11 lời khuyên để nói về Chúa cho bạn của mình nghe

Fx. Nguyễn 20.12.2015
Ngoài vòng nhà thờ, thì không hiếm khi chúng ta gặp cảnh trên đe dưới búa khi câu chuyện dẫn đến đức tin của mình hoặc khi mình phải bảo vệ đức tin. Một phần lớn các biện minh và lý do để ca ngợi hay loan báo Tin Mừng của chúng ta thì liên hệ đến thần học, triết lý hoặc trong trường hợp tốt nhất là nói lên chứng nhân sống của một người.Thiện hướng của chúng ta là luôn muốn đưa ra các khí cụ để có thể sống đức tin một cách tự nhiên nhất có thể, đây là 11 lời khuyên hữu ích để chúng ta có thể nói về Chúa với người khác, thậm chí có thể nói với cả bạn bè, những người không tin.
  1. ‘Phiên dịch’ giáo huấn của Giáo hội trong một ngôn ngữ đơn giản nhất
Người đi loan báo Tin Mừng là người phiên dịch. Chúa Giêsu dùng những tư tưởng rất đơn giản để giải thích các mầu nhiệm cao cả của đức tin, ngài dùng dụ ngôn. Giáo hội giảng cho chúng ta những điều cao cả và tuyệt vời, nhưng đôi khi phải nắm vững triết lý mới hiểu được. Cố gắng hiểu rõ và thử tìm chữ đơn giản nhất để giải thích, để làm cho các bạn của mình thích thú muốn biết thêm.
  1. Kể đức tin của mình với óc hài hước
Thánh Têrêxa Avila quá nản với những khó khăn của cuộc sống, bà nói với Chúa: “Nếu Chúa đối xử với bạn của mình như vậy thì hèn chi Chúa ít bạn!” không có lý do gì để đức tin mang bộ mặt khủng khiếp hoặc nghiêm trọng. Chúa không phải là người không có óc khôi hài. Với óc khôi hài, dù đầu gối có cứng, có chịu đựng dẻo dai như thế nào thì nó cũng quỳ xuống được.
  1. Tôn trọng “ABC” của chứng tá trung thực
Dĩ nhiên nếu nói Chúa tồn tại vì mình cảm nhận Chúa trong lòng sẽ làm mọi người phì cười, nhưng chúng ta phải chấp nhận điều này: Chúa đã làm một cái gì trong cuộc sống của chúng ta, người khác phải biết, đó là điều không chối cãi được! Không ai có quyền phủ nhận những gì đã xảy ra với chúng ta. Khi chúng ta kể câu chuyện của mình, hãy cố gắng tôn trọng ABC của chứng tá trung thực: vui vẻ hồn nhiên; ngắn gọn; đặt trọng tâm vào Chúa Kitô. Bỏ đi những câu chuyện nhàm chán, dài dòng và chỉ nói về mình. Chiêm niệm và chuẩn bị chứng từ của mình.
  1. Tìm các “hạt giống của Chúa”
Chúa luôn hiện diện và Ngài ở khắp nơi, chân lý của Ngài cũng vậy, nó ở trong tâm hồn của người nghe, dù họ không tin. Chúa đã gieo, bạn đi tìm hạt, bạn tìm các hạt này đàng sau sự hoài nghi, sự chống đối của họ, những hạt bị che giấu trong quả tim bị bóp nghẹt vì những lập luận lôgic và thuần lý của họ.
  1. Tránh dạy đời và đi tìm tình thương
Một phần lớn những người không tin, đơn giản vì họ thấy thanh đạo đức đặt quá cao, họ cảm thấy mình không vượt lên được hoặc họ không muốn vượt lên, không muốn hướng đến lối sống này. Sự hiện hữu của Chúa trước hết là tình yêu, không phải là luật lệ. Chứng tỏ cho họ thấy Thiên Chúa là tình yêu chứ không phải Thiên Chúa của luật lệ.
  1. Đừng tìm cách chơi trò người thắng cuộc
Khi thảo luận, đừng bao giờ cho cảm tưởng mình là người mạnh nhất, cao hơn người khác. Đây không phải là chỗ để cạnh tranh, bạn không phải là người ở cấp cao. Hãy nhìn với cặp mắt của tình thương, đồng cảm với người khác và cuộc đời của họ. Đừng để cuộc thảo luận biến thành cuộc tranh luận! Các tranh luận chỉ làm cho các thái độ trở nên tận căn hơn.
  1. Đừng tránh câu hỏi, dù sao thì họ cũng biết…
Giống như khi bạn đến một buổi lễ hội. Bạn không thể ngồi một góc và không nói chuyện với ai. Những người không tin và nhất là những người vô thần thích nói về Chúa với những tín hữu có tinh thần cởi mở. Bạn hãy chuẩn bị. Hãy xem đó như một ơn Chúa (bởi vì họ thấy bạn có đức tin) và hãy tích cực. Điều này sẽ giúp bạn tham dự bất cứ một cuộc nói chuyện nào mà không sợ, vì bạn tin tưởng hoàn toàn vào Chúa.
  1. Sống đức tin của mình mỗi ngày
Lập luận thiết thực nhất của chúng ta là tin với lòng xác quyết. Xác quyết đến mức, sống từng ngày với điều chúng ta đã khẳng định để tin.
  1. Hãy để tâm hồn mình nói lên
Chúng ta tất cả đều là những con người mong manh. Mở đầu câu chuyện mà nói về những mong manh và những hoài nghi của mình là chuyện rất tốt, người khác sẽ mến, họ thấy mình chân thành. Không cần phải trải ra những siêu năng lực, siêu hiểu biết. Chúa không phải là điều bí mật cần giải quyết, nhưng là huyền nhiệm mà chúng ta phải thấm nhập và huyền nhiệm này đã tiền nghiệm nơi tất cả mọi người.
  1. Tìm điều tốt nơi người khác
Đừng tìm cách giải thích có sự hiện hữu của Chúa để lôi kéo thành viên mới vào nhóm của mình, để nhóm của mình có uy tín trong chuyến đi hành hương sắp tới. Chúa là ơn ban để chia sẻ và người trước mặt mình phải có cảm nhận này, chứ không phải mình cho họ ăn một cái gì không ngon, mà họ phải nhắm mắt nuốt giống như khi mình cho trẻ con ăn.
  1. Cảm thấy tự do khi tin
Bạn có tự do để tin. Tin ở Chúa là một kinh nghiệm tự do, nhận và cho đều nhưng không. Không tin, cũng là một chọn lựa tự do, phải tôn trọng điều này, dù chọn lựa này không phải lúc nào cũng mang đến những quyết định tốt. Chúng ta phải yêu người lân cận mình, dù cho quyết định này không phải lúc nào cũng áp dụng dễ dàng được. Tình yêu là lực rao giảng Phúc Âm cực mạnh.Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch từ aleteia.org