Ngày 08-05-2016: Lễ Chúa Thăng Thiên



SUY NIỆM CHÚA NHẬT


LỄ CHÚA THĂNG THIÊN




Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 24: 46-53)

46 và Người nói: "Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại;47 phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội.48 Chính anh em là chứng nhân về những điều này.49"Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống."50 Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bê-ta-ni-a, rồi giơ tay chúc lành cho các ông.51 Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời.52 Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giê-ru-sa-lem, lòng đầy hoan hỷ,53 và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.


SUY NIỆM

Có sự hiệp nhất nào tuyệt diệu và hoàn hảo ở trên thế gian này không? Đối với con người thì không thể, nhưng đối vối Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể. Thật vậy, nhìn vào Ba Ngôi Thiên Chúa, chúng ta thấy đó là một sự hiệp nhất trọn vẹn, trọn vẹn trong tình yêu. Chúa Giêsu đã khẳng định Ngài với Chúa Cha là một, vì Chúa Cha ở trong Ngài và Ngài ở trong Chúa Cha. Chính vì thế, Chúa Giêsu mong ước Giáo Hội được hiệp nhất, những ai tin vào Ngài được hiệp nhất, nên Ngài đã cầu xin với Chúa Cha “Con không cầu xin cho chúng mà thôi, nhưng còn cho tất cả những kẻ nhờ lời chúng mà tin vào Con, để mọi người nên một cũng như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha”. Sự hiệp nhất của Chúa Cha và Chúa Con là kiểu mẫu cho sự hiệp nhất nơi những người tin vào Chúa Kitô.

Không có sự hiệp nhất thì hậu quả sẽ vô cùng đau thương: đối nghịch, chia rẽ, hận thù và cuối cùng đó là chết chóc. Không hiệp nhất chỉ để lại nổi đau và bất an, ngay cả trong gia đình, trong những cộng đoàn công giáo, và trong Giáo Hội.

Chúa Giêsu không chỉ cầu nguyện cho sự hiệp nhất nơi những người tin vào Chúa, mà Ngài còn để lại một cho Giáo Hội nguồn ơn hiệp nhất, đó chính là bí tích Thánh Thể. Nơi bí Tích Thánh Thể, người kitô hữu được hiệp nhất với Chúa và với nhau cách thâm sâu nhất, đặc biệt là hiệp nhất trong đức tin, đức cậy và đức mến.

Thánh Phaolô, trong thư gửi tín hữu Corintô, đã dùng hình ảnh các chi thể của một thân thể, để nói về sự hiệp nhất của Giáo Hội trong sự đa dạng, trong sự bổ túc và liên đới giữa các kitô hữu với nhau. Sự liên đới này chính là nền tảng, là sức mạnh để làm cho cộng đoàn và Giáo Hội luôn phát triển.

Mỗi người kitô hữu chúng ta hãy sống sự hiệp nhất đó ngay trong gia đình và trong giáo xứ của mình. Hãy siêng năng đến đón nhận bí tích Thánh Thể, vì đó là nguôn ơn sự hiệp nhất. Như Chúa Giêsu cầu nguyện cho sự hiệp nhất, chúng ta cũng hãy luôn nhớ cầu nguyện cho sự hiệp nhất trong giáo xứ, giáo phận và trong Giáo Hội, để tất cả nên một với Chúa và với nhau,

Lạy Chúa Giêsu mến yêu, Chúa ước mong chúng con hiệp nhất với nhau, Chúa đã cầu nguyện cho sự hiệp nhất của chúng con, chúng con dâng lên Chúa lời tạ ơn và chúc tụng. Chúng con ý thức rằng, tự sức chúng con không thể hiệp nhất được với nhau nếu không có ơn Chúa, xin cho chúng con biết siêng năng đến với Bí Tích Thánh Thể, để sống sự hiệp nhất với Chúa. Lạy Chúa Giêsu, Xin hiệp nhất tất cả chúng con nên một trong tình yêu của Chúa. Amen.



GKGĐ Giáo phận Phú Cường