Thánh Matthêu Lê Văn Gẫm
(1813-1847)






Matthêu Lê Văn Gẫm
, Sinh năm 1813 tai Gò Công, Biên Hòa, Giáo dân, Thương gia, bị xử trảm ngày 11 tháng 5 năm 1847 tại Chợ Ðũi dưới đời vua Thiệu Trị, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 11/05

Liều thân vì đại nghĩa

Năm 1844, theo lời yêu cầu của Đức cha Cuénot Thể, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XVI chia giáo phận Đàng Trong thành hai giáo phận: Giáo phận Đông gồm các tỉnh miền Trung, và giáo phận Tây gồm các tỉnh Miền Nam và Campuchia. Giáo phận tây được giao cho Đức cha Lefèbvre Nghĩa, khi đó đã bị trục xuất và đang ở Singapour. Phải đưa Đức cha về giáo phận, đó là điều mong ước của toàn thể tín hữu và hàng giáo sĩ ở Nam Việt. Thánh Matthêu Gẫm đã đứng ra đảm nhiệm công tác này, dù đã lường trước được những nguy hiểm đến tính mạng. Và thực tế, ngài đã bị bắt và đã hy sinh vì sứ mạng này. Tấm gương sáng ngời của thánh nhân sẽ muôn đời sống mãi trong lòng các tín hữu Việt Nam yêu mến Giáo Hội mình.

Người gia trưởng gương mẫu

Matthêu Lê Văn Gẫm chào đời năm 1813 thời vua Gia Long, tại họ Tắt, thuộc làng Long Đại, xứ Gò Công, tỉnh Biên Hòa (nay thuộc quận 9, TPHCM). Là con đầu lòng trong một gia đình năm anh em trai và một em gái út, Matthêu Gẫm đã thừa hưởng nơi thân phụ, ông Phaolô Lê Văn Lại và thân mẫu, bà Maria Nguyễn Thị Nhiệm, một truyền thống đạo đức thâm sâu.

Năm 15 tuổi, cậu Gẫm xin phép cha mẹ gia nhập chủng viện Lái Thiêu để tu học linh mục. Nhưng chỉ một tháng sau, song thân đã đến xin cậu về. Vì là anh cả một đàn em nhỏ dại, cậu đã vâng lời cha mẹ về phụ giúp gia đình lao động kiếm sống. Và Chúa đã hướng dẫn cậu theo lối khác. Khoảng 20 tuổi, chàng thanh niên vạm vỡ ấy kết hôn với một thiếu nữ thuộc họ Thành, làng Long Điền, Bà Rịa (Nay thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Nai). Hai vợ chồng sống với nhau rất êm ấm thuận hòa và sinh dạ được bốn người con.

Trong nghề thương mại thường phải xa nhà, một lần kia Matthêu Gẫm sa ngã, theo đuổi mọt thiếu nữ khác. Nhưng khi nghĩ lại, ông cương quyết từ bỏ mối tình ngang trái. Để bù lại, ông tỏ ra yêu vợ nhiều hơn, và chú tâm vào việc giáo dục con cái, nhất là về đời sống đạo đức. Trong bốn người con thì con trưởng và con út qua đời vì bệnh, người thứ hai ra cản việc đốt nhà thờ Cầu Ngang nên bị giết, còn người thứ ba bị bắt vì đạo và chết thiêu trong khám đường cùng với nhiều người khác tại Bà Rịa ngày 07.01.1862. Hai người con sẵn sàng chết vì đức tin, quả là bằng chứng rõ rệt về đường lối giáo dục đức tin của ông.

Người thương gia quảng đại

Vì có thuyền riêng và rành nghề sông biển, công việc buôn bán của ông Matthêu Gẫm càng ngày càng phát đạt. Ông quảng đại giúp đỡ các giáo sĩ, và được các thừa sai tín nhiệm. Trong chương trình của cha Lợi, quản lý nhà chung Bà Rịa thì thỉnh thoảng ông lại làm một chuyến qua Hạ Châu (Singgapour) hay Pénang (Mã Lai) để đón các thừa sai và các chửng sinh Việt Nam du học về nước, hoăc chuyển các đồ thờ tự và sách báo đạo. Một số chuyến đi về êm xuôi, nhưng rồi công việc bại lộ, và các quan địa phương để ý theo dõi ông rất gắt.

