh chị em đang mệt mỏi khi làm mục vụ văn hóa đừng nản lòng. Tận thâm tâm, các mục tử vẫn ưu tư khắc khoải về việc truyền tải Tin mừng bằng văn thơ nghệ thuật. Hơn nữa, chính vị Mục Tử tối cao là Chúa Cứu Thế Giêsu Kitô sẽ ban Thánh Thần Ngài cho ta (x. Lc 11,9-13) và cũng bảo đảm cả phương tiện cho ta làm việc: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33).

    Chúng tôi công khai hóa sự giúp đỡ của quý Đức Cha để nhắn gởi tới mọi thành phần Dân Chúa một lời mời gọi. Bao lâu người tông đồ chưa thành thạo tiếng Việt thì chúng ta chưa thể thật sự thành công trong việc loan báo Tin Mừng cho người Việt. Ước gì mọi người chúng ta biết chia sẻ cùng một bận tâm với các mục tử để đầu tư nhiều hơn cho nhu cầu mục vụ văn hóa, cho việc đào tạo tiếng mẹ đẻ cho lớp trẻ nhất là lớp trẻ đang muốn dấn thân làm việc tông đồ. Xin hãy quảng đại đóng góp để các cơ sở đào tạo linh mục và tu sĩ có thể đầu tư tìm ra những phương thế hữu hiệu cho việc đào tạo này. Xin hãy quảng đại đóng góp cho Ban Mục vụ Văn hóa tại giáo phận mình để ban này có thể xây dựng một đại lý phát hành sách quy mô và làm việc đúng phương pháp, có thể hỗ trợ các giáo xứ xây dựng tủ sách và phòng đọc sách, có thể tổ chức thi văn thơ cho các em học sinh ở độ tuổi học giáo lý, có thể xây dựng các câu lạc bộ sáng tác thơ văn hầu phát hiện và vun trồng những tài năng văn chương cho Giáo Hội, và nhiều việc khác tương tự. Việc xây dựng đền thờ tinh thần cấp bách hơn đền thờ vật chất nhiều nhưng chưa được quan tâm đủ.

    Với các anh chị em phải đảm đương công tác Mục vụ Văn hóa, kinh nghiệm nhỏ chúng tôi mong được chia sẻ là kinh nghiệm bắt chước cách người ta làm nhà thờ. Nếu đợi gây quỹ đầy đủ đâu vào đấy rồi mới khai móng làm nhà, chắc sẽ ít nhà thờ thành hình nổi. Người ta lên chương trình, khởi công, rồi vừa làm vừa tìm sự giúp đỡ, nếu cần thì vay mượn, làm xong sẽ trả. Bộ sưu tập Có Một Vườn Thơ Đạo cũng như những cuộc thi văn thơ chúng tôi đã hoàn thành đều được thực hiện theo cách ấy. Lòng sẽ gọi lòng, dần dần sẽ có những người cảm thông, nâng đỡ, tạo nên bầu khí ủi an và ấm cúng cho mục vụ Văn hóa.

    - Ơn thứ bảy cần tạ ơn Chúa là đã thoáng thấy xuất hiện một đội ngũ mới những tác giả trẻ nhất là trong giới nhà tu. Chúng ta có lý để hy vọng rằng trong bộ sưu tập sắp tới, Vườn Thơ Đạo Nở Hoa, dự kiến phát hành nhân kỷ niệm 75 năm qua đời của Hàn Mạc Tử, 2015, sẽ có mặt hàng trăm tác giả trẻ. Ước mong mọi người tiếp tay tìm tòi, nâng đỡ và giới thiệu họ cho nhóm biên soạn chúng tôi.

    - Ơn thứ tám là sau vườn thơ sẽ đến vườn văn. Sau khi khẳng định được thành quả về sưu tập thơ, đến lúc ta có thể đẩy mạnh hơn về văn xuôi. Trong đêm thơ nhạc Hàn Mạc Tử tối nay, thể lệ Giải viết văn đường trường 2013-2018 sẽ được công bố. Mục tiêu của giải này là để phát hiện những cây bút văn xuôi trẻ tuổi và giúp họ phát huy tài năng. Chúng tôi mong được anh chị em tiếp tay cổ võ.

    Trên đây là một số gợi ý. Trong phần trao đổi chiều nay, kính mong quý tác giả cũng như quý đại biểu các đoàn đóng góp thêm ý kiến.

    - Sau cùng, như một kết luận, ơn thứ chín là niềm vui đang đón chờ khi mùa gặt đến. Ai đã ra đi gieo trong nước mắt sẽ tới lúc được gặt hái giữa vui mừng. Hạt giống tiền phong Hàn Mạc Tử đã dìm mình trong đớn đau rã rượi để nát tan đi và nay đã phát sinh hơn cả gấp trăm. Cũng thế, những nỗ lực của người làm mục vụ Văn hóa hôm nay sẽ không bị Chúa bỏ quên nhưng chính Chúa sẽ chúc phúc. Hãy chúc tụng tạ ơn Thiên Chúa vì trước mắt chúng ta hạt đang nẩy mầm, cành đang nứt lộc, cây đang vươn cao, và rồi những đồng cỏ, vườn nho, ruộng lúa và rừng ôliu của Chúa lại xanh um, đem về cho Quê hương, cho Dân tộc, cho Đồng loại và cho Giáo hội cả muôn phương Tin mừng cứu độ của Chúa Cứu Thế Giêsu Kitô vô vàn yêu dấu.




