|
Chầu Thánh Thể Năm Thánh Lòng Thương Xót 2016
HÃY CÓ LÒNG THƯƠNG XÓT NHƯ CHÚA CHA
Lời dẫn
Chúng ta hãy cùng nhau ngước nhìn lên huy hiệu Năm Thánh Lòng Thương Xót trên cung thánh. Đó là công trình của linh mục Marko I. Rupnik, dòng Tên. Huy hiệu này là một tổng luận thần học về Lòng Thương Xót. Thật vậy, huy hiệu trình bày một hình ảnh rất thân quen với Giáo Hội sơ khai, nghĩa là trình bày tình yêu của Chúa Kitô, với những dấu đinh trên hai tay và hai chân. Đấng đã đưa mầu nhiệm Nhập thể với hai bản tính: thiên tính và nhân tính, đến chỗ hoàn thành bằng ơn cứu chuộc.
Đấng Chăn Chiên Lành đã chạm đến xác thịt nhân loại cách sâu xa và tràn đầy tình yêu, đến nỗi mang lại sự thay đổi tận gốc. Người đã mang nhân loại trên vai Người với tất cả lòng thương xót. Má kề má thân mật, cặp mắt của Đấng Chăn Chiên Lành và cặp mắt của Adam già cả trở nên một, để Chúa Kitô nhìn mọi sự bằng cặp mắt của Adam và Adam nhìn mọi sự bằng cặp mắt của Chúa Kitô. Nơi Chúa Kitô, Adam mới, mọi người nam nữ đều khám phá nhân tính của chính mình và tương lai sẽ đến, khi chiêm ngắm tình yêu của Chúa Cha qua cặp mắt của Chúa Kitô.
Nền của hình ảnh trên là ba hình bầu dục đồng tâm, càng đi ra bên ngoài thì mầu sắc càng nhạt đi, diễn tả hành động của Chúa Kitô đưa nhân loại ra khỏi đêm tối của tội lỗi và sự chết. Ngược lại, khi nhìn từ ngoài vào, chiều sâu của mảng màu tối lại diễn tả tính khôn dò của tình yêu Thiên Chúa, Đấng tha thứ tất cả. ( theo WHĐ )
Cùng nhau quỳ gối trước Thánh Thể nhiệm mầu, chúng ta tự vấn xem, chúng ta đã sẵn sàng để Chúa Giêsu thân thiết, thương xót, vòng tay âu yếm, ôm lấy chúng ta vỗ về, an ủi, chữa lành chưa? Hay chúng ta vẫn còn do dự, ngại ngùng, xa cách Người, vì tâm hồn chai đá, vì trái tim cố chấp, giá lạnh, dửng dung, lạnh nhạt, bất cần? Hoặc vì mặc cảm tội lỗi, chúng ta không muốn Người ân cần, gần gũi, săn sóc, thứ tha? Hay chúng ta vẫn cứ cao ngạo, kiêu căng, không thừa nhận mình là kẻ có tội, không dám thú nhận trong ngoài đều bầm dập thương tích? Mà chỉ sẵn sàng ném đá người tội lỗi, cũng như vẫn cho mình là người công chính, con chiên ngoan đạo, không cần đến Lòng Thương Xót?
Thánh Ca: Misericordes sicut Pater (Lời Việt) Nhạc sỹ: P. Kim
Misericordes sicut pater. Hãy biết xót thương như Cha trên trời
Hãy tạ ơn Chúa là Đức Chúa Cha. Vì Lòng Thương Xót muôn đời muôn kiếp. Hãy tạ ơn Chúa là Đức Chúa Con. Vì Lòng Thương Xót muôn đời muôn kiếp. Hãy tạ ơn Chúa là Chúa Thánh Thần. Vì Lòng Thương Xót muôn đời muôn kiếp.
Chúa là bình an cho khắp nhân gian. Vì Lòng Thương Xót muôn kiếp muôn đời. Chúa đã dựng nên trời đất muôn loài. Vì Lòng Thương Xót muôn kiếp muôn đời. Chúa là ánh sáng soi chiếu muôn dân. Vì Lòng Thương Xót muôn kiếp muôn đời. Suối nguồn tình yêu ân phúc chan hoà. Vì Lòng Thương Xót muôn kiếp muôn đời. Chúa là niềm vui tha thứ lỗi lầm. Vì Lòng Thương Xót muôn kiếp muôn đời.