Năm 1846, vì nhu cầu của giáo phận, ông nhận lời với cha Lợi sang Singapour đón Đức cha Đaminh Lefèbvre Nghĩa, cha Duclos Lộ và ba chủng sinh về Sài Gòn. Như có linh cảm chuyến này khó thoát, nên ông đến từ giã cha mẹ nội ngoại, dặn dò vợ con kỹ càng ước vọng của mình rồi lên đường. Chuyến đi được êm xuôi. Ngày 23.05, thuyền nhổ neo quay về thì gặp bão tố, và mất thêm bốn ngày trốn chạy một tàu cướp biển, nên ông chễ hẹn. Ngày 06.06, ông Gẫm mới vào đến cửa Cần Giờ, ông trùm Huy họ Chợ Quán đã chờ ở đó sáu ngày để chuyển người mà không gặp, nên đã chở về nhà.

Vì biết mình là đối tượng bị theo dõi, ông Gẫm đã cẩn thận neo thuyền chờ thêm hai ngày, đến khi không thấy ai ra đón, mới quyết định đánh liều đi sâu vào Sài Gòn. Vừa thoát qua một đồn canh, ông gặp một chiếc thuyền tuần tiễu, ông nhanh trí hối lộ cho họ 10 nén bạc để thoát thân. Năm người lính trên thuyền này, sau một hồi tranh luận, sợ chuyện bị bại lộ, nên quay thuyền lại và rượt theo để trả tiền rồi bắt thuyền ông. Ông Gẫm kêu gọi các anh em trên thuyền hợp lực, định chống trả, nhưng Đức cha Nghĩa không đồng ý, vì cho rằng trái với tinh thân nhân hậu của Kitô giáo.

Khổ giá và vinh quang

Sáng ngày 08.06.1846, với sự yểm trợ của một số lính trên thuyền khác mới tới, quan lính nhà vua áp tải thuyền ông Gẫm về Bến Nghé. Đức cha Nghĩa và cha Lộ bị giam ở Công Quán. Cha Lộ qua đời trong tù ngày 17.07.1846, còn vị Giám mục thì được giải ra kinh đô Phú Xuân. Tại đây vua Thiệu Trị lên án xử trảm, sau đổi thành án trục xuất về Singapour, sau ngài lại tìm cách vào Việt Nam. Ông Matthêu Gẫm tự nhận là người chủ mưu nên bị biệt giam ở Sài Gòn.

Vài ngày sau, các quan đưa ông ra tòa lấy khẩu cung và kêu gọi quá khóa. Dù bị đòn đánh đau đớn, ông Gẫm vẫn hiên ngang chịu đựng, không khai một ai, cũng không chịu bước qua Thánh Giá. Trước tòa, ông khai tên là Lê Văn Bửu, còn bản án lại ghi tên Lê Văn Bối. Sau 20 ngày, các quan làm án gửi về kinh đô xin xử chém, nhưng nhà vua chần chừ đến năm sau mới quyết định.

Trong thời gian chờ vua phê án, ông Gẫm phải mang gông xiềng nặng nề, nhưng lúc nào cũng giữ được bình tĩnh vui vẻ. Ông nói : "Tôi có ăn trộm ăn cướp gì đâu mà sợ, mà buồn. Được chết vì đạo là điều tốt lắm". Cha Thán ba lần cải trang vào thăm giải tội và trao Mình Thánh. Cha Phan Văn Minh (tử đạo ngày 03.07.1853) cũng vào thăm và khích lệ. Các tín hữu Chợ Quán, Thị Nghè, An Nhơn và họ Lăng (Chí Hòa) cũng rủ nhau đến thăm viếng người anh hùng của giáo phận. Thân phụ ông Gẫm và người em, ông đội Phaolô Bằng, vì liên hệ gia đình cũng bị bắt giam tại Biên Hòa. Thân mẫu ông và các em khác trốn tránh quanh vùng Thủ Đức cũng vào ngục thăm ông một vài lần.

Sau bảy tháng ông Gẫm bị giam, bản án được vua Thiệu Trị châu phê, nhưng vì trùng vào dịp cuối năm, vua ra lệnh dời qua tết mới thi hành. Sau tết, một vài viên quan ở trấn Gia Định có cảm tình với người thương gia hiền lành, viện cớ chính vị giám mục cũng không bị xử tử, làm đơn xin vua giảm án của ông Gẫm thành án lưu đày chung thân. Nhưng tháng 03.1847, khi quân đội triều đình giao tranh và thua quân Pháp ở Đà Nẵng, nhà vua quyết định không ân xá gì nữa.

Ngày 11.05.1847, ông Lê Văn Gẫm được đưa đến pháp trường "Da Còm", tên một cây đa tróc gốc cằn cỗi ở đó (nay là xứ Chợ Đũi, khi đó còn thuộc xứ Chợ Quán), các vị tín hữu và lương dân hiện diện rất đông. Ba người em của vị anh hùng đức tin, là Tôma Trọng, Phaolô Bằng và Anrê Nguyện, cũng có mặt trong cuộc xử anh mình. Ông đội Bằng và ông Trùm Phước phải xô đẩy đám đông để đưa cha Thán đến gần giải tội lần cuối cùng cho anh mình. Ông đội cũng tặng đao phủ ba quan tiền đề anh ta chém thật gọn, giúp anh mình đỡ đau đớn.

Thế nhưng nghe tiếng chiêng trống, và thấy thái độ thương tiếc của nhiều người tham dự, viên đao phủ không giữ được bình tĩnh phải chém đến ba nhát, đầu vị tử đạo đạo mới lìa khỏi cổ. Các người en vị tử đạo và các tín hữu ùa vào, ráp đầu vị chứng nhân với thân mình, khâu lại, thay áo trắng, lấy khăn xanh quấn quanh cổ ngài, rồi đặt lên võng khiêng về an táng tại họ Chợ Quán.

Năm 1870, bà nhiệm, thân mẫu vị tử đạo thuật lại ở tòa điều tra phong thánh rằng : "Hai vợ chồng chúng tôi nghe con chết thì chẳng còn thảm thiết gì, một vui lòng mà rằng : chết vậy đặng làm thánh".
Ngày 27.05.1900, Đức Lêo XIII suy tôn ông Matthêu Lê Văn Gẫm lên bậc Chân Phước. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.

Nguồn từ thư viện Đa Minh
Trường thi tử Đạo.

Giáo dân Lê Văn Gẫm tử đạo
Sinh Quý Dậu (1813) thông thạo Gò Công
Mười lăm tuổi xin vào dòng
Mẹ cha chẳng chịu buộc lòng phải ra

Theo mẹ cha về nhà sinh sống
Lập gia đình khăn đóng áo dài
Họ Thành bên vợ sánh vai
Long Ðiền Bà Rịa miệt mài bán buôn

Nghề thương mại Gẫm luôn xa vợ
Ðã ngã sa nên lỡ đèo bòng
Hồng ân Thiên Chúa quan phòng
Hồi tâm từ bỏ thoát vòng trái ngang

Rồi sau đó sẵn sàng hoán cải
Sống thủy chung con cái yêu thương
Bốn con giáo dục theo đường
Gia đình đạo đức Chúa thương thuận hòa

Bị thử thách thật là quá nặng
Hai người con bệnh nặng ra đi
Còn anh cản trở chưa đi
Nhà thờ chúng đốt ắt thì ra can

Cả bọn chúng dã man đã giết
Con thứ tư đặc biệt hơn nhiều
Bắt vì đạo bị chết thiêu
Khám đường bốc cháy với nhiều tù nhân

Về gia cảnh, thập phần gian khổ
Việc bán buôn, Chúa đổ ơn riêng
Làm ăn phát đạt triền miên
Ông luôn giúp đỡ, khắp miền thừa sai

Giúp giáo sĩ, trong ngoài ẩn trốn
Rất nhiệt thành khiêm tốn sớm trưa
Ðức cha Ngãi ông nhận đưa
Sài Gòn về đến, kẻ thưa bắt liền