    Lm Trăng Thập Tự
    Chữ ký của Caohuong



  4. Có 2 người cám ơn Caohuong vì bài này:


  5. #3
    Caohuong's Avatar

    Tham gia ngày: Sep 2010
    Tên Thánh: Antoine
    Giới tính: Nam
    Đến từ: http://gxvinhhuong.net
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 2,636
    Cám ơn
    5,176
    Được cám ơn 7,780 lần trong 1,873 bài viết

    Default 100 năm ngày sinh Hàn Mạc Tử: Vài suy tư từ tình bạn của Hàn Mạc Tử

    VÀI SUY TƯ TỪ TÌNH BẠN CỦA HÀN MẠC TỬ


    Hôm nay chúng ta tụ họp về đây kỉ niệm 100 năm ngày sinh Hàn Mạc Tử. Đã có quá nhiều luận văn, chuyên đề, bút mực nói đến tài thơ trác việt của Hàn Mạc Tử một cách khéo léo và tài tình. Cũng đã nhiều người nói về những mối tình Hàn Mạc Tử, về chứng bệnh và những đau đớn của nhà thơ. Hôm nay tôi xin được nói đến một khía cạnh không kém quan trọng và ý nghĩa trong cuộc đời nhà thơ, một khía cạnh mà chính bầu khí sinh hoạt hôm nay đang họa lại. Tôi muốn nói về tình bạn của Hàn Mạc Tử.

    Anh chị em chúng ta từ nhiều nơi về đây, lắm người mới gặp nhau lần đầu, thế nhưng tất cả đều tay bắt mặt mừng như đã từng quen biết. Dường như một mối đồng cảm, một tình bạn đã nằm sẵn trong tâm tư và cả trong máu huyết. Tình bạn phát xuất từ chút duyên thơ, mà hơn nữa, từ niềm ngưỡng mộ chung của chúng ta với Hàn Mạc Tử. Có thể nói rằng tình bạn là một nét nổi bật của Hàn Mạc Tử, cả khi anh còn sống và khi anh đã qua đời, mãi đến hôm nay.

    Một tình bạn chân thành

    Trong tác phẩm Hàn Mạc Tử: Tác phẩm phê bình và tưởng niệm, tr. 63-64, Giáo sư Phan Cự Đệ viết: “Về tình bạn thì chúng ta phải tìm hiểu thêm vì ít có một người nào giữ được tình bạn lâu dài, trong sáng và chung thuỷ như Hàn Mạc Tử. Sự có mặt đông đủ bạn thân của Hàn Mạc Tử thời ấy trong tập sách này đã chứng minh tình bạn cao quý đó”.

    Chúng ta không còn giữ được những chứng từ về tình bạn của Hàn Mạc Tử trên ghế nhà trường, nhưng vẫn còn những chứng từ rất sớm, từ khi anh mới bước vào làng báo, năm 21 tuổi.

    “Hôm nay vui quá anh Phùng ơi
    Buồn xa không đến, lệ không rơi
    Buồn không thắt ruột, tình không lại
    Cười nói làm sao cho hả hơi.”
    Gửi anh (tặng Trần Tái Phùng)

    Lời thơ sảng khoái như vậy phải xuất phát từ một tâm tư chân thật, một tình cảm nồng thắm, thiết thân.

    Hàn Mạc Tử đối đãi chí tình với bằng hữu. Khi làm báo ở Sài Gòn, mỗi tháng được trả 50 đồng- một số tiền khá lớn, nhưng nhận tiền buổi sáng thì buổi chiều đã sạch trơn vì các bạn văn nghệ mà theo lời Hàn Mạc Tử là “Tụi hắn chết đói dăn răng ra cả ở trong ấy, mà mình để tiền làm chi”. Cả chiếc valy quần áo, khi về Qui Nhơn cũng để lại cho anh em trong đó. Một nhà Mạnh Thường Quân nghèo, cao quý thay và đau xót thay!

    Bạn đến thăm, cùng ngâm thơ, đọc thơ, cùng nhau nằm ngắm trăng trên bãi biển. Hàn Mạc Tử có lối tiếp xúc với bạn bè rất lạ và đầy tình thương mến. Ai đến thăm, Tử đều kêu lên một tiếng nhỏ mừng rỡ cảm động, không bắt tay mà chắp hai tay lại với nhau như vái chào.

    Trần Tái Phùng viết trên Người Mới, số 7-12-1940 rằng: “Chúng ta không cần nhắc lại tình bạn của chàng mà ai cũng công nhận là tuyệt nhiên thanh cao và điểm toàn những màu tươi vui mát mẻ. Ngay đến phút cuối cùng, chàng đã không muốn phiền bận đến một người quen biết nào, bằng ít lời than hay một hơi thở”.

