Nhạc sư Tiến Dũng: Nhà soạn nhạc thấm đẫm hồn Việt


Hiện nay, việc kết hợp các nhạc cụ dân tộc vào dàn nhạc giao hưởng phương Tây đang là xu hướng được giới làm nhạc giao hưởng Việt Nam quan tâm phát triển.


Vậy mà từ thập niên 1960, nhạc sư Tiến Dũng đã đi trước giới nhạc cổ điển Việt Nam cả một đoạn đường xa với những thành công đáng kinh ngạc.

Theo nhạc trưởng Trần Vương Thạch, những môn nhạc sư Tiến Dũng dạy là những môn khó đối với người học nhạc nên ông là một người thầy lớn, đáng kính với nhiều thế hệ học trò, bởi đã dày công cống hiến cho nền âm nhạc cổ điển Việt Nam.

Tiếng sáo diều gây sửng sốt giữa trời Tây

Lấy bằng tiến sĩ khoa Sáng tác Nhạc viện Santa Cecilia ở Ý năm 1962, vào năm 1965 nhạc sư Tiến Dũng về nước tham gia dạy nhạc và nhiều hoạt động âm nhạc trong nước. Lúc đó việc mua những nhạc cụ cho một dàn nhạc giao hưởng là rất đắt đỏ và khó khăn với Việt Nam, nhạc sư đã tìm ra cách dùng cái trống chầu quen thuộc của người Việt thay thế cho trống timpani, dùng đàn guitar điện thay thế cho đàn cello để xây dựng một dàn nhạc giao hưởng. Ông còn đưa cả chuông, mõ, sáo Việt… vào những sáng tác giao hưởng khiến những bản nhạc theo phong cách Tây phương, hiện đại này mang đầy nét dân tộc tính.



Một tiết mục được trình diễn bởi các học trò nhiều thế hệ trong đêm nhạc tưởng nhớ nhạc sư Tiến Dũng vào tối 9-8.



Chuông chùa được nhạc sư Tiến Dũng đưa vào dàn nhạc giao hưởng.
Không chỉ khi về nước nhạc sư Tiến Dũng mới có những sáng tạo kết hợp nhạc cụ dân tộc vào nhạc giao hưởng. Những năm còn đi học ở Ý, làm linh mục và dạy nhạc tại Đức, ông đã sáng tác nhiều bản nhạc giao hưởng mang đậm tính dân tộc Việt Nam khiến các nhạc sĩ Tây Âu vừa ngạc nhiên vừa thú vị. Trong các bản giao hưởng phương Tây cổ điển người ta luôn dùng kèn oboe để thể hiện cảnh đồng quê; riêng nhạc sư Tiến Dũng lại dùng tiếng sáo để thể hiện. Các nhạc sĩ ngoại quốc hỏi ông tại sao lại như thế, ông bảo với người Việt tiếng kèn oboe nghe giống như tiếng kèn lá thổi đám ma nên nếu dùng kèn này người Việt nghe không nghĩ đến đồng quê mà chỉ nghĩ đến đám ma. Phải là tiếng sáo diều, sáo chăn trâu thì người Việt mới hình dung về một miền quê. Có được sự nhận biết tinh tế, gần gũi với quê hương như thế dù đang ở trời Tây, học nhạc Tây, bởi nhạc sư Tiến Dũng đã sinh ra và có tuổi thơ ở vùng đồng quê Hà Đông, bao nhiêu làn điệu dân ca Bắc Bộ ngọt ngào đã thấm đẫm vào ông - một cậu bé yêu nhạc.

Chất dân tộc tính trong nhạc của nhạc sư Tiến Dũng rõ rệt đến mức lúc ông làm tốt nghiệp tiến sĩ nhạc tại Ý, một giám khảo đã hỏi: “Tôi hỏi anh câu cuối cùng. Tốt nghiệp xong về Việt Nam anh sẽ Việt Nam hóa nhạc Tây phương hay Tây phương hóa nhạc Việt Nam?”. Ông đã nhanh trí hỏi lại: “Thưa thầy, khi chấm bài dự thi của tôi, thầy thấy tôi đã Việt Nam hóa nhạc Tây phương hay Tây phương hóa nhạc Việt Nam?”. Thầy ông trả lời: “Tôi thấy anh làm phong phú hóa nhạc Tây phương”. Chính nhạc sư Tiến Dũng cũng có nhiều bài viết về tính dân tộc trong quyển
Tôi viết ca khúc tiếng Việt. Người học trò nay đã ở tuổi 60 của ông - nhạc trưởng Lê Hoàng Khứa, tâm sự: “Qua những tác phẩm của thầy, chúng tôi hiểu được học âm nhạc cổ điển là học kỹ thuật sáng tác rồi dùng kỹ thuật đó để diễn tả tâm hồn khác biệt của mỗi con người, nếu con người đó là người Việt Nam thì tác phẩm sẽ đậm nét Việt Nam”.

