Phỏng vấn ĐTGM Raymond Leo Burke, Tân Chủ tịch Tối Cao Pháp Viện Tòa Thánh

Ngày 27 tháng 6 năm nay Đức Tổng Giám Mục Raymond Leo Burke, đã được Đức Thánh Cha Biển Đức XVI chỉ định làm Tân chủ tịch Tối Cao Pháp Viện Tòa Thánh. Đức Cha Burke năm nay 60 tuổi, thuộc giáo phận La Crosse, bang Wisconsin Hoa Kỳ. Thụ phong linh mục năm 1975, năm 1984 cha Burke lấy tiến sĩ giáo luật tại Đại Học Giáo Hoàng Gregoriana ở Roma, sau đó trở về phục vụ tại giáo phận. Năm 1989 cha được gọi về Roma làm người bảo vệ mối dây hôn nhân tại Tối Cao Pháp Viện Tòa Thánh cho đến năm 1994 thì được chỉ định làm Giám Mục La Crosse. Năm 2003 Đức Cha Burke được thăng Tổng Giám Mục Saint Louis bang Missouri. Hiện nay Đức Cha cũng là thành viên Bộ Giáo Sĩ.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Cha về công việc tại Tối Cao Pháp Viện Tòa Thánh.

H: Thưa Đức Tổng Giám Mục Burke, Tối Cao Pháp Viện Tòa Thánh đặc trách về những chuyện gì trong Giáo Hội?

Đ: Cơ quan này của Tòa Thánh đặc trách việc giám sát cung cách thi hành công lý trong các tòa án của Giáo Hội trên toàn thế giới, làm sao để luật lệ của Giáo Hội được tôn trọng một cách công bằng và đồng đều. Thế rồi, tuy rất họa hiếm, chúng tôi cũng xét xử các trường hợp kháng án chống lại các phán quyết của Tòa Thượng Thẩm Rota. Sau cùng chúng tôi cũng xét xử các vụ kiện chống lại các hành động hành chánh được các cơ quan khác của Tòa Thánh xác nhận. Thật thế, ai cho rằng mình đã chịu các hành động hành chánh bất công, thì trước hết phải xin đương sự liên hệ duyệt xét lại, nếu đương sự từ chối, thì khi đó có thể thưa lên cấp trên của người đó, nghĩa là vị thẩm quyền chuyên môn đặc trách cơ quan đó của Tòa Thánh. Nếu người khiếu nại hay người đã gây ra hành động đó cho rằng quyết định của cơ quan bất công, thì khi đó họ đệ trình lên Tòa Ân Giải Tối Cao xét xử. Trong lãnh vực chuyên môn này chúng tôi hành động như là một tòa phá án.

H: Trên đây, Đức Cha nói nhiệm vụ của Tòa Ân Giải Tối Cao là canh chừng xem các tòa án của Giáo Hội có thi hành công lý không. Đức Cha lượng định sư kiện hàng năm số hôn nhân bị hủy bỏ tại Hoa Kỳ cao hơn tổng số của tất cả mọi tòa án giáo phận khác trên thế giới như thế nào?

Đ: Đây là một điều gây lo ngại. Tôi nói trong tư cách là một linh mục mỹ, cũng như chuyên viên giáo luật và chủ tịch Tòa Ân Giải Tối Cao. Sự bất quân bình đó đã và tiếp tục gây ngạc nhiên cả trong tương quan với số vụ giải quyết và số tòa án giáo phận. Tòa Ân Giải Tối Cao đã can thiệp nhiều lần để làm sáng tỏ tình hình, đang có nguy cơ khiến cho người ta nghĩ rằng có một ”kiểu mỹ” để đưa vào một loại ”ly dị công giáo”.

H: Như là TGiám Mục Saint Louis, Đức Cha đã lôi kéo sự chú ý của báo chí mỹ nhiều lần. Có người còn nghĩ rằng việc bổ nhiệm Đức Cha là do sự kiện người ta muốn đẩy Đức Cha xa giáo phận. Đức Cha nghĩ sao?

Đ: Tôi qúa tôn trong Đức Thánh Cha để tin rằng để đẩy ai đó xa giáo phận phải chỉ định người đó làm chủ tịch một cơ quan rất tế nhị như Tòa ân Giải Tối Cao.