    Theo Hồi ký của Quách Tấn thì bằng hữu của Hàn Mạc Tử khá đông. Chế Lan Viên, Bích Khê và Hàn Mạc Tử là bạn thơ coi nhau như anh em ruột, ảnh hưởng nhau, thương yêu, kính trọng nhau, những giờ rảnh rang đều có Chế Lan Viên bên cạnh Hàn Mạc Tử.

    Yến Lan, Hoàng Diệp, Trọng Miên, Trần Thanh Địch, Trần Tái Phùng, Nguyễn Đình Thủy, Hoàng Trọng Quy, Bùi Tuân, Lê Đình Ngân, Hoàng Tùng Ngâm, Bửu Đào, Trần Kiên Mỹ… là những người bạn ở gần, thường lui tới thăm viếng.

    Thời kì văn học lãng mạn 1932 – 1945 bắt đầu với Tự lực văn đoàn và phong trào Thơ mới, trăm hoa đua nở, với các nhóm Phong Hóa, Ngày Nay, Hà Nội Báo, Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Xuân Sanh Nhã Tập, Sông Thương, nhóm Huế, nhóm Hà Tiên nhưng có lẽ ấn tượng nhất vẫn là nhóm Bình Định với Bàn Thành Tứ Hữu (Long, Lân, Quy, Phụng: Hàn Mạc Tử, Yến Lan, Quách Tấn và Chế Lan Viên) đã lập nên một trường phái mà người đời đánh giá với tất cả ngưỡng mộ và yêu mến là Trường thơ loạn.

    Bạn hữu ai nấy cũng đều thương Tử và yêu thơ Tử và ai nấy cũng tìm cách nâng đỡ tinh thần và truyền bá thơ Tử. Sau khi Hàn Mạc Tử mất đi, họ đã tôn vinh Tử trên báo chí, giúp độc giả khắp nơi biết Hàn Mạc Tử.

    Cả những mối tình của Hàn Mạc Tử cũng khởi đi từ tình bạn, rồi một lúc nào đó đã tiến đến ranh giới tình yêu.

    Mộng Cầm hay Chị Nghệ, Hoàng Cúc, Mai Đình, Ngọc Sương, Thanh Huy, Thu Yến, Mỹ Thiện, Thu Hà…suy cho cùng là những bạn thơ của Hàn Mạc Tử. Chàng có gần gũi được họ đâu mà chỉ thơ qua thơ lại, những vần thơ lãng mạn tuyệt vời, kỳ diệu, làm cho tên tuổi họ trở nên quen thuộc với thi đàn, với quần chúng và góp phần tạo nên những nhà thơ nữ cho làng thơ mới Việt Nam.

    Không dừng lại ở những người bạn cùng trang lứa, Hàn Mạc Tử còn được cả cụ Phan Bội Châu coi là bạn, một tình bạn vong niên giao. Bị liên lụy vì tinh thần ái quốc của Cụ, không được đi Pháp du học vẫn không chút ưu phiền, Hàn Mạc Tử còn thủ thỉ với “ông già Bến Ngự”:

    “Bây giờ chỉ có đôi ta
    Bao nhiêu tâm sự Hằng Nga biết rồi…”
    Đêm khuya tự tình với sông Hương (Công luận 2-3-1935).

    Hàn Mạc Tử mau mắn cởi mở thân tình với mọi người. Chỉ đến Quy Hòa vài tháng, anh đã có hai người bạn thân: ông Phạm Văn Trung và Nguyễn Văn Xê, với hai tập Thơ ĐờiThơ cầu nguyện đề tặng hai người. Chắc chắn không hẳn là “đồng bệnh tương lân” mà là cả tấm lòng thân ái muốn chia sẻ tất cả những gì mình có của Hàn Mạc Tử với mọi người xung quanh.

    Nẻo đường chia sẻ

    Đi xa hơn, phải nói đến chất Kitô hữu trong tình bạn của Hàn Mạc Tử, “tuyệt nhiên thanh cao và điểm toàn những màu tươi vui mát mẻ”. Ghi nhận đó của Trần Tái Phùng nói lên chất Kitô hữu ấy. Vâng, không chỉ mọi người xung quanh, với sự cởi mở đầy xã hội tính, Hàn Mạc Tử khơi gợi cho các tác giả văn thơ nhạc Kitô hữu một nẻo đường hồn nhiên của Tin mừng: Con đường dậy men nhờ tình bạn.

    Đã là bạn bè, bằng hữu với nhau thì phải bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.

    Yêu nhau muôn sự chẳng nề,
    Dẫu trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng.
    Đấy chẳng phải là nơi tinh thần Việt gặp gỡ Tin Mừng Kitô sao?

    Hàn Mạc Tử làm bạn với nhiều người khác đức tin nhưng luôn tôn trọng ý kiến quan điểm của anh em, học cái hay cái tốt và trân trọng niềm tin của họ.