Người thầy của nhiều tên tuổi lớn

Nhạc sư Tiến Dũng vốn là một linh mục. Song ngoài học thần học, ông còn tốt nghiệp tiến sĩ âm nhạc tại Ý vào năm 35 tuổi. Trở về nước, năm 1968, ông thành lập Trường Suối Nhạc và giảng dạy nhiều môn tại đây. Ông cũng được Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn, Nhạc viện Bach mời giảng dạy âm nhạc và còn là trưởng khoa Nhân văn - nghệ thuật của Trường ĐH Minh Đức trước năm 1975. Sau năm 1975, ông được mời giảng dạy tiếng Ý và hòa âm nhiều năm tại Nhạc viện TP.HCM. Thế nên nhạc trưởng Nguyễn Bách khẳng định nhạc sư Tiến Dũng là người thầy của rất nhiều nhạc sĩ trong làng nhạc cổ điển TP.HCM, trong đó có nhiều người thành đạt, tên tuổi, kể cả giám đốc Nhạc viện TP.HCM hiện nay cũng là học trò của ông. Nhạc trưởng Lê Hoàng Khứa cũng cho biết nhạc sư Tiến Dũng là tiến sĩ khoa Sáng tác đầu tiên của Việt Nam trong làng nhạc cổ điển, mà để tốt nghiệp khoa Sáng tác trong nhạc cổ điển thật chẳng dễ dàng gì, bởi đó phải là người có tài năng âm nhạc xuất sắc nên Việt Nam rất có ít người đỗ tiến sĩ khoa này.

Tài năng của nhạc sư Tiến Dũng không chỉ được giới nhạc cổ điển trong nước ghi nhận mà nhiều tác phẩm của ông cũng đã được Nhà xuất bản Carrera rất khó tính của Ý chọn để xuất bản hai tập sách. Không chỉ cống hiến về mặt giảng dạy, ông còn viết khá nhiều sách dạy nhạc dễ hiểu. Cuối thập niên 1970, ông thành lập “Dàn nhạc hòa tấu công thức mới - CTM” mà muốn chơi một bản nhạc giao hưởng nào dù cổ điển hay tân thời đều phải phối lại. CTM tồn tại đến nay, từ năm 1987 trở thành Câu lạc bộ Nhạc giao hưởng thuộc Nhà văn hóa quận Phú Nhuận, TP.HCM và là câu lạc bộ nhạc giao hưởng đầu tiên tại Việt Nam.

Ngoài ra, với nhạc sư Tiến Dũng, không những ông chỉ có công lao, cống hiến với làng nhạc cổ điển cả nước nói chung mà ông còn có những cống hiến rất to lớn với dòng nhạc Thánh ca thánh nhạc. Ông là người thành lập Ủy ban Thánh nhạc trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 1967 và là phó Ban Thánh nhạc Việt Nam sau năm 1975. Ông mất ngày 8-8-2005 tại Hà Nội.


Đêm nhạc tri ân thăng hoa


Tối 9-8, một buổi hòa nhạc mang tên Tiến Dũng Ngàn lần yêu 2013 kỷ niệm tám năm ngày mất của TS - nhạc sư Tiến Dũng đã được tổ chức trang trọng tại Nhạc viện TP.HCM với sự tham gia của nhiều tên tuổi của làng nhạc cổ điển TP.HCM như các nhạc trưởng Trần Vương Thạch, Lê Hoàng Khứa, Nguyễn Bách; Quốc Trụ, Lý Giai Hoa, Đoàn Lê Thanh Tú, Trần Cao Phúc… Hầu hết những người tham gia đều là học trò của nhạc sư Tiến Dũng. Họ đã mang đến cho người nghe những tác phẩm soạn nhạc và phối nhạc rất hay, rất sáng tạo của thầy mình - nhạc sư Tiến Dũng - người đã đi trước con đường mà những nhà làm nhạc tên tuổi hiện này theo đuổi: Dân tộc hóa nhạc giao hưởng kết hợp với hiện đại hóa âm nhạc truyền thống Việt Nam.


HÒA BÌNH
Theo Phapluat