Tin vào Chúa Kitô Phục Sinh trong con tim, sờ mó được Người trong lòng tin, tuyên xưng lòng tin bằng miệng lưỡi và làm chứng cho lòng tin bằng cuộc sống là khiến cho sự thật của thập giá và sự sống lại hiện diện trong lịch sử loài người. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong buổi tiếp kiến gần 20.000 tín hữu và du khách hành hương tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ tư 5-11-2008.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài ”Sự sống lại như đặc thái nòng cốt lời rao giảng của thánh Phaolô”. Trích thư thứ I thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô Đức Thánh Cha nói: ”Nếu Đức Kitô đã không chỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng và cả đức tin của anh em nữa cũng trống rỗng... và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em” (1 Cr 15,14.17). Các lời mạnh mẽ này cho chúng ta thấy tầm quan trọng thánh nhân gán cho sự sống lại. Chỉ một mình, thập giá không thể giải thích lòng tin Kitô, trái lại nó là một thảm cảnh cho thấy cái vô lý của cuộc sống. Mầu nhiệm vượt qua là nơi sự kiện ”Đấng bị đóng đanh ngày thứ ba đã sống lại như lời Thánh Kinh” (1 Cr 15,4). Toàn lời rao giảng của thánh Phaolô khởi hành từ đó và kết thúc tại đó, và từ đó thánh nhân đưa ra công thức loan báo tóm tắt như sau: Đấng đã bị đóng đanh và biểu lộ tình yêu thương vô biên của Thiên Chúa đối với con người, đã sống lại và sống giữa chúng ta.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Lời loan báo của thánh Phaolô gắn liền với lời loan báo của các cộng đoàn Kitô tiên khởi trước thánh nhân. Văn bản về sự sống lại trong chương 15 câu 1 đến 11 thứ thứ I gửi tín hữu Côrintô nêu bật mối dây liên kết giữa ”nhận lãnh” và ”thông truyền”. Thánh Phaolô coi trọng việc công thức hóa truyền thống thành văn bản, và nêu bật sự hiệp nhất của việc dậy giáo ý và loan báo cho tất cả mọi Kitô hữu và những người sẽ rao giảng sự sống lại của Chúa Kitô. Sự độc đáo trong nền Kitô học của thánh nhân là luôn trung thành với truyền thống và giáo lý chính truyền của Giáo Hội. Thánh nhân trở thành mẫu gương của việc làm thần học và giảng dậy. Nhà thần học, người giảng dậy có nhiệm vụ giúp chúng ta hiểu thực tại ”Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, thực tại sự sống đàng sau các từ vựng cổ xưa. Và Đức Thánh Cha xác định lời loan báo của thánh Phaolô như sau:

Ở đây thật thích hợp xác định rằng khi loan báo sự phục sinh thánh Phaolô không lo lắng trình bầy một giáo lý có thứ tự - thánh nhân không muốn viết một cuốn cẩm nang thần học - nhưng đương đầu với đề tài bằng cách trả lời cho các nghi vấn và các câu hỏi cụ thể của tín hữu. Như thế nó là một diễn văn tình cờ, nhưng tràn đầy lòng tin và thần học sống động. Thánh nhân tập trung nơi điểm chính: đó là chúng ta đã được “công chính hóa”, nghĩa là được trở nên công chính được cứu rỗi bởi Chúa Kitô đã chết và đã sống lại cho chúng ta. Không có sự phục sinh thì cuộc sống Kitô sẽ chỉ là vô lý. Đối với thánh Phaolô cũng như đối với các tác gỉa khác của Tân Ước, sự sống lại gắn liền với chứng tá của người đã sống kinh nghiệm trực tiếp với Chúa Phục Sinh. Đây không phải chỉ là thấy và nghe với đôi mắt và các giác quan, nhưng còn với một ánh sáng nội tâm thúc đẩy nhận biết điều các giác quan bên ngoài chứng thực như là dữ kiện khách quan. Vì thế nên cũng giống như bốn Phúc Âm thánh, Phaolô coi đề tài các lần hiện ra là quan trọng và như là điều kiện nền tảng đối với lòng tin nơi Chúa Phục Sinh, Đấng đã để mộ trống. Mộ trống rỗng, và Chúa Giêsu đã hiện ra thực sự. Truyền thống đã thành hình như thế và đến với các thế hệ tiếp theo qua chứng tá của các Tông Đồ và các môn đệ đầu tiên.

Kết qủa hay kiểu đầu tiên diễn tả chứng tá đó là rao giảng sự sống lại của Chúa Kitô như tổng luận việc loan báo tin mừng và điểm tới của lộ trình cứu độ. Thánh Phaolô đã làm điều đó trong nhiều dịp: đối với ngài điểm chính là làm chứng nhân cho sự sống lại như có thể nhận ra trong các thư và sách Công Vụ. Điển hình là khi bị bắt tại Giêrusalem và điệu ra trước Công Nghị Do thái, thánh nhân cho thấy ý nghĩa và nội dung tất cả lời rao giảng của ngài: ”Tôi bị đưa ra xét xử chính vì niềm hy vọng vào kẻ chết sẽ sống lại” (Cv 23,6). Thánh nhân cũng lập lại điệp khúc này trong các thư của ngài (1 Tx 1,9tt.; 4,13-18; 5,10), và nhắc tới kinh nghiệm gặp gỡ của ngài với Chúa Kitô phục sinh (x. Gl 1,15-16; 1 Cr 9,1).

