Chúa Giêsu không thành lập đời Tu, mà lập Đoàn tông đồ. Vào thời Giáo hội các tông đồ, kẻ tin Chúa được thúc bách dấn thân giảng đạo và lấy cái chết làm chứng, khiến Tử đạo được gọi bằng danh xưng Chứng nhân (martur, martyr).Kịp đến khi Kytô giáo đã phủ kín đế quốc La Mã và được La Mã nhận làm quốc giáo, kẻ muốn tiếp tục làm chứng bèn tìm CHẾT ĐI VỚI ĐỜI bằng cách tu ẩn trong rừng sâu. Những vị chân tu rồi sẽ có nhiều đệ tử đến tôn làm cha hay sư phụ (abba, abbé) để được hướng dẫn cùng tu với ngài, khiến tu biến thành bán ẩn, rồi đan tu hay tu cộng đồng nơi hoang dã, như tại vùng núi bán đảo Athos với di tích những tu viện mênh mông, có khi chứa được cả ngàn người.Nhu cầu làm tông đồ rồi sẽ sinh ra những dòng bán đan tu, bán hoạt động như Phanxicô và Đa minh vào thế kỷ XIII, những dòng thật sự hoạt động như Dòng Tên vào thế kỷ XVI.Cũng vào thế kỷ XVI tại Châu Âu, đan sỹ thì sống buông thả, còn linh mục triều vụ dốt nát, khiến đạo xuống dốc và các nhóm Thệ phản (Protestants) nổi lên, họ tự gọi là Cải cách (Réforme). Để đối phó, Giáo hội họp công đồng đối cải cách (contre-réforme) Triđentinô (1545-1563). Một mặt, công đồng xiết chặt kỷ luật đời tu, mặt khác quyết định thành lập chủng viện để đào tạo giáo sỹ.Có điều hướng đi của công đồng nặng về tự vệ, nên bảo thủ. Càng tự vệ và bảo thủ hơn nữa có công đồng tiếp theo là Vatican I do Đức Piô IX (1846-1878) triệu tập, từ đò có thông điệp Quanta cura và danh mục Syllabus về 80 điều sai lầm của thời đại bị lên án. Bầu khí ngột ngạt và xu hướng loại bỏ của Hội thánh khi ấy khiến những tâm hồn trác tuyệt như Simone Weil (1909-1943), dù yêu Chúa Kytô và Kytô giáo sâu xa, nhưng không dám chịu Phép rửa[1].Dù sao, Chúa Thánh Thần vẫn “thổi” trong Giáo hội, và biết bao trí giả thức thời đã cố gắng canh tân cả về tư tưởng lẫn chú giải Thánh kinh và phụng vụ, dù vì thế mà bị Tòa thánh lên án. Để rồi cuối cùng, Chúa gửi đến một Đức Gioan XXIII đáng kính mến : với thông điệp mởPacem in terris (Bình an trên trái đất) và công đồng mở Vatican II (1962-1965), Ngài đã thay đổi hẳn bộ mặt Giáo Hội. Thật ra, luồng gió canh tân này đã được sửa soạn trước ít lâu bởi những trí giả tên tuổi, như Henri de Lubac, Yves Congar, Augustin Béa,v.v.Tại sao lại gọi Vatican II là công đồng mở? Bởi lẽ trào lưu thế tục hóa đã tách thế giới ra khỏi ảnh hưởng Kytô giáo, nên Kytô giáo không thể không mở cửa đối thoại với thế giới, nhờ đó tiếp tục phục vụ loài người. Tu cũng theo cùng hướng mở ấy: từ khép kín với đời, nhiều dòng đã TU VÀO (giữa) ĐỜI. Ở đây chúng ta chỉ nói đến sự canh tân theo lối này của một số dòng tiêu biểu.Tu vào đời

Lối nhìn xưa của nhà tu : Thế gian chống Thiên Chúa và đầy cạm bẫy, nên đi tu thì phải chia tay với nó. Lối nhìn mới trong thời Vatican II : Thế gian cũng là loài người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, nay ít hay nhiều đã trở thành con Thiên Chúa khi Ngôi Lời nhập thể, chịu chết và sống lại để chuyển trao cho chúng ta sự sống thần linh của Ngài. Vâng, theo Joseph Wresinski, nhà sáng lập phong trào ATD Quart-Monde, thì một cách hiển định (in actu), con người đã thành con Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kytô, phân biệt chỉ là giữa những đứa con phóng đãng với những đứa đã trở về nhà Cha[2]. Vì thế, dù đi tu cũng nên gần gũi với những người con Thiên Chúa ấy, mà họ thì ở tập trung nhiều tại các đô thị. Chính do đó mà dòng Huynh đệ muội Giêrusalem đến sống giữa thị thành, và dòng Tiểu đệ Chúa Giêsu, Tiểu muội Thánh Tâm…sống nghèo trong các xóm nghèo ở bất cứ đâu.-Huynh đệ muội Giêrusalem – Một khi đạo đã ăn sâu vào lòng, người ta thường nghĩ tới một cuộc sống TẤT CẢ CHO SIÊU VIỆT giữa chốn hoang sơ. Và đây là Bỏ đời samnyâsa trong Bà la môn giáo, là Nhập cốc trong Phật giáo, Vào rừng trong Kytô giáo với Phaolô, Antôn, Vào sa mạc với Charles de Foucauld,v.v… Trong Kytô giáo, ẩn tu đổi dần sang đan tu, và đây là tu cộng đồng, nhưng vẫn xa nơi náo nhiệt để có thể tập trung hoàn toàn cho cầu nguyện trong an tĩnh.Nhưng rồi hướng đi Mở ra với đời thời Vatican II đã khiến linh mục Phêrô-Maria Delfieux đưa cuộc sống đan sỹ vào giữa lòng những đô thị lớn. Và đây là các Huynh đệ muội Giêrusalem (Fraternités de Jérusalem).Xuất thân là một linh mục coi xứ, rồi tuyên úy cho sinh viên Đại học Paris, cha Delfieux đã bỏ đi tu ẩn hai năm ở sa mạc Sahara để tập trung cầu nguyện. Tại đó một ý tưởng lóe lên, và với sự cổ võ của Đức hồng y Tổng giám mục Paris là FranÇois Marty, cha thành lập các Huynh đệ muội Giêrusalem, có ngành cho nam giới, có ngành cho nữ giới, với hướng đi là cầu nguyện giữa lòng các đô hội nhộn nhịp : một kiểu TU CHỢ như người Việt quen nói :”Thứ nhất tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”!Ừ thì tu thành phố thì cứ tu, nhưng sao lại chọn cho thành phố cái tên chung là Giêrusalem? Vì theo cha, Giêrusalem là “thành phố mà Thiên Chúa ban cho loài người”, cũng là “thành [phố mà loài người xây dựng cho Thiên Chúa”. Chỉ cần nhớ, ơn gọi Huynh đệ muội Giêrusalem là ơn gọi đan tu thị thành (vocation citadine).Đan viện đầu tiên đã xuất hiện năm 1975 tại thủ đô nước Pháp, đường Saint-Gervais. Sau đó đến lượt các đan viện khác mọc lên ở Strasbourg, Mont Saint-Michel,v.v..., và bên ngoài nước Pháp ở Cologne, Bruxelles, Rôma, Fiorentina, Varsovia, Montréal…Ngoài ra, để phổ cập hướng đi Cầu nguyện giữa thị thành, tổ chức còn thành lập Gia đình Giêrusalem cho các nhóm linh mục triều vụ và các tín hữu. Huynh đệ muội Giêrusalem cũng đưa các giờ kinh nhật tụng lên kênh truyền hình KTO, từ thứ ba đến thứ sáu hằng tuần.Điểm cách mạng thật sự của Huynh đệ muội Giêrusalem, là ở chỗ đan sỹ ra ngoài đi làm ăn lương. Tại sao vậy? Bởi lẽ Huynh đệ muội Giêrusalem theo ơn gọi thị thành, mà người thị thành thì không có điền trang, cũng không làm nghề thủ công, mà sống bằng đồng lương công nhân của mình, nên Huynh đệ muội cũng đi làm công như họ, do đó phải ra ngoài làm việc ở công sở hay các xí nghiệp tư. Làm sao để đi lại giữa phố phường nhiệt náo và sống giữa người đời, mà vẫn cầu nguyện được đây? Cố nhiên là phải tập cầu theo lối khác xưa : tập nâng tâm hồn lên với Chúa trên xe buýt và giữa công xưởng, trong khi cọ sát với những người đang hối hả đi mua sắm hay lo công chuyện, trong khi vất vả làm việc bên công nhân viên và chia sẻ số phận lương “ba cọc ba đồng” của những người ấy. Có điều làm đan sỹ thì phải cầu nguyện tập trung rất nhiều. Vì thế đành chọn giải pháp : đi làm nửa ngày thôi, dành nửa ngày còn lại và các ngày nghỉ cho suy chiêm, chầu thánh Thể và hát kinh nhật tụng như các đan sỹ khác. Vâng, đan sỹ Giêrusalem đặt Mình Thánh chầu suốt ngày, còn thứ năm thì chầu suốt đêm luôn.-Tiểu đệ Chúa Giêsu, Tiểu muội Chúa Giêsu, Tiểu muội Thánh Tâm…Tuy huynh đệ muội Giêrusalem đưa một phần sống đan tu vào giữa phố phường nhộn nhịp, nhưng giữa đô thành ấy, đan viện vẫn tường cao, cổng kín, nhờ đó đan sỹ sống phần còn lại của ngày trong bầu khi an tĩnh. Chứ các Tiểu đệ và Tiểu muội nói trên thì sống từng dăm ba người trong một căn nhà nhỏ giữa những căn nhà nhỏ khác của một xóm nghèo. Để hiểu cách Tu giữa đời hoàn toàn này, phải tìm hiểu cuộc sống của người khai sinh ra nó : Charles de Foucauld, cũng gọi Charles de Jésus.Tử tước Charles de Foucauld (1858-1916) xuất thân từ trường Saint-Cyr và làm sỹ quan quân đội Pháp bên Algérie. Vì yêu sa mạc, anh vận động xin đi thám hiểm Maroc. Những nghiên cứu địa lý và thổ ngữ làm anh sớm nổi danh. Có điều, vì xuất thân nhà giàu và được nuông chiều từ bé, nên anh ham ăn chơi, đồng thời sống như một kẻ vô tín ngưỡng từ 16 đến 28 tuổi. May thay, tiếp xúc với thổ dân Hồi giáo Châu Phi, thấy họ tin mãnh liệt vào Thiên Chúa, anh bắt đâu nghĩ lại về niềm tin Kytô giáo của mình. Cuối cùng, anh vất bỏ tất cả để chỉ sống vì một mình Thiên Chúa thôi. Anh vào làm đan sỹ Trappe năm 1890, nhưng rồi lại bỏ ra để có thể sống ẩn và sống khổ hơn. Để khởi sự, anh xin vô giúp việc (làm đầy tớ) cho một nhà dòng thánh Clara ba năm; rồi, theo lời khuyên của một nữ tu và sự thúc đẩy của cha linh hướng, anh trờ về Pháp học và thụ phong linh mục để có thể phục vụ người nghèo một cách tốt nhất.Làm linh mục rồi, Charles xuống miền Nam Algérie và dựng một am nhỏ để tu. Tại am ấy, cha tiếp đón những người cùng khổ và tật bệnh để săn sóc, hầu hạ. Năm 1905, cha dọn đến Tamanrasset thuộc Sahara để đưa Chúa đến hiện hiện qua Phép Thánh Thể giữa vùng Hồi giáo. Tại đây, được Chúa sáng soi, cha thai nghén dần một lối tu, và soạn thảo cuốn Luật sống cho tu hội Tiểu đệ và Tiểu muội Thánh Tâm cha muốn thành lập tại Sahara và các vùng dân ngoại nghèo khổ khác. Chẳng may, cha bị giết trước khi thực hiện được ý định nói trên.Thế nhưng sau khi cha chết, tập Luật sống và những trước tác khác của cha được tung ra đã làm nổi lên một cao trào : TU VÀ SỐNG THEO ĐƯỜNG LỐI CHARLES DE FOUCAULD, và thế là một lọat những tu hội và đoàn hội thành hình, như Tiểu đệ Chúa Giêsu, Tiểu muội Thánh Tâm, Tiểu muội Chúa Giêsu, Huynh đoàn Charles de Foucauld,v.v…Chúng ta hãy lấy dòng Tiểu đệ Chúa Giêsu làm tiêu biểu.Theo con đường và lối sống của chân phước Charles de Jésus, họ muốn làm “Anh em của hết thảy” (Frère universel), của người Hồi cũng như của người Công giáo hay đa thần, đặc biệt của những người nghèo nhất, bị khinh rẻ nhất. Thậm chí của tù nhân luôn. Họ lấy Chúa Giêsu thuở hàn vi ở Nazareth làm gương mẫu để sống. Và đây là sống nghèo giữa anh em túng nghèo. Tuy vẫn tu cộng đồng, nhưng Tiểu đệ không sống tách riêng. Từng nhóm dăm ba anh em, họ thuê một căn nhà lụp xụp giữa những căn nhà lụp xụp khác