Love Telling ThanhCaVN nhắn với Gia đình TCVN và Quý Khách: BQT-TCVN xin cáo lỗi cùng ACE vì trục trặc kỹ thuật 2 ngày vừa rồi. Trân trọng! Loan Pham nhắn với Gia Đình TCVN: Kính chúc quý Cha, quý tu sĩ nam nữ và toàn thể quý anh chị em một Giáng Sinh ấm áp bên gia đình, người thân và tràn đầy ơn lành từ Chúa Hài Đồng. ThanhCaVN nhắn với TCVN: Nhân dịp Sinh Nhật lần thứ 16 Website, BQT-TCVN kính chúc Quý Cha, Quý Tu sỹ Nam Nữ, Quý Nhạc sỹ - Ca Trưởng – Ca sỹ, Quý Ân Nhân và toàn thể ACE luôn tràn đầy HỒNG ÂN CHÚA. Edit LM Loan Pham nhắn với TCVN: Kính Chúc Cà Nhà Một Tam Nhật Thánh và Một Mùa Phục Sinh Tràn Đầy Thánh Đức ... Loan Pham nhắn với TCVN: Chúc mừng năm mới đến quý Cha, quý tu sĩ nam nữ cùng toàn thể quý anh chị em tron gia đình TCVN thân yêu... Xin Chúa xuân ban nhiều hồng ân đến mọi người. Amen ThanhCaVN nhắn với ÔB & ACE: Kính chúc Năm Mới Quý Mão: Luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa ThanhCaVN nhắn với Gia đình TCVN: Kính chúc Giáng Sinh & Năm Mới 2023: An Bình & luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa. bethichconlua nhắn với Gia Đình ThanhCaVietNam: Chúc mừng sinh nhật thứ 15 website ThanhCaVietNam. Kính chúc quý Cha, quý tu sĩ nam nữ cùng toàn thể anh chị em luôn tràn đầy ơn Chúa. Amen ThanhCaVN nhắn với Quý ACE: Nhân dịp Sinh Nhật lần thứ 15 Website, BQT-TCVN kính chúc Quý Cha, Quý Tu sỹ Nam Nữ, Quý Nhạc sỹ - Ca Trưởng – Ca sỹ, Quý Ân Nhân và toàn thể ACE luôn tràn đầy HỒNG ÂN CHÚA. phale nhắn với cecilialmr: Nhớ em nhiều lắm ! cầu mong nơi ấy được bình yên. phale nhắn với thiên thần bóng tối: Nhớ em nhiều lắm ! cầu mong nơi ấy được bình yên. phale nhắn với teenvnlabido: Ngày mai (1/6) sinh nhật của bạn teen / chúc mọi điều tốt lành trong tuổi mới. phale nhắn với tất cả: Xin Chúa cho dịch bệnh sớm qua đi và ban bình an cho những người thành tâm cầu xin Ngài. ThanhCaVN nhắn với ACE: Kính chúc ACE: Giáng Sinh & Năm Mới 2021 - An Bình & luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa

+ Trả lời chủ đề + Gửi chủ đề mới
kết quả từ 1 tới 1 trên 1

Chủ đề: Văn hóa Việt với đời sống đan tu

  1. #1
    night dew's Avatar

    Tham gia ngày: Feb 2012
    Tên Thánh: Alacoque
    Giới tính: Nữ
    Quốc gia: Không chọn
    Bài gởi: 178
    Cám ơn
    717
    Được cám ơn 608 lần trong 152 bài viết

    Default Văn hóa Việt với đời sống đan tu

    Đọc bài này trên facebook của chú Lâm thấy hay, nên copy đăng lên.
    https://www.facebook.com/groups/1375363002690979/