    Trăng Thập Tự ghi nhận: “Mối chân tình giữa Hàn Mạc Tử và các bạn anh thì đã rõ, tuy vậy, từ tình bạn tới chỗ đồng cảm về kinh nghiệm đức tin có một khoảng cách rất lớn. Qua chiêm niệm trong tĩnh nguyện hay giữa cuộc sống, nhiều lúc Hàn Mạc Tử thấy trong “tâm tư có một điều rất thích, không nói ra vì sợ bớt say sưa” (Ra đời, c. 20). Anh “đã phát tiết hết tinh lực của hồn, của máu, bằng những câu thơ ngất đi vì khoái lạc” (Quan niệm thơ, PCĐ-1, t. 178) mà liệu chừng được mấy ai đồng cảm? Phản xạ bình thường là thích giữ lấy niềm riêng giữa mình với Chúa (x. Biển Hồn Ta, c. 9; Say Thơ, c. 69), không thích diễn thành thơ vì ngôn từ thật giới hạn.

    Là một tín hữu ngoan đạo, hẳn Hàn Mạc Tử luôn để cho đức tin dẫn dắt những cảm xúc và cách diễn tả của anh. Dù vậy, lắm lúc anh diễn tả rất tự do, dùng đủ mọi thứ để lột được điều anh cảm nhận, và như thế cũng là chấp nhận bị hiểu lầm, mặc cho người đọc đoán mò về điều anh đã cảm nhận thâm sâu.

    Vâng, có lẽ nhiều bài thơ đạo của Hàn Mạc Tử chưa được đánh giá đúng lắm. Khi tác giả đưa thơ cho bạn bè, họ rất thích nhưng tác giả “không có lấy được một người hiểu mình” (Quan niệm thơ). (Thi sĩ của Thánh giá, trang 190-191)

    Lúc đầu có thể bạn bè ngạc nhiên không hiểu nhưng dần dần đã cảm nhận đức tin và đời sống đạo của Hàn Mạc Tử để rồi đi đến công nhận như hai nhà phê bình nổi tiếng đương thời – Hoài Thanh và Hoài Chân: “Huống chi thơ Hàn Mạc Tử ra đời, điều ấy chứng tỏ rằng đạo Thiên Chúa ở xứ này đã tạo ra một cái không khí có thể kết tình lại thành thơ. Tôi tin rằng chỉ những tình cảm có thể diễn ra thơ mới thiệt là những tình cảm đã thấm tận đáy hồn đoàn thể” (Trích từ Thi sĩ của Thánh giá, trang 233).

    Hòa nhi bất đồng, có lúc bạn bè giới văn nghệ rủ Tử đi hát ả đào, nhưng Hàn Mạc Tử đã nhã nhặn từ chối. Cách đối nhân xử thế, tình cảm và thiên tài Hàn Mạc Tử đã để lại trong lòng bạn bè những cảm phục sâu xa. Chế Lan Viên đã viết một câu có tính sấm truyền gây tiếng vang rất lớn: “Mai sau, những cái tầm thường mực thước kia sẽ biến tan đi, và còn lại ở thời kì này chút gì đáng kể, đó là Hàn Mạc Tử”.

    Âu cũng là xuất phát từ tình bạn rất mực chân thành và vô cùng trân trọng của các nhà thơ có ảnh hưởng từ Hàn Mạc Tử.

    Còn đối với bạn bè đồng đạo thì, như Nguyễn Văn Xê cho thấy, Hàn Mạc Tử gặp bạn đồng đạo như cá gặp nước. Bùi Tuân nửa đêm lặn lội đi tìm Hàn Mạc Tử là vì thế. Ta có thể tìm được rất nhiều chứng từ về điều này trong phần Trong mối đồng cảm của những người đồng đạo của tập Thi sĩ của thánh giá

    Hiến lễ cô đơn

    Là con người ai không có lúc thắt lòng khi sinh ly tử biệt với bạn thân. Như Nguyễn Khuyến khóc Dương Khuê:

    "Rượu ngon không có bạn hiền
    Không mua không phải không tiền không mua
    Câu thơ nghĩ đắn đo muốn viết
    Viết đưa ai, ai biết mà đưa."

    Hay như Đavít tế Gionathan, khi chàng hoàng tử này bị quân Philitinh giết hại:

    “Anh hỡi, lòng tôi se lại vì anh! Tôi thương anh biết mấy!” (2Sm 1,26).

    Ngày nay, tìm đâu được những tình bạn như thế? Ngày nay người ta có quá nhiều rượu bia nhưng ít tình bạn, người ta chỉ mong tìm sự khuây khỏa chứ khó tìm được sự cảm thông. Người ta sợ ra khỏi mình, sợ tin vào người khác vì hình như người ta cảm thấy rằng chính mình cũng chưa đáng tin. Không tin tưởng nhau, nghi ngờ nhau dẫn đến chỗ người ta khép kín tâm hồn, dè dặt không dám chia sẻ cho nhau những gì là cao đẹp. Giữa thời buổi kim tiền này còn đâu nữa những bạn hữu cưu mang nhau, trân trọng, yêu thương, giúp đỡ nhau như Hàn Mạc Tử xưa? Áp lực của công việc, của văn minh tiêu thụ khiến ít còn ai dám hy sinh thời giờ cho bạn bè một cách chân tình, vô vị lợi.

    Còn đâu nữa tình bạn trung thành, chỉ một chút quan tâm chăm sóc đã được đền ơn đáp nghĩa bằng hai tập thơ bằng cả máu cân của Hàn Mạc Tử cho anh Xê và anh Trung ở Qui Hòa.

