• HÀNG HIỆU KHÔNG LÀM NÊN ĐẲNG CẤP NGƯỜI VIỆT
TTO - Đó là chia sẻ của nhiều người nước ngoài quanh câu chuyện ngày càng có nhiều người Việt ưa chuộng các món hàng hiệu đắt tiền.




* Cô Georgia Bernadello (người Anh): Xu hướng tự nhiên của người trẻ


Cá nhân tôi rất thích đồ hiệu, có một vài nhãn hiệu tôi yêu thích và rất muốn được sở hữu đồ của nhãn hiệu đó.


Tôi nghĩ Việt Nam đang ở trong bối cảnh rất thuận lợi vào thời điểm hiện tại và có nhiều yếu tố khiến việc mong muốn sở hữu các sản phẩm xa xỉ tăng lên.


Các yếu tố có thể kể đến là tỉ lệ tăng trưởng GDP ấn tượng, dân số trẻ, tầng lớp trung lưu tăng lên, thu nhập và mức sống ngày càng tăng một cách đáng kể. Vì vậy, việc người Việt Nam đang khao khát sở hữu các mặt hàng xa xỉ không phải là điều đáng ngạc nhiên, đặc biệt trong bối cảnh nhiều mối liên hệ với các nước phương Tây ngày càng phát triển hơn bao giờ hết.


Thích dùng hàng hiệu cũng là một xu hướng khá tự nhiên ở người trẻ trong bối cảnh các dòng sản phẩm cao cấp đang ngày càng phổ biến hơn và tôi không nghĩ đó là vấn đề.

Tuy nhiên, tôi nghĩ có lẽ nhiều người trẻ đang xem trọng việc sở hữu hàng hiệu quá mức. Dù sở hữu các món hàng hiệu là chuyện rất phấn khởi, nhưng việc đó không nên được đặt lên hàng đầu trên những chuyện khác như tiết kiệm cho tương lai, sở hữu nhà cửa...
Một khảo sát của Hãng Nielson cho thấy: 56% số người tham gia khảo sát trả lời rằng họ sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho sản phẩm hàng hiệu hơn là những nhãn hàng ít nổi tiếng dù chức năng như nhau. Điều này cho thấy rằng khi mọi người khao khát có được các sản phẩm hàng hiệu, họ bỏ qua thực tế rằng đó có thể không phải là cách tốt nhất để tiêu tiền.

Ở các nước phương Tây, mọi người thường sẽ cân nhắc nhiều khi mua một sản phẩm hàng hiệu, trong khi ở Việt Nam việc này lại có ý nghĩa thể hiện địa vị và khi sở hữu một món hàng hiệu rồi thì những thứ khác người ta thấy không quan trọng lắm.



Ảnh: NVCC


* Cô Robyn Ausmeier (giáo viên, người Nam Phi): Nên bớt quan trọng về ngoại hình


Tôi nghĩ hàng hiệu không giúp quyết định vị trí trong xã hội của chúng ta. Giá trị của một người dựa vào nhiều thứ quan trọng hơn vật chất, ví dụ như cách họ hành xử, đối xử với người khác. Chúng ta nên đánh giá về giá trị một con người dựa trên nhân cách của họ hơn là thứ họ mặc hoặc sở hữu.


Tại Nam Phi, tương tự các quốc gia khác, những người thường sử dụng hàng hiệu là người nổi tiếng, người giàu có hoặc bất cứ ai có đủ tiền mua. Dùng hàng hiệu thường được xem là thước đo về đẳng cấp, vì vậy khiến nhiều người bị “áp lực” và luôn phải tìm cách sở hữu những món đồ này.


Có rất nhiều người dù không giàu, nhưng lại dành tiền để mua hàng hiệu chỉ vì muốn được người khác ngưỡng mộ hoặc tin là họ giàu. Điều này thường thấy trong xã hội hiện nay.


Tôi nghĩ nên bớt quan trọng ngoại hình và cách chúng ta nói hoặc nghĩ về hàng hiệu. Thật buồn khi rất nhiều người nghĩ rằng giá trị của họ chỉ phụ thuộc vào thứ đồ họ sở hữu hoặc vẻ ngoài của mình.


Ngoài ra, bạn cũng nên học cách chấp nhận bản thân thay vì cố theo đuổi một thứ gì đó xa xỉ. Khi sống trong một xã hội quá quan trọng ngoại hình, bạn luôn phải cố gắng hành xử hoặc tỏ ra “sang chảnh”. Bạn sợ người khác đánh giá về đẳng cấp, sự giàu nghèo hay khinh thường mình.


Bên cạnh đó, các sản phẩm truyền thông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên cách nghĩ này. Có rất nhiều mẩu quảng cáo được xây dựng để khiến bạn nghĩ rằng sử dụng một sản phẩm nào đó sẽ giúp thay đổi ngoại hình hoặc vị thế.


Những điều này rất không thực tế và cần phải được loại bỏ.



Ảnh: NVCC


* Ông Herby Neubacher (người Đức): Tiền nào của đó, nhưng đừng làm quá


Nhiều người phương Tây thích mặc quần áo tốt, ăn ngon, đôi khi mua những món có thương hiệu chất lượng để có thể sử dụng lâu bền. Bản thân tôi cũng từng mua một đôi giày ở Boston có giá đến 500 USD vào 20 năm trước, nhưng đến tận bây giờ trông vẫn còn mới. Tiền nào của đó, mắc thật nhưng đáng. Chúng tôi chú trọng giá trị hơn là giá tiền.