Chúa hằng đưa dẫn thánh của Ngài. Vì Lòng Thương Xót muôn đời muôn kiếp. Hỡi người đói khát hãy đến với Ngài. Vì Lòng Thương Xót muôn đời muôn kiếp. Chúa hằng an ủi sưởi ấm tâm can. Vì Lòng Thương Xót muôn đời muôn kiếp. Tin Mừng Nước Chúa đổi mới đất trời. Vì Lòng Thương Xót muôn đời muôn kiếp.
Chúa hằng tha thứ chờ đón con về. Vì Lòng Thương Xót muôn kiếp muôn đời. Với tình thương mến từ trái tim Người. Vì Lòng Thương Xót muôn kiếp muôn đời. Con hằng cậy trông và mãi hy vọng. Vì Lòng Thương Xót muôn kiếp muôn đời. Ôi tình thương Chúa không bến không bờ. Vì Lòng Thương Xót muôn kiếp muôn đời.
Misericordes sicut pater. Hãy biết xót thương như Cha trên trời.
Suy gẫm 1
Thiên Chúa nhẫn nại và xót thương
Trong Tông Sắc Năm Thánh Lòng Thương Xót, Đức Giáo Hoàng Phanxicô diễn giải bản tính của Thiên Chúa được mô tả một cách thường xuyên trong Cựu Ước với một cặp từ “nhẫn nại và xót thương.” Ngài chính là “Đấng tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi, thương chữa lành các bệnh tật ngươi. Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt, bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà.” ( Tv 103, 3-4 )
Một Thánh Vịnh khác còn liệt kê ra những dấu chỉ của Lòng Thương Xót: “Xử công minh cho người bị áp bức, ban lương thực cho kẻ đói ăn. Chúa giải phóng những ai tù tội, Chúa mở mắt cho kẻ mù loà. Chúa cho kẻ bị dìm xuống đứng thẳng lên, Chúa yêu chuộng những người công chính. Chúa phù trợ những khách ngoại kiều, Người nâng đỡ cô nhi quả phụ, nhưng phá vỡ mưu đồ bọn ác nhân” ( Tv 146, 7-9 ).
Và để kết thúc, còn có một lời nữa của Vịnh Gia: “Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ, những vết thương, băng bó cho lành. […] Kẻ thấp hèn, Chúa nâng đỡ dậy, bọn gian ác, Người hạ xuống đất đen” ( Tv 147, 3 – 6 )
Tóm lại, chúng ta có thể nói, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa không phải là một ý tưởng trừu tượng, nhưng là một thực tại cụ thể, nhờ đó, Ngài mạc khải Tình Yêu của Ngài như là Tình Yêu của một người cha và của một người mẹ, mà con cái nằm sâu trong trái tim. ( TSNTLTX, số 6 )
Thiên Chúa còn khẳng định qua lời ngôn sứ Isaia, Tình Yêu bất tận, sâu xa, thắm thiết, thuỷ chung, vượt qua cả tình mẫu tử bội phần: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình, đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ.” ( Is 49, 15 )
Dẫu con người bội bạc, vô ơn, bất nghĩa, phản phúc đi nữa, Ngài vẫn một lòng chung thuỷ, không hề thay đổi, dù bất đắc dĩ phải ra tay cảnh cáo, răn đe, sửa dạy, phạt vạ. “Trong thời gian ngắn, Ta đã ruồng bỏ người, nhưng vì lòng thương xót vô bờ, Ta sẽ đón ngươi về tái hợp. Lúc lửa giận bừng bừng, Ta đã một thời ngoảnh mặt chẳng nhìn ngươi, nhưng vì tình nghĩa ngàn đời, Ta lại chạnh lòng thương xót. Đức Chúa, Đấng cứu chuộc ngươi, phán như vậy.” ( Is 54, 7-8 )
Trong những đau khổ, gian nguy, khó khăn, người Kitô hữu chúng ta luôn bị cám dỗ rằng, Chúa đã quay mặt đi, bỏ rơi chúng ta cô đơn trong cơn hoạn nạn, trong nỗi khốn cùng. Đâu hiểu rằng đó chính là cảnh cáo, là thử thách, là trui rèn nhân đức, là dịp đền tội lỗi đã phạm, để Chúa thức tỉnh, hồi tâm chúng ta ăn năm sám hối. Hay đó chính là cơ hội quý báu, để dứt khoát quay về, tìm đến nương tựa Lòng Thương Xót Chúa, như người con hoang đàng bế tắc, phá sản, đói khát, khốn quẫn, cùng đường, chỉ còn biết tìm về với Người Cha Nhân Lành che chở, cứu giúp.