H: Nhưng mà có sự kiện là Đức Cha đã gặp một vài khó khăn trong giáo phận Saint Louis, có đúng thế không?

Đ: Đúng vậy. Đã có vấn đề liên quan tới giáo xứ thánh Stanislao Kotska, trên thực tế đã trở thành giáo xứ tin lành. Rồi có vụ nhà thương nhi đồng công giáo gây qũy bằng cách mời nữ ca sĩ Sheryl Crow hát. Bà là một người nhất quyết bênh vực chủ trương phá thai. Sau cùng là vấn đề truyền chức linh mục cho hai phụ nữ, và trong số những người ủng hộ việc truyền chức này có cả một nữ tu nữa. Tôi đã bị bắt buộc phải can thiệp vào tất cả các vụ này với các biện pháp giáo luật để tránh gương mù cho giáo dân. Tuy buồn lòng nhưng tôi phải làm.

H: Nhưng mà chỉ có giáo phận Saint Louis là gặp rủi ro như thế, hay hiện tượng này cũng phổ biến cả tại các nơi khác nữa, thưa Đức Cha?

Đ: Chỉ có vấn đề liên quan tới giáo xứ là thuộc địa phương, còn hai chuyện kia cũng là các hiện tượng xảy ra ở nơi khác. Chẳng hạn như chương trình của 16 vụ truyền chức linh mục cho phụ nữ tại 50 giáo phận khác nữa bên Hoa Kỳ. Ngoài ra tôi cũng phải nhấn mạnh rằng tại Saint Louis người ta đã không luôn luôn chiến đấu chống lại các khó khăn đã có. Nhưng tôi đã sống chức vụ giám mục của tôi trong niềm vui, bằng cách săn sóc các tương quan với hàng giáo sĩ và các chủng sinh. Vì tôi tin rằng nhiệm vụ đầu tiên của một giám mục tốt là gần gũi để ủi an khích lệ và góp ý kiến cho các linh mục của mình. Không có các linh mục, thì giám mục đâu có làm được gì. Và tôi phải nói rằng sự săn sóc này đã được tưởng thưởng bằng con số ơn gọi gia tăng trong giáo phận Saint Louis. Thật cám ơn Chúa.

H: Trên đây Đức Cha có nhắc tới nữ ca sĩ Sheryl Crow. Đức Cha có biết việc bà ta được mời tới hát trong đại hội của đảng dân chủ tại Denver hay không?

Đ: Nói thật là tôi đã không để ý tới chuyện này. Nhưng tin này không khiến cho tôi ngạc nhiên. Vì đảng dân chủ có nguy cơ biến thành một đảng của sự chết chóc, vì các lựa chọn của đảng này liên quan tới các vấn đề luân lý sinh học, như ông Ramesh Ponnuru đã viết trong cuốn sách tựa đề ”Đảng của chết chóc: các người dân chủ, giới truyền thông, các tòa án và việc khinh rẻ sự sống con người”. Và tôi nói lên điều này với cái chết trong tim. Vì tất cả chúng ta đều biết rằng đảng dân chủ đã từng là đảng giúp ông bà cha mẹ công giáo di dân của chúng ta hội nhập và trở thành thịnh vượng trong xã hội mỹ. Nhưng mà giờ đây nó không còn là chính mình nữa. Mặc dù trong số các đảng viên cũng có những người bênh vực sự sống, nhưng rất hiếm.

H: Như là chuyên viên giáo luật và giám mục, Đức Cha chống lại việc cho các nhà chính trị công giáo bướng bỉnh công khai ủng hộ phá thai rước lễ. Lập trường của Đức Cha đã không được Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ coi là của mình, có đúng vậy không?

Đ: Lập trường của tôi không lẻ loi, vì nó được Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput của giáo phận Denver và Đức Cha Peter Jugi của giáo phận Charlotte và các Giám Mục khác tán đồng. Có đúng thật là Hội Đồng Giám Mục không có lập trường chung và để cho mỗi Giám Mục tự do hành xử. Riêng tôi, tôi đã luôn luôn chủ trương là phải có một lập trường thống nhất để cho thấy sự hiệp nhất của Giáo Hội trong việc đương đầu với vấn đề nghiêm trọng này. Mới đây tôi cũng nhận thấy có nhiều Giám Mục khác xích lại gần lập trường này, đặc biệt là sau các lời tuyên bố của bà Nancy Pelosi phát ngôn viên Quốc Hội Mỹ, và của thượng nghị sĩ Joe Biden ứng viên phó tổng thống đảng dân chủ. Mặc dù tự coi như là các tín hữu công giáo tốt, họ đã trình bầy giáo lý của Giáo Hội về phá thai một cách sai lạc.