Hầu hết người Đức có thu nhập trung bình - tôi không nói những người giàu - chỉ chuộng hàng hiệu một lúc nào đó vào dịp đặc biệt. Tuy nhiên, chúng tôi không muốn lúc nào cũng lãng phí tiền bạc vào các món hàng hiệu, mà muốn để dành tiền cho những dịp tốn kém kiểu khác như đi nghỉ dưỡng 1-2 lần/ năm.

Tôi nghĩ người trẻ thường cố gắng khẳng định mình. Tuy nhiên với một số người, khao khát được thể hiện mình bằng hàng hiệu là làm quá. Ví dụ đối với sinh viên, họ không nên bắt cha mẹ sắm sửa cho mình cái điện thoại đời mới nhất hay bộ quần áo thời thượng mắc tiền, khi mà cha mẹ đã đủ gánh nặng vì học phí của họ rồi.


Ngoài ra, chuyện sinh viên đua đòi hàng hiệu sẽ tạo ra môi trường xấu cho các sinh viên khác - những người không thể kham nổi các món đồ xa xỉ đó.


Điều đáng buồn là nhiều bậc phụ huynh lại sẵn lòng để con cái mình “tỏa sáng” với quần áo mắc tiền và thiết bị hiện đại để chúng có được cảm giác giàu sang, thay vì dạy chúng tiết kiệm đến khi có thể tự mình mua được.


Các bậc phụ huynh nên giáo dục con cái từ nhỏ về những giá trị cốt lõi trong cuộc sống như sự trung thực, tình thương yêu, lòng nhân ái, sự bao dung... để từ đó bọn trẻ có cái nhìn sâu sắc hơn về thế giới và không cần phải chạy theo hàng hiệu chỉ để làm vừa mắt người khác


MARIA A.

* Cô Maria A. (họa sĩ, người Pháp): Đẳng cấp đến từ văn hóa

Là phụ nữ, tôi rất thích hàng hiệu. Đó là vì chúng có thiết kế tinh xảo, chất lượng cao, chứ không vì chúng giúp tôi trông có vẻ giàu hơn. Việc sử dụng tiền ra sao tùy quyền quyết định của mỗi người. Tuy nhiên, còn cần phải cân nhắc đến khả năng tài chính và nhu cầu khi bỏ tiền ra mua một món đồ hàng hiệu.


Thời trang là thế giới rộng lớn và bất tận. Nếu cứ cố gắng bỏ tiền ra mua hàng hiệu chỉ để hợp thời, hợp mốt, tôi cho rằng điều này là không cần thiết.


Tại Pháp, chúng tôi có Paris, một trong những kinh đô thời trang của thế giới. Tuy nhiên, người Pháp ăn mặc vẫn rất đơn giản chứ không quá phụ thuộc vào việc bắt kịp với xu hướng. Chúng tôi chuộng sự tiện nghi, thoải mái hơn là giá cả một món đồ vì hiểu rằng giá trị của bản thân không phải do vật chất quyết định.


Tôi nhận thấy một bộ phận người Việt Nam ăn mặc khá cầu kỳ nhưng thiếu tinh tế, thẩm mỹ. Có những người đi vào quán ăn bình thường nhưng lại diện son phấn, váy, giày như thể đi dự tiệc. Trong khi đó, đến một buổi lễ trang trọng lại mặc áo thun, quần jean.

Tôi nghĩ trước khi quan tâm đến đẳng cấp, mỗi người cần tự xây dựng văn hóa cho bản thân. Vì dù xài hàng hiệu mắc cách mấy nhưng hành xử thô lỗ, thiếu chuẩn mực như khạc nhổ, vất rác bừa bãi, bóp kèn inh ỏi nơi gần bệnh viện, chửi tục..., bạn cũng không thể có được sự tôn trọng từ người khác.

Nét đẹp và đẳng cấp đến từ văn hóa và thần thái của chính bạn chứ không phải vì bạn mang trên mình một món hàng hiệu. Tuy nhiên, có vẻ như nhiều người vẫn cảm thấy xài đồ mắc tiền, đặc biệt là hàng hiệu, là “biểu tượng” của sự giàu có.


Báo chí nên cẩn thận trong thông tin


Đó là cảnh báo của ông Herby Neubacher. Ông cho rằng một số tờ báo mạng hay đưa tin tức về một số ngôi sao nổi tiếng cùng các sản phẩm hàng hiệu ngàn đô mà họ xài. “Tôi nghĩ điều đó có thể gây tác động xấu đến một số người hâm mộ, khiến họ hiểu rằng cách duy nhất để trở thành ngôi sao là lãng phí tiền bạc. Những người trẻ tuổi hâm mộ các ngôi sao này có khả năng trở nên nghiện mua sắm xa hoa lãng phí về sau - điều không có ý nghĩa gì trong cuộc sống của họ” - ông Herby Neubacher nhấn mạnh.


BÌNH MINH - NGỌC ĐÔNG thực hiện(tuoitreonline)