Truyền giáo




Truyền giáo là vấn đề ưu tư nhức nhói của Giáo hội: Phải truyền giáo như thế nào mới hiệu quả? Phải tái truyền giáo ra sao? Đã có rất nhiều bài viết suy tư thần học rất sâu sắc về truyền giáo. Năm nào Giáo hội cũng cử hành ngày Khánh Nhật Truyền Giáo, ngày Quốc Tế Truyền Giáo để cầu nguyện cho việc truyền giáo. Thế nhưng, con số các tín hữu Công giáo vẫn còn chiếm tỉ lệ rất thấp so với nhiều tôn giáo khác. Vậy vấn đề nằm ở đâu?

Trước khi lên trời, Chúa Giêsu đã nói với các tông đồ rằng:
“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án.” (Mc 16,15-16) Đây là mệnh lệnh truyền giáo của Chúa Giêsu dành cho mỗi Kitô hữu chúng ta. Thế nhưng phải truyền giáo như thế nào trong bối cảnh xã hội và thế giới có quá nhiều vấn đề phức tạp như hiện nay? Điều quan trọng trước khi đi truyền giáo là mỗi người hãy tự truyền giáo, tái truyền giáo cho chính mình. Mỗi người phải thật sự cảm nghiệm Chúa hiện diện trong tâm hồn mình; Mỗi người phải thật sự gặp được Chúa trong từng biến cố cuộc đời của mình. Muốn giới thiệu Chúa cho người khác, mỗi Kitô hữu chúng ta phải có Chúa trong tâm hồn mình bởi lẽ“không ai cho người khác cái mình không có”.

Dẫu biết là như thế nhưng truyền giáo không phải là chuyện dễ. Mỗi Kitô hữu tự tái truyền giáo cho chính mình qua việc tham dự Thánh lễ và lãnh nhận các bí tích, nhất là Bí tích Hòa Giải và Bí tích Thánh Thể. Tuy nhiên, để truyền giáo đòi hỏi mỗi chúng ta phải lên đường ra đi đến với người khác như Chúa Giêsu đã làm năm xưa. Trong hành trình 3 năm rao giảng, Chúa Giêsu đã lên đường đến với dân ngoại, đến với những người tàn tật, đui mù, bệnh hoạn và nghèo khổ. Chúa đã sống cùng, sống với những mảnh đời bất hạnh như thế bằng cả tấm lòng bác ái yêu thương.

Cả cuộc đời của Chúa Giêsu là một cuộc đời dấn thân và xả thân vì tha nhân. Đó là một cuộc đời truyền giáo, một cuộc đời cho đi và biết nghĩ đến người khác.

Như vậy, cách truyền giáo của Chúa Giêsu rất thiết thực, truyền giáo bằng chính những việc làm dấn thân của Ngài. Ngài truyền giáo không chỉ bằng những lời rao giảng suông mà bằng chính cách sống, cuộc đời và con người của Ngài. Quả thật, làm gương cho người khác là điều không phải mấy dễ làm, bởi lẽ nó đòi hỏi bản thân mỗi người phải chịu khó gọt giũa, rèn luyện, sửa đổi và thay đổi từng ngày. Một người truyền giáo là một người làm gương cho người khác về cách sống dấn thân phục vụ và chia sẻ yêu thương mọi người.

Vậy điều cốt lõi của việc truyền giáo là học cách truyền giáo đơn giản mà hiệu quả của Chúa Giêsu. Chúa đã đến với người khác trước khi người khác đến với mình. Chúa dùng những dụ ngôn gần gũi với mọi người để giới thiệu về Nước Trời cho mọi người. Ngài không dùng những lý thuyết thần học cao siêu nhưng ăn nói rất bình dị chân thành. Tất cả đều xuất phát từ quả tim yêu thương của Ngài.

Ngày nay vẫn còn rất nhiều người, nhiều vùng chưa nhận biết tình yêu Chúa. Đặc biệt là bà con ở những vùng dân tộc cao nguyên hay bà con nông dân vùng sâu vùng xa miền Tây sông nước. Họ là những người thật dễ thương, cuộc sống thiếu thốn nhiều thứ, nhưng sống rất tình cảm và thật lòng; Họ rất cần những bước chân và bàn tay dấn thân chia sẻ yêu thương của những Kitô hữu chúng ta. Vậy phải làm gì để giới thiệu Chúa và chia sẻ với họ bằng cả tấm lòng bác ái yêu
thương như lòng Chúa ước mong?


http://giaophanmytho.net