Lính giải ông và truyền tống ngục
Ðến ngày mai tiếp tục khẩu cung
Lệnh quan mi phải phục tùng
Tên chi khai báo ở vùng nào đâu

Thưa quan lớn khởi đầu tên Bửu
Sau đổi Gẫm dắt díu tới nay
Singapore buôn muối qua ngày
Gặp Tây giáo sĩ nơi này quá giang

Tôi chở họ trên đàng về nước
Lấy tiền công có được đâu sai
Quan cho lính nọc nằm dài
Ba mươi trượng đánh mi khai dối lừa

Lê Văn Gẫm kính thưa quan án
Tại Hạ Châu mua bán đã xong
Chuyến về thuyền chạy xuôi dòng
Quá giang Giáo sĩ thuận lòng chở theo
Gẫm khai đúng, quan đèo đánh mãi
Chở Tây về làm cái gì đây
Lòng tôi mộ mến hai Thầy
Sang đây giảng đạo tràn đầy tình thương

Về Chợ Sỏi, mở đường rao giảng
Tôi chở đi có phản ai đâu
Cải tà quy chánh ngõ hầu
Phượng thờ Thiên Chúa nhiệm mầu uy linh

Quan nổi giận bực mình quát lớn
Về nhà ai, chẳng ớn sợ ta
Tôi khai thành thật rõ mà
Nếu quan không thuận, tôi đà nói theo

Quan Thượng giận, gông đeo tống ngục
Ðể lính canh tiếp tục tấn tra
Hôm sau quan dụ sẽ tha
Nếu chịu quá khóa, quan đà thưởng công

Tôi khẳng định sẽ không bỏ đạo
Dù Vua Quan tàn bạo tới đâu
Triều đình bản án về tâu
Chứng nhân anh dũng cứng đầu kiên gan

Các Linh Mục, cải trang giải tội
Trao Máu Mình, sám hối ăn năn
Gia đình thân phụ vào thăm
Chia tay an ủi khuyên răn nguyện cầu

Mấy quan chức đơn tâu giảm án
Cho lưu đầy, ly tán chung thân
Giao tranh thua Pháp thiệt quân
Nhà Vua quyết định nên cần thẳng tay

Ðến pháp trường, ở ngay Chợ Quán
Gọi Da Còm buổi sáng tháo gông
Ðưa tiền đao phủ chém ông
Sao cho thật gọn để không đau lòng

Vừa mới dứt tiếng, xong chiêng trống
Người tiếc thương, xô đống khóc than
Viên đao phủ quá vội vàng
Phải ba lần chém, đứt ngang rơi đầu

Phúc tử đạo từ lâu mong ước
Năm Ðinh Mùi (1847) mới được hiến thân
Võng khiêng đem sẵn lại gần
Thay liền áo trắng, cổ cần khăn xanh

Ðưa Chợ Quán vinh danh an táng
Một chứng nhân xứng đáng kiên trung
Tuyên xưng đạo Chúa uy hùng
Matthêô Thánh Gẫm Thiên Cung đón chào

Người chiến sĩ máu đào tuôn đổ
Tại Sài Gòn giữa chỗ thành đô
Vinh danh Thiên Chúa tung hô
Nêu gương tử đạo điểm tô rạng ngời

Năm Canh Tý (1900) tuyệt vời phong thánh
Ðức Thánh Cha Lêô mười ba
Từ Roma lệnh ban ra
Lên hàng Á thánh hoan ca Nước Trời


Lời bất hủ: Khi thánh Gẫm bị mang gông xiềng xích nặng nề ngài bình tĩnh vui vẻ nói: "Tôi có ăn trộm, ăn cướp gì đâu mà sợ, mà buồn. Ðược chết vì đạo là điều tốt lắm". Thân mẫu của thánh Gẫm là cụ Nhiệm thuật lại trước toà phong thánh rằng: "Hai vợ chồng chúng tôi nghe con chết thì chẳng có thảm thiết gì, một vui lòng mà rằng: chết vậy đặng làm thánh".