|
Ðức Thánh Cha Phanxicô kết thúc cuộc viếng thăm Brazil
Ðức Thánh Cha Phanxicô kết thúc cuộc viếng thăm Brazil.
Roma (Vat. 29-07-2013) - Lúc 11 giờ 25 phút trưa ngày 29 tháng 7 năm 2013, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã về đến Roma bằng an sau 1 tuần lễ viếng thăm tại Brazil nhân dịp Ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 28 tại Rio de Janeiro.
Trên chuyến bay trở về Roma, Ðức Thánh Cha đã nồng nhiệt chào thăm và cám ơn hơn 70 ký giả tháp tùng ngài. Ngài đã dành 1 giờ 20 phút để trả lời tất cả những câu hỏi họ nêu lên về nhiều vấn đề khác nhau.
|
Trong số các vị ra đón Ðức Thánh Cha tại Phi trường Ciampino của Roma, có Ðức Hồng Y Vallini, Giám quản Roma, Ông Angelino Alfano, Phó thủ tướng kiêm bộ trưởng nội vụ của Italia và Ðức Tổng Giám Mục Georg Gaenswein, Chủ tịch Phủ Giáo Hoàng.
Liền đó, ngài dùng xe trở về Vatican, nhưng trên đường về ngài đã ghé vào Ðền Thờ Ðức Bà Cả, cầu nguyện trước ảnh Ðức Mẹ 10 phút để cám ơn Mẹ vì sự thành công tốt đẹp của Ngày Quốc Tế giới trẻ thứ 28 và chuyến viếng thăm của ngài tại Brazil.
Những hoạt động chót của Ðức Thánh Cha tại Brazil:
1. Gặp gỡ các Giám Mục Mỹ châu la tinh
Sau thánh lễ ban sáng chúa nhật 28 tháng 7 năm 2013 trước sự hiện diện của hơn 3 triệu tín hữu tại bãi biển Copacabana để bế mạc Ngày Quốc tế giới trẻ, Ðức Thánh Cha đã về trung tâm Sumaré của Tổng giáo phận Rio để dùng bữa trưa với đoàn tùy tùng. Kế đến vào lúc 4 giờ chiều, tại thính đường của Trung tâm này, ngài đã gặp gỡ 45 Hồng Y Giám Mục thuộc ban điều hợp Liên Hội Ðồng Giám Mục Mỹ châu la tinh, gọi tắt là Celam, nhân dịp các vị nhóm họp từ ngày 29 tháng 7 đến 2 tháng 8 năm 2013 tại Học viện Nữ Vương Trời Cao tại thành phố Rio de Janeiro.
Celam qui tụ 22 Hội Ðồng Giám Mục Mỹ châu la tinh và quần đảo Caraibí được thành lập cách đây 57 năm, với mục đích thăng tiến, khích lệ và làm cho đoàn thể tính của các Giám Mục trở nên sinh động cũng như tình hiệp thông giữa các Giáo Hội tại miền này và các vị chủ chăn.
Ngỏ lời sau lời chào mừng của Ðức Cha Chủ tịch Celam, Carlos Aguiar Retes, cũng là Tổng Giám Mục giáo phận Tlalnepanda bên Mehicô, Ðức Thánh Cha đặc biệt ngài nhấn mạnh tới 4 đặc tính của Ðại hội kỳ 5 của hàng Giám Mục Mỹ châu la tinh nhóm tại Aparecida hồi tháng 5 năm 2007, do Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 khai mạc.
Huấn từ của Ðức Thánh Cha
1. Ðặc tính thứ I là Ðại hội Aparecida không có tài liệu làm việc. Các Ðại hội trước đó tại Medellín, Puebla và Santo Domingo đều bắt đầu công việc với tài liệu làm việc, từ đó các Giám Mục thảo luận, suy tư và phê chuẩn văn kiện chung kết. Trái lại tại Aparecida, sự tham gia của các Giáo Hội địa phương đạt tới cao điểm trong một văn kiện tổng hợp. Công việc bắt đầu bằng sự trình bày những mối quan tâm trước sự thay đổi của thời đại và nhu cầu cần phải phục hồi cuộc sống môn đệ và thừa sai qua đó Chúa Kitô đã thành lập Giáo Hội.
2. Ðặc tính thứ hai là bối cảnh cầu nguyện của Dân Chúa. Thánh lễ và những buổi cử hành phụng vụ khác trong Ðại hội Aparecida luôn được dân Chúa tháp tùng. Xét vì công việc của Ðại hội diễn ra ở tầng hầm của Ðền thánh Ðức Mẹ, nên những thánh ca và kinh nguyện của các tín hữu luôn tháp tùng Ðại hội.