H:
Có phải hồi năm 2004 Đức Hồng Y Joseph Ratzinger đã viết cho Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ một lá thư về vấn đề này hay không?

Đ: Vâng, đúng vậy. Nhưng tôi không biết tại sao nó đã không được phân phát. Dầu sao đi nữa nó đã được ông Sandro Magister, chuyên viên về Vaticăng, và nguyệt san Origins, công bố. Trong đó Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, ủng hộ việc giải thích giáo luật không cho phép trao Mình Thánh Chúa cho những tội nhân bướng bỉnh công khai. Và rõ ràng là những ai công khai bướng bỉnh ủng hộ phá thai thuộc loại này.

H:Đức Cha có thấy rằng đây là chuyện của Hoa Kỳ và nó không có âm hưởng nào đối với Âu châu hay không?


Đ: Tôi không biết. Tôi không hiểu các nhà chính trị âu châu có trung thực với chính mình hay không. Cả khi tôi nghi ngờ đều này. Dầu sao đi nữa, cách đây không lâu có một chính trị gia tin lành hỏi tôi là Giáo Hội đã thay đổi giáo lý của mình liên quan tới phá thai hay sao. Dĩ nhiên tôi đã trả lời là không. Ông ta nói: thật là lạ, vì trong Quốc Hội Mỹ có nhiều tín hữu công giáo ủng hộ luật cho phép phá thai. Tôi xác tín rằng Giáo Hội phải rất rõ ràng trong vấn đề này.

H: Nhưng mà khi làm như thế Giáo Hội có nguy cơ trở thành một gương mặt ”cau có” và ”ít từ bi” không, thưa Đức Cha?

Đ: Gương mặt từ bi thương xót của Chúa Giêsu Kitô trong Giáo Hội luôn luôn hiện diện nơi mọi linh mục, là người nói chuyện với các tín hữu, khuyên nhủ họ và giải tội cho họ. Nhưng cả giáo luật nữa cũng luôn luôn có luật tối cao là ơn cứu rỗi của các linh hồn. Đó là một hình thức của lòng từ bi thương xót. Nó giúp chúng ta hiểu điều thiện điều ác một cách tốt lành hơn.

H: Thưa Đức Cha, Đức Cha cũng là một Giám Mục đồng ý với tự sắc qua đó Đức Thánh Cha cho phép cử hành thánh lễ theo nghi thức tiền công đồng chung Vaticăng II, có phải vậy không?

Đ: Vâng đúng vậy. Tôi còn nhớ Đức Thánh Cha đã rất hài lòng khi công bố tự sắc này trước sự hiện diện của một nhóm nhỏ các Giám Mục và tôi cũng đã được mời tham dự. Đức Thánh Cha đã có cử chỉ can đảm này và muốn nhấn mạnh rằng trong Giáo Hội phụng vụ phải phát triển một cách trật tự, mà không phải cảm thấy các đổ gẫy gây chấn thương, nhưng rất tiếc đây là điều đã xảy ra sau Công Đồng. Riêng cá nhân tôi, tôi không gặp khó khăn nào hay sự mâu thuẫn nào trong việc cử hành thánh lễ theo nghi thức mới hay theo nghi thức cũ của Đức Giáo Hoàng Pio V. Tự sắc ”Summorum Pontificum” đã là một cử chỉ khôn ngoan và tôi xác tín là nó sẽ đem lại các hoa trái tốt trong Giáo Hội.

H: Thưa Đức Cha, tất cả các nét trên đây lại không có nguy cơ khiến cho Đức Cha trở thành một gương mặt bảo thủ cứng nhắc hay sao?

Đ: Các điều tốt lành luôn luôn phải được duy trì. Còn cứng nhắc thì ai biết tôi một chút, sẽ thấy là tôi không cứng nhắc như vậy đâu.

(Avvenire 27-9-2008)

Linh Tiến Khải