    VĂN HOÁ VIỆT VỚI ĐỜI SỐNG ĐAN TU

    Hiền Lâm

    Khi chọn đề tài này, người viết không có tham vọng đi tìm một điều gì đó để hội nhập Đan Tu vào Văn Hoá Việt, cũng không dám đem cái tinh thần Đan Tu vốn chỉ mới hiện diện trên Đất Việt chưa được một thế kỷ để so sánh với cái văn hóa được kết tinh lâu đời qua bao nghìn năm của người Việt, nhưng chỉ mạo muội đi tìm một vài khía cạnh mà những ai sống đời Đan Tu trên Đất Việt có thể tìm thấy nơi văn hoá Việt những nét căn bản giúp họ sống đời Đan Tu cách phong phú mà không bị lạc lõng xa lạ với cuộc sống dân Việt.
    Thật vậy, dù đời Đan Tu (cách riêng tu trào Biển Đức –Xitô) có nguồn gốc Phương Tây, nhưng khi được lan toả đến đâu thì thích nghi với văn hoá nơi ấy, mà vẫn giữ được căn tính của mình. Cũng vậy, văn hoá Việt hình thành trên nền của văn hoá Nam Aù và Đông Nam Aù, trải qua nhiều thế kỷ đã giao lưu với văn hoá khu vực, trước hết là Trung Hoa, rồi chuyển mình dữ dội với văn hoá Phương Tây, nhưng văn hoá Việt vẫn mang trong mình bản sắc riêng .
    Bản sắc riêng của một dân tộc chính lại cái gốc, là bản chất con người Việt, chứ không phải những gì đã hội nhập với các nền văn hoá khác, bởi văn hoá bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác, từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục, tập quán, lối sống và lao động .
    Trong giới hạn bài viết này, xin được giới thiệu một vài suy nghĩ về những nét riêng của văn hoá Việt, cụ thể qua triết lý sống và tương giao xã hội. Để từ đó đời đan tu Xitô – Biển Đức Việt Nam tìm thấy chính mình ngay trong chính nền văn hóa của dân tộc Việt Nam.
    1. TRIẾT LÝ SỐNG.
    Con người Tây Phương gốc du mục và Đông Phương gốc nông nghiệp, bên trọng lý - trọng động, bên trọng tĩnh - trọng tình. Vì thế, nếu có một nghiên cứu về sự khác biệt Đông - Tây về mặt văn hoá, thì sự phân biệt đó chính là sự khác biệt Đông Nam – Tây Bắc theo điều kiện địa lý – tự nhiên. Việt Nam ở vào vị trí tận cùng của khu vực Đông Nam lục địa Á Châu, do vậy dễ hiểu tại sao Việt Nam là một nền văn hoá nông nghiệp điển hình mang đặc tính trọng tĩnh - trọng tình (Nói theo triết lý Âm Dương thì đó là âm trong âm). Âu Châu ở vào vị trí địa lý tận cùng của khu vực địa lý Tây Bắc, do vậy dễ hiểu tại sao Phương Tây là khu vực văn hoá gốc du mục mang tính trọng động và trọng lý điển hình (duy lý). Còn Trung Hoa và Ấn Độ đều là những nền văn hoá nước đôi – nông ngiệp gốc du mục (dương trong dương).
    Chính cái gốc thuần trọng tĩnh và trọng tĩnh (âm trong âm) của người Việt đã hình thành nên nguyên tắc tổ chức vừa có tính cộng đồng, vừa có tính tự trị:
    a, Tính cộng đồng .
    Về nguyên tắc tổ chức, con người nông nghiệp ưa nguyên tắc trọng tình. Nông nghiệp phụ thuộc vào thiên nhiên: thiên tai không chừa ai mà chia đều cho tất cả mọi người : “Lụt thì lút cả làng” Do vậy phải dựa vào nhau để sống, từ đó tạo nên nét đặc trưng là tính cộng đồng. Hàng xóm sống cố định lâu ngày với nhau phải tạo ra một cuộc sống hoà thuận trên cơ sở lấy tình nghĩa làm đầu: “một bồ cái lý không bằng một tí cái tình” hay: “đưa nhau đến trước cửa công, bên ngoài là lý, bên trong là tình” . Thật vậy, xét một cách tổng thể, người Việt lấy sự hài hòa âm dương làm nguyên lý chủ đạo nhưng thiên về âm tính hơn, nghĩa là dù sống có lý có tình thì vẫn thiên về tình hơn, nếu phải lựa chọn thì tình vẫn được đặt cao hơn lý. Nhờ dựa trên tình cảm mà con người biết tôn trọng và cư xử bình đẳng với nhau. Đó là một nền dân chủ làng mạc, có trước cả nền quân chủ phong kiến Phương Đông và dân chủ tư sản Phương Tây. Lối sống trọng tình và cách cư xử dân chủ dẫn đến đặc trưng quan trọng bậc nhất của văn hoá nông nghiệp là tâm lý coi trọng tập thể, coi trọng cộng cộng đồng. Người Việt làm gì cũng luôn tính đến tập thể và luôn có tập thể đứng sau.
    Không phải ngẫu nhiên mà trong tiếng Việt, khái niệm mang tính truyền thống là làng nước chứ không phải nhà nước . Chính làng nước là sức mạnh của mọi cơ cấu tổ chức, đùm bọc và là chỗ dựa cho nhau. Sự liên kết cộng đồng còn tạo nên cơ sở tôn ty: có trên có dưới rõ ràng trong cách xưng hô và đối xử. Coi trọng tính cộng đồng, người Việt dung hợp hai nguyên tắc: “một giọt máu đào hơn ao nước lã” và “bán anh em xa mua láng giềng gần”, nghĩa là vừa phải có cận nhân vừa không thể thiếu cận thân.
