THƯ ĐỨC GIÁM MỤC GIÁO PHẬN

GỬI CÁC NHÀ GIÁO VÀ Y BÁC SĨ CÔNG GIÁO
NHÂN NGÀY CỬ HÀNH NĂM ĐỨC TIN
CHO GIỚI THẦY GIÁO VÀ THẦY THUỐC
TRONG GIÁO PHẬN QUI NHƠN
18 – 10 – 2013



Các nhà giáo và y bác sĩ thân mến,

1. Ngày 18 tháng 10, Giáo Hội cử hành lễ kính thánh Luca, tác giả sách Tin Mừng thứ ba và đồng thời cũng là một lương y. Đây là ngày cử hành Năm Đức Tin cho giới thầy giáo và thầy thuốc trong giáo phận Qui Nhơn.

Trong xã hội cổ truyền Việt Nam, thầy giáo và thầy thuốc là những người được dân chúng kính trọng vì kiến thức và tư cách, cùng với những đóng góp chuyên môn để xây dựng tri thức và nhân cách của con người, cũng như phục vụ sức khỏe và sự sống của đồng bào. Cách riêng các thầy giáo và thầy thuốc công giáo, trong khi thi hành nghề nghiệp của mình với tinh thần Kitô giáo, có thể góp phần vào công cuộc rao giảng Tin Mừng bằng con đường phục vụ đức tin và đức ái.

2. Sau 30 năm chuẩn bị, Đức Giêsu đã lên đường đi khắp đó đây để giảng dạy và giáo dục dân chúng về đời sống đức tin, đức cậy và đức ái, cùng với những đức tính nhân bản như: khôn ngoan, công bình, can đảm, tiết độ, trung tín, chân thật, khiêm tốn, v.v. Đức Kitô là vị Thầy tuyệt vời, vì Người chính là Lời sống động và là sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa, là Chân Lý trọn hảo, là Khuôn Mẫu đạo đức cho tất cả mọi người ở mọi thời đại.

Theo gương Đức Kitô, các nhà giáo công giáo cũng đang cống hiến đời mình vào sự nghiệp giáo dục giới trẻ, không những trong lãnh vực tri thức mà cả trong lãnh vực đạo đức. Công đồng Vaticanô II đã nhận định: “Thực cao đẹp nhưng cũng thực nặng nề thiên chức của tất cả những ai giúp đỡ cha mẹ chu toàn nhiệm vụ của họ và thay thế cộng đoàn nhân loại nhận lãnh chức vụ giáo dục nơi học đường. Thiên chức này đòi hỏi phải có những tài năng đặc biệt về trí tuệ và tâm hồn, được chuẩn bị hết sức kỹ càng, với thái độ sẵn sàng canh tân và thích nghi không ngừng”.[1]

Vì thế, theo lời dạy của công đồng, các nhà giáo công giáo “phải được chuẩn bị hết sức chu đáo để lĩnh hội những kiến thức đạo đời, được chứng thực do những văn bằng tương xứng, cũng như phương thức giáo dục phù hợp với những phát minh của thời đại tiến bộ. Các nhà giáo dục, nhờ liên kết với các bạn đồng nghiệp và với các học sinh trong tình bác ái và thấm nhiễm tinh thần tông đồ, sẽ làm chứng cho một vị Thầy duy nhất là Chúa Kitô bằng đời sống cũng như bằng lời giảng dạy... Thánh công đồng cũng tuyên bố rằng chức vụ của nhà giáo là một hoạt động tông đồ đích thực, rất thích hợp và cần thiết cho thời đại chúng ta, đồng thời là một phục vụ chính đáng cho xã hội”.[2]

3. Đi đôi với việc giảng dạy bằng lời và bằng gương sáng, Đức Kitô đã rao giảng Tin Mừng bằng những hoạt động bác ái qua việc chữa lành các bệnh nhân. Từ đó, công đồng Vaticanô II đã khẳng định: “Mọi hoạt động tông đồ phải bắt nguồn và lấy sức mạnh từ đức bác ái”.[3] “Như Chúa Kitô đã trải qua khắp các thị thành và làng mạc, chữa lành mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền, làm dấu chỉ Nước Chúa đã đến (x. Mt 9,35tt; Cv 10,38), Giáo Hội cũng nhờ con cái mình để liên kết với mọi người thuộc mọi hoàn cảnh, nhất là với những người nghèo hèn đau khổ, và tình nguyện hy sinh cho họ (x. 2Cr 12,15).[4]

Các y bác sĩ công giáo là những người được mời gọi nhận ra hình ảnh Đức Kitô nơi những người đau yếu, bệnh tật, và theo gương Người trong việc tận tụy chăm sóc, xoa dịu và chữa lành các bệnh nhân, để nối dài cánh tay từ ái của Người trên nhân loại khổ đau và giúp họ nhận ra khuôn mặt của một vị Thiên Chúa từ nhân đang đồng hành và chia sẻ nỗi khổ đau của họ, nhờ đó họ dễ dàng tin vào Tin Mừng cứu độ của Người.

Nhờ lời chuyển cầu của thánh Luca, nguyện xin Thiên Chúa tiếp tục nâng đỡ và chúc lành cho tất cả anh chị em là những người đang làm công tác giáo dục và y tế, để mọi việc anh chị em làm góp phần vào việc loan truyền chân lý và tình thương của Thiên Chúa.

Tòa Giám Mục Qui Nhơn, ngày 14 tháng 10 năm 2013


+ Matthêô Nguyễn Văn Khôi
Giám mục giáo phận Qui Nhơn
http://gpquinhon.org/qn




[1] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Tuyên ngôn về giáo dục Kitô giáo, Gravissimum Educationis, số 5.
[2] Gravissimum Educationis, số 8.
[3] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sắc lệnh về tông đồ giáo dân, Apostolicam Actuositatem, số 8.
[4] Apostolicam Actuositatem, số 12.