Love Telling ThanhCaVN nhắn với Gia đình TCVN và Quý Khách: BQT-TCVN xin cáo lỗi cùng ACE vì trục trặc kỹ thuật 2 ngày vừa rồi. Trân trọng! Loan Pham nhắn với Gia Đình TCVN: Kính chúc quý Cha, quý tu sĩ nam nữ và toàn thể quý anh chị em một Giáng Sinh ấm áp bên gia đình, người thân và tràn đầy ơn lành từ Chúa Hài Đồng. ThanhCaVN nhắn với TCVN: Nhân dịp Sinh Nhật lần thứ 16 Website, BQT-TCVN kính chúc Quý Cha, Quý Tu sỹ Nam Nữ, Quý Nhạc sỹ - Ca Trưởng – Ca sỹ, Quý Ân Nhân và toàn thể ACE luôn tràn đầy HỒNG ÂN CHÚA. Edit LM Loan Pham nhắn với TCVN: Kính Chúc Cà Nhà Một Tam Nhật Thánh và Một Mùa Phục Sinh Tràn Đầy Thánh Đức ... Loan Pham nhắn với TCVN: Chúc mừng năm mới đến quý Cha, quý tu sĩ nam nữ cùng toàn thể quý anh chị em tron gia đình TCVN thân yêu... Xin Chúa xuân ban nhiều hồng ân đến mọi người. Amen ThanhCaVN nhắn với ÔB & ACE: Kính chúc Năm Mới Quý Mão: Luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa ThanhCaVN nhắn với Gia đình TCVN: Kính chúc Giáng Sinh & Năm Mới 2023: An Bình & luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa. bethichconlua nhắn với Gia Đình ThanhCaVietNam: Chúc mừng sinh nhật thứ 15 website ThanhCaVietNam. Kính chúc quý Cha, quý tu sĩ nam nữ cùng toàn thể anh chị em luôn tràn đầy ơn Chúa. Amen ThanhCaVN nhắn với Quý ACE: Nhân dịp Sinh Nhật lần thứ 15 Website, BQT-TCVN kính chúc Quý Cha, Quý Tu sỹ Nam Nữ, Quý Nhạc sỹ - Ca Trưởng – Ca sỹ, Quý Ân Nhân và toàn thể ACE luôn tràn đầy HỒNG ÂN CHÚA. phale nhắn với cecilialmr: Nhớ em nhiều lắm ! cầu mong nơi ấy được bình yên. phale nhắn với thiên thần bóng tối: Nhớ em nhiều lắm ! cầu mong nơi ấy được bình yên. phale nhắn với teenvnlabido: Ngày mai (1/6) sinh nhật của bạn teen / chúc mọi điều tốt lành trong tuổi mới. phale nhắn với tất cả: Xin Chúa cho dịch bệnh sớm qua đi và ban bình an cho những người thành tâm cầu xin Ngài. ThanhCaVN nhắn với ACE: Kính chúc ACE: Giáng Sinh & Năm Mới 2021 - An Bình & luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa

+ Trả lời chủ đề + Gửi chủ đề mới
kết quả từ 1 tới 5 trên 5

Chủ đề: Buổi hoàng hôn của khoa học!

  1. #1
    teenvnlabido's Avatar

    Tham gia ngày: May 2011
    Tên Thánh: Giuse
    Giới tính: Nam
    Đến từ: HCM city
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 927
    Cám ơn
    1,503
    Được cám ơn 2,005 lần trong 603 bài viết

    Thumbs down Buổi hoàng hôn của khoa học!

    Tôi e rằng bài viết sau đây sẽ làm những người thích ngắn gọn không hài lòng! Mặc dầu nó chỉ một phần nhỏ trong việc chứng minh một tư tưởng ngắn gọn, đó là: Khoa học không phải là Chân Lý!

    Albert Einstein, một thiên tài khoa học mà một đứa con nít tiểu học cũng biết đến danh của ông ta, đã từng tuyên bố rằng đối với ông khoa học mới là tôn giáo!Và ông đã từng đưa ra nhiều lời khiêu khích Đạo Công Giáo.

    Cho đến khi vào đại học, tôi vẫn khốn khổ khi nghe người ta mạ lỵ Công Giáo mà không thể phản bác gì được , bởi vì tôi không thể cãi lại họ khi họ mang khoa học ra để bài bác Thiên Chúa, Kinh Thánh!

    Xin nói thật rằng tôi nhận thấy rõ ràng nhiều bài viết hộ giáo chỉ còn mang tính phòng thủ, hoặc cố gắng đưa ra một sự trung dung ,hòa đồng rằng tôn giáo và khoa học chẳng xung khắc gì nhau...vv! Hầu như những bài viết ấy gần như muốn công nhận Khoa học là một chân lý thứ hai vậy!

    Chỉ có Thiên Chúa mới là Chân Lý, ngoài ra chính vì sự kiêu ngạo cố tình hoặc vô tình (sai lầm nhận thức), mới cho rằng khoa học là chân lý.Tuy thế việc chứng minh không hề đơn giản vì cần phải có rất nhiều hiểu biết về khoa học mới thực hiện được điều này.Chính vì thế, tôi xin đăng lại lời giới thiệu cuốn sách The End of Science, mà người ta dịch ý nghĩa nhẹ hơn, đó là Buổi Hoàng Hôn Của Khoa Học, do ngài Phạm việt Hưng viết trên trang PhamVietHung's Home.


    Nhấn vào ảnh để xem kích thước thật

Tên:  the-end-of-science-3.jpeg
Lần xem: 104
Kích thước:  45.6 KB

    John Casti: “Phải chăng thế giới quá phức tạp để chúng ta có thê hiểu nó?”
    . Joseph Traub: “Liệu chúng ta có thể biết cái gì là cái không thể biết hay không? Liệu chúng ta có thể chứng minh rằng khoa học có giới hạn hay không, như Godel và Turing đã chứng minh có những giới hạn đối với toán học và khoa học tính toán?”.