    Còn đâu nữa sự tin cậy phó thác nơi bạn đến độ gởi gắm cả di cảo cho bạn như Hàn Mạc Tử và Quách Tấn.
    Văn minh tiêu thụ đẩy ta vào cô đơn, nỗi cô đơn chính Hàn Mạc Tử đã từng cảm nếm. Để ý tới xã hội tính nhanh nhạy của Hàn Mạc Tử, ta sẽ hiểu anh đau khổ tới mức nào khi do bạo bệnh mà phải tự cách ly với bạn bè thân thuộc, cô độc một mình.

    “Chao ôi! Ghê quá trong tư tưởng
    Một vũng cô liêu cũ vạn đời”
    (Cô liêu).

    hoặc:

    “Một mai kia bên khe nước ngọc
    Với sao sương anh nằm chết như trăng
    Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc
    Đến hôn anh và rửa vết thương tâm”.

    Nỗi cô đơn của Hàn Mạc Tử khiến ta liên tưởng tới Đức Giêsu Con Thiên Chúa, Đấng ban xã hội tính cho loài người, đã trở nên Anh Cả của loài người và là bạn hữu của tất cả.

    "12Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 13Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. 14Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. 15Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết" (Ga 13,12-15).

    Nhiều người lấy câu nói của Tào Tháo làm phương châm: “Thà ta phụ người khác hơn để người khác phụ ta”. Còn Chúa Giêsu thì chấp nhận bị bạn mình phản bội, như câu chuyện trong vườn Ghetsêmani theo Tin mừng Matthêô:

    "47Người còn đang nói, thì Giu-đa, một người trong nhóm Mười Hai, đã đến. Cùng đi với hắn, có cả một đám người đông đảo mang gươm giáo gậy gộc. Họ được các thượng tế và kỳ mục trong dân sai đến. 48Kẻ nộp Người đã cho họ một dấu hiệu, hắn dặn rằng: “Tôi hôn ai thì chính là người đó. Các anh bắt lấy!” 49Ngay lúc đó, Giu-đa tiến lại gần Đức Giê-su và nói: “Ráp-bi, xin chào Thầy!”, rồi hôn Người. 50Đức Giê-su bảo hắn: “Này bạn, bạn đến đây làm gì thì cứ làm đi!” Bấy giờ họ tiến đến, tra tay bắt Đức Giê-su" (Mt 26,47-50).

    Còn tin mùng Luca thì viết: Đức Giê-su bảo hắn: “Giu-đa ơi, anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao?” (Lc 22, 48).
    Phụng vụ Tuần Thánh sẽ đọc lại ở đây tiếng kêu thương của vua Đavít:

    “13Giả như tên địch thù phỉ báng, thì tôi cũng cam lòng,
    hay kẻ ghét ghen lên mày lên mặt, tôi có thể lánh đi.
    14Nhưng đây lại là bạn, người đồng vai đồng vế,
    chỗ thân tình tâm phúc với tôi,
    15đã cùng tôi chia ngọt sẻ bùi,
    trong đền Thiên Chúa, giữa hội vui cùng sánh bước.” (Tv 54/55,13-15).

    Tác giả của Tình Bạn sầu muộn đến chừng nào khi bị bạn hữu chối từ, ruồng rẫy và phải chết cô đơn, tức tưởi trên thập giá?

    Nẻo đường đang mời gọi ta

    Thiên Chúa của mầu nhiệm Ba Ngôi, Thiên Chúa của xã hội tính không có chương trình cứu vớt lẻ tẻ từng người nhưng Ngài kết hiệp chúng ta thành một dân tộc, thành Hội Thánh, thành cộng đoàn… Chính Thiên Chúa ấy hôm nay đang liên kết chúng ta thành nhóm bạn những tác giả Công giáo VN, dù ít ỏi, dù chưa đóng góp được gì mấy cho công cuộc Tin Mừng nhưng chúng ta đang lặp lại con đường của Hàn Mạc Tử, con đường của tình bạn.

    Sáu năm qua, chúng ta đã bắt đầu có một Đồng Xanh Thơ tươi mát – những tác giả “đồng thanh tương ứng, đồng đạo tương thông”. Những buổi họp mặt lần đầu ở Phan Thiết, rồi từ đó phát triển thành những Đồng Xanh Thơ địa phương khác: Sài Gòn, Nha Trang, Qui Nhơn, Xuân Lộc, Hải Phòng, Đà Nẵng… Chúng ta viết cho nhau, đọc cho nhau những tâm tình thờ phượng Chúa tối cao, ca ngợi Mẹ nhân lành, chia sẻ những vui buồn sướng khổ trong đời trong đạo, động viên khích lệ nhau tưới tắm cho mảnh vườn văn hóa Công giáo ngày thêm xanh tốt nở hoa.

    Nhớ ngày họp mặt Đồng Xanh Thơ tại Phan Thiết tháng giêng năm 2010, ba cha con anh em Qui Nhơn cùng Trần Vạn Giã Nha Trang ngồi đợi chuyến xe khuya đã chia sẻ tâm tình, ý tưởng về tác phẩm “Nhà thơ Xuân Ly Băng - Cuộc đời và tác phẩm” đã được thai nghén cùng ra đời sau đó. Và soạn giả lại phải xuyên màn đêm phóng xe máy hơn hai trăm cây số để ra Qui Nhơn ký tặng sách cho anh em.