để ở.Căn nhà tuy nhỏ hẹp, nhưng các Tiểu đệ Chúa Giêsu vẫn đặt Mình Thánh để chầu tám giờ một ngày. Rồi hằng năm họ dành một thời gian (sống) Hoang mạc (désert) trong những am, cốc (ermitage) được dành riêng. Theo hướng dẫn của chân phước Charles de Foucauld, họ phải sống và làm chứng trước hết. Việc giảng Tin mừng tự nó sẽ đến khi có cơ hội. Có nghĩa là, như chân phước Charles nói, “Loan Tin mừng trong im lặng” như Chúa Giêsu khi còn ở Nazareth với Đức Mẹ và thánh Giuse.[3]Sống giữa người nghèo và sống như người nghèo xung quanh, nên như người nghèo trong khu xóm, các Tiểu đệ cũng đi làm công nhân, làm với tất cả sự tận tụy, và giữ im lặng bao nhiêu có thể, để có thể cầu nguyện trong làm việc.Tiểu đệ Chúa Giêsu được thành lập năm 1933 do cha René Voillaume bên Sahara giữa vùng Hồi giáo. Dòng bắt đầu với năm linh mục, nhưng rồi phát triển rất nhanh và có mặt ở rất nhiều quốc gia, kể cả Việt Nam, chỉ sau mấy chục năm.Về phía nữ, phải kể đến dòng Tiểu muội Thánh Tâm được quy tụ bởi sơ Marie Charles năm 1933 ở Montpellier (Pháp), rồi dòng Tiểu muội Chúa Giêsu được tập hợp quanh sơ Madeleine năm 1939 bên sa mạc Sahara. Cả hai dòng đều theo linh đạo Charles de Foucauld : chiêm niệm giữa những xóm nghèo, làm chị em của những người nghèo và người cùng khốn theo gương Chúa Giêsu ở Nazareth hay Belem. Và đây là “Hét Tin mừng lên bằng tất cả đời sống”, như Charles de Foucauld nói.Ngoài dòng tu ra, linh đạo Charles de Foucauld còn phổ cập tới các tín hữu cả nam lẫn nữ trong những tổ chức như Fraternité Charles de Foucauld,v.v… Một phần những tu hội và hiệp hội này rồi sẽ họp thành một tập thể lầy tên là Gia đình thiêng liêng Charles de Foucauld, gồm 20 đơn vị và 13.000 thành viên tính đến năm 2012.Từ những cuộc canh tân nói trên, thử tìm lối ra cho những khó khăn hôm nay

Trào lưu thế tục hóa của mấy thế kỷ trước đã khiến Giáo hội co cụm lại trong một bầu khí ngột ngạt. Dẫu thế, Chúa Thánh Thần vẫn làm việc, để rồi sẽ bùng nổ một trào lưu đổi mới, nó dẫn đến công đồng mở Vatican II, và công đồng này thúc đẩy cho luồng sóng canh tân mạnh thêm lên cả trong thần học, chú giải Thánh kinh, phụng vụ và đời tận hiến. Nhờ đó Đạo chuyển theo một thứ Đạo mở vào đời, khác với hướng Đạo tách khỏi đời xưa kia, hay hướng Đạo-đời lẫn lộn của thời các xã chế (chrétientés).Ngày nay, Thế tục hóa (sécularisation) quá trớn đã thành Duy thế tục (sécularism). Không chỉ gạt tôn giáo sang một bên, người ta còn chống tôn giáo, ít là coi như “Thiên Chúa đã chết” và diễu cợt kẻ còn tin vào Ngài. Mặt khác, người ta tự coi mình chỉ là thể xác và trở thành duy vật trong lối sống : sống chỉ cốt để hưởng thụ thôi!Chính bầu khí duy hưởng thụ nói trên đã bóp nghẹt đạo, khiến cho sống đạo hay hành đạo (pratique religieuse) suy thoái trầm trọng bên các nước phát triển. Giữa một khu vực khô khan như thế, làm gì có ơn gọi tu trì từ đó mọc lên! Kết quả là các giáo xứ Âu Mỹ thiếu linh mục coi sóc, và các dòng tu Âu Mỹ phải chạy sang Ấn Độ, Việt Nam,v.v. để tồn tại.Thế thì phải chăng con thuyền Thánh Phêrô đang chao đảo, sắp chìm đến nơi? Chúng ta chỉ biết và chúng ta phải tin, rằng :”Anh là Đá (petra), trên đá này Ta xây Giáo hội của Ta, và