    Lời dẫn: Khoa học là một hệ thống nhận thức chân lý khách quan. Vì thế, khoa học chân chính và nhà khoa học chân chính phải thể hiện tinh thần khách quan. Xuất phát từ tinh thần khách quan khoa học, chúng tôi xin giới thiệu một cuốn sách mới ra mắt ở Phương Tây gần đây – một cuốn sách gây nên tranh cãi lớn, trong đó có những quan điểm có thể phù hợp hoặc không phù hợp với bạn (lý do gây nên tranh cãi). Tranh cãi không có nghĩa là thủ tiêu những vấn đề khoa học được đặt ra. Đôi khi, một sai lầm trong khoa học lại chính là nguồn kích thích cho một sáng tạo mới. Điển hình như sai lầm của David Hilbert trong chương trình siêu-toán-học, hòng khám phá một hệ thống chân lý tuyệt đối làm nền tảng vững chắc cho toàn bộ toán học. Chính sai lầm của Hilbert đã kích thích Kurt Godel khám phá ra Định Lý Bất Toàn, một trong những khám phá vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Vì thế, Gregory Chaitin, nhà toán học lừng danh hiện nay, gọi thất bại của Hilbert là một “thất bại vinh quang”. Albert Einstein cũng thất bại trong việc chứng minh Nguyên lý Bất định là sai, nhưng chính sự thất bại đó càng cho thấy nguyên lý bất định là một đặc trưng mang tính bản chất của Vũ Trụ mà một người vĩ đại như Einstein cũng có thể chưa nhận thức được. Cuộc tranh luận giữa trường phái xác định với trường phái bất định, mà hai đại diện khổng lồ là Albert Einstein và Niels Bohr, có lẽ là một trong những cuộc tranh luận hấp dẫn nhất, bổ ích nhất đối với khoa học. Vì vậy, thiết nghĩ một trong những điều cần học hỏi từ khoa học chính là tinh thần khách quan khoa học, sẵn sàng lắng nghe cả định đề lẫn phản đề, không sợ phản đề làm hại định đề. Đó là lý do để chúng tôi giới thiệu cuốn sách gây tranh cãi dưới đây. Trong khi trình bầy, chúng tôi đã cố gắng giảm nhẹ khẩu khí mạnh mẽ gay gắt của cuốn sách (một đặc trưng tính cách tây phương), và cố gắng trình bầy quan điểm của cuốn sách một cách khách quan nhất. Sự thảo luận nếu có, nên hướng vào những chủ đề cụ thể của khoa học. Chẳng hạn, cuốn sách nói rằng vật lý đã đạt tới những lý thuyết lớn nhất, bây giờ không còn là thời đại của những lý thuyết khổng lồ nữa, mà là thời đại của những nghiên cứu chuyên ngành và ứng dụng. Nếu độc giả không tán thành quan điểm này, cách tốt nhất là hãy trình bầy quan điểm của mình. Sự thảo luận này, dù đúng hay sai, cũng đều có lợi cho sự tiến hoá của nhận thức. Thực ra đánh giá cái đúng/sai đó rất khó, thường phải chờ đợi một thời gian nhiều năm trời, có khi hàng chục năm, hoặc thậm chí hàng trăm năm. Nhưng một trong những hạnh phúc lớn nhất của con người chính là sự chia sẻ tư tưởng để nhận thức ngày càng rõ ràng hơn, đúng đắn hơn (PVH).

    Một quả bom trí tuệ vừa phát nổ trong thế giới sách tây phương: cuốn The End of Science (Buổi hoàng hôn của khoa học) của John Horgan, do Little Brown and Company xuất bản, đã và đang gây xôn xao trong dư luận khoa học và triết học tại các quốc gia có nền khoa học và công nghệ phát triển. Đây thực sự là “một cuốn sách vô cùng thú vị, nhưng chắc chắn sẽ gây nên tranh cãi”, như nhận định của nhà khoa học E.O. Wilson. Càng tranh cãi sách bán càng chạy, vì thế mặc dù sách được tái bản liên tục nhưng vẫn khó tìm trong các quầy sách hôm nay.

    Tại sao gây nên tranh cãi ?

    Đơn giản vì nội dung của nó đầy vẻ khiêu khích: nó chứng minh thời đại hoàng kim của khoa học đã qua rồi, mọi cái đã đến điểm tận, đến chỗ “kịch đường” rồi. Thật vậy, tác giả viết: “Nếu chúng ta tin vào khoa học, thì chúng ta phải chấp nhận khả năng – thậm chí là nhiều khả năng – rằng thời đại vĩ đại của khám phá khoa học đã qua rồi”.

    Liệu có đúng như thế không ? Chẳng phải khoa học đã từng chứng minh sức mạnh vô hạn của mình bằng những kỳ công trên cả lý thuyết lẫn thực hành đó sao? Chẳng phải những tuyên ngôn bất hủ của các vĩ nhân khoa học và triết học vẫn đã và đang chỉ lối cho khoa học tiến lên đó sao?

    Châm ngôn nổi tiếng của René Descartes cách đây hơn ba thế kỷ, “Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại”[1], từ lâu đã trở thành nền tảng tư tưởng của nền văn minh kỹ thuật, văn minh vật chất – nền văn minh dựa trên tư duy phân tích, mổ xẻ, logic. Với tư duy này, người ta tin rằng mọi bí mật sẽ được khám phá, kể cả bí mật của chính mình, và do đó, sẽ hiểu rõ ý nghĩa tồn tại của thế giới, và của chính chúng ta.

    Tuy nhiên người được coi là đã thực sự đặt nền móng cho tư duy khoa học phải là Francis Bacon, một trong những lãnh tụ của trường phái ánh sáng. Hơn bất kỳ ai khác, Bacon là người truyền cho nhân loại niềm tin mạnh mẽ vào sức mạnh của tư duy khoa học – sức mạnh chinh phục tự nhiên. Ông nói : “Thiên nhiên giống như gái điếm; ta phải khuất phục nó, thông suốt bí mật của nó, chinh phục nó tuỳ theo sở thích của ta” [2].

    Thực tiễn càng ngày càng chứng minh Descartes và Bacon đúng, và càng ngày tư duy khoa học càng lấn át các hình thức tư duy khác. Ý chí khoa học cứ thế tăng lên mạnh mẽ, và lên đến tột đỉnh trong thế kỷ 20 – thế kỷ được mệnh danh là thế kỷ khoa học.

    Ý chí đó bộc lộ rõ rệt ở David Hilbert, người được coi là một trong những nhà toán học lớn nhất của mọi thời đại. Tư tưởng của ông được ghi trên bia mộ: “Chúng ta phải biết. Chúng ta sẽ biết” [3], mặc dù chương trình siêu-toán-học của ông, một kiểu “Lý thuyết cuối cùng” trong toán học, đã thất bại tan tành.

    Nhưng không có lý tưởng khoa học nào thể hiện chính xác và tiêu biểu bằng lý tưởng khoa học của Albert Einstein: “Tôi muốn hiểu được ý Chúa” [4]. Đó là tuyên ngôn về bản chất và nhiệm vụ của khoa học: Tự Nhiên là một cỗ máy hoạt động theo những chương trình chính xác của Chúa, và nhiệm vụ của khoa học là khám phá ra những chương trình đó. Nhiều nhà khoa học hậu thế tôn thờ lý tưởng này. Stephen Hawking cũng bắt chước Einstein nói lời tương tự, mặc dù ông không bao giờ là một Einstein.

    Vì thế chẳng có gì để ngạc nhiên khi cuốn sách của Horgan gây nên tranh cãi. Dù không thích giọng điệu của Horgan, chúng ta vẫn phải cay đắng thừa nhận rằng ý kiến trong sách thực ra không phải của Horgan, mà của toàn những nhà khoa học đáng kính đang cầm cân nẩy mực hiện nay. Horgan chỉ là một nhà báo chuyển tải những ý kiến đó đến độc giả, tất nhiên với một nghệ thuật trình bầy dí dỏm, thú vị, thuyết phục. Phải nói rằng Horgan đã thành công đến nỗi tờ The New York Times không tiếc lời ca ngợi: cuốn sách đã “móc nối các kiến thức một cách rất trí tuệ, sáng chói, đưa ra các lý lẽ mạnh mẽ cho thấy các khám phá khoa học lớn nhất và tuyệt vời nhất đã ở đằng sau chúng ta rồi”. Và cuốn sách là “một sự giới thiệu ngắn gọn một cách kỳ diệu các thành tựu khoa học vĩ đại nhất trong 15 hoặc 20 năm vừa qua”.

    Thật vậy, cuốn sách của Horgan không làm cho chúng ta bị hụt hẫng, thất vọng vì sự “khốn cùng” của khoa học, mà buộc chúng ta trầm mình xuống để suy nghĩ về ý nghĩa thực sự của khoa học, về tham vọng của con người, về sự cần thiết phải tỉnh táo cân nhắc trong định hướng phát triển, về triển vọng hiện thực của khoa học, về sự ngây thơ ngông cuồng trong khoa học, về bản chất giới hạn của nhận thức. Mục đích chủ yếu của cuốn sách lộ rõ trên trang bìa: “Đối mặt với giới hạn của nhận thức vào buổi hoàng hôn của thế kỷ khoa học”. Thật vậy thái độ khoa học chân chính là dám đối mặt với thách thức, và nếu bản thân nhận thức có những thách thức đối với nhận thức, thì hãy sẵn sàng đối mặt với nó.