Nhưng đâu là ý nghĩa sâu xa của biến cố phục sinh đối với Phaolô? Khẳng định Chúa Kitô đã phục sinh có thời sự đối với chúng ta là những người sống 2000 năm sau thánh nhân hay không? Tại sao nó lại định đoạt đối với chúng ta? Thánh Phaolô đưa ra câu trả lời trong thư gửi tín hữu Roma: ”Đó là Tin Mừng về Con của Thiên Chúa, sinh ra từ mầm giống Đavít theo xác thịt, nhưng như Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Chúa với tất cả quyền năng” (Rm 1,3-4). Phaolô biết và nhắc lại nhiều lần Đức Giêsu luôn luôn là Con Thiên Chúa từ lúc nhập thể. Điều mới mẻ của sự phục sinh đó là sự kiện Đức Giêsu được nâng lên khỏi sự khiêm hạ của cuộc sống trần gian, được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng. Vì thế với sự phục sinh bắt đầu việc loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô cho mọi dân tộc, bắt đầu Nước Chúa Kitô, nước của chân lý và tình yêu thương. Như thế sự phục sinh vén mở cho thấy căn cước đích thật và tầm vóc ngoại thường của Đấng Bị Đóng Đanh. Một phẩm giá khôn sánh và rất cao trọng: Đức Giêsu là Thiên Chúa!

Trong khi tước hiệu ”Kitô”, nghĩa là ”Đấng Cứu Thế”, ”Đấng được xức dầu” trong các thư của thánh Phaolô có khuynh hướng trở thành tên riêng của Cháu Giêsu, và tước hiệu ”Chúa” xác định tương quan của Ngài với tín hữu. Vì thế có thể nói rằng Đức Giêsu đã sống lại để là Chúa của các kẻ chết và kẻ sống (X. Rm 14,9; 2 Cr 5,15), hay nói cách khác, là Đấng Cứu Độ chúng ta (đ. Rm 4,25). Từ đó Đức Thánh Cha rút tỉa ra các hệ luận quan trọng như sau:

Tất cả những điều này có các hậu qủa quan trọng đối với cuộc sống lòng tin của chúng ta: chúng ta được mời gọi tham dự mật thiết vào cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô. Thánh Tông Đồ nói: chúng ta ”đã cùng chết với Chúa Kitô” và chúng ta tin rằng ”chúng ta sẽ sống với Người, vì biết rằng Chúa Kitô đã sống lại từ cõi chết thì không còn chết nữa; cái chết không còn quyền lực gì trên Người” (Rm 6,8-9). Điều đó có nghĩa là cùng chia sẻ các khổ đau của Chúa Kitô để sẽ được đồng hình đồng đạng với Người qua sự phục sinh. Thánh Phaolô đã sống kinh nghiệm chia sẻ các khổ đau của Chúa và trở nên đồng hình dạng với Chúa như thánh nhân tả lại trong các thư của người (Pl 3,10-11; 2 Tm 2,8-12). Thần học thập giá không phải là một lý thuyết, mà là thực tại cuộc sống Kitô. Sống lòng tin nơi Chúa Giêsu Kitô, sống sự thật và tình yêu thương bao gồm việc từ bỏ mỗi ngày, bao gồm các khổ đau. Kitô giáo không phải là con đường của sự tiện nghi dễ dãi, nhưng đúng hơn nó là một cuộc leo núi đòi hỏi, nhưng được soi chiếu bởi ánh sáng của Chúa Kitô và niềm hy vọng lớn lao nảy sinh từ Ngài. Thánh Agostino nói: Người Kitô không được miễn trừ khỏi khổ đau, nhưng trái lại còn khổ đau hơn một chút, vì sống lòng tin diễn tả sự can đảm đương đầu với cuộc sống và lịch sử một cách sâu đậm hơn.

Tóm lại, có thể nói với thánh Phaolo rằng: tín hữu đích thật được ơn cứu rỗi khi tuyên xưng bằng miệng rằng Đức Giêsu là Chúa và tin trong tim rằng Thiên Chúa đã cho Người sống lại từ cõi chết (x. Rm 10,9). Điều quan trọng là con tim tin vào Chúa và trong lòng tin ”sờ mó” được Đấng Phục Sinh. Nhưng tin trong tim thôi không đủ, cần phải tuyên xưng và làm chứng cho lòng tin bằng miệng lưỡi và cuộc sống của chúng ta nữa, và như thế khiến cho sự thật của thập giá và sự sống lại hiện diện trong lịch sử loài người.

Sau khi chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau và cầu chúc mọi người có những ngày hành hương thánh thiện tốt đẹp, Đức Thánh Cha cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải