Theo những số liệu thông kê của Uỷ ban Loan báo Tin Mừng, chúng ta nhận thấy số Kitô hữu trên thế giới hiện nay chiếm 30% dân số thế giới; trong đó Công giáo chiếm 17%. Điều đó chứng tỏ rằng: số người Công giáo vẫn chỉ là thiểu số so với dân số thế giới và như thế, dân số Công giáo không phát triển tương ứng với tỷ lệ gia tăng của chính mình. Điều đó cũng có nghĩa là công cuộc truyền giáo vẫn luôn là một lời mời gọi thúc bách chúng ta lên đường khôn nguôi. Vậy, chúng ta phải thực hiện sứ vụ truyền bá đức tin cho con người ngày hôm nay như thế nào?

Trước tiên, chúng ta cùng tìm hiểu tại sao chúng ta phải truyền giáo?


1. Động lực truyền giáo?


Trong Thông điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Độ, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã viết: “sứ vụ truyền giáo không chỉ xuất phát do lệnh truyền chính thức của Chúa Cứu Thế, mà còn do đòi hỏi sâu xa của đời sống Thiên Chúa nơi chúng ta. Những ai gia nhập Hội Thánh Công Giáo phải tự coi mình như những người được đặc ân, và do đó, họ càng phải dấn thân làm chứng, bằng niềm tin và đời sống Kitô hữu, chứng tá này là việc phục vụ anh chị em mình và là lời đáp trả cho Thiên Chúa; đồng thời họ cũng phải nhớ rằng: “Địa vị cao trọng của họ không phải do công đức riêng, nhưng do đặc ân của Đức Kitô, nếu họ không đáp lại hồng ân ấy bằng tư tưởng, lời nói và việc làm, thì không những họ không được cứu rỗi mà còn bị xét xử nghiêm khắc hơn.”[1]


Qua đây, chúng ta thâm tín hơn: sứ vụ truyền giáo chính là lệnh truyền của Chúa Giêsu trước khi Ngài về trời: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15). Hơn thế nữa, đây còn là sứ vụ của tình yêu, “vì lòng yêu mến Chúa và muốn chia sẻ cho mọi người những ơn ích thiêng liêng của đời này và của đời sau.”( TG7), nên chúng ta sẽ sẵn sàng và hăng say ra đi rao loan tình yêu Thiên Chúa. Thật thế, khi yêu ai, chúng ta luôn thích nói, thích khoe, thích giới thiệu về người yêu của mình cho người khác và đề tài về người mình yêu thì vô cùng vô tận. Cũng vậy, Thiên Chúa, hay cụ thể là Chúa Giêsu Kitô là người yêu lý tưởng của chúng ta. Tại sao chúng ta không giới thiệu cho người khác về những nét đẹp tuyệt diệu của Ngài? Bên cạnh đó, Thiên Chúa của chúng ta không chỉ là chân – thiện – mỹ mà Ngài còn là suối nguồn hồng ân. Vậy, với tình yêu tha nhân, chúng ta cũng phải có bổn phận dẫn anh chị em chúng ta đến với Chúa, để được cảm nếm niềm hạnh phúc làm con Thiên Chúa như chúng ta. Đồng thời, để anh chị em chúng ta cùng được hưởng những ân huệ cao vời do Thiên Chúa tặng ban. Ngoài ra, việc truyền bá đức tin còn góp phần hoàn thành kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Quả thật, “theo kế hoạch này, tòan thể nhân loại phải được hợp thành một dân Chúa duy nhất … vì điều ấy diễn tả sự đồng tâm nhất trí huynh đệ, nên chắc chắn là đáp ứng nguyện vọng sâu xa nhất của mọi người.”(TG7) Và đây cũng chính là ước vọng của Chúa Giêsu khi Ngài nhiều lần thốt lên trong lời cầu nguyện thâm sâu cùng Cha: “Xin cho họ nên một như chúng ta là một” (x.Ga 17,22b) hay “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng Tôi. Và sẽ chỉ có một đàn chiên và một mục tử.” (Ga 10, 16). Vậy, ai sẽ là những người tiếp tục đưa những chiên lạc đàn về, nếu không phải là chính mỗi người chúng ta – những tông đồ nhỏ của Chúa? Vâng, Chúa muốn chúng ta tiếp tục cộng tác với Ngài trong công cuộc cứu chuộc bằng việc diễn tả khuôn mặt của Đức Giêsu Kitô trong cuộc sống của chúng ta, để mỗi người đều có thể nhận ra Đức Giêsu Kitô là cội nguồn và là khuôn mẫu của một nhân loại mới. Một nhân loại sống tương quan “Cha – con, huynh đệ” thật đằm thắm, khắng khít. Dĩ nhiên, với những động lực mãnh liệt trên, chúng ta muốn hăng say lên đường ngay tức khắc. Nhưng vấn đề là ở chỗ: chúng ta lên đường loan báo điều gì đây?


2. Nội dung sứ mạng loan báo Tin Mừng


Trước tiên, chúng ta cần định nghĩa truyền giáo là gì?