    Sự thách thức của nhận thức đối với nhận thức là câu hỏi “nhận thức, bản thân nó có giới hạn hay không ?”. Nếu trả lời “không”, thì có nguy cơ phạm sai lầm trong định hướng phát triển: chương trình siêu-toán-học đầu thế kỷ 20 và trào lưu “toán học mới” trong nửa sau thế kỷ 20 là thí dụ điển hình nhất về sự bất chấp giới hạn của toán học, gây tổn thất không thể kể xiết đối với nền giáo dục toán học. Nếu trả lời “có”, nghĩa là nhận thức có giới hạn, thì lập tức cần phải xem lại các định hướng phát triển như thế nào cho đúng. Chẳng hạn: Liệu có thể có một
    “Lý thuyết về mọi thứ” (Theory of Everything) như vật lý đang theo đuổi hay không? Liệu có thể có trí thông minh nhân tạo không? Liệu có thể “chế tạo” ra một con người hoàn toàn bình thường bằng nhân bản vô tính hay không? Hiện nay có quá nhiều câu hỏi lớn như thế. Những câu hỏi này dẫn khoa học tới chỗ chia rẽ trầm trọng chưa từng có: một nửa ủng hộ lao vào nghiên cứu như những con thiêu thân, nửa còn lại khẳng định rằng họ sẽ thất bại, sẽ lãng phí tiền của và thậm chí sẽ đem lại những thiệt hại to lớn chưa thể lường hết.

    Thực ra vấn đề giới hạn của khoa học không phải là chuyện hoàn toàn mới lạ. Giáo sư Phạm Duy Hiển từng nói: “Càng về cuối thế kỷ (20) các công thức giải tích trong vật lý học càng có xu thế phức tạp hơn, nhưng lại kém tổng quát và chính xác hơn”[5].

  2. #2
    teenvnlabido's Avatar

    Tham gia ngày: May 2011
    Tên Thánh: Giuse
    Giới tính: Nam
    Đến từ: HCM city
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 927
    Cám ơn
    1,503
    Được cám ơn 2,005 lần trong 603 bài viết

    Default

    Thật vậy, đã hết rồi cái thời có thể viết ra một phương trình thâu tóm toàn bộ vũ trụ, kiểu như phương trình trường trong thuyết tương đối tổng quát của Einstein. Qua rồi cái thời khoa học được coi như những chân lý xác định, chắc chắn, rõ ràng của Tự Nhiên. Tuyên ngôn bất hủ của Einstein, “Chúa không chơi trò súc sắc”, đã được hậu thế công khai nói ngược lại: “Chúa không chỉ chơi trò súc sắc trong Cơ học Lượng tử mà còn cả trong nền tảng của toán học”. Người cả gan nói điều ngược lại này là Gregory Chaitin, chuyên gia nổi tiếng của đại tổ hợp IBM, tác giả của những công trình lớn nhất về lý thuyết thông tin thuật toán hiện nay. Sau khi khám phá ra một con số kỳ lạ, được gọi là số Omega hoặc số Chaitin, một số thực (real number) nhưng không thể xác định được, không thể tính được, không tồn tại bất kỳ một chương trình thuật toán nào để đọc các chữ số của nó – Chaitin đã phát hiện ra cái mà Heisenberg đã phát hiện ra trong Cơ học Lượng tử: yếu tố bất định trong toán học. Thật vậy, các chữ số của Omega xuất hiện một cách ngẫu nhiên theo xác suất! Và không chỉ Omega, còn có hàng loạt những số tương tự mà Chaitin gọi là các số siêu-Omega, siêu-siêu-Omega, siêu-Omega cấp n, v.v. Vì tất cả những số này là số thực, chúng tồn tại, nên Chaitin đưa ra một nhận định làm choáng váng thế giới khoa học: Yếu tố ngẫu nhiên là một đặc trưng của toán học, suy ra toàn bộ khoa học và bản thân thế giới tự nhiên có bản chất ngẫu nhiên!

    Trong bối cảnh của những khám phá mới, vấn đề giới hạn của nhận thức càng ngày càng trở thành quan trọng vì nó không chỉ là vấn đề của triết học, mà của chính khoa học, ảnh hưởng đến các định hướng nghiên cứu khoa học. Vào thời điểm bản lề chuyển từ thế kỷ 20 sang thế kỷ 21, nó đã trở thành một trong các đề tài nghiên cứu khoa học được chú ý nhất. Đó là lý do ra đời một loạt sách báo về đề tài này, trong đó cuốn sách của Horgan là một cuốn tiêu biểu. Một hội nghị thế giới tập trung các nhà khoa học hàng đầu để bàn thảo vấn đề này đã được tổ chức tại Đại học Santa Fe ở Mỹ. Trong gian đại sảnh của hội nghị, đập vào mắt các đại biểu là một tiêu đề lớn: “The Limits of Science Knowledge” (Giới hạn của hiểu biết khoa học). Nhà toán học nổi tiếng John Casti, chủ toạ hội nghị, khai mạc bằng câu hỏi: “Phải chăng thế giới quá phức tạp đối với chúng ta để hiểu nó?”. Joseph Traub, một nhà khoa học lý thuyết computer bậc nhất, giáo sư Đại học Columbia, đặt câu hỏi cụ thể hơn: “Liệu chúng ta có thể biết cái gì là cái không thể biết hay không? Liệu chúng ta có thể chứng minh rằng khoa học có giới hạn hay không, như Godel và Turing đã chứng minh có những giới hạn đối với toán học và khoa học tính toán?”.

    Ngay lập tức cuộc thảo luận bùng nổ. Có nhiều ý kiến vô cùng đặc sắc, thú vị. Độc giả có thể tìm thấy bản tường thuật trong cuốn sách của Horgan. Ở đây chỉ xin trích một mẩu ý kiến của Chaitin: “Thông thường chúng ta hay cho rằng nếu người ta nghĩ cái gì là đúng thì nó phải đúng vì một lý lẽ nào đó. Trong toán học lý lẽ ấy được gọi là một chứng minh, và công việc của nhà toán học là tìm kiếm chứng minh – những lý lẽ, suy luận từ các tiên đề hoặc những nguyên lý được chấp nhận trước. Nhưng hiện nay, cái mà tôi khám phá ra là các chân chẳng cần phải có một lý do nào cả. Chúng đúng một cách bất ngờ hoặc ngẫu nhiên”.

    Nếu Chaitin đúng, hoặc nói cách khác, nếu cái đà lý luận kiểu Chaitin mà phát triển trong khoa học, thì phỏng khoa học còn có ý nghĩa gì nữa? Không, chúng ta khó có thể nhắm mắt chấp nhận ý kiến của Chaitin, nhưng… có lẽ chúng ta cũng không thể nhắm mắt tảng lờ ý kiến của Chaitin. Một lần nữa, chúng ta phải dám “đối mặt với giới hạn của nhận thức”, như John Horgan đề nghị. Điều cần thiết là phải xem xét lại định nghĩa của khoa học? Quan niệm về khoa học kiểu Einstein có còn là một mẫu mực tiêu chuẩn nữa hay không? Liệu tôi tư duy, tôi có tồn tại không?

    Cách đây khoảng bốn chục năm, Jean Paul Sartre từng nói: “Tôi tư duy, vậy tôi không tồn tại”. Hồi đó hình như ít người để ý đến phản đề của Sartre. Và liệu chúng ta có thể đồng ý với Bacon để coi “thiên nhiên như gái điếm” được không? Con người có thể chế ngự Tự Nhiên theo ý muốn của mình hay không? Chúng ta rứt khoát không thể đầu hàng bỏ cuộc, nhưng rõ ràng chúng ta phải xem xét lại hành trang của mình.

    John Horgan để lộ quan điểm cá nhân của ông thông qua những người được ông phỏng vấn hoặc những người đã khuất mà ông ngưỡng mộ. Dù sao thì các nhà triết học vẫn có cái nhìn sâu xa hơn các nhà khoa học. Immanuel Kant, nhà triết học Đức lỗi lạc, người có ảnh hưởng lớn đến tư duy khoa học thế kỷ 19, nói: “Mỗi câu trả lời lại làm dấy lên những câu hỏi mới”. Điều này thật dễ hiểu, nó đơn giản nói với chúng ta rằng chẳng bao giờ chúng ta tìm ra chân lý cuối cùng cả. Nhưng nhân loại có tính hay quên. Những bộ óc vĩ đại nhất thường thích đạt tới chỗ thái quá: muốn truy ra cái nguồn gốc ban đầu đến tận gốc rễ. Tác phẩm vĩ đại nhất của Charles Darwin là cuốn “Nguồn gốc các loài”, được coi là một trong hai thành tựu vĩ đại nhất của các thế kỷ trước (cùng với cơ học Newton). Tên gọi cuốn sách này đã lộ rõ khát vọng của nhà bác học: chỉ rõ nguồn gốc ban đầu của sinh giới. Nhưng thực ra chúng ta chẳng bao giờ tìm thấy cái nguồn gốc ban đầu đó cả, không kể ngay cả những nguồn gốc trung gian trong sự tiến hoá cũng chưa phải là hoàn toàn thuyết phục. Horgan đã dành cả một chương trong sách của ông để nói về sinh học tiến hoá: “The End of Evolutionary Biology” (Sự kết thúc của sinh học tiến hoá). Những chi tiết trong chương này chắc chắn rất thú vị với mọi đọc giả, dù quan điểm của bạn nghiêng về phía ủng hộ hay chống đối Darwin (ở Mỹ, rất nhiều trường học đã bãi bỏ học thuyết Darwin trong chương trình sinh học).

    Một “cú đòn” trời giáng khác mà Horgan làm choáng váng độc giả là chương dành cho vật lý, “The End of Physics” (Sự kết thúc của vật lý), trong đó thể hiện mối nghi ngờ về khả năng thành công của lý thuyết lớn nhất của vật lý ngày nay là “Lý thuyết về mọi thứ”. Trong số những người thẳng thắn bầy tỏ mối nghi ngờ đối với lý thuyết này có những người đã có công rất lớn đối với vật lý hiện đại. Một trong số đó là Sheldon Glashow, một trong ba người đoạt giải Nobel vật lý năm 1979 vì một đề tài tiền thân của Lý thuyết về mọi thứ (Lý thuyết điện từ yếu). Glashow gọi Lý thuyết về mọi thứ là “Chiếc Chén Thánh” (The Holy Grail) (chiếc chén Chúa Jesus dùng trong bữa tiệc ly trước khi bị hành hình), ngụ ý đó là một cái gì đó rất thiêng liêng về ý tưởng nhưng không bao giờ có thể biến thành hiện thực! Một người khác là Roger Penrose, tác giả của những công trình tuyệt tác về topo chứng minh sự tồn tại của điểm kỳ dị của các hốc đen và của toàn bộ không-thời-gian, làm cơ sở cho Lý thuyết Big Bang. Penrose nói rõ rằng ông không tin vào bất cứ một lý thuyết nào hiện nay, kể cả Lý thuyết siêu dây, có thể coi là có hy vọng tiến đến Lý thuyết về mọi thứ.

    Nếu nhận thức được ý nghĩa của tất cả những thách thức đó, khoa học buộc phải định hướng phát triển thông minh nhất, sao cho có thể dồn nỗ lực vào những nghiên cứu có hiệu quả nhất, thiết thực nhất.

    Để làm được điều đó, câu hỏi của Joseph Traub có lẽ là câu hỏi quan trọng nhất. Xin nhắc lại: “Liệu chúng ta có thể biết cái gì là cái không thể biết hay không?”.

    Câu hỏi này làm chúng ta nhớ lại một lời dạy của Khổng tử: “Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã” (Cái gì biết thì biết là mình biết, cái gì không biết thì biết là mình không biết, đó là biết vậy). Thật kỳ lạ, hơn 25 thế kỷ trước, bằng kinh nghiệm và trực giác thiên tài, ông thánh Phương Đông này đã khẳng định nhận thức có giới hạn, và hiểu được điều này mới thực sự là có nhận thức. Và 25 thế kỷ sau, bằng con đường phân tích mổ xẻ đến nơi đến chốn, khoa học cũng đi đến nhận định tương tự, nhưng cụ thể hơn:

    Cần phải tìm hiểu xem cái gì là cái không thể biết.

    Kurt Godel với Định lý Bất toàn (Theorem of incompleteness) đã làm điều đó với Toán học.

    Alan Turing với Sự cố Dừng (The Halting Problem) đã làm điều đó với khoa học tính toán.

    Hậu thế sẽ phải tiếp tục con đường của Godel và Turing để làm điều tương tư đối với vật lý, sinh học, và khoa học nói chung.

    Dẫu rằng nhiệm vụ này vô cùng khó khăn, nhưng dẫu sao nó cũng đã đánh một tiếng chuông cảnh tỉnh đối với khoa học, khuyến dụ khoa học phải tỉnh táo hơn trên con đường phát triển.

    Và nó có một phản ứng phụ tích cực: Vì không bao giờ có thể đi đến một lý thuyết cuối cùng trong bất kỳ lĩnh vực tri thức nào, do đó các nhà khoa học sẽ không bao giờ thất nghiệp; ngược lại họ sẽ luôn luôn phải bận rộn với những bài toán chưa giải được để giải, bởi vì vĩnh viễn sẽ tồn tại rất nhiều bài toán như thế. Chỉ có điều cần phải chú ý đến những bài toán đáp ứng với quyền lợi thiết thực của con người nhiều hơn, thay vì nhất định đòi hiểu được ý Chúa.

    Tóm lại, cuốn sách của Horgan không hề khiêu khích, ngược lại nó khuyến khích chúng ta tư duy ! Mong sao sách sẽ được dịch ra tiếng Việt để đến tay mọi bạn đọc Việt Nam.

    [1] René Descartes (1596 – 1650): Je pense, donc je suis (I think, therefore I am not).
    [2] Thượng Đế, Thiên Nhiên, Người, Tôi và Ta của Cao Huy Thuần, 1999 trang 90.
    [3] Xem Fermat’s Last Theorem của Simon Singh, 1997, trang 150.
    [4] Xem God’s Equation, của Amir Aczel, trang 207.
    [5] Một góc nhìn của trí thức, Tạp chí Tia Sáng và NXB Trẻ 2002, trang 241.



  3. Được cám ơn bởi:


  4. #3
    mayxanh1234's Avatar

    Tham gia ngày: Nov 2010
    Giới tính: Nữ
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 594
    Cám ơn
    1,530
    Được cám ơn 1,865 lần trong 542 bài viết

    Default

    Đức tin không phản khoa học mà vượt lên trên khoa học ... Đức tin giúp ta đạt tới những thực tại mà khoa học không với tới được ...

    Khoa học: nghiên cứu về thực tại hữu hình
    Đức tin nâng linh hồn trí tuê ta đến với thực tại vô hình, qua mạc khải của Thiên Chúa .. Chính thực tại vô hình đó là động lực điều khiển thực tại hữu hình này ...

  5. #4
    teenvnlabido's Avatar

    Tham gia ngày: May 2011
    Tên Thánh: Giuse
    Giới tính: Nam
    Đến từ: HCM city
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 927
    Cám ơn
    1,503
    Được cám ơn 2,005 lần trong 603 bài viết

    Default Thầy bói xem voi !

    Lời giới thiệu:

    Chủ đích của tôi khi nêu đề tài:”Buổi hoàng hôn của Khoa học” này, là muốn đi đến kết luận Khoa học không phải là Chân Lý !
    Nhưng trước hết , chúng ta hãy tiếp tục tham khảo những ý kiến của nhiều nhà khoa học triết học về vấn đề này …




    Bài viết của ngài Phạm Việt Hưng trên trang PhamVietHung' Home.

    “Làm thế nào để một bộ phận có thể nhận thức được cái toàn thể?
    “How can a part know the whole?

    Blaise Pascal

    Thủa nhỏ, được người lớn kể cho nghe tích “Thầy Bói Xem Voi”, tôi thích lắm, và cứ ngỡ đó là một truyện dân gian Việt Nam. Lớn lên mới vỡ nhẽ: Hoá ra đó là một truyện ngụ ngôn bằng thơ nhan đề “The Blind Men and the Elephant” (Những anh mù và con Voi), hoặc “Six Men of Indostan” (Sáu anh chàng ở xứ Indostan1), của John Godfrey Saxe, một nhà thơ triết lý nổi tiếng người Mỹ thế kỷ 19.

    Nhấn vào ảnh để xem kích thước thật

Tên:  11.PNG
Lần xem: 91
Kích thước:  19.3 KB
    John Godfrey Saxe (1816 – 1887)

    Xin độc giả lượng thứ cho bản tạm dịch của tôi dưới đây:
    Thấy Bói xem voi:

    Sáu anh mù ở xứ
    In-đốt-xtan nóng bỏng1
    Rủ nhau đi xem Voi
    Vì rất ham hiểu biết
    Nên thi nhau quan sát
    Cho thoả nỗi khát mong

    Đầu tiên là anh Nhất
    Sờ tấm thân vừa rộng,
    Vừa cứng ráp, vừa thô
    Miệng oang oang tuyên bố:
    “Con Voi, ôi lạy Chúa!
    Giống bức tường y chang”

    Tiếp đến là anh Nhị,
    Sờ ngà Voi, nói lớn:
    “Tròn, nhọn, lại mịn trơn?
    Kỳ quan này rõ thấy,
    Rằng Voi như ngọn giáo,
    Đó mới thật là Voi!”

    Anh Tam bèn tiến đến
    Tay ôm vòi uốn éo,
    Ngẫm nghĩ và luận suy,
    Rồi tự tin anh nói:
    “Con Voi như tôi thấy
    Giống con rắn, con trăn”

    Đôi bàn tay anh Tứ
    Sờ vào chân, háo hức,
    “Kỳ lạ nhất của Voi,
    Như ta vừa nhận thấy,
    Một thân cây thẳng đứng,
    Mới giống hình con Voi!”

    Rồi đến phiên anh Ngũ,
    Sờ tai Voi, tuyên bố:
    “Mù nhất chính là ta,
    Nhưng nào ai dám cãi,
    Rằng Voi như quạt giấy,
    Phe phẩy, phẩy gió bay!”!

    Cuối cùng là anh Lục,
    Dò dẫm, anh vội túm
    Chỗ ve vẩy cái đuôi,
    Cảm nhận, thốt lên lời:
    “Voi như ta đã thấy
    Giống y chiếc dây thừng!”

    Thế là sáu anh mù
    Cãi vã nhau ỏm tỏi ,
    Ai cũng cho mình giỏi,
    Anh nào cũng hung hăng.
    Mỗi anh đúng một phần,
    Nhưng đều sai tất cả!

    Nhấn vào ảnh để xem kích thước thật

Tên:  22.PNG
Lần xem: 127
Kích thước:  320.2 KB

    Sáu “thầy bói” xem voi

    Ý tưởng của John Saxe thật dễ hiểu: Nhận thức của con người vốn phiến diện và bị giới hạn – nhận thức dù tiến bộ đến mấy cũng chỉ đúng một phần chứ không bao giờ đầy đủ và hoàn thiện.
    Nhưng phỏng có ích gì khi nhắc lại triết lý giới hạn của nhận thức trong thời buổi khoa học đang tăng trưởng với tốc độ hàm mũ như hiện nay? Phải chăng đó là một nghịch lý? Sau đây sẽ là câu trả lời.

    1] Nghịch lý lớn về nhận thức:

    Điều bất ngờ thú vị cần thông báo ngay với độc giả là tích “Thầy Bói Xem Voi” – một chuyện tưởng như đã “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” – lại đã và đang tái xuất hiện trên các diễn đàn khoa học tây phương hiện đại với một tầm vóc và bình diện mới! Thật vậy, dưới ánh sáng của những sự kiện khoa học trọng đại nhất trong thế kỷ 20, đặc biệt nhờ những tiến bộ vượt bậc của khoa học computer trong mấy thập kỷ qua, nhân loại đã và đang tái khám phá ra nguyên lý về bản chất giới hạn của nhận thức – một nguyên lý tự nhiên mà tích “Thầy Bói Xem Voi” đã nói từ lâu nhưng dần dần bị lãng quên! Nguyên lý này khẳng định rằng NHẬN THỨC, mặc dù mỗi ngày một tiến hoá, nhưng không bao giờ đạt tới chỗ BIẾT HẾT, BIẾT MỌI THỨ, BIẾT ĐẦY ĐỦ, BIẾT TẬN CÙNG …
    Tham vọng biết mọi thứ, xét cho cùng, là … “ngây thơ” – không hiểu hoặc không muốn hiểu một quy luật của nhận thức mà John Saxe đã trình bầy từ lâu dưới dạng thơ ngụ ngôn!

    Sự “ngây thơ” đó đáng được thông cảm: Khi khát vọng nhận thức bùng cháy mãnh liệt, con người có xu hướng muốn biết hết, biết tới tận cùng! Đó là một khát vọng chính đáng, tự nhiên theo bản năng, và nhờ đó con người mới khám phá hết bí mật này đến bí mật khác. Đó chính là động lực của tiến hoá. Nếu khát vọng đó đôi khi (hoặc nhiều khi) trở nên thái quá, chẳng qua con người sinh ra vốn bản chất đã hướng ngoại, thích quan sát các đối tượng khách thể bên ngoài hơn là quan sát chính chủ thể nhận thức. Trẻ em thể hiện rất rõ điều này. Một em bé 6 tháng sẽ tuyệt đối không có “ý thức về bản ngã”, nhưng đã có thể có những nhận thức nhất định về thế giới xung quanh. Ý thức hướng nội chỉ tới khi con người trưởng thành hơn. Quá trình trưởng thành về nhận thức của một đời người chính là tấm gương phản chiếu quá trình trưởng thành về nhận thức của toàn thể loài người. Đó chính là lý do để khoa học về nhận thức ra đời quá muộn màng: Trong khi các khoa học khác đã có tới hàng ngàn hoặc hàng trăm năm tuổi, khoa học về nhận thức dường như mới ra đời gần đây. Nói cách khác: Trong khi nền văn minh của nhân loại đã trưởng thành và già dặn qua hàng ngàn năm lịch sử, con người dường như vẫn còn quá ngây thơ trong việc tự hiểu biết mình.