Thánh Ca: Yêu như Cha trên Trời. Tác giả: Lm Duy Linh.PHN
ĐK: Yêu thương tha thứ như Cha trên trời. Yêu thương tha thứ như Cha trên trời. Yêu thương tha thứ như Cha trên trời. Yêu thương tha thứ như Cha trên trời.
PK 1: Cha yêu thương con dù năm tháng trôi qua. Nhưng trong tim Cha tình thương không nhạt nhoà. Dẫu bao nhiêu ngày vẫn kiên tâm đợi chờ. Giữ con trong vòng tay như khi con còn ấu thơ.
PK 2: Cha yêu thương con tình sao quá bao la. Mong noi gương Cha hãy yêu nhau thật thà. Lỗi bao nhiêu lần thứ tha không quản ngại. Cứ vui lòng bỏ qua như Cha luôn hằng thứ tha.
PK 3: Yêu như Cha yêu là tha thứ cho nhau. Yêu như Cha yệu là thương kẻ thù mình. Biết quên thân mình để chung xây hoà bình. Biết hy sinh lợi danh để nên một chứng nhân.
Kết: Hãy yêu thương như Cha trên trời. Hãy yêu thương như Cha trên trời. Hãy yêu thương như Cha trên trời.
Suy gẫm 2
Thiên Chúa là Tình Yêu
“Thiên Chúa là Tình Yêu,” ( 1 Ga 4, 8-16 ) Thánh sử Gioan đã xác nhận như thế lần đầu tiên và là một lần duy nhất trong toàn bộ Kinh Thánh. Tình Yêu này rõ ràng và trở nên cụ thể trong toàn bộ cuộc sống của Chúa Giêsu. Ngôi vị của Ngài không phải là bất cứ điều gì khác ngoài Tình Yêu, một Tình Yêu tự hiến.
Những dấu chỉ của Ngài, chẳng hạn như đối với các tội nhân, với những người nghèo, những người bị đẩy ra bên lề, các bệnh nhân và những người đau khổ, chính là một bài học về Lòng Thương Xót. Tất cả trong Ngài đều nói về Lòng Thương Xót. Không có bất cứ điều chi trong Ngài mà không phải là sự chạnh lòng thương. Khi Chúa Giêsu thấy nhiều người đi theo Ngài, đang bị mệt mỏi và kiệt sức, bị bỏ rơi và như đoàn chiên không có chủ chăn, Ngài đã chạnh lòng thương họ với nỗi cảm thông sâu xa trong con tim của Ngài. ( Mt 9, 36)
Trong sức mạnh của Tình Yêu cảm thông, Ngài đã chữa lành các bệnh nhân, mà người ta mang đến cho Ngài, ( Mt 14, 14 ) và với một ít chiếc bánh mì và vài con cá, Ngài đã làm cho nhiều người được no nê. ( Mt 15, 37 )
Điều đã thúc đẩy Chúa Giêsu trong tất cả những tình huống đó, không phải là bất cứ điều gì khác ngoài Lòng Thương Xót, với sự giúp đỡ dành cho con người, Chúa Giêsu đã hiểu để đọc ra những gì đang có trong tâm hồn của những người đang đối diện với Ngài, và điều ấy đã cho phép Ngài đáp ứng lại những nhu cầu chân thực nhất của họ. Khi Ngài gặp bà góa thành Na-im, người đang tiễn đứa con duy nhất của mình tới mộ, Ngài đã cảm thấy có một sự đồng cảm mạnh mẽ với sự đau đớn khôn cùng của một người mẹ, đang than khóc đứa con của mình, đến độ Ngài đã làm cho người con ấy được phục sinh từ cõi chết, và trao người con này lại cho bà ( Lc 7, 15 ).
Sau đó, Ngài đã trừ quỷ cho một người bị quỷ ám tại Ge-ra-sa, và đã trao cho anh ta một sứ mạng: “Anh cứ về nhà với thân nhân, và loan tin cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương anh như thế nào.” ( Mc 5, 19 ).
