LỄ CẦU CHO CÁC LINH HỒN 2016:
TIN VÀO SỰ SỐNG ĐỜI SAU - KÍNH NHỚ TỔ TIÊN



Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

Tại Philippines, từ chiều ngày Lễ các Thánh, các gia đình cùng nhau đến nghĩa trang, họ trải bạt chung quanh phần mộ hoặc ở hẳn trong những ngôi nhà mồ của người thân, cùng ăn uống sinh hoạt và ngủ qua đêm bên các phần mộ, cho đết hết ngày mồng hai. Tại Việt nam, cứ vào những ngày cuối năm dù bận rộn với nhiều công việc, mỗi chúng ta được mời gọi dành những ngày này, để nhớ đến các linh hồn, cách riêng là tổ tiên ông bà và người thân đã qua đời. Hình ảnh người người, nhà nhà chuẩn bị phần mộ, lau rửa, cắm hoa, đọc kinh cho người thân, cho chúng ta cảm giác có sự gần gũi giữa người sống và kẻ chết. Trong cách người thân lau rửa các phần mộ còn chứa đựng cả tấm lòng biết ơn và thương nhớ dành cho người đã khuất. Người ta cảm thấy có sự liên hệ gần gũi giữa người sống và người chết, vì thế có người vừa rửa mộ vừa nói chuyện với những người nằm dưới nấm mồ đó.

Sự gần gũi và cách bày tỏ lòng yêu mến, biết ơn đối với người đã khuất phần nào phản ánh được niềm tin của người Công Giáo. Đức tin Công Giáo dạy chúng ta rằng: Cái chết không phải là dấu chấm hết, cũng không là ngõ cụt, không đưa con người đến thất vọng, nhưng là ngưỡng cửa mở ra, để ta bước vào cõi sống mới tốt đẹp hơn. Do đó, cái chết của người Công Giáo là cái chết trong hy vọng, trong niềm vui đợi chờ, để dược gặp Thiên Chúa Đấng mình tôn thờ.

Họp nhau đây, chúng ta tuyên xưng một niềm tin căn bản: Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Niềm tin linh hồn bất tử và sự sống đời sau đã có từ rất lâu. Sách Macabe thuật lại việc ông Giuda Macabe đã tổ chức cuộc quyên góp tiền, gửi về Giêrusalem để dâng hy lễ tạ tội cho những người đã chết. Ông tin rằng những chết đó, sẽ có ngày sống lại. Do đó, ông dâng lễ tạ tội cho họ, với mục đích để đền tội thay cho họ, để họ sớm được giải thoát.

Sách Khải Huyền cho thấy một khung cảnh huy hoàng rự rỡ, tràn đầy niềm vui và hy vọng hơn. Tác giả đã trình bày: Tôi đã thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã qua đi. Tôi đã thấy thành thánh Giêrusalem mới từ trời mà xuống. Tác giả còn loan báo một thế giới mới, nơi đó: Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt của họ, sự chết chóc sẽ không còn nữa, không còn kêu than và đau khổ nữa, vì những cái cũ đã biến mất.

Niềm tin vào sự sống lại đã được Đức Giêsu rao giảng, Ngài còn cho thấy rằng, Ngài chính là Đấng làm chủ sự sống và có quyền trên sự chết. Nhiều lần Chúa Giêsu đã thể hiện quyền năng trên sự chết khi làm phép lạ cho kẻ chết sống lại. Tin Mừng hôm nay thuật lại câu chuyện Chúa Giêsu cho Lazaro chết sống lại, trước sự kinh ngạc của mọi người. Câu chuyện cho thấy, Chúa Giêsu là một Đấng có một trái tim đồng cảm, chạnh thương, một tâm hồn nhạy bén trước nỗi đau khổ của người khác. Nghe tin Lazarô đã chết, Chúa Giêsu đã đến thăm gia đình của Lazarô. Chúa Giêsu không cầm được nước mắt khi thấy những người chị than khóc, đau buồn vì mất người em.