3. Thứ ba là văn kiện chung kết được kéo dài trong sự quyết tâm dấn thân truyền giáo trên toàn đại lục. Ðại hội Aparecida không chấm dứt với một văn kiện, nhưng kéo dài trong chiến dịch truyền giáo toàn đại lục.
4. Thứ tư là dự hiện diện của Ðức Mẹ, Mẹ của Mỹ châu la tinh. Ðó là lần đầu tiên một Ðại hội của hàng Giám Mục Mỹ châu la tinh và Caraibi diễn ra trong một Ðền thánh Ðức Mẹ.
Ðức Thánh Cha nhấn mạnh rằng chiến dịch truyền giáo toàn đại lục Mỹ châu la tinh có hai chiều kích là có chương trình và có khuôn mẫu. Ðó là sự thực thi tính chất truyền giáo, cũng là thực thi các hoạt động bình thường của các Giáo Hội địa phương theo ý hướng truyền giáo. Hậu quả là người ta đạt được một năng động cải tổ các cơ cấu Giáo Hội. Sự thay đổi các cơ cấu từ cũ kỹ sang các cơ cấu mới mẻ không phải là thành quả của một nghiên cứu về tổ chức hoạt động của Giáo Hội, để tiến tới một sự tổ chức, nhưng là hậu quả của một năng động truyền giáo. Ðiều loại bỏ những cơ cấu cũ kỹ, và thay đổi tâm hồn các tín hữu Kitô chính là tinh thần truyền giáo. Chiến dịch truyền giáo toàn đại lục tạo nên một sự ý thức về một Giáo Hội được tổ chức để phục vụ mọi tín hữu đã chịu phép rửa và những ngừơi thiện chí. Một đệ của Chúa Kitô không phải là một người cô lập trong một thứ linh đạo duy nội tâm, nhưng là một người trong cộng đoàn để hiến thân phục vụ tha nhân. Vì thế, việc truyền giáo toàn đại lục bao hàm sự thuộc về Giáo Hội.
Vì thế có hai thách đố hiện hành trong đặc tính truyền giáo của môn đệ Chúa Kitô, đó là canh tân Giáo Hội từ bên trong và đối thoại với thế giới ngày nay.
- Về việc canh tân Giáo Hội từ bên trong, Ðức Thánh Cha khẳng định rằng Ðại hội các Giám Mục ở Aparecida đã đề nghị sự hoán cải mục vụ như một điều cần thiết phải làm. Ðiều này đòi phải tin vào Tin Mừng, tin nơi Chúa Giêsu Kitô là Ðấng mang lại Nước Thiên Chúa, trong sự đi vào thế giới của ngài, trong sự hiện diện chiến thắng sự ác; tin nơi sự trợ giúp và hướng dẫn của Chúa Thánh Linh; tin nơi Giáo Hội, là Thân Mình Chúa Kitô và kéo dài năng động nhập thể. Vì thế, chúng ta cần tự hỏi, như một sự xét mình:
- Chúng ta có làm gì để hoạt động của chúng ta và của các Linh Mục của chúng tá có tính chất mục vụ hơn là hành chánh hay không? Ðâu là người chính yếu được hưởng công việc của Giáo Hội, Giáo Hội như một tổ chức hay là một Dân Chúa xét như một toàn thể? Chúng ta có thăng tiến những không gian và cơ hội để biểu lộ lòng từ bi của Thiên Chúa hay không? Chúng ta có ý thức về trách nhiệm phải xét lại các hoạt động mục vụ và sự điều hành các cơ cấu Giáo Hội, có tìm thiện ích của các tín hữu và của Giáo Hội hay không? Trong thực hành, chúng ta có để cho các tín hữu giáo dân tham gia sứ mạng truyền giáo hay không? Chúng ta có công hiến Lời Chúa và các bí tích với ý thức rõ ràng và xác tín rằng Chúa Thánh Linh biểu lộ trong các yếu tố ấy hay không?