Ngay cả ơn gọi của Mát-thêu cũng đã diễn ra trước viễn tượng Lòng Thương Xót. Khi Chúa Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, Ngài đã đưa mắt nhìn Mát-thêu. Đó là ánh mắt của Lòng Thương Xót, ánh mắt ấy đã tha thứ mọi tội lỗi cho con người này. Ngài đã tuyển chọn ông với một cách thức khác hẳn với các môn đệ khác, vì ông là một tội nhân và là một quan chức ngành thuế, và đã làm cho ông trở thành một trong mười hai Tông Đồ. Thánh Bê-đa đáng kính đã viết trong phần chú giải của Ngài về chương Tin Mừng này rằng, Chúa Giêsu đã ngắm nhìn và đã tuyển chọn Mát-thêu với Tình Yêu đầy Lòng Xót Thương: miserando atque eligendo. ( TSNTLTX, số 8 )
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, kính xin Chúa ghé ánh mắt nồng nàn yêu thương, tràn đầy Lòng Thương Xót thứ tha, chiếu rọi thẳng vào tâm hồn chúng con, vốn bất hạnh, bất hảo, bất tín, khô khan, lạnh lẽo. Xưa Chúa đã đoái thương nhìn đến Matthêu, người phục nữ tội lỗi, Mađalêna, người trộm lành, để họ được cảm nhận sâu sắc Lòng Thương Xót, được tỉnh ngộ, biến đổi, hoán cải hoàn toàn. Nay chúng con cũng khẩn cầu Chúa thương xót, đoái nhìn, cứu thoát chúng con khỏi chìm đắm trong u mê tối tăm tội lỗi.
Thánh ca: Chúa giàu Lòng Thương Xót. Tác giả: Phan Hùng
1. Lạy Chúa! Ngài giàu lòng xót thương, xin ban ơn phù giúp con đêm ngày. Lạy Chúa! Ngài rộng lòng thứ tha, xin rộng ban tình yêu và tha thứ, ban cho con đầy hồng ân chan chứa, xin cho con luôn say men tình Chúa. Chúa yêu con người, chết cheo thập hình, để cứu độ trần gian.
2. Lạy Chúa! Ngài dạy con hãy đi, loan Tin Vui của Chúa đến muôn người. Lạy Chúa! Ngài dạy hãy thứ tha, xin tha cho những kẻ làm ân oán, ban cho con rộng lòng đầy nhân ái, luôn yêu thương mọi người là con Chúa. Giống như cha hiền, ngóng trông con về, để đón mừng người con.
3. Lạy Chúa! Ngài là nguồn suối ân, ban ơn thiêng của Chúa đến gian trần. Lạy Chúa! Ngài bảo con bước theo, loan Tin Vui của Ngài cho thế giới, đem yêu thương ngập tràn muôn khắp chốn, reo hân hoan vào lòng người đau khổ. Để đem Tin Mừng, Phúc Âm của Ngài, để đón nhận hồng ân.
4. Lạy Chúa! Ngài đã từng rửa chân, xin cho con hãy biết luôn khiêm nhường. Lạy Chúa! Ngài đã từng bảo ban, đem ủi an những người đang khốn khó, chia cho nhau những hạt cơm manh áo, luôn cho đi những gì mình đang có. Để cho mọi người, biết nhận được rằng: Đó chính là TÌNH YÊU.
ĐK: Lòng Thương Xót của Ngài đến chúng con, dìu con đến tận nguồn của thánh ân, để con đi loan Tin Mừng Chúa. Vòng tay Chúa Ngài rộng mở thứ tha, để ôm lấy cả tội lỗi chúng con, trái tim Người ban phát nguồn Tình yêu.
Suy gẫm 3
Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm bất bình và giầu tình thương.
(Tv 103, 8 )
Trong những dụ ngôn nói về Lòng Thương Xót, Chúa Giêsu đã mạc khải bản tính Thiên Chúa như là bản tính của một người Cha, mà người Cha này sẽ không bao giờ bỏ cuộc, nếu như trước đó đã không tha thứ hết mọi tội lỗi và vượt lên trên sự khước từ với sự cảm thông và Lòng Thương Xót. Chúng ta biết về những hình ảnh này từ ba dụ ngôn hoàn toàn đặc biệt: Dụ ngôn về con chiện lạc, dụ ngôn về đồng bạc được tái tìm thấy, và dụ ngôn về người cha với hai đứa con trai của ông ( Lc.15, 1-32 ). Trong những dụ ngôn ấy, niềm vui của người cha trong phút giây tha thứ được nhấn mạnh một cách đặc biệt.
Từ một dụ ngôn khác, chúng ta nhận được một giáo huấn đối với đời sống Kitô giáo đích thực của chúng ta. Được khơi lên bởi câu hỏi của Thánh Phêrô, người muốn biết về việc người ta phải thường xuyên tha thứ như thế nào, Chúa Giêsu đã trả lời: “Không phải bảy lần, mà là bảy mươi lần bảy” ( Mt 18, 22 ), và Ngài khóa lại điều đó bằng một dụ ngôn về “tên đầy tớ không có lòng thương”.
Khi viên đầy tớ này cần phải trả lại cho chủ của mình một khối tài sản khổng lồ, anh ta đã quỳ gối xuống van xin chủ, và người chủ đã tha nợ cho anh ta. Ngay sau đó, anh ta gặp một người đầy tớ khác, người này đang nợ anh ta một vài xu. Người này cũng quỳ gối xuống để van xin anh ta thương xót, nhưng anh ta khước từ và bắt nhốt người đầy tớ ấy trong tù. Khi người chủ hay tin về chuyện đó, ông đã đùng đùng nổi giận, truyền cho tên đầy tớ đó tới và nói với anh ta: “Hỡi tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, chẳng lẽ ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?” ( Mt 18, 32-33 ). Và Chúa Giêsu thêm vào: “Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.” ( Mt 18, 35 )
Dụ ngôn này chứa đựng một giáo huấn sâu sắc đối với mỗi người chúng ta. Chúa Giêsu đã xác định rằng, Lòng Thương Xót không phải chỉ là một nét đặc trưng nơi hành động của Thiên Chúa. Nói cho đúng hơn, Lòng Thương Xót còn là tiêu chuẩn, mà nhờ đó người ta nhận ra những ai thực sự là con Thiên Chúa. Như vậy, chúng ta được kêu gọi để thực thi Lòng Thương Xót, bởi chính Lòng Thương Xót cũng đã được biểu lộ với chúng ta rồi.
Sự tha thứ cho sự bất công đã mắc phải chính là một sự diễn tả rõ ràng nhất về Tình Yêu nhân hậu, và đối với các Kitô hữu chúng ta, nó trở thành một mệnh lệnh mà chúng ta không thể khước từ.
Việc để lại đàng sau chúng ta sự oán hận, cơn tức giận và sự báo thù chính là một điều kiện cần thiết đối với một cuộc sống hạnh phúc. Vì thế, chúng ta hãy đón nhận lời khuyên của Thánh Tông Đồ: “Chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn.” ( Ep 4, 26 ) Và trước hết, chúng ta hãy nghe Lời của Chúa Giêsu, Đấng đã làm cho Lòng Thương Xót trở thành một lý tưởng sống cũng như trở thành tiêu chuẩn cho sự chính xác nơi việc làm chứng của Đức Tin chúng ta: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” ( Mt 5, 7 ) đó là mối phúc mà chúng ta nên để cho mình được khích lệ trong Năm Thánh này với sự hy sinh đặc biệt.( TSNTLTX, số 9 )
Kinh Thương Người Có Mười Bốn Mối.
Thương người có mười bốn mối.
Thương xác bẩy mối:
1. Thứ nhất: cho kẻ đói ăn.
2. Thứ hai: cho kẻ khát uống.
3. Thứ ba: cho kẻ rách rưới ăn mặc.
4. Thứ bốn: viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc.
5. Thứ năm: cho khách đỗ nhà.
6. Thứ sáu: chuộc kẻ làm tôi.
7. Thứ bảy: chôn xác kẻ chết.
Thương linh-hồn bẩy mối:
1. Thứ nhất: lấy lời lành mà khuyên người.
2. Thứ hai: mở dậy kẻ mê muội.
3. Thứ ba: yên ủi kẻ âu lo.
4. Thứ bốn: răn bảo kẻ có tội.
5. Thứ năm: tha kẻ dể ta.
6. Thứ sáu: nhịn kẻ mất lòng ta.
7. Thứ bảy: cầu cho kẻ sống và kẻ chết.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô mong muốn khẩn khoản mời gọi các Ki-tô hữu chúng ta suy tư về các công việc của Lòng Thương Xót: Thương Người Có Mười Bốn Mối. Chúng ta hãy tái khám phá ra những công việc của Lòng Thương Xót đối với thân xác: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, cho khách đỗ nhà, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, chôn xác kẻ chết, chuộc kẻ làm tôi. Và chúng ta cũng đừng quên những công việc của Lòng Thương Xót đối với linh hồn: lấy lời lành mà khuyên người, dậy dỗ kẻ mu muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết.
