VATICAN.

Chiều 30-10-2008, ĐTC Biển Đức 16 đã gặp gỡ hơn 7 ngàn người gồm các giáo sư và sinh viên các Đại học và Học Viện Giáo Hoàng ở Roma nhân dịp khai giảng năm học mới. Ngài mời gọi mọi người tìm kiếm sự khôn ngoan đích thực của Thiên Chúa.

Lúc quá 6 giờ 45 chiều, ĐTC vào Đền Thờ Thánh Phêrô để đến gặp mọi người sau thánh lễ do ĐHY Zenon Grochowlewski, người Ba Lan, Tổng trưởng Bộ giáo dục Công Giáo, chủ sự từ lúc 5 giờ rưỡi chiều tại Đền thờ thánh Phêrô, cùng với một số HY như ĐHY Ivan Dias, Bộ Truyền giáo, ĐHY Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, và Đức TGM Jean Louis Brugès, O.P, Tổng thư ký Bộ giáo dục Công Giáo, nhiều vị Viện trưởng, khoa trưởng và các LM giám đốc chủng viện, học viện và hàng trăm LM giáo sư, sinh viên.

Ngỏ lời với mọi người trong buổi gặp gỡ, sau lời chào mừng của ĐHY Grocholewski, ĐTC nhắc đến năm Thánh Phaolô Tông Đồ và đặc biệt chú giải lời thánh nhân về sự khôn ngoan Kitô trong thư thứ I gửi tín hữu thành Corinto, một cộng đoàn trong đó đang có sự chia rẽ cạnh tranh giữa các môn đệ. Thánh nhân làm nổi bật sự tương phản giữa khôn ngoan trần thế và khôn ngoan trong Chúa Kitô, sự khôn ngoan của Thập Giá. ĐTC giải thích rằng: ”Sự khôn ngoan của trần thế này là một lối sống và quan niệm sự vật tách rời khỏi Thiên Chúa, chạy theo những ý kiến thịnh hành, theo những tiêu chuẩn thành công và quyền lực. Sự khôn ngoan thần linh là theo tinh thần của Chúa Kitô, chính Chúa Kitô mở mắt tâm hồn chúng ta để theo con đường sự thật và tình thương..”

ĐTC cũng nhắc nhở các sinh viên rằng: ”Để nhận biết và hiểu những sự thiêng liêng, thì cần phải là những con người tinh thần, bởi vì nếu sống theo xác thịt, chắc chắn người ta sẽ rơi vào sự ngu dại, cho dù người ta học hành nhiều và trở nên 'thông thái', những người lý luận tinh tế của thế gian này” (1 Cr 1,20).

Trước đó, trong bài giảng thánh lễ, ĐHY Grocholewski đã diễn giảng về đoạn thư thánh Phaolô nhắn nhủ các tín hữu thành Ephêsô hãy mặc lấy mã giáp của Thiên Chúa và mang khí giới sự thật trong cuộc chiến đức tin, và khẳng định rằng: ”Cuộc sống Kitô hữu là một cuộc chiến đấu. Ngày nay, cám dỗ không đến từ những ngừơi Biệt Phái nữa, nhưng từ nhiều nguyên nhân khác, trong ngoài. Đó là những chọn lựa hằng ngày của chúng ta, nhiều khi đó là sự chọn lựa giữa thiện ích bản thân, chỉ hiểu theo nghĩa phàm nhân, và thiện ích ơn gọi Kitô của mình. Trong trường hợp này, khi chọn lựa ích riêng có nghĩa là chọn lựa chốn glại Thiên Chúa, chống lại sứ mạng Chúa ủy thác cho ta.”

ĐHY cũng nói với các sinh viên rằng: ”Mang khí giới sự thật có một giá trị đặc biệt đối với các bạn sinh viên, những người có sứ mạng khiêm tốn và chăm chỉ học hành, tìm kiếm chân lý, và đối với các anh chị em là các giáo sư, công tác phục vụ của anh chị em là thông truyền sự thật với tất cả lòng nhiệt thành, kể cả việc tìm kiếm và chiêm niệm chân lý với tất cả tâm trí của anh chị em. Ước gì sự lắng nghe và lời nói của anh chị em ngày càng nỗ lực phân biệt sự thật với những gì trái ngược, đó là sự u mê, sai lầm và dối trá”.

Tại Roma hiện có 7 Đại học và 9 Học viện Giáo Hoàng, với tổng cộng 17.500 sinh viên, đa số là các LM, tu sĩ nam nữ và chủng sinh, được sự hướng dẫn của 2.140 giáo sư. Trong số các sinh viên có gần 200 người Việt và 5 vị khác là giáo sư. (SD 30-10-2008)

G. Trần Đức Anh OP