Ðức Thánh Cha nồng nhiệt cám ơn đại diện cho 60 ngàn người thiện nguyện đã phục vụ từ 2 năm nay trong việc chuẩn bị, tổ chức và tiến hành Ngày Quốc Tế giới trẻ 2013.
|
Sự phân định mục vụ có phải là một tiêu chuẩn bình thường sử dụng các Hội đồng giáo phận hay không? Các hội đồng ấy và các Hội đồng mục vụ giáo xứ, các Hội đồng kinh tế có phải là không gian thực sự để giáo dân tham gia vào việc tham khảo ý kiến, tổ chức và kế hoạch hóa mục vụ hay không? Hoạt động tốt của các Hội đồng ấy là điều quan trọng có tính chất quyết định. Chúng ta rất chậm chạp trong vấn đề này. Các Giám Mục và Linh Mục chúng ta có ý thức và xác tín về sứ mạng của giáo dân và cho họ tự do hành động để họ ra đi, phân định phù hợp với con đường môn đệ sứ mạng và sứ mạng mà Chúa ủy thác cho họ hay không? Chúng ta có hỗ trợ giáo dân, tháp tùng họ, vượt thắng mọi thứ cám dỗ lèo lái hoặc bắt họ tùng phục không đúng phép hay không? Các nhân viên mục vụ và các tín hữu nói chung có cảm thấy mình là thành phần của Giáo Hội, có đồng hóa với Giáo Hội và đưa Giáo Hội đến gần những người đã chịu phép rửa nhưng sống xa cách Giáo Hội hay không?
Những cám dỗ khiến cho tín hữu không còn là môn đệ thừa sai của Chúa
Ðức Thánh Cha nói: "Ðiều quan trọng là hiểu chiến lược của ác thần để giúp chúng ta trong việc phân định. Ðây không phải là săn đuổi ma quỉ, nhưng chỉ là sự sáng suốt và tinh khôn theo tinh thần Tin Mừng. Có một số thái độ chứng tỏ Giáo Hội bị cám dỗ, đó là một số đề nghị thời sự có thể tàng hình trong năng động của việc làm môn đệ vừa thừa sai của Chúa, để rồi làm cho tiến trình hoán cải mục vụ bị thất bại:
Những cám dỗ đó là ý thức hệ hóa sứ điệp Tin Mừng, giải thích Tin Mừng bên ngoài sứ điệp Phúc âm và ngoài Giáo Hội; giải thích dựa theo phương pháp chú giải của các khoa xã hội và bao gồm những lãnh vực rất khác nhau, từ tự do thị trường cho tới phân loại theo chủ thuyết mác xít. Cũng có cám dỗ khác là ý thức hệ hóa tâm lý, thu hẹp cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô thành một thứ tự ý thức mình. Ngừơi ta thường cung cấp thức cám dỗ này trong các lớp linh đạo, các cuộc tĩnh tâm, và rốt cuộc người ta tự tham chiếu mình, không còn chiều kích siêu việt và thừa sai nửa.
Ðức Thánh Cha cũng phê bình chủ trương phục hồi quá khứ: đứng trước những tai ương của Giáo Hội người ta chỉ tìm giải pháp có tính chất kỷ luật, phục hồi những đường đối cư xử và những hình thức lỗi thời, không có ý nghĩa kể cả về mặt văn hóa. Tại Mỹ châu la tinh, người ta thấy điều này trong một số nhóm nhỏ, một số dòng tu mới, có xu hướng an ninh về đạo lý hoặc kỷ luật.
Một số cám dỗ khác cũng được Ðức Thánh Cha nói đến, đó là chủ thuyết duy chức năng, làm biến mất chiều kích mầu nhiệm, chỉ chú ý đến hiệu năng và thu hẹp thực tại Giáo Hội vào cơ cấu của một tổ chức ONG (NGO), Phi chính phủ. Sau cùng, là thái độ duy giáo sĩ: trong nhiều trường hợp đây là một sự đồng lõa tội lỗi: cha sở giáo sĩ hóa và giáo dân xin ngài biến họ thành giáo sĩ. Hiện tượng duy giáo sĩ cho thấy tại sao phần lớn hàng giáo dân Mỹ châu la tinh thiếu trưởng thành và thiếu tự do theo tinh thần Kitô.
Một số tiêu chuẩn của Ðại hội Aparecida
Ðức Thánh Cha nêu rõ một số tiêu chuẩn do Ðại hội các Giám Mục đề ra tại Aparecida đề ra, ví dụ:
- Không có tình trạng làm môn đệ và thừa sai "tĩnh", tự tham chiếu mình, vì người môn đệ thừa sai được phóng tới cuộc gặp gỡ, hướng về siêu việt, tham chiếu Chúa Giêsu hoặc dân mà mình phải rao giảng cho họ, và không chiếm vị trí ở trung tâm, trái lại ở ven biên. Trung tâm là Chúa Giêsu Kitô, Ðấng triệu tập và sai đi.
- Một tiêu chuẩn khác, đó là gần gũi và gặp gỡ. ÐTC nhận xét rằng "tại Mỹ châu la tinh và Quần đảo Caraibí, có những thứ mục vụ xa cách, không có sự hiền dịu, không dịu dàng, âu yếm. Người ta cố tình không biết đến cuộc cách mạng dịu dàng đã khơi lên sự nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa: thứ mục vụ xa cách ấy không có khả năng đạt tới cuộc gặp gỡ. Trái lại sự gần gũi tạo ra sự hiệp thông. Viên đá để thử nghiệm ở đây là bài giảng: các bài giảng của chúng ta ra sao? Chúng ta có theo gương Chúa, Ðấng nói như người có uy quyền, hoặc các bài giảng của chúng ta chỉ là những giới luật, xa lạ và trừu tượng?
Sau cùng, Ðức Thánh Cha khẳng định rằng Giám Mục là vị phải hướng dẫn công cuộc truyền giáo đại lục, chứ không làm chủ nhân ông. GM phải là người gần gũi với dân chúng, yêu mến thanh bần, yêu sự thanh bần nội tâm như một sự tự do trước mặt Chúa, cũng như sự thanh bần bên ngoài, sống đơn sơ và khổ hạnh. Giám Mục phải là những người không có tâm lý như những ông hoàng, phải là những người không tham vọng, là hôn phu của một Giáo Hội đang mong chờ Chúa.
2. Gặp gỡ và cám ơn các bạn trẻ thiện nguyện
Giã từ các Giám Mục thuộc ban điều hợp Liên Hội Ðồng Giám Mục Mỹ châu la tinh, Ðức Thánh Cha đã đáp trực thăng tới Khu vực Hội nghị của thành Rio gọi là "Rio Trung Tâm" để gặp gỡ 15 ngàn người đại diện cho 60 ngàn người thiện nguyện đã phục vụ từ 2 năm nay trong việc chuẩn bị, tổ chức và tiến hành Ngày Quốc Tế giới trẻ vừa qua.
Trong lời giã từ, Ðức Thánh Cha nói: "Tôi ra đi với tâm hồn tràn đầy những kỷ niệm hạnh phúc; và những kỷ niệm này chắc chắn sẽ trở thành kinh nguyện. Trong lúc này đây tôi bắt đầu cảm thấy một sự nhớ nhung, nhớ Brazil với dân tộc cao cả và tâm hồn quảng đại, dân tộc rất thân hữu. Nhớ nụ cười rộng mở và chân thành mà tôi đã thấy nơi bao nhiều người, sự hăng hái nhiệt thành của những người thiện nguyện.
|
Khi Ðức Thánh Cha đến đây vào lúc quá 5 giờ chiều, ngài đã được các bạn trẻ thiện nguyện nồng nhiệt tiếp đón.
Lên tiếng sau lời chào mừng của Ðức Tổng Giám Mục Orani Tempesta sở tại và 2 đại diện những người thiện nguyện, một người Brazil và một người Ba Lan là nơi sẽ đón tiếp Ngày Quốc Tế giới trẻ lần tới, Ðức Thánh Cha nồng nhiệt cám ơn họ và nói:
"Qua nụ cười của mỗi người trong các bạn, với sự tử tế, sẵn sàng phục vụ, các bạn đã chứng tỏ rằng "Cho đi thì hạnh phúc hơn là nhận lãnh" (Cv 20,35). Việc phục vụ mà các bạn đã thi hành trong những ngày nàc làm cho tôi nhớ đến sứ mạng của thánh Gioan Tẩy Giả đã dọn đường cho Chúa Giêsu. Mỗi người, theo cách thế của mình, là một dụng cụ để hàng ngàn bạn trẻ khác chuẩn bị con đường gặp gỡ Chúa Giêsu.
Ðức Thánh Cha cũng khích lệ các bạn trẻ thiện nguyện đáp lại tiếng gọi của Chúa: 'Thiên Chúa kêu gọi thực hiện những chọn lựa chung kết, ngài có một dự phóng cho mỗi người: khám phá và đáp lại ơn gọi ấy chính là con đường tiến đến sự thực hiện chính mình trong hạnh phúc. Thiên Chúa kêu gọi tất cả mọi người nên thánh, sống cuộc sống của mình, nhưng ngài có một con đường cho mỗi người. Một số được kêu gọi nên thánh qua việc thành lập gia đình nhờ bí tích hôn phối. Có người nói rằng ngày nay hôn nhân là điều lỗi thời; trong nền văn hóa tạm thời, tương đối, nhiều người chủ trương rằng điều quan trọn glà "hưởng thụ giây phút hiện nay", và dấn thân trọn đời, thực hiện những chọn lựa chung cục, là điều không bõ công, vì ta không biết tương lai sẽ ra sao. Trái lại, tôi xin các bạn hãy trở thành những người cách mạng, đi ngược dòng; đúng vậy, tôi xin các bạn hãy nổi lên chống lại thứ văn hóa tạm bợ như thế, thứ văn hóa này, xét cho cùng, nghĩ rằng các bạn không có khả năng lãnh nhận trách nhiệm, không có khả năng yêu thương thực sự. Tôi tin tưởng nơi người trẻ và tôi cầu nguyện cho các bạn. Hãy can đảm đi ngược dòng. Hãy có can đảm sống hạnh phúc.