sức mạnh Tử thần không phá nổi” (Mt.16.18). Vâng, xem như Chúa đang ngủ, nhưng Ngài vẫn nắm gọn sóng gió trong tay và Thần khí Ngài vẫn làm việc. Có điều, dù tin Chúa Thánh Thần đang hành động, về phía mình chúng ta vẫn phải hợp tác với Ngài. Nghĩa là cố gắng suy nghĩ và tìm lối ra cho những khó khăn hôm nay. Tìm ở đâu đây? Phải xem hiện trên thế giới, người ta đang nghĩ gì, ước muốn gì từ trong vô thức của họ. Qua đó ta sẽ tìm ra những khe hở để tấn công vô.Trước hết, phải thấy rằng, dù thế giới đang chối bỏ Thiên Chúa, nhưng đó đây các tân giáo phái vẫn nổi lên với cách tự sát tập thể, và phong trào quá khích “chết vì đạo” bằng đánh bom tự sát trong Hồi giáo vẫn vững mạnh. Ngoài ra, dù người văn minh cũng dễ kiêng kỵ những con số (như thứ sáu ngày 13), và tiêu tiền nhiều vào những việc mê tín như bói toán. Thế nghĩa là, đúng như thánh Augustin nói :”Ngài (Thiên Chúa) tạo nên tôi vì (cho) Ngài, khiến hồn tôi khắc khoải kỳ cho đến khi được nghỉ ngơi trong Ngài”[4]. Nói cách khác, trong thâm tâm mỗi người, ai nấy vẫn hướng về Thiên Chúa trong cảm thức tục thiêng, nên thích tìm cái gì đó siêu nhiên, khác lạ, một cách vô thức. Vậy việc của nhà truyền giáo là phải biết đánh thức những ước mong tiềm tàng đó, lắm khi gián tiếp qua những khe hở được khám phá ra.Và sau đây, một số những nhận định :Thứ nhất, hẳn ai nấy đều thấy rằng : tại Việt Nam, ơn gọi linh mục và tu sỹ rất dễ tìm ở tỉnh lẻ, như Đồng Nai, Miền Tây, Miền Trung, Miền Bắc. Còn tại đô thị lớn nhất là Saigon, ơn gọi có lẽ chỉ thấy lác đác trong các phường xóm toàn tòng, ở đó giáo dân tập trung quanh nhà thờ xứ, với các gia đình còn vững và con cái vâng lời mẹ cha. Dẫu sao ngay tại đấy, thanh thiếu niên ngày càng bớt chịu ảnh hưởng của gia đình khi chúng giao du với bè bạn ngoài khu vực Công giáo, do đó cũng giảm sút về đạo hạnh.Vậy làm cách nào để ứng phó đây?Trước hết, phải giữ vững các xóm phường Công giáo, đồng thời phát triển các đoàn hội, đưa giáo dục Công giáo vào nhà trường và ký túc xá học sinh, sinh viên.Để bảo vệ và thăng tiến các gia đình Công giáo, cần thiết lập những liên hiệp gia đình Công giáo. Và để thành viên trong gia đình cố kết với nhau, cần mở rộng gia đình sang gia tộc để chú bác, cô dì và cha mẹ nâng đỡ nhau, khuyên giải nhau khi có cãi vã. Cũng cần mở lên vế phía gia tiên, để trước bàn thờ và dưới bóng ông bà đã khuất, người ta dễ sống tốt để bảo vệ gia phong, nếp nhà.Thế rồi ngày nay, vì gia đình dễ tan vỡ, nên con người sống cô độc và thèm muốn những nối kết thân tình. Bởi thế, các cộng đồng cơ sở (communautés de base) Công giáo phát triển mạnh, trong đó các gia đình và cá nhân (giáo dân, tu sỹ, linh mục) cầu nguyện và làm tông đồ chung với nhau, thậm chí để chung nhiều cái, kể cả của cải nữa. Theo cùng xu hướng sống chung ấy, một số đoàn thể như Hiệp hội Thánh Mẫu đã cải thành Cộng đồng sống đạo Kytô giáo (CLC hay Christian Life Community). Vậy các đoàn thể truyền thống khác cũng nên theo gương mà đưa Sống cộng đồng vào trong quy chế của mình.Thời nay cũng là thời của trào lưu Canh tân đoàn sủng (Renouveau charismatique), trong đó người ta bớt sống đạo hình thức để mở vào một thứ đạo thanh thoáng có chiều