Theo Sắc lệnh Ad Gentes của Công đồng Vaticano II, số 16c và Giáo luật khoản 786 đã định nghĩa: “Truyền giáo là việc loan báo Tin Mừng và vun trồng Giáo Hội cho những người chưa biết Đức Kitô cho đến khi Giáo Hội mới được thiết lập toàn vẹn, nghĩa là có đủ nhân lực riêng và phương tiện để tự mình thực hiện công tác loan báo Tin Mừng”. Như vậy, truyền bá đức tin theo nghĩa hẹp là giảng dạy đức tin, cử hành Bí tích và thiết lập Giáo Hội địa phương. Còn theo nghĩa rộng, truyền giáo là làm cho mọi cơ cấu, sinh hoạt não trạng đều mang tinh thần Phúc Âm. Muốn thế, điều mà chúng ta truyền bá phải là danh Đức Giêsu Kitô chứ không phải là một danh nào khác. Đây là một điều rất đáng lưu ý. Vì đã có không ít người rất vô tình lạm dụng việc truyền giáo để khoe mẽ, phô diễn danh mình, hay để trục lợi cầu thân. Trong khi đó, Đức Giêsu đã nói rất rõ trong lệnh truyền sai đi của Ngài: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, …. nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19). Bên cạnh việc giới thiệu khuôn mặt “hiền lành và khiêm nhường”(Mt 11,29) của Đức Giêsu, chúng ta cũng cần truyền bá những giáo lý của Người và đặc biệt phải làm sao để giáo lý ấy không phải là lý thuyết suông bên ngoài mà thực sự thấm sâu vào đời sống hằng ngày của mỗi chúng ta. Nhưng để làm được điều này, chúng ta phải truyền bá như thế nào?


3. Truyền giáo như thế nào?


Theo chỉ đạo của Thông Điệp Ecclessiam Suam, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi (1975) của Đức Phaolo VI. Thông Điệp Redemptoris Missio (1990); Tông Huấn Ecclessia In Asia của Đức Gioan Phaolô II, chúng ta có thể rút ra những cách thức truyền giáo sau: Bằng lời cầu nguyện, làm chứng bằng cuộc sống, bằng lời nói và việc làm, truyền giáo trong đối thoại và đối thoại để truyền giáo. Như vậy, truyền giáo là việc của mỗi người theo ơn gọi, hoàn cảnh và khả năng riêng của mình. Do đó, mỗi người cần quan tâm tới việc sống đối thoại bằng cầu nguyện. Vì người ta không thể cho cái người ta không có. Hơn nữa, không có tâm thức thuộc về Thiên Chúa thì không thể đối thoại. Bên cạnh đó, con đường đi tới đối thoại về truyền giáo là con đường của sự thân hữu, hoà hợp và cảm thông. Chúng ta sẽ chẳng nghe được ai hay chẳng ai nghe chúng ta khi họ hoặc ta không có sự thân thiết, thông cảm… Đồng thời, con đường liên đới đối với mọi người sẽ dẫn đến con đường đối thoại chân thành. Vì vậy, chúng ta cần sống hiểu biết, tôn trọng người khác và can đảm đi bước trước để tới gặp anh chị em.[2]


Như vậy, vấn đề truyền giáo là trách nhiệm bức thiết của tất cả mọi người. Do đó, mỗi người tùy theo trình độ, khả năng và hòan cảnh cần tích cực trong công cuộc truyền bá đức tin. Đồng thời, mỗi người trong vai trò và chức vụ riêng cần cộng tác với nhau trong tinh thần đoàn kết , xây dựng và cùng nhau phục vụ Lời.

Thật thế, để việc truyền giáo được tiến triển tốt đẹp và phong phú, chúng ta cần có tinh thần hợp tác, đồng trách nhiệm. Nghĩa là cần có sự phối hợp giữa Giám Mục, Linh Mục, Tu Sĩ và Giáo Dân. Vì thế, với cương vị là các chủ chăn, các Giám Mục cần đặt ưu tiên cho việc truyền bá đức tin bằng việc khơi dậy trong dân Chúa niềm thao thức đối với công việc truyền giáo, cụ thể là bằng lời cầu nguyện và đời sống hy sinh hãm mình. Đồng thời, Giám Mục cũng cần đẩy mạnh hoạt động của các tu hội truyền giáo nơi các tín hữu. Bên cạnh đó, vì cánh đồng lúa mênh mông của Chúa, nên ngoài các Giám Mục, các Linh Mục và Tu Sĩ sẽ phải là cánh tay nối dài trong việc bác ái xã hội, trong các công tác mục vụ, trong việc hướng dẫn đời sống tâm linh, khơi dậy và nuôi dưỡng lòng nhiệt thành đối với việc Phúc âm hóa thế giới nơi các tín hữu… Tuy nhiên, để có thể đi sâu, đi sát với từng đối tượng và trong những hòan cảnh cụ thể, Giáo Hội cũng rất cần những cộng tác đầy năng động của người Giáo Dân. Sau cùng, mỗi người dù là Giáo Sĩ, Tu Sĩ hay Giáo Dân cũng cần nỗ lực tích cực tham gia vào công cuộc truyền giáo của Giáo Hội bằng đời sống chứng tá Phúc Âm.


Tóm lại, việc truyền bá đức tin Kitô Giáo cho con người hôm nay là một việc làm bức thiết và đòi hỏi nhiều cố gắng. Ước chi trong năm “Giáo dục Gia Đình theo Giáo Huấn của thánh Phaolô” này, mỗi người chúng ta luôn biết lấy đời sống yêu thương – phục vụ làm dấu chứng cho sự hiện diện của Thiên Chúa. Chúng ta cũng tạ ơn Chúa, vì Người đã gọi thánh Phaolô, làm cho thánh nhân thành ánh sáng của các dân cùng là thầy của tất cả chúng ta. Và xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta, những nhân chứng của sự phục sinh, được tình yêu Chúa tác động và có khả năng đem ánh sáng Tin Mừng trong thời đại chúng ta như Thánh Phaolô xưa.


Sr. Maria Ngô Liên, OP