Chúng ta không thể lẩn tránh khỏi những Lời của Thiên Chúa, mà sẽ có ngày chúng ta sẽ bị kết án dựa trên những Lời đó: Chúng ta có cho những con người đang đói cái gì đó để họ ăn, và chúng ta có trao nước cho những người đang khát để họ uống không? Chúng ta có đón tiếp những người khách lạ vào nhà cũng như có trao quần áo cho những người ăn mặc rách rưới để họ mặc không? Chúng ta có dành thời gian để thăm viếng các bệnh nhân cũng như các tù nhân không? ( Mt 25, 31-45 ).
Giống hệt như thế, chúng ta cũng sẽ bị tra vấn về việc chúng ta có giúp đỡ người khác, để họ vượt qua những nỗi nghi nan hay không, mà những nỗi nghi an ấy có thể khơi lên nỗi sợ hãi cũng như thường gây ra nỗi cô đơn? Chúng ta có đến gần với những con người mà họ đang bị cô đơn và đang bị phiền não hay không? Chúng ta có tha thứ cho những người mà họ đã xúc phạm đến chúng ta không? Chúng ta có khước từ bất cứ mọi hình thức oán hận và căm thù nào mà chúng thường dẫn tới bạo lực hay không? Chúng ta có kiên nhẫn theo gương của Chúa, Đấng luôn rất kiên nhẫn với chúng ta không? Và sau cùng, chúng ta có trao phó những người anh em và những người chị em của chúng ta cho Chúa trong lời cầu nguyện không? Chúa Kitô đang hiện diện trong bất cứ một con người nào trong số “những người nhỏ bé nhất” ấy. (TSNTLTX, số 15)
Thánh ca: Hãy có lòng thương xót. Tác giả: Sr Clara Chu Linh, OP
ĐK: Hãy có Lòng Thương Xót như Chúa Cha. Hãy có Lòng Thương Xót như Chúa Cha. Hãy đem Lòng Thương Xót đến muôn nơi và hãy có lòng tín thác nơi Người.
PK1 & PK2: Đừng xét đoán anh em sẽ không bị Chúa xét đoán. Đừng lên án anh em sẽ không bị án luận phạt. Hãy tha thứ anh em sẽ được Chúa thứ tha. Hãy cho đi anh em sẽ được Chúa cho lại. Đong bằng đấu nào Thiên Chúa đong lại bằng đấu ấy.
Kinh Năm Thánh Lòng Thương Xót
Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã dạy chúng con phải thương xót như Cha trên trời, và cho chúng con biết: ai thấy Chúa là thấy Chúa Cha. Xin tỏ cho chúng con thấy nhan thánh Chúa và chúng con sẽ được cứu thoát. Ánh mắt yêu thương của Chúa đã cứu Giakêu và Matthêu khỏi vòng nô lệ tiền bạc; đã giúp người đàn bà ngoại tình và Mađalêna không còn kiếm tìm hạnh phúc nơi thụ tạo; đã khiến Phêrô khóc lóc vì trót phản bội Chúa,và đã hứa Thiên Đàng cho người trộm cướp có lòng ăn năn. Xin cho chúng con biết lắng nghe, như chính Chúa đang gửi đến mỗi người chúng con, những lời Chúa đã nói với người phụ nữ Samaria: "Nếu chị biết nhận ra ơn Chúa!" Chúa là gương mặt hữu hình của Chúa Cha vô hình, gương mặt của Thiên Chúa đang đem lòng xót thương và tha thứ mà biểu lộ uy quyền trên mọi sự: xin cho Hội Thánh được nên gương mặt hữu hình của Chúa nơi trần gian, gương mặt của Chúa sống lại hiển vinh.Chúa đã muốn các thừa tác viên của Chúa cũng phải khoác lên người sự yếu đuối để biết đồng cảm với những người đang sống trong u mê và lầm lạc: xin cho mọi người đến với các thừa tác viên đều thấy mình được Thiên Chúa tìm kiếm, yêu thương và tha thứ. Xin Chúa hãy gửi Thánh Thần đến và xức dầu thánh hiến mỗi người chúng con, để Năm Thánh Lòng Thương Xót này trở thành năm được Chúa ban ân sủng, để Hội Thánh Chúa được thêm lòng nhiệt thành mang Tin Mừng đến với người nghèo, loan báo tự do cho những người bị giam cầm và áp bức, và cho người mù lại được nhìn thấy. Nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót, chúng con nguyện xin Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, đến muôn thuở muôn đời.Amen.
Thánh Ca Tantum Ergo
Phép Lành Thánh Thể
AM Trần Bình An
Nguồn : Thánhlinh.net
Các chủ đề cùng thể loại mới nhất:
|
|