    Tính cộng đồng nhấn mạnh vào sự đồng nhất: cùng họ là đồng tộc, cùng tuổi là đồng niên, cùng nghề là đồng nghiệp, cùng quê là đồng hương… Do đồng nhất nên người Việt luôn sẵn sàng đoàn kết tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, coi mọi người trong cộng đồng như anh em một nhà: “lá lành đùm lá rách”, “chị ngã em nâng”… Do đồng nhất nên người Việt luôn có tinh thần tập thể, gắn bó với tập thể, hoà đồng vào nếp sống chung của tập thể. Mặt khác, cũng chính do đồng nhất mà ý thức về con người cá nhân bị thủ tiêu. Giải quyết xung đột theo lối hòa cả làng là hết sức phổ biến. Điều này khác hẳn với truyền thống văn hoá Tây Phương, nơi đến tuổi thành niên đã hoàn toàn sống tách biệt với gia đình; chính vì vậy mà khi về già người Tây Phương thường cô đơn, còn các cụ già Việt Nam thì sum vầy trong tình cảm con cháu.
    Như vậy, chính lối sống trọng tình và cách cư xử dân chủ dẫn đến đặc trưng quan trọng bậc nhất của văn hoá nông nghiệp là tâm lý coi trọng tập thể, coi trọng cộng cộng đồng. Tuy nhiên, cũng vì hết mình cho cộng đồng mình đang sống khi liên kết các thành viên lại với nhau và mọi người đều hướng tới người khác, lại hình thành nên lối sống tự trị rất cao là chỉ lo cho cộng đồng mình mà thôi.
    b, Tính tự trị.
    Bởi tính cộng đồng tạo nên những tập thể làng xã khép kín mang tính tự trị; các làng tồn tại khá biệt lập với nhau, khẳng định sự độc lập của làng xã, ít liên hệ với bên ngoài; làng nào biết làng ấy, mỗi làng là một vương quốc khép kín. Tính tự trị chú trọng nhấn mạnh vào sự khác biệt.
    Khởi đầu là sự khác biệt của cộng đồng này so với cộng đồng khác. Sự khác biệt – cơ sở của tính tự trị – tạo nên tinh thần tự lập cộng đồng: mỗi làng, mỗi tập thể hoạt động độc lập với tập thể khác, phải tự lo lấy việc. Vì phải tự lo liệu, nên người Việt có truyền thống cần cù, có tính chịu thương chịu khó đầu tắt mặt tối; bán mặt cho đất, bán lưng cho trời . Nó cũng tạo nên nếp sống tự cấp tự túc: mỗi làng, mỗi nhà cố gắng tự đáp ứng nhu cầu cho cuộc sống của làng mình: mỗi nhà có vườn rau, chuồng gà, ao cá tự đảm bảo nhu cầu về ăn, có bụi tre, rặng xoan, gốc mít tự đảm bảo nhu cầu về ở…
    Như thế, nếu xét về tương giao cá nhân giữa người với người và với tập thể mình đang sống thì người Việt có tính cộng đồng, nhưng xét về tương giao giữa các tập thể với nhau thì người Việt lại có óc tự trị. Hai đặc tính này có một số nét phù hợp với đời sống Đan Tu mà Thánh Biển Đức đặt ra.
    c, Một vài đối chiếu
    Trước hết khi nhìn đến cơ cấu các đan viện, ta đã dễ nhận thấy hai đặc tính cộng đồng và tự trị: các Đan Viện là một cộng đồng mà trong đó mọi người liên kết với nhau một cách chặt chẽ như một gia đình; đồng thời mỗi Đan Viện được tổ chức một cách biệt lập (tự trị) với các Đan Viện khác (trừ môït số tương giao theo hiến pháp các hội dòng quy định chung).
    Môi trường có một ảnh hưởng nhất định trên tính cách của người Việt, trong đó có không ít những tính cách rất phù hợp với đời đan tu, chẳng hạn như: tinh thần tập thể, nếp sống dân chủ, bình đẳng, tinh thần đoàn kết, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, coi mọi người trong cộng đồng như anh em một nhà… Nơi người Việt, do tính đồng nhất, luôn sẵn sàng đoàn kết tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, coi mọi người trong cộng đồng như anh em một nhà: “lá lành đùm lá rách”, “chị ngã em nâng”…; luôn có tinh thần tập thể, gắn bó với tập thể, hoà đồng vào nếp sống chung của tập thể. Mặt khác, cũng chính do đồng nhất mà ý thức về con người cá nhân bị thủ tiêu. Cũng thế, luật thánh Biển Đức hết sức đề cao đời sống cộng đoàn (Tl 1, 13): Với tinh thần tập thể, thánh Biển Đức dạy: “Làm gì con cũng phải bàn hỏi” (Tl 3); với lòng yêu thương giúp đỡ, ngài căn dặn: “Anh em hãy yêu thương nhau trong tình huynh đệ thanh khiết”(Tl 72).
    Do tính tự trị, khi hết mình vun đắp cho cộng đồng đã làm nên con người Việt có truyền thống cần cù, có tính chịu thương chịu khó đầu tắt mặt tối; bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, tạo nên nếp sống tự cấp tự túc: mỗi làng, mỗi nhà cố gắng tự đáp ứng nhu cầu cho cuộc sống của làng mình: mỗi nhà có vườn rau, chuồng gà, ao cá tự đảm bảo nhu cầu về ăn, có bụi tre, rặng xoan, gốc mít tự đảm bảo nhu cầu về ở… Cũng thế, nơi Tu Luật, qua việc giúp các đan sĩ sống trong nội vi biệt lập, thánh Biển Đức muốn trong Đan Viện phải “tự làm lấy của nuôi thân” (Tl 48,8) và cần tổ chức mọi công việc trong Đan Viện.
    2. VĂN HOÁ GIAO TIẾP.
    Triết gia người Đức L. Feurbach vừng viết: “Con người cá thể không chứa bản chất con người trong mình… bản chất con người chỉ bộc lộ ra trong giao tiếp”. Trước hết, xét về thái độ của người Việt đối với việc giao tiếp, có thể thấy đặc điểm của họ là vừa thích giao tiếp, lại vừa rụt rè.
    Như đã nói ở phần trên, người Việt Nam nông nghiệp sống phụ thuộc lẫn nhau và rất coi trọng việc giữ gìn các mối quan hệ tốt lành với mọi thành viên trong cộng đồng, chính tính cộng đồng là nguyên nhân khiến người Việt đặc biệt coi trọng giao tiếp. Sự giao tiếp tạo ra mối quan hệ và củng cố tình thân: Dao năng liếc năng sắc, người năng chào năng quen; áo năng may năng mới, người năng tới năng thân . Năng lực giao tiếp được người Việt chọn làm tiêu chuẩn để đánh giá con người: vàng thì thử lửa thử than, chuông kêu thử tiếng, người ngoan thử lời…
    Với đối tượng giao tiếp thì người Việt có tính hiếu khách. Có khách đến nhà, dù quen hay lạ, dù thân hay sơ và dù gia chủ có nghèo khó đến đâu, cũng cố gắng tiếp đón khách một cách chu đáo và tiếp đãi một cách thịnh tình, dành cho khách các tiện nghi tốt nhất và các đồ ăn ngon nhất trong nhà, nghèo thì chịu nghèo, đói thì chịu đói chứ không bao giờ để khách đói: khách đến nhà chẳng gà thì gỏi, bởi lẽ đói năm, không ai đói bữa.
    Tuy nhiên, song song với việc thích giao tiếp và hiếu khách, người Việt lại có một đặc tính gần như ngược lại là sự rụt rè – điều mà những người quan sát ngoại quốc hay nhắc đến. Sự tồn tại đồng thời hai tính cách dường như trái ngược nhau (thích giao tiếp và rụt rè) này chính là bắt nguồn từ hai đặc tính cơ bản là tính cộng đồng và tính tự trị như đã nói ở trên.
    Đúng là người Việt xởi lởi thích giao tiếp, nhưng đó là lúc thấy mình đang ở trong phạm vi của cộng đồng quen thuộc, còn khi đã vượt ra ngoài phạm vi của cộng đồng, trước những người lạ, thì lại rụt rè. Hai tính cách ấy lại không hề mâu thuẫn với nhau vì chúng bộc lộ trong những môi trường khác nhau, chúng chính là hai mặt của cùng một bản chất. Là biểu hiện cho cách ứng xử linh hoạt của người Việt .
    Do tính cộng đồng, người Việt tự thấy có trách nhiệm phải quan tâm đến người khác, mà muốn quan tâm thì cần biết rõ hoàn cảnh – điều này khác hẳn với Tây Phương và đôi khi họ nhận xét người Việt là có tính tò mò – Mặt khác, do phân biệt chi li các quan hệ xã hội người Việt cũng rất lưu ý đến cách xưng hô. Cách xưng hô coi trọng trên dưới làm cho mọi người trong cộng đồng trở nên gần gũi thân thiện như trong gia đình họ hàng với nhau. Người Việt rất ít khi xưng tôi, mà luôn hoà tan vào các mối quan hệ xã hội; với người này là em, với người kia là cháu, anh, chị…; thậm chí thường thích dùng đại từ ngôi thứ nhất số nhiều ta (ta với mình…). Không một người Việt nào có thể xưng “tôi” với một người cao tuổi, một người bậc trên; cũng không một người Việt nào có thể gọi một người cao tuổi, một người bậc trên là “nó”.
    Ngoài ra, trong khi giao tiếp, người Việt ưa tế nhị, ý tứ và trọng sự hoà thuận . Lối giao tiếp tế nhị và ý tứ khiến người việt có thói quen giao tiếp vòng vo tam quốc, không bao giờ mở đầu trực tiếp nói thẳng vào vấn đề như người Tây Phương. Truyền thống Việt Nam khi bắt đầu giao tiếp là phải “vấn xá câu điền”, hỏi thăm ruộng vườn nhà cửa. Cũng để tạo không khí, người việt trước đây có truyền thống “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Với thời gian, miếng trầu được thay thế bằng chén trà, điếu thuốc, ly bia… Để biết người đối thoại với mình còn cha mẹ hay không thì người Việt thường hỏi: Các cụ nhà ta vẫn mạnh giỏi cả chứ? Hoặc để biết người kia đã có chồng hay chưa thì hỏi: Chị về muộn như thế anh nhà có phàn nàn không? Hay khi tỏ tình người con trai nói cách ẩn ý: Anh biết em có mẹ già, muốn vô phụng dưỡng biết là đặng không…? Lối giao tiếp ưa tế nhị ý tứ là hệ quả của lối sống trọng tình và coi trọng các mối quan hệ giúp người Việt có thói quen đắn đo và cân nhắc kỹ càng khi nói năng: ăn có nhai, nói có nghĩ; biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe…
    Bên cạnh sự ý tứ tế nhị, tâm lý trọng sự hoà thuận khiến người Việt dễ nhường nhịn nhau. Vì một sự nhịn bằng chín sự lành; cơm sôi thì bớt lửa, chồng giận thì bớt lời .

    - Nhìn vào đan tu qua văn hoá giao tiếp của người Việt.
    Có thể đối chiếu đời Đan Tu với văn hoá giao tiếp của người Việt qua 3 đặc điểm: tinh thần hiếu khách, ý tứ tế nhị và biết kính cẩn tôn khiêm:
    Nếu tinh thần hiếu khách của người Việt là có khách đến nhà, dù quen hay lạ, dù thân hay sơ và dù gia chủ có nghèo khó đến đâu, cũng cố gắng tiếp đón khách một cách chu đáo và tiếp đãi một cách thịnh tình, dành cho khách các tiện nghi tốt nhất và các đồ ăn ngon nhất trong nhà. Thì khi đề cập đến việc tiếp khách, thánh phụ Biển Đức cũng kêu mời các đan viện hãy hết sức ân cần đón tiếp những người nghèo và khách hành hương vì chính trong họ mà ta đón tiếp Chúa Kitô hơn cả (Tl 53, 15), tạo mọi điều kiện thuận lợi và đáp ứng những nhu cầu cần thiết và thịnh tình về nơi ăn ở cho khách (Tl 53, 22).
    Người Việt đề cao thái độ khiêm tốn và coi trọng trên dưới, làm cho mọi người trong cộng đồng trở nên gần gũi thân thiện như trong gia đình họ hàng với nhau. Thánh Biển Đức cũng dạy các đan sĩ sống khiêm tốn, ngài dành cả chương 7 và cũng là chương dài nhất của Tu Luật để nói về đức khiêm nhường. Hai chữ khiêm nhường còn được nhắc đến nhiều lần trong cả Tu Luật: Khiêm tốn chào hỏi khách đến cũng như khách đi (Tl 53, 6); khiêm tốn trong cách xưng hô (Tl 63); khiêm tốn và vâng lời nhau (Tl 71)…
    Ngoài ra, cũng như trong khi giao tiếp, người Việt ưa tế nhị, ý tứ và trọng sự hoà thuận, thánh Biển Đức cũng khuyên dạy các đan sĩ sống hoà thuận, ý tứ, cẩn trọng trong mọi sự và đặc biệt phải tế nhị và tâm lý trong việc cư xử và sửa lỗi anh em (xem các chương Tl 3; 24-46; 70; )…