    Anh em Đồng Xanh Thơ Qui Nhơn đầu xanh quay quanh đầu bạc bên cạnh nhà thơ Trăng Thập Tự chia sẻ cho nhau nhiều hương thơm và cũng không ít mật đắng để câu lạc bộ thành hình bắt đầu đơm hoa kết quả.

    Còn Cao Huy Hoàng và Lê Hồng Bảo cày xới như hai bác nông phu thực thụ trên đồng thơ và vườn văn của mình. Hiếm có sự kiện văn nghệ Công giáo Việt Nam nào thiếu mặt hai bác này, thiết nghĩ là cũng chỉ để nối kết tình bằng hữu trong giới chúng ta.

    Mỗi lần Đồng Xanh Thơ có tin vui như phong chức, tuyên khấn, gia đình ai đó có hôn sự v.v… là như có luồng gió mát cho cả cánh đồng. Các tác giả chia vui, hồ hởi như là của chính mình.

    Và xúc động biết bao, khi Đồng Xanh Thơ có ai hoặc thân nhân ai được Chúa gọi về là mọi người cách này cách khác cùng chung lời cầu nguyện. Những tâm tình trong lễ tang linh mục Anrê Trần Cao Tường, sơ Maria Vũ Loan, nhà thơ nữ Đỗ Thảo Anh hay cụ Tôma thân phụ của Vũ Thủy và Cù Mè … sẽ còn đọng lại sâu thẳm với thời gian.

    Những cố gắng cảm động khác nữa từ mỗi người chúng ta, nhất là sự tập họp đầy tình thân ái hôm nay phần nào nói lên sự gắn kết, cái thiết thân của tình bạn trong thơ, trong Chúa mà Hàn Mạc Tử đã luôn mơ tưởng và đã sống.

    Xin ơn Chúa là nguồn thơ bất diệt nuôi mãi trong chúng con tình thương mến sâu xa, tình bằng hữu trong lành, tình hiệp thông như nhất để chúng con cùng cất cao lời thơ tiếng hát ca ngợi danh Chúa vinh hiển đến muôn đời!


    Thiện Chân Dương Thành Thiêng
    CLB Đồng Xanh Thơ Qui Nhơn
    Chữ ký của Caohuong



  6. Có 3 người cám ơn Caohuong vì bài này:


  7. #4
    phale's Avatar

    Tham gia ngày: Mar 2012
    Tên Thánh: Maria
    Giới tính: Nữ
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 5,055
    Cám ơn
    6,983
    Được cám ơn 6,091 lần trong 1,862 bài viết

    Default Một Thoáng Suy Tư Về Hàn Mạc Tử

    MỘT THOÁNG SUY TƯ VỀ HÀN MẶC TỬ
    ( 22/09/1912 -22/09/2012)

    Phần I) Những điều đã biết về Hàn Mặc Tử.

    Hàn Mặc Tử, một thi sĩ, một Kitô hữu Việt Nam, vừa được một nhóm thi sĩ và thi hữu Công giáo Việt Nam mến mộ tổ chức Mừng kỷ niệm Đệ Bách chu niên của ông (22/09/1912 - 22/09/2012). Ông thật diễm phúc, vì sau khi qua đời ở độ tuổi nữa chừng xuân, trong sự cô đơn, đúng với những lời thơ ông viết. Ông cảm nhận trước những gì sẽ xảy đến với ông trong cái định mệnh của ông.Hơn bảy mươi năm qua, ngày ông qua đời, những tác phẩm của ông, đồng thời là tài sản tinh thần của ông đã giúp ông thoát khỏi định mệnh cô đơn. Những tác phẩm của ông được bay vào môi trường giáo dục trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam. Làm say đắm biết bao tâm hồn yêu thích thơ, như vậy ông trở thành một thi sĩ của quần chúng. Ông không làm mất lòng chế độ nào, vì thơ của ông không mang tính chính trị, vì vậy, chế độ nào cũng đón tiếp ông. Đó là điểm chung cho một thi sĩ mà người ta cho là tài hoa mà bạc mệnh.

    Trong dịp mừng sinh nhật thứ 100 của ông ngày 22/09/2012 vừa qua, đúng ra phải kỷ niệm ngày giỗ lần thứ 72 của ông mới đúng, nhưng ngày đó còn hơn một tháng nữa, ngày 11/11/1940. Vì ông đâu có sống đến 100 tuổi đâu mà mừng kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, ông đi vào cõi thiên thu ở cái tuổi 28 mà. Nhưng thật ra, 72 năm qua, những đứa con “ruột” của ông đã sống tiếp cho ông, đó là những tác phẩm lưu danh của ông. Như vậy, ông đâu có mất, ông vẫn còn sống với tác phẩm của mình, và như vậy ông vẫn còn sống mãi. Nên chi, người ta gọi ông là một thi sĩ tài hoa mà bạc mệnh thì chưa hẳn đã đúng. Bởi vì, người ta đang nghiên cứu về ông, về tư duy của ông, về quan điểm cũng như về tài năng văn chương của ông, người ta viết kịch về ông, người ta ca ngợi ông, ông đã trở thành một huyền thoại HÀN MẶC TỬ.

