Ngỡ ngàng trước "Kỳ quan thứ tám của Thế giới"
Nhà thờ Bete Giyorgis xứng đáng với danh hiệu
"Kỳ quan thứ tám của Thế giới" mà nhiều người dành tặng.
Thành phố Lalibela của Ethiopia được cả thế giới biết đến với 11 tòa giáo đường thời Trung Cổ được tạc từ đá nguyên khối. Trong số đó nổi tiếng nhất là nhà thờ Bete Giyorgis (nhà thờ Thánh George) được xây dựng khoảng đầu thế kỷ 13.
Nhà thờ này là một khối lập phương hoàn hảo, mang hình dạng của một cây thánh giá và nằm trong một chiếc hố sâu 15m, với mái nhà là những hình chữ thập lồng vào nhau.
Nhà thờ này không xây dựng bằng gạch hay đá bình thường và cũng không có dấu vết của các mối nối trên tường như thường gặp ở các công trình xây dựng.
Thay vào đó, toàn bộ nhà thờ đã được tạc ra từ một khối đá. Từ khối đá này, các chi tiết như cửa ra vào, cửa sổ, trụ cột, sàn, mái nhà đã được đục đẽo bằng phương pháp thủ công.
Kích thước của tổ hợp nhà thờ này là 25m × 25 m × 30m, và có một ao rửa tội nhỏ bên ngoài nhà thờ nối với một con mương nhân tạo.
Việc hoàn thiện nhà thờ là một kỳ công ngay cả với kỹ thuật xây dựng thời hiện đại.
Nhà thờ Bete Giyorgis xứng đáng với danh hiệu "Kỳ quan thứ tám của Thế giới" mà nhiều người dành tặng.
Theo lịch sử Ethiopia, nhà thờ Bete Giyorgis được xây dựng sau khi vua Gebre Mesqel Lalibela của triều đại Zagwe có một giấc mơ, trong đó ông được Chúa Trời chỉ dẫn cách thức xây dựng nhà thờ.
Ngày nay, Bete Giyorgis cùng các nhà thờ đá khác ở Lalibela vẫn là khu vực hành hương của hàng nghìn tín đồ Ethiopia.
Vào năm 1978, quần thể nhà thờ đẻo gọt từ đá ở Lalibela đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.