    Kết luận
    Với bề dày lịch sử 4 ngàn năm văn hiến, người Việt có một nền văn hoá đa dạng và phong phú, vì thế không thể kể ra hết được cả một nền văn hoá, mà những suy tư trên đây chỉ là một vài nét chấm phá để giúp những ai muốn sống đời đan tu nhận thấy giữa văn hoá Việt và đời Đan Tu có tương quan với nhau. Hiểu được điều này, đan sĩ sẽ sống đời đan tu cách phong phú mà không cảm thấy xa lạ và lạc lõng với cuộc sống của dân tộc mình.
    Đan tu hiện diện trên Đất Việt, cuộc sống đan tu được triển nở nơi cuộc sống dân Việt và sống tinh thần đan tu là sống tinh thần của người Việt. Thật vậy, các dòng đan tu được thành lập trên đất Việt là cho người Việt, nên rất cần những sự hội nhập chính đáng, chứ không phải dửng dưng xa lạ với tinh thần dân Việt. Sống đan tu trên Đất Việt là sống hoà nhập vào văn hoá của người Việt, để như men trong bột, đời đan tu giúp cho dân Việt nhận ra ánh sáng Tin Mừng.

  2. Có 4 người cám ơn night dew vì bài này:


+ Trả lời chủ đề + Gửi chủ đề mới

Quyền hạn của bạn

  • Bạn không được gửi bài mới
  • Bạn không được gửi bài trả lời
  • Bạn không được gửi kèm file
  • Bạn không được sửa bài

Diễn Đàn Thánh Ca Việt Nam - Email: ThanhCaVN@yahoo.com