sâu. Vâng, họ muốn được Chúa Thánh Thần hướng dẫn trực tiếp, chứ không ưa những luật lệ ràng buộc bên ngoài. Dù là tín hữu hay linh mục, tu sỹ không phân biệt, họ tự hợp lại với nhau để cầu nguyện và làm chứng. Trong số các tập thể thuộc phong trào, phải kể trước tiên đến những nhóm Thánh Linh. Trong những nhóm này, người ta họp nhau chúc tụng Chúa và khích lệ nhau tùy theo sự truyền hứng của Thánh Linh. Chính vì xu hướng tự phát, tự do ấy của những nhóm hội nói trên, nên Hội đống giám mục Pháp không muốn ép họ vào những khuôn thước thường tình, mà chỉ mở ở Paris một văn phòng liên lạc giúp các nhóm hiệp thông với nhau và hiệp thông với Hội thánh.Cũng vào thời Duy thế tục hôm nay, tuy Thiên Chúa vắng bóng giữa lòng xã hội đấy, nhưng con người cùng với quyền được sống và tôn trọng lại được quan tâm đến. Nên đạo chỉ được biết tới khi đạo ấy đứng về phía người nghèo, người bị gạt ra ngoài lề, để cùng với họ chúng ta đấu tranh cho một xã hội công bình và nhân ái hơn. Chính vì vậy, những nhân vật được được thế giới thực sự kính ngưỡng là những người như Mẹ Têrêsa Calcutta, ngài lãnh đạo một đoàn người đông đảo, cả tu sỹ lẫn chí nguyện viên, họ đến sống giữa người cùng khổ và tận tâm giúp đỡ những người ấy.Cũng được đời kính ngưỡng như thế là l’Abbé Pierre với phong trào Emmaus, linh mục Joseph Wresinski với phong trào ATD Quart-Monde,v.v…L’abbé Pierre sáng lập các Cộng đồng Emmaus năm 1953, mỗi cộng đồng mở trung tâm tiếp đón kẻ vô gia cư, đến gặp họ trên các vỉa hè, mời họ tới sống ở trung tâm, giúp họ có nơi ăn chốn ở, rồi học nghề để có thể tự trở về với đời thường trong xã hội. Những cộng đồng Emmaus được liên kết hoạt động trong một phong trào bao quát, phong trào Emmaus, nay gọi là Solidarité Emmaus. Hiện phong trào đã thiết lập được 65 trung tâm tiếp đón.Còn ATD (Aide à Toute Détrsesse, trợ giúp mọi cùng khốn) Quart-Monde (thế giới thứ tư) là phong trào được linh mục J. Wresinski sáng lập năm 1957, bắt đầu tại một trung tâm tiếp đón của Emmaus ở ngoại ô Paris. Phong trào nhằm mục đích giúp ai nấy ý thức rằng : bên cạnh tôi còn lắm kẻ khốn khổ đến tột độ. Như chúng ta biết, Tiers-monde hay Thế giới thứ ba gồm những quốc gia nghèo; còn Quart-monde hay Thế giời thứ tư là tên gọi chung cho đám người khốn khổ nhất, còn dưới mức vô sản (sous-prolétariat) nữa. Đây là những kẻ không cơm ăn, nhà ở, không được xem trọng như những con người luôn. ATD Quart-monde đứng lên, chẳng những để giúp đỡ họ, mà còn để đấu tranh giành quyền sống cho họ và bảo vệ phẩm giá của họ. Chủ chốt trong phong trào là những tình nguyện viện hoạt động thường hằng tại những trung tâm. Ở vòng ngoài có các đồng chí và chiến sỹ, kế đó là thân hữu. Hiện phong trào đã có mặt và họat động trong 29 quốc gia.
***
Quả thật, thanh niên ngày nay ưa thích hành động xã hội để bảo vệ người khốn khổ, nên để kéo họ đến với đời sống dâng hiến hay hiệp hội tông đồ, chúng ta phải nhớ đến yếu tố ấy để thay đổi một phần bộ mặt và quy chế của tổ chức.Con người ngày nay cũng thèm muốn một bầu khí gia đình, nên chỉ những dòng tu hay hiệp hội trong đó các thành viên sống thân ái với nhau mới hấp dẫn được họ.

Thuộc về mục: BẢN TIN ' DÒNG TÊN'
'