Thiên Chúa làm chủ sự sống và có quyền trên sự chết, nhưng Ngài chỉ thể hiện quyền năng khi con người đón nhận Ngài và đặt trọn niềm tin vào nơi Chúa. Nghe tin Chúa đến thăm, cô Matta đã chạy ra đầu làng để đón Chúa, cô đã trách Chúa: Thưa Thầy, nếu thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Nhưng bây giờ con biết, Thầy xin thì Thiên Chúa cũng sẽ ban cho Thầy. Niềm tin của cô Matta lúc này còn rất mờ nhạt. Chúa Giêsu đã từng bước nâng đức tin của cô khi Ngài quả quyết với Matta: Thầy chính là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù có chết cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy thì sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin không? Cô Matta đáp: Thưa Thầy con tin Thầy là Đấng Kitô.

Chỉ khi cô Matta đã công khai nói lên niềm tin của mình vào Đức Giêsu là Đấng cứu thế, cô đã đón nhận được phép lạ. Bằng một mệnh lệnh: Lazarô hãy ra đây, Lazarô đã được hồi sinh. Phép lạ này là một sự báo trước cho một phép lạ khác quan trong hơn sau này, đó là Đức Giêsu sẽ dùng quyền năng của Ngài mà chỗi dậy từ cõi chết. Ngài đã chiến thắng tử thần, tiêu diệt sự chết và đem lại cho nhân loại sự sống nhờ chính cái chết và sự sống lại của người.

Chính vì niềm tin vào sự sống lại và sự sống đời sau mà chúng ta cử hành lễ cầu nguyện cho các linh hồn tổ tiên ông bà. Chúng ta tin rằng tổ tiên chúng ta không mất đi, nhưng đã được bước vào một thế giới mới, thế giới của sự sống vĩnh cửu, mà Thiên Chúa dành cho những ai tin tưỏng và trung thành theo Chúa. Tuy nhiên, để bước vào thế giới của Thiên Chúa mỗi người phải trải qua một thời kỳ thanh luyện, trút sạch khỏi mình những tì ô, bận vướng khi còn sống, để tâm hồn được thanh thoát, gặp gỡ kết hợp với Thiên Chúa.

Tưởng nhớ và cầu nguyện cho các bậc tổ tiên hôm nay, còn là dịp để chúng ta suy gẫm về cuộc đời con người, về bổn phận thảo hiếu biết ơn ông bà cha mẹ. Đứng trước phần mộ của người thân, nhắc chúng nhớ về thân phận con người của mình sẽ phải chết. Cuộc sống con người thật vắn vỏi mong manh, mới ngày hôm qua còn sống bên nhau, nhưng hôm nay âm dương khác biệt. Cái chết sẽ san bằng tất cả mọi khoảng cách người ta cố tình tạo ra khi còn sống, nấm mồ và nơi đất thánh này sẽ là điểm hẹn của tất cả mỗi người. Do đó, ngay khi còn sống hãy cố gắng sống sao cho trọn tình với Chúa và sống trọn nghĩa với nhau.

Mỗi lần ra đất thánh này, không chỉ nhắc cho chúng ta về cái chết, mà còn dịp nhắc cho chúng ta biết cách sống, phải sống thế nào cho trọn đạo làm người và đạo làm con đối với ông bà với anh em và mọi người. Đứng bên nấm mồ của người thân, sẽ không chỉ có những giọt nước mắt thương nhớ, mà còn có những giọt nước mắt của sự hối hận muộn màng vì đã sống vô tình hay phũ phàng với người đã khuất.

Ngày hôm nay trong xã hội mọi sự đều tăng giá, chỉ có đạo đức làm người là giảm giá và mất giá trầm trọng. Con người đối xử với nhau càng ngày càng như dã thú, tình cảm gia đình anh em ruột thịt bị coi như hàng hóa; bổn phận thảo hiếu đối với cha mẹ cũng bị tính toán. Có những người đã không tiếc lời chửi mắng cha mẹ, coi cha mẹ như một đứa đầy tớ trong gia đình, nhiều kẻ đánh đập nhục mạ những đấng đã sinh thành dưỡng dục mình. Có người dám bỏ ra bạc triệu để đãi bạn bè, nhưng lại tính toán với cha mẹ già một lời hỏi thăm, một tấm bánh. Đám tang tổ chức cho lớn, xây mộ cho to cho đắt tiền, nhưng không phài là báo hiếu, không phải là biết ơn, mà chỉ còn là giả hình, là phô trương che mắt thiên hạ.