    Nhưng hơn bất kỳ một giai đoạn lịch sử nào khác, thế kỷ 20 đã làm cho con người bừng tỉnh: Song song với nhận thức hướng ngoại, con người đã đặc biệt quan tâm tới chính chủ thể nhận thức – nghiên cứu bản chất của nhận thức như nghiên cứu bất kỳ một đối tượng khách quan nào khác!

    Nhưng tại sao lại là thế kỷ 20, thay vì thế kỷ 19 hay 21?

    Đơn giản vì nhận thức đã phải trả giá rất đắt để hiểu được 3 bài học tưởng như không sao hiểu được trong thế kỷ 20: Thuyết Tương Đối của Einstein + Nguyên Lý Bất Định của Heisenberg + Bài học về cuộc khủng hoảng trầm trọng trong nền tảng Toán Học đầu thế kỷ 20.

    Thuyết Tương Đối phải mất vài năm rồi nhân loại mới hiểu.

    Nguyên Lý Bất Định cũng phải mất vài chục năm: Ra đời từ 1921 nhưng chưa bao giờ được nhà vật lý lớn nhất thế kỷ 20 là Einstein công nhận, ngay cả trước khi ông mất năm 1955.

    Nhưng sự trả giá cho bài học thứ ba còn đắt hơn rất nhiều: Phải mất gần một thế kỷ, tức là đến cuối thế kỷ 20, nhân loại mới bắt đầu hiểu được lý do thực sự của cuộc khủng hoảng Toán Học đầu thế kỷ này. Hơn bất kỳ một bài học nào khác, bài học thứ ba này để lộ giới hạn của nhận thức.

    Nếu chọn ngẫu nhiên 100 nhà khoa học và giáo dục để phỏng vấn, có lẽ 100% biết rõ bài học thứ nhất (Thuyết Tương Đối), 75% (hoặc 50%?) biết rõ bài học thứ hai (Nguyên Lý Bất Định), nhưng sẽ có bao nhiêu % biết rõ bài học thứ ba (cuộc khủng hoảng về nhận thức bản chất Toán Học)? Tôi ngờ rằng tỷ lệ này rất thấp, vì thông qua phương pháp giảng dạy môn Toán ở trường phổ thông hiện nay, tôi thấy người ta đã hiểu sai bản chất và ý nghĩa của Toán Học, từ đó suy ra rằng người ta không học được bài học nào từ cuộc khủng hoảng nói trên. Bằng chứng?

    Vâng, sẽ có bằng chứng, nhưng xin để dành cho bài viết kỳ sau. Bây giờ là lúc cần quay lại tích “Thầy Bói Xem Voi”, vì chính sự trả giá về nhận thức trong thế kỷ 20 đã làm cho nhân loại bừng tỉnh để “ngộ” ra triết lý sâu xa của truyện ngụ ngôn này: Nhận thức, bản thân nó chứa đựng một NGHỊCH LÝ LỚN – Khát vọng vô hạn về nhận thức mâu thuẫn với bản chất giới hạn của nhận thức!

    “Làm thế nào để một bộ phận có thể nhận thức được cái toàn thể?” (How can a part know the whole?), đó chính là nỗi băn khoăn từ thế kỷ 17 của Blaise Pascal – một trong những nhà khoa học và triết học sâu sắc nhất của mọi thời đại.

    Một người như Pascal có lẽ có thừa óc tưởng tượng và suy luận để hình dung ra cái tổng thể mà ông khao khát muốn biểt, nhưng dường như cái đầu triết học quá sâu sắc của ông lại khuyên ông nên thận trọng. Phải chăng vì thế mà ông băn khoăn?

    Trong thời đại của chúng ta, nỗi băn khoăn của Pascal vẫn mang tính thời sự. Thật vậy, dù khoa học tiến bộ đến mấy, kính viễn vọng có thể nhìn xa đến mấy, kính hiển vi điện tử có thể nhìn sâu đến mấy, cũng chẳng bao giờ nhìn thấy cái tổng thể. Khoa học chỉ suy đoán ra cái tổng thể dựa trên những quan sát bộ phận, rồi lại dùng những quan sát bộ phận để tái kiểm chứng cái mô hình tổng thể đã suy đoán. Dù cho suy đoán dựa trên những phương pháp toán học chính xác bậc nhất, nó vẫn chỉ là kết quả của suy đoán, và do đó nó luôn luôn bị thử thách nghiệt ngã bởi thực tiễn. Thực tiễn luôn luôn là ông thầy chỉ ra lỗi trong các mô hình của con người, buộc con người phải sửa chữa mô hình của mình để phù hợp với hiện thực hơn. Nhưng dù sửa chữa phù hợp đến mấy đi chăng nữa thì cũng chỉ là phù hợp với hiện thực cục bộ có thể quan sát được, thay vì chính cái hiện thực tổng thể tồn tại khách quan, độc lập với mọi suy luận và quan sát của con người.

    Chẳng hạn có một thời, Mô Hình Vũ Trụ dựa trên Cơ Học Newton đã thống trị “tuyệt đối” trong tâm thức các nhà khoa học, đến nỗi Joseph Louis Lagrange, nhà toán học lỗi lạc người Pháp trong thế kỷ 18, đã phải thốt lên lời buồn phiền rằng “Newton đã tìm ra hết mọi bí mật rồi, chẳng còn gì lớn cho chúng ta làm nữa”. Nhưng may thay, Albert Einstein đã chứng minh rằng Lagrange sai!

    Một số học giả tây phương hiện đại cho rằng nhận thức là một hàm tăng theo thời gian, nhưng không tăng tới vô cùng, mà bị chặn trên bởi một tiệm cận ngang – một cái ngưỡng (threshold): Hàm nhận thức ngày càng tiệm cận tới cái ngưỡng đó nhưng không bao giờ chạm tới và vượt qua!

    Nhấn vào ảnh để xem kích thước thật

Tên:  33.PNG
Lần xem: 105
Kích thước:  21.4 KB

    Giới hạn của Hàm Nhận Thức







  6. #5
    teenvnlabido's Avatar

    Tham gia ngày: May 2011
    Tên Thánh: Giuse
    Giới tính: Nam
    Đến từ: HCM city
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 927
    Cám ơn
    1,503
    Được cám ơn 2,005 lần trong 603 bài viết

    Default Thầy bói xem voi (tiếp theo)

    tiếp theo...


    Thậm chí một số còn cho rằng khoa học ngày nay đã tiến gần đến cái ngưỡng đó. Thời gian sẽ trả lời nhận định này đúng hay sai.
    Tuy nhiên, sự tồn tại của một cái ngưỡng là có thật, ít nhất điều này đã được chứng minh trong Toán Học và trong Khoa Học Computer: Đó là “Định Lý Bất Toàn” (Theorem of Incompleteness) của Kurt Godel và “Sự Cố Dừng” (The Halting Problem) của Alan Turing.