    Tôi là hậu sinh, cũng như nhiều người, rất mến mộ ông, xin phép không dám nói nhiều về những gì mình không biết. Nhưng có một vài điều cần nói khi mình được biết để góp phần cho những tư liệu về ông thêm đầy đủ hơn, hầu tỏ lòng ngưỡng mộ bậc anh tài thi sĩ.

    Ông được mệnh danh là thi sĩ Công giáo, bởi vì ông sáng tác nhiều bài thơ về Đạo, trong khi ông là một thi sĩ được mến mộ nhiều, nếu nói theo ngôn từ của cách mạng thì ông là nghệ sĩ nhân dân.( tuy chưa được phong hàm ). Thực ra, ông không phải là người tín hữu đầu tiên đưa thơ vào Đạo ở Việt Nam, vì trước ông có nhiều thi sĩ linh mục đã muốn dùng thi ca cho công việc truyền giáo, nhưng vì nhiều hạn chế khách quan cũng như chủ quan,mà cho tới nay chưa có một hình thức truyền giảng Tin Mừng bằng thi ca Việt Ngữ. Vì bên cạnh văn xuôi, thì thơ là một hình thức văn hóa có cái nét độc đáo riêng nhưng chưa có nguồn khơi thác nó một cách có qui cũ. Thơ ca, về khía cạnh nào đó, trong xã hội chưa cho nó cái tính nghiêm túc ở một điểm số cao như văn xuôi. Dù rằng thi ca cũng thuộc họ văn chương. Nói như vậy, để làm nổi lên sự thật là Hàn Mặc Tử rất ưu tú trong việc khai thác thi ca để trở nên một phương tiện hữu dụng trong việc tôn vinh Thiên Chúa. Ông yêu thơ, sáng tác thơ trong cái lý lẽ nhiệm mầu của Tạo Hóa, cũng thì bấy nhiêu chữ cái đó, mà ông biết suy niệm trong tư tưởng của ông để cho ra đời những lời tán dương Đấng Tạo Hóa. Như vậy, là phản ảnh lại kỳ công của Đấng Tạo Thành trong lĩnh vực những câu văn có vần điệu, đó là thi ca.

    Từ đó, cho thấy tâm hồn thi sĩ của ông là một suối nguồn thiêng thánh, mà chính Thiên Chúa đã rót vào, muốn vậy, ông phải nhận lấy một định mệnh mà người đời cho là nghiệt ngã, nhưng trong ông Thiên Chúa đang tác thành, tác thành nên vẻ đẹp thi ca của Hàn Mặc Tử để ngợi ca Thượng Đế vô biên. Cùng với cuộc đời cảm nhận Thiên Chúa qua Đức tin, ông đã biết trung tín gắn kết với Ngài, dù trong thời gian sống ngắn ngủi, nhưng ông đã sống một đời sống trọn đạo làm con đối với Ngài. Dù ông không được đào tạo trong tu viện, không phải là tu sĩ thệ khấn, nhưng cũng là một tu sĩ Kitô hữu, vì ít nhiều ông được hấp thu nền đạo đức gia đình và trường dòng Perellin Huế. Rõ ràng, khi hấp thụ được một nền học vấn và đạo đức căn bản, thì hạt giống ấy sẽ nảy mầm tươi tốt. Nói tắt là trong tâm hồn ông luôn luôn có Thiên Chúa, để khi lời thơ ông thốt ra đều có Nhiệm Ý của Ngài. Cũng vậy, mà ông được gán cho một tước hiệu rất thơ “ thi sĩ đồng trinh” “hay thi sĩ Thánh giá”. Dù vô tình hay hữu ý, những thi sĩ công giáo đều là thi sĩ của Thánh giá, vì thi sĩ công giáo nhờ vào mầu nhiệm Thánh giá mà làm thơ, như nhà thần bí thi sĩ Thánh Gioan Thánh Gía (Camelô), một con người Thánh giá nghĩa đen và nghĩa bóng. Hơn nữa tự Hàn Mặc Tử đã tự nhận mình là “ điên”, vì những người biết làm thơ đều chắc chắn là người bị điên dù nặng hay nhẹ. Người ngoài cuộc đều cho họ là “điên”, bởi vì thơ không bán không mua bằng tiền, mà bằng tình của vũ trụ, đó là Thượng Đế, vì họ cảm nhận được cái đẹp, cái chân, cái thiện của càn khôn, mà người ngoài cuộc không cảm nhận được. Nên chi, tâm hồn của họ nhạy bén hơn, dễ vỡ hơn và dễ “điên” hơn người bình thường. Vì đã là thi sĩ, thì chắc chắn phải say, nếu không say thì không thể trở thành thi sĩ được. Sự say thơ đến điên loạn của Hàn Mặc Tử đã đẩy ông đến suy tư táo bạo rằng : “ có một loài thi sĩ”. Ông đã đi tiên phong trong lĩnh vực nầy, dù đây là thực hay mộng., thì cũng xin hãnh diện với ông ,dù rằng loài nào cũng là thụ tạo, nhưng nếu có loài thi sĩ, thì loài ấy là loài trung tính, giữa loài vô hình và loài hữu hình. Thật là hay!