Thảo hiếu biết ơn tổ tiên và các bậc sinh thành không chỉ là bổn phận của đạo làm con, mà còn là đòi buộc của Đạo Chúa: Thứ bốn thảo kính cha mẹ. Giới răn này buộc chúng ta phải hết lòng yêu mến, kính trọng, và biết ơn đối với cha mẹ của mình và cả cha mẹ vợ cha mẹ chồng của mình, khi các ngài còn sống và cả khi các ngài đã qua đời. Hãy kính trọng các Ngài, thông cảm, an ủi khi các ngài tuổi cao sức yếu. Đừng nặng lời, đừng khiến các ngài tủi thân, hãy chịu đựng và chăm sóc các ngài, như ngày xưa các ngài cũng đã từng phải chịu đựng và chăm sóc cho chúng ta. Hãy lo lắng cho phần thiêng liêng của cha mẹ bằng việc giúp các ngài được lãnh nhận các bí tích và ơn Chúa, để nâng đỡ cho tuổi già của các ngài, hãy làm tất cả những gì tốt nhất cho cha mẹ khi các ngài còn sống, vì khi cha mẹ mất đi, sẽ mãi mãi không bao giờ tìm lại được.

Không chỉ biết ơn khi cha mẹ còn sống, mà còn phải biết ơn cha mẹ khi các ngài đã qua đời, bằng việc đọc kinh cầu nguyện, hy sinh, dâng lễ cầu nguyện cho các ngài, nhắc nhở cho con cháu biết ơn các bậc tổ tiên. Hãy nhớ đến cha mẹ chồng, cha mẹ vợ, bằng việc chu toàn việc hiếu thảo hương khói, giỗ chạp trong gia đình, đừng để mang tiếng, những người có đạo là những người vô ơn bất hiếu với tổ tiên.

Hãy biết ơn và thảo hiếu với tổ tiên bằng việc bảo vệ nề nếp gia phong của gia đình. Hãy làm phát triển gia sản tinh thần mà cha ông đã để lại cho con cháu qua việc giáo dục con cái nên người, giữ gìn đạo đức gia phong của gia tộc, bảo vệ danh dự của tổ tiên. Đừng quên giáo dục con cái biết sống hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ, bằng chính gường sáng của mình qua việc tôn kính thào hiếu với ông bà. Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy, vì thế không có bài học nào sâu đâm và lay động cho bằng bài học làm gương sáng của cha mẹ.

Điều răn thứ bốn của Thiên Chúa đồng thời cũng đòi buộc bổn phận của cha mẹ đối với con cái. Hãy giáo dục dạy dỗ con cái sống đúng với đạo làm người, làm con Chúa, sống đúng với phẩm giá con người. Đừng quá chú trong đến việc học hành văn hóa mà coi nhẹ việc giáo dục đức tin cho con cái, và xây dựng nếp sống đạo đức cho cả gia đình. Cha mẹ hãy tạo nên một bầu khí đạo đức và cầu nguyện cho gia đình, trở thành gương sáng cho con cái trong việc cầu nguyện và đạo đức. Hãy tập cho con cái yêu mến và hăng say làm việc tông đồ trong giáo xứ theo lứa tuổi của mình, vì khi còn nhỏ, các em có thói quen và tinh thần tông đồ, thì sau này các em sẽ trở thành người tín hữu nhiệt thành. Hãy làm cho gia đình mình mỗi ngày trở nên ấm cúng thuận hòa qua các giờ kinh sáng tối mỗi ngày, qua các bữa cơm chung đầm ấm. hãy cố gắng làm cho bữa cơm gia đình thật sư là lúc mọi người được tràn ngập niềm vui và sự chia sẻ, đừng biến bữa cơm trở thành tòa án để kết tội nhau.

Xin Chúa cho mỗi chúng ta luôn vững tin vào sự sống lại đời đời để từ nay biết sống trọn tình với Chúa và trọn nghĩa với cha mẹ, anh chị em. Amen