    Cái ngưỡng đó làm cho một số người nản lòng, thậm chí cảm thấy khó chịu, vì không thể chấp nhận một cái ngưỡng ngáng trở nhận thức. Xin nói ngay rằng những người đó đã hiểu lầm: Chính cái ngưỡng đó làm cho cuộc sống của chúng ta có ý nghĩa hơn, hạnh phúc hơn, và khoa học sẽ đâm chồi nẩy lộc nhiều hơn, đơm hoa kết trái nhiều hơn!

    Thật vậy, vì nhận thức có giới hạn, nó không bao giờ đạt tới đích cuối cùng, vì thế khát vọng khám phá sẽ được nuôi dưỡng mãi mãi, niềm vui khám phá sẽ không bao giờ cạn, trí tưởng tượng của con người sẽ tha hồ bay bổng, … điều này làm nên một trong những ý nghĩa căn bản của cuộc sống.

    Immanuel Kant vĩ đại từng nói: “Mỗi câu trả lời lại đặt ra một câu hỏi mới”. Bạn nghĩ sao nếu chúng ta tìm ra một câu trả lời cho mọi thứ để rồi không còn gì đáng hỏi nữa? Cuộc sống khi đó sẽ ra sao? Nhưng chính vì không bao giờ có một câu trả lời cuối cùng nên con người tha hồ tưởng tượng để tìm câu trả lời cho những gì mình chưa biết. Nhà toán học kiêm triết học nổi tiếng Bertrand Russell đã an ủi những người lo xa: “Khoa học có thể tạo ra giới hạn đối với sự hiểu biết, nhưng không tạo ra giới hạn đối với trí tưởng tượng”
    2.

    Nói cách khác, Bà Mẹ Tự Nhiên (The Mother Nature) không bao giờ mở cánh cửa bí mật cuối cùng cho chúng ta, mà luôn để dành những bí mật tiếp theo cho chúng ta khám phá, nhằm nuôi dưỡng chúng ta không chỉ phần xác, mà cả phần hồn!

    Bí mật của Tự Nhiên giống như “Chiếc Hộp Trung Hoa” (Chinese Box) hoặc những con búp-bê Matryoshka của Nga – mỗi lần mở ra lại thấy một chiếc hộp bên trong (một con búp-bê bên trong). Mỗi chúng ta đều giống như một đứa trẻ tò mò, trông thấy chiếc hộp bên trong lại muốn mở ra xem, và lại thấy một chiếc hộp bên trong nữa. Albert Einstein chính là một đứa trẻ điển hình như thế, ông nói: “Cái đẹp nhất mà chúng ta có thể chiêm nghiệm chính là sự BÍ ẨN. Đó là ngọn nguồn của nghệ thuật và khoa học chân chính”
    3
    Vậy thay vì chống đối nguyên lý giới hạn của nhận thức, chúng ta nên cảm ơn nó, vì nhờ nó chúng ta luôn sống với những khát vọng lãng mạn!

    Nhưng cần phải tỉnh táo, vì nếu tham vọng nhận thức trở thành vô chừng vô độ, bất chấp giới hạn thì đó lại là một vấn đề hoàn toàn khác!

    2] Khi tham vọng trở nên vô chừng vô độ:

    Khi đó, nhận thức có nguy cơ rơi vào không tưởng, lầm đường lạc lối, thay vì tiến lên, nhận thức trở thành một cái vòng luẩn quẩn, hoặc thậm chí thụt lùi.

    Lịch sử đã từng chứng kiến phản ứng của những người nhìn xa trông rộng trước những kiểu tham vọng vô chừng vô độ như thế. Một trong những trường hợp đáng để cho chúng ta phải suy ngẫm nghiêm túc lại là Albert Einstein. Bạn nghĩ sao khi một người như Einstein – một người có khát vọng hiểu biết cháy bỏng hơn ai hết, một đứa trẻ từng say đắm Hình Học Euclid như một kỳ quan, một nhà vật lý cần toán học như chúng ta cần không khí và nước – đã có lúc phải thốt lên:

    “Tôi không tin vào Toán Học”
    4!
    Thoạt nghe, có vẻ như đó là một chuyện bịa đặt, nhưng than ôi, đó lại là một sự thật! Xin bạn hãy bình tâm tìm hiểu sự thật này, và tôi tin rằng bạn sẽ hết ngạc nhiên nếu biết rõ rằng ấy là lúc Einstein phản ứng với những thứ toán học sáo rỗng, hình thức chủ nghĩa, toán học siêu hình (meta-mathematics), toán học tách rời thực tiễn, toán học thuần tuý suy diễn logic mà không đếm xỉa đến ý nghĩa thực tế.

    Bạn sẽ dễ dàng thông cảm với Einstein nếu biết rõ rằng thứ toán học siêu hình đó đã ra đời từ một tham vọng vô chừng vô độ và không tưởng của một số nhà toán học cùng thời với ông. Những người này tin rằng tồn tại những chân lý logic hình thức tuyệt đối, độc lập với thế giới hiện thực xung quanh, và tin rằng với những phương pháp nghiên cứu đúng đắn, trước sau họ cũng sẽ tìm ra những chân lý tuyệt đối đó.

    Nhưng Einstein, với trực giác siêu việt, ngay từ đầu đã không tin họ, không tin vào tham vọng ngông cuồng của họ, không tin vào hệ thống toán học thuần lý bất chấp thực tiễn của họ, và lịch sử đã đứng về phía Einstein!

    Chẳng riêng Einstein, một vĩ nhân khác mà tài năng chẳng kém gì Einstein là Henri Poincaré, người được coi là Mozart của Toán Học, cũng chống đối quyết liệt thứ toán học sính hình thức đó.
    Nhưng than ôi! Sức ỳ của bộ não cũng “vĩ đại” chẳng kém gì sức sáng tạo của nó: Bất chấp những người như Einstein và Poincaré, tư tưởng sính hình thức trong giới toán học, và đặc biệt trong giới giảng dạy toán học, vẫn cứ tiếp tục sống dai dẳng cho đến tận hôm nay.

    Nếu đọc giả để ý quan sát, sẽ chẳng mấy khó khăn để nhận thấy bóng dáng những loại toán học này trong hệ thống giáo dục hiện nay. Đó là hậu quả tàn dư của thứ toán học hình thức mà Einstein và Poincaré chán ghét. Đó là lý do để nhiều học giả trên thế giới ngày nay phải lên tiếng cảnh báo: Hãy tỉnh táo để nhận thức nguyên lý giới hạn của nhận thức!

    Trong bối cảnh đó, tích “Thầy Bói Xem Voi” tất yếu mang ý nghĩa thời sự và được làm sống lại một cách sinh động dưới nhiều hình thức, điển hình là những “mô hình bất khả” (Impossible Models), hay những “cấu trúc phi lý” (Inconsistent Structures).

    3] Mô Hình Bất Khả:

    Điển hình của những mô hình này là Tam Giác Penrose hoặc Bậc Thang Penrose của Sir Roger Penrose, một trong những nhà vật-lý-toán-học lớn nhất ngày nay. Ông có những đóng góp vô cùng đa dạng trong vật lý và toán học, đoạt rất nhiều giải thưởng danh giá bậc nhất về vật lý và toán. Cùng với Stephen Hawking, ông được coi là một trong những tác giả của Lý thuyết về hốc đen, như Wikipedia nhận định: “Công trình sâu sắc của ông về tính Tương Đối Tổng Quát đóng vai trò chủ yếu trong nhận thức của chúng ta về các hốc đen”. Nhưng khác với Stephen Hawking, ông không mấy tin tưởng vào khả năng “Hiểu được ý Chúa” của Einstein trước đây và của Hawking hiện nay. Bản thân những “mô hình bất khả” của ông đã nói lên điều đó.
    Nhấn vào ảnh để xem kích thước thật

Tên:  111.PNG
Lần xem: 190
Kích thước:  70.9 KB

    Những mô hình bất khả của Penrose

    Ngắm kỹ hai mô hình trên, dễ nhận thấy chúng chỉ “khả dĩ” (possible) hoặc “hợp lý” (consistent) trong từng cục bộ (local part), nhưng “bất khả” (impossible) hoặc “phi lý” (inconsistent) trên tổng thể (the whole), đúng như triết lý của “Thầy Bói Xem Voi”:
    Mỗi anh đúng một phần, Nhưng đều sai tất cả!