    Phần II) Những điều cần nói vì chưa có ai nói. Những nên cần biết vì đã có người nói.

    1. Như chúng ta biết năm nay được gọi là năm Đức Tin, được khai mạc vào ngày 11/10/2012, bởi Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI đã ban hành Sắc Lệnh Porta Fidei : “ Cánh cửa ĐứcTin”, ngày 11/10/2011 và được bế mạc vào ngày Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ 24/11/2013.

    Như vậy, ngày kỷ niệm 100 năm Hàn Mặc Tử có mặt trên dương thế, được kỷ niệm vào năm Đức Tin của Giáo Hội. Điều trùng khớp nầy, tuy ngẫu nhiên, nhưng ông cũng được thông công, vì có thể nói, cách đây gần 90 năm, ông đã suy tư về niềm tin của mình và ông đã chú ý vận dụng Đức Tin vào thơ ca, một việc làm có tính ngôn sứ của ông. Hay nói cách khác là ông đã ý thức văn hóa với đức tin, mà ngày nay, một câu nói thời danh của Chân Phước Gioan Phaolô II GH như sau: “Một đức tin mà chưa biến thành văn hóa, là một đức tin chưa được đón nhận trọn vẹn, chưa thực sự suy tư, chưa sống một cách chân thành.” .Theo đó, ông đã phần nào xây dựng được điều mà vị Thánh Giáo Hoàng đã chia sẻ.

    Mặc nhiên, ông đã đón nhận được một điều về chứng tá đức tin theo đường lối của Giáo hội. có thể nói ông đi tiên phong trước Công Đồng Vaticanô II về văn hóa trong đức tin và đức tin trong văn hóa.

    Như vậy, là ông đã sống niềm tin bằng thi ca, cũng như người khác sống niềm tin vào hội họa, âm nhạc, để rao giảng cho nhân loại về Thiên Chúa của ông.

    2. Với tâm tình đó, ông đã sống một cuộc sống người tín hữu bằng thân xác hữu hình trong định mệnh hằng ngày, để phù hợp với niềm tin của mình một cách đạo đức. Để rồi với hơn 50 ngày ngắn ngũi trong trại phong Qui Hòa – Qui Nhơn, ông Thi sĩ Hàn Mặc Tử đã trút linh hồn một cách êm ái, để trở về với Đấng Toàn Năng của ông.

    Với 28 năm ngắn ngũi trên dương thế, hơn 14 dành cho thi ca, nhưng chỉ có 5 năm mắc bệnh phung (Hansen), hơn 50 ngày ( từ 20/09/1940 đến 11/11/1940) trong trại phung Qui Hòa. Với thời gian thọ bệnh như vậy, ông không chết vì bệnh phung, mà là vì một chứng kiết lỵ.Vì vậy, cơ thể ông vẫn nguyên vẹn chứ không bị vi trùng Hansen tàn phá như người ta tưởng. Điều nầy cho thấy và nói lên sự huyền bí của một thụ tạo với Đấng thiêng liêng, nói cách khác, ông được ơn chết lành và còn hơn ơn chết lành một chút. Có thể nói được Hàn Mặc Tử đã sống và chết trong ân sũng của Thiên Chúa, tình trạng của ông trong khi lâm tử cũng giống như một số các thánh, nhưng ông chưa có phép lạ, hy vọng với sự huyền nhiệm của Thiên Chúa, một ngày nào đó Chúa sẽ làm cho ông một sự trọng đại.

    Vì có thể nói lòng kính mến Thiên Chúa và Đức Mẹ của ông dẫn đưa ông đến sự kết hiệp trọn vẹn của một thụ tạo hèn hạ với Đấng Toàn năng mà ông đã trung tín. Nói cách khác, chí có Chúa và ông mới biết. Lính hồn ông đã thấm nhuần ơn trìu mến, chắc chắn thân xác ông khi sinh thì sẽ đón nhận sự thiêng liêng hệ quả..Dù vậy, ông được biết đến như là một thi sĩ công giáo, nhưng ông chưa được Giáo Hội nhìn nhận. Nhưng những ai có lòng sùng kính kinh Mân Côi, và có lòng tôn kính Đức Mẹ cách đặc biệt như ông, chắn chắn không thất vọng./. AVE MARIA . Mong thay!

    tác giả bài viết: P.Trần Đình Phan Tiến
    nguồn: http://thanhlinh.net
    Chữ ký của phale
    Điều đẹp ý Ngài xin dạy con thực hiện (Tv142,10)

+ Trả lời chủ đề + Gửi chủ đề mới

Quyền hạn của bạn

  • Bạn không được gửi bài mới
  • Bạn không được gửi bài trả lời
  • Bạn không được gửi kèm file
  • Bạn không được sửa bài

Diễn Đàn Thánh Ca Việt Nam - Email: ThanhCaVN@yahoo.com