Với những người chọn cuộc sống linh mục, Ðức Thánh Cha nhắc nhở rằng "Chúa kêu gọi hiến thân cho Chúa một cách trọn vẹn nhất, để yêu thương mọi người với tâm hồn của vị Mục Tử nhân lành. Những người khác, Chúa kêu gọi phục vụ trong đời sống tu trì: trong các đan viện chuyên cầu nguyện cho thiện ích của thế giới, hoặc trong các lãnh vực khác nhau của việc tông đồ, xả thân cho mọi người, nhất là những người túng thiếu nhất. Tôi không bao giờ quên cái ngày 21-9 khi tôi được 17 tuổi - sau khi dừng lại tại nhà thờ thánh Giuse de Flores để xưng tội, lần đầu tiên tôi nghe thấy Chúa gọi tôi. Các bạn đừng sợ điều Chúa yêu cầu các bạn! Thưa vâng với Chúa thật là điều bõ công. Nơi Chúa có niềm vui!
Và Ðức Thánh Cha chào giã từ các bạn trẻ thiện nguyện với một câu hỏi: "Các bạn hãy hỏi Chúa: Chúa muốn con làm gì, đâu là con đường con phải theo?"
3. Giã từ
Sau khi ban phép lành cho các bạn trẻ thiện nguyện, Ðức Thánh Cha đã đáp trực thăng ra phi trường Galeão, cách đó 30 cây số. Tại đây vào lúc 6 giờ rưỡi chiều, giờ địa phương, đã diễn ra nghi thức tiễn biệt với sự hiện diện của bà tổng thống Dilma Roussef, chính quyền dân sự, đoàn chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Brazil cũng như các Hồng Y và Giám Mục của vùng này.
Trong lời giã từ, Ðức Thánh Cha nói: "Tôi ra đi với tâm hồn tràn đầy những kỷ niệm hạnh phúc; và những kỷ niệm này chắc chắn sẽ trở thành kinh nguyện. Trong lúc này đây tôi bắt đầu cảm thấy một sự nhớ nhung, nhớ Brazil với dân tộc cao cả và tâm hồn quảng đại, dân tộc rất thân hữu. Nhớ nụ cười rộng mở và chân thành mà tôi đã thấy nơi bao nhiều người, sự hăng hái nhiệt thành của những người thiện nguyện. Nhớ niềm hy vọng nơi ánh mắt của các bạn trẻ ở nhà thương thánh Phanxicô. Nhớ đức tin và niềm gui giữa những nghịch cảnh của những người dân ở khu xóm nghèo Varginha. Tôi chắc chắn ràng Chúa Kitô đang sống và thực sự hiện diện trong hoạt động của vô số các bạn trẻ và bao nhiêu người mà tôi đã gặp trong tuần lễ này không thể quên được. Xin cám ơn vì sự tiếp đón và tình bạn nồng nhiệt đã được bày tỏ cho tôi!
Ðức Thánh Cha chân thành cám ơn bà tổng thống, các anh em Giám Mục và đông đảo những ngừơi cộng tác của các vị đã làm cho những ngày này trở thành một buổi lễ tuyệt vời cử hàn hđức tin phong phú và vui tươi của chúng ta nơi Chúa Giêsu Kitô.
Ðức Thánh Cha cũng khẳng định rằng tôi sẽ tiếp tục hy vọng rất nhiều nơi người trẻ Brazil và trên toàn thế giới: qua họ, Chúa Kitô đang chuẩn bị một mùa xuân mới trên toàn thế giới.
Giống như lúc khởi hành từ Roma, Ðức Thánh Cha cũng tự tay xách cặp khi bước lên chiếc máy bay Airbus 330 của hãng Alitalia bay về Roma.
Trên chuyến bay dài 11 tiếng rưỡi này, Ðức Thánh Cha đã nồng nhiệt chào thăm và cám ơn hơn 70 ký giả tháp tùng ngài. Ngài đã dành 1 giờ 20 phút để trả lời tất cả những câu hỏi họ nêu lên về nhiều vấn đề khác nhau.
G. Trần Ðức Anh, OP |
|