    Tuy nhiên sẽ là bất công nếu gán cho các nhà khoa học công lao sáng tạo ra những “mô hình bất khả”. Chính các hoạ sĩ mới là những người đi tiên phong trong lĩnh vực này. Hãy ngắm bức tranh sau đây:
    Nhấn vào ảnh để xem kích thước thật

Tên:  222.PNG
Lần xem: 122
Kích thước:  59.0 KB

    “Cầu thang bất khả” (Impossible Staircase) cuả Reutersvard

    Đó là cấu trúc “Cầu thang bất khả” (Impossible Staircase) cuả hoạ sĩ Thụy Điển Oscar Reutersvard (1915-2002) được vẽ từ nửa đầu thế kỷ 20! Với hàng trăm mô hình tương tự, Reutersvard được coi là cha đẻ của ngành “hội hoạ ảo ảnh” (Illusionary Art), và chính hội hoạ đó đã tạo cảm hứng cho Penrose sáng tạo ra những mô hình của mình.

    Tuy nhiên phải thừa nhận rằng, từ khi những nhà khoa học lớn như Penrose sử dụng các mô hình bất khả để nói lên nguyên lý bất khả trong việc nhận thức CÁI TOÀN BỘ, thì nguyên lý này mới được nhìn nhận một cách thực sự nghiêm túc, không chỉ dưới hình thức văn chương, nghệ thuật, hoặc triết học, mà ngay cả trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Điều này rất có lợi cho cuộc sống, vì nó hướng khoa học vào những công trình thực dụng hơn, thiết thực hơn. Sự chuyển hướng này bộc lộ rất rõ trong những Giải Nobel khoa học từ cuối thế kỷ 20 tới nay (trước đây thường dành cho những đề tài thuần tuý lý thuyết).

    Tóm lại, đã có một sự bừng tỉnh về nhận thức đối với triết lý “Thầy Bói Xem Voi”. Để cảm nhận được điều đó, bạn chỉ cần ngồi vào computer rồi gõ “impossible models”, hoặc “artistic illusions”, “inconsistent art”, v.v. bạn sẽ có hàng trăm, hàng nghìn mô hình “bất khả” kỳ lạ khác nhau, trong đó rất nhiều mô hình vừa được công bố chỉ vài ngày trước khi bài báo này đến tay bạn. Điều đó nói lên rằng chủ đề này nóng hổi đến chừng nào.

    Tuy nhiên, nếu bạn thật sự muốn biết các nhà khoa học và giáo dục ngày nay nghĩ gì về triết lý “Thầy Bói Xem Voi”, xin bạn hãy đọc ngay một cuốn “best-seller” của năm 1998: “What is Mathematics, Really?” (Thực ra Toán Học là gì?) cuả Reuben Hersh, một nhà toán học rất nổi tiếng ở Mỹ, trong đó tác giả đã dẫn nguyên văn truyện Sáu anh mù ở xứ Indostan để nói về một “giấc mơ vĩ đại” của các nhà toán học trong thế kỷ 20 – Giấc mơ tìm thấy “Con Voi Toán Học”!

    Nhấn vào ảnh để xem kích thước thật

Tên:  444.PNG
Lần xem: 89
Kích thước:  246.4 KB
    4] Thay lời kết:

    Câu chuyện về giấc mơ tìm kiếm Con Voi Toán Học là một trong những chương có ý nghĩa nhất và quan trọng nhất trong lịch sử toán học – quan trọng đến nỗi nếu không biết gì về nó thì không những sẽ vô cùng thiệt thòi vì đã bỏ qua một trong những chương hay nhất, hấp dẫn nhất của lịch sử khoa học, mà còn có nguy cơ bị thiếu hụt một bài học vô giá về khoa học nhận thức và khoa học giáo dục.

    Sự thiếu hụt ấy sẽ dẫn tới hậu quả không hiểu rõ bản chất của toán học, và do đó sẽ áp dụng một phương pháp sai lầm trong giảng dạy toán học. Đó chính là điều Reuben Hersh muốn nói, và cũng là điều mà loạt bài viết về chủ đề “Thầy Bói Xem Voi” muốn nói.
    Quả thật là đang tồn tại tình trạng hiểu sai bản chất toán học, và đó là lý do căn bản dẫn tới tình trạng “dạy giả” và “học giả” tràn lan: Chưa bao giờ tình trạng học sinh không hiểu Toán, đối phó với Toán, chán Toán, sợ Toán, … ngày càng trở nên phổ biến như hiện nay.

    Công bằng mà nói, tình trạng này không chỉ xẩy ra tại Việt Nam, mà đã từng xẩy ra ở ngay tại một số quốc gia phát triển, khi những quốc gia này áp dụng một phương pháp dạy Toán mà họ tưởng là “mới”. Nhưng lịch sử giáo dục đã chứng minh rằng những phương pháp gọi là “mới” đó thực chất chỉ là sản phẩm của một tham vọng không tưởng – tham vọng tìm kiếm Con Voi Toán Học. Chính vì không tưởng nên nó đã đổ vỡ tan tành!

    Tại sao một tham vọng đã đổ vỡ mà vẫn còn ảnh hưởng đến nền giáo dục hôm nay? Đó là một ẩn số cần được trả lời, và sẽ được trả lời trong bài kỳ sau: “Giấc mơ tìm kiếm Con Voi Toán Học”, hoặc gọi theo cách của các nhà triết học khoa học tây phương hiện nay, “Giấc mơ tìm kiếm Chiếc Chén Thánh Toán Học”.

    Sydney ngày 01 tháng 01 năm 2009

    Phạm Việt Hưng


    [1] Indostan là một tên gọi cổ được sử dụng nhiều trong các thế kỷ 17, 18, 19, để gọi một vùng địa lý mà ngày nay ta gọi là Nam Á, bao gồm Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Sri Lanka, Maldives, Bhutan và Nepal (những quốc gia nói chung có khí hậu nóng và chịu nhiều ảnh hưởng của nền văn minh Ấn Độ).
    [2] Nguyên văn: “Science may set limits to knowledge, but should not set limits to imagination”
    [3] Xem “Phương trình của Chúa” của Phạm Việt Hưng trên Khoa Học & Tổ Quốc, số 3+4/2005
    [4] Nguyên văn: “I don’t believe in Mathematics”. Xem “Impossibility” của John Barrow.

    ©
    http://vietsciences.free.frrhttp://vietsciences.org Phạm Việt Hưng

+ Trả lời chủ đề + Gửi chủ đề mới

Quyền hạn của bạn

  • Bạn không được gửi bài mới
  • Bạn không được gửi bài trả lời
  • Bạn không được gửi kèm file
  • Bạn không được sửa bài

Diễn Đàn Thánh Ca Việt Nam - Email: ThanhCaVN@yahoo.com