Thánh Giu-se
Con người của sự im lặng

Trong khi giữ im lặng về thánh Giuse, và khi chỉ thuật lại sự cần thiết tối thiểu về ngài trong chuyện kể về Chúa giáng trần và thời thơ ấu của Chúa Giê-su, Tin Mừng phù hợp với đặc điểm chủ yếu trong nhân cách của ngài; thánh Giuse là con người của sự im lặng.
Sự kiện chúng ta không có bất cứ lời nói nào của ngài thật có ý nghĩa. Về Đức Maria, chúng ta đã thu nhận được một vài câu nói ngắn ngũi, mang đầy ý nghĩa. Nhưng Tin Mừng không bao giờ cho chúng ta thấy thánh Giuse mở miệng; và tất cả những gì Tin Mừng nói cho chúng ta biết đều cố gắng khiến cho chúng ta nghĩ rằng bằng một cách quen thuộc thánh Giuse tự xóa bỏ mình một cách im lặng.
Ngài đã mang nỗi khổ trong im lặng khi nhận biết đứa con mà Đức Maria mong đợi. Ngài không thuộc những người tìm cách giũ bỏ ngay tức khắc sức nặng của những nỗi khổ cá nhân bằng cách thuật lại cho người khác nghe. Ngài biết chịu đựng mà không nói điều gì, và không bày tỏ nó.
Trong sự bối rối khi đi đến quyết định, ngài chỉ tranh luận với bản thân ngài. Ngài không muốn tiết lộ nguyên nhân của sự dày vò nội tâm; sự im lặng của ngài đã bảo vệ uy tín của Đức Maria Đồng Trinh.
Bằng sự im lặng đầy niềm tin và sự ngoan ngoãn này, ngài đón nhận sự Mạc Khải việc thụ thai huyền nhiệm của Chúa Giê-su và lời mời gọi ngài hành xử với tư cách là người cha của đứa trẻ. Đối với thiên thần san sẻ với ngài thông điệp rất bất ngờ này, ngài không trả lời điều gì. Hoặc nói cho đúng hơn câu trả lời của ngài là thực hiện ngay sau đó điều mà sứ giả của Chúa đã yêu cầu ngài. Người ta cho rằng thánh Giuse cho lời nói là vô ích; ngài biểu lộ những tình cảm của ngài một cách có sức thuyết phục qua cách cư xử của ngài.
Cũng trong sự im lặng, ngài tham dự vào biến cố vĩ đại ở Bê lem. Trong khi thánh Gioan Bao-ti-xi-ta chào đời,, chúng ta thấy người cha, ông Zacharie hát bài thánh ca tạ ơn, chúc phúc và ca tụng Thiên Chúa vì hồng ân mới được ban cho toàn thể dân tộc. Nhưng Chúa Thánh Linh lính ứng cho ông Zacharie bài hát này, Người đã không đưa lời nào đến trên môi miệng của thánh Giuse, khi Chúa Giê-su giáng sinh. Thánh Giuse tiếp nhận con trẻ trong im lặng của một sự chiêm ngưỡng say mê: niềm vui và sự biết ơn của ngài vẫn còn vùi sâu trong sâu kín của tâm hồn ngài, điều này không ngăn cản chúng hướng lên Thiên Chúa trong sự tôn kính thầm kín. Để trở nên câm nín, bài ca tụng của thánh Giuse không phải không đẹp lòng Thiên Chúa.
Vả lại, không phải điều thích hợp là tiếp đón Đấng là Ngôi Lời Thiên Chúa bằng con người thật trong im lặng hay sao? Ngôi Lời làm người, Ngôi Lời xuống trong thế gian, đã không yêu cầu các tâm hồn im lặng để được lắng nghe hay sao? Thái độ của thánh Giuse rất hòa hợp với mầu nhiệm Nhập Thể.
Chúng ta nên chú ý điều đó, sự im lặng này không phải là thiếu vắng tình cảm. Thánh Giuse ngỡ ngàng với Đức Maria vì chuyện kể của các mục đồng mà thiên thần đã dẫn đến máng cỏ. Nhưng những điều kỳ diệu mà ngài chứng kiến đã thôi thúc ngài im lặng hơn nữa; một cảm xúc quá mức xâm chiếm hoàn toàn một con người im lặng. Đối với thánh Giuse, sự im lặng là cách thán phục linh hoạt nhất những mầu nhiệm của Chúa.
Sự im lặng mà trong đó thánh Giuse đi cùng với Đức Maria vào Đền Thờ dâng hiến Chúa Giê-su Hài Đồng không chỉ là một sự im lặng tôn thờ. Nó nặng trĩu nổi đau khổ ẩn chứa trong lời nói tiên tri của Simeon. Kinh ngạc trước viễn cảnh của một sự hy sinh bất ngờ được phơi bày ra trước mắt, thánh Giuse không thốt lên lời nào với ông lão; ngài muốn để cho lời tiên tri này thấm nhập vào ngài, lưu giữ âm vang của nó như là cử chỉ dâng hiến mà ngài phải thực hiện. Ngài ước ao dâng hiến cùng lúc với đứa con, lời nói đáng sợ mà ngài vừa nghe được.
Sau này khi ngài gặp lại Chúa Giê-su ở Đền Thờ, chính trong im lặng mà ngài chuyển từ lo lắng đến vui mừng. Ngài để cho Đức Maria tham gia vào mối xúc động dành cho cả hai; với tư cách là chủ gia đình, chắc chắn ngài có thể nói với con và yêu cầu nó một lời giải thích về cách cư xử, nhưng ngài thích tự quên mình, và chính Đức Maria mới là người lên tiếng.
Nếu chúng ta tìm cách giới thiệu thánh Giuse trong cuộc sống hàng ngày ở Nazareth, chúng ta chỉ có thể hình dung người trong sự im lặng tương tự. Chắc chắn ngài biết nói trong một cuộc đàm thoại và diễn tả điều ngài suy nghĩ. Nhưng ngài nói ít. Ngài hòa hợp về điểm này với tính cách của Đức Maria và Chúa Giê-su: Đức Trinh Nữ Maria không thốt lên những lời vô ích hoặc phù phiếm, và những lời được thuật lại cho chúng ta từ nơi Người trong Tin Mừng đều ngắn gọn súc tích’ tràn đầy ý nghĩa phong phú; đến lượt mình Chúa Giê-su trong khi rao giảng công khai, cũng chỉ nói những lời hết sức có giá trị, và trong những trường hợp giống như trong vụ kiện của Người, Người sẽ cho thấy Người biết giữ thinh lặng một cách dũng cảm.
Là người của im lặng, thánh Giuse vẫn là một giáo huấn sống đối với thời đại và thế giới chúng ta. Chắc chắn sự im lặng là một giá trị đối với bất cứ thời đại nào. Nhưng thời đại chúng ta nổi bật bởi vô số tiếng ồn ào và lời nói, do sự phát triển của những kỹ thuật truyền thông. Nhờ những kỹ thuật này, lời nói của con người lan tràn một cách dễ dàng hơn, và con người đối thoại với người đồng loại thường xuyên hơn. Sự tiến bộ này có nhiều ưu điểm; tuy nhiên nó làm lan truyền sự giảm sút đời sống nội tâm. Một vài cuộc sống có nguy cơ biến mất trong những thỏa mãn bên ngoài mà những phát minh của thế giới hiện đại không tiếc cho trí tuệ và các giác quan.
Thánh Giuse nhắc nhớ rằng người ta chỉ có thể đón nhận Chúa Ki-tô và mầu nhiệm của Người bằng sự thinh lặng. Chính sự im lặng này đã cho phép ngài cũng như Đức Maria “lưu giữ trong trái tim” và “suy niệm” mầu nhiệm mà ngài chứng kiến (Cfr Lc, II, 19, 51). Nếu ngài làm tiêu tan sự chú ý trong những lời uổng phí, ngài sẽ không giữ được cái nhìn chiêm ngưỡng của ngài vào Chúa Giê su.
Có những người lo sợ sự im lặng, bởi vì họ sợ thấy họ đứng đối diện với chính họ. Thánh Giuse yêu mến sự im lặng bởi vì ngài mong muốn thấy mình đối diện với Thiên Chúa. Ngài không sợ sự buồn chán của tình trang đơn độc, bởi vì bất cứ sự đơn độc nào đối với ngài cùng là sự hiện diện hiện tại của Chúa.
Ngài chứng minh là không cần thiết để nhốt mình trong một đan viện để giữ im lặng. Thánh Giuse mang trong tâm hồn sâu kín của ngài đan viện riêng. Ngài mời gọi bất cứ ki-tô hữu nào làm như ngài, cố gắng giữ nơi mình một chỗ trú im lặng. Một cuộc đời càng sôi động hoặc bận rộn, đời sống đó càng cần đến nơi ẩn náu an bình nơi tâm hồn sống lại trong định mệnh đích thực của mình, đối diện với Thiên Chúa.
Ngài đã sống một cách tích cực cùng với Chúa Giê-su, ngài muốn lôi kéo chúng ta thưởng thức nhiều hơn bằng sự im lặng sự đồng hành của Thầy, Đấng đã muốn ở trong chúng ta. Chính Người mới là Đấng phải nói; chúng ta quá thường xuyên liều lĩnh làm át đi giọng nói của Người, và tự chúng ta không muốn lắng nghe Người. Thánh Giuse có ý thức học hỏi mọi thứ và ngài giúp chúng ta có một sự im lặng để mở lòng và ngoan ngoãn đón nhận Lời Chúa nhập thể.
Bằng cách nhìn ngắm ngài, chúng ta có thể xác tin một cách dễ dàng rằng một cuộc sống bận bịu không phải là một cuộc sống phong phú. Sự im lặng không làm bận bịu một cuộc sống, nó góp phần vào việc phong phú hóa nội tâm. Sự tôn thờ, sự thán phuc, tình yêu, sự đau khổ, niềm vui đã trở nên sâu sắc hơn trong tâm hồn thánh Giuse bởi tỉ trọng mà sự im lặng của ngài ban cho chúng. Thay vì trở thành một tình trạng thiếu thốn sinh lực, sự im lặng này tạo điều kiện thuận lợi cho sự hăng hái của một đời sống tinh thần hơn.
Đó là điều mà thế giới có thể nhìn thấy trong con người của thánh Giuse; sự im lặng là dấu chỉ của một sức sống cao cả, một trật tự khác. Người đàn ông này nói rất ít đã có thể suy nghĩ một cách hết sức sáng suốt; ngài đã cảm nhận và đã chiêm ngưỡng với một tinh thần phóng khoáng hơn; ngài đã lắng nghe mà không làm rối loạn Đấng đang nói và đã lãnh nhận trong sự hiệp thông sự khôn ngoan Thiên Chúa; ngài đã yêu thương một cách bền vững hơn, chắc chắn hơn, vì sự im lặng còn hơn lời nói có thể là biểu hiện của tình yêu trao ban, sự tôn kính điều khó tả trong một con người và không thể được diễn tả bằng lời. Thánh Giuse có thể dạy cho con người biết im lặng để yêu mến nhiều hơn.

Tác giả: Jean Galot, S.J. (Giáo sư Thần học)
Chuyển ngữ: Thiên Hựu và Kim Ngân