Thánh Giu-se
Người nghèo khó


Nghề nghiệp của thánh Giuse, thợ mộc ở làng, khiến chúng ta hoài nghi ngài không phải là người giàu có. Tin Mừng lưu ý với chúng ta cảnh nghèo của ngài bằng một dấu hiệu chính xác hơn khi thuật lại ở Đền Thờ, thánh Giuse đã đi dâng hai con chim cu gáy hoặc hai con bồ câu, trong khi những người giàu có dâng một con chiên.
Chỉ có sự nghèo khó vật chất mới có thể thích hợp với Đấng Messia, đối với Đấng, “dù giàu có, tự biến thành nghèo nàn” để làm phong phú cho chúng ta bằng cảnh nghèo nàn của Người (2 Cor, VIII, 9) Chính cảnh nghèo của thánh Giuse đã khiến cho máng cỏ Bê-lem có giá trị đối với chúng ta; vì thế, Thiên Chúa đã mong muốn nó trở thành sự nghèo khổ của Chúa Giê-su.
Còn hơn sự nghèo nàn từ số phận này, thánh Giuse có một tâm hồn nghèo. Trong Cựu Ước, những người nghèo được xem như tận hưởng một đặc ân đặc biệt về phía Thiên Chúa, và điều này không chỉ bởi thái độ hay thương xót của Chúa luôn ân cần cúi xuống trên người bất hạnh, nhưng còn vì tâm trạng mà sự nghèo nàn gợi nên và điều này làm đẹp lòng Thiên Chúa một cách đặc biệt.
Tâm hồn của người nghèo nằm ở chỗ nào? Trong khi sự giàu có, qua việc cung cấp quyền lực và vinh dự, thúc đẩy con người tự khép mình vào sự kiêu căng, và dựa vào những của cải vật chất, sự nghèo khổ thôi thúc con người đưa mắt hướng đến Thiên Chúa, đặt niềm hy vọng vào Chúa và mong đợi ở Người những sự giúp đỡ cần thiết. Người nghèo là người, trong sự túng quẫn vật chất của mình, vẫn ý thức sự yếu đuối nhân loại của mình và chỉ đặt niềm tin tưởng vào sự toàn năng của Thiên Chúa.
Sự nghèo khó hòa hợp với đức tin, với lòng khiêm nhường và sự dịu dàng. Nó tạo điều kiện thuận lợi cho sự thôi thúc của đức tin nơi một Thiên Chúa cao trọng hơn thế gian này, nó có thể cứu giúp cho tất cả những cảnh khốn khổ. Nó lôi kéo sự khiêm tốn của người cảm thấy trắng tay, không sở hữu bất cứ điều gì và cảm nhận sự lệ thuộc thực sự đối với Đấng Tạo Hóa. Nó hướng đến sự dịu dàng, bởi vì kẻ nào tự biết mình thiếu thốn ít bị cám dỗ tỏ ra ngạo nghễ hoặc cộc cằn thô lổ đối với tha nhân. Đức tin, sự khiêm nhường, dịu dàng, đó là những nét đặc biệt của tâm hồn nghèo của thánh Giuse.
Qua nhiều đoạn trong Cựu Ước, thánh Giuse có thể hiểu đặc ân do sự nghèo khổ tạo thành. Ngài hoàn toàn chấp nhận cảnh nghèo khổ này, điều mà ngài không thể nào thay đổi được. Có thể có những người nghèo nỗi loạn chống lại tình trạng của họ, hoặc phân bì những người giàu: lúc bấy giờ, chính tinh thần giàu có, gắn bó với của cải đời này thâm nhập vào họ. Thánh Giuse không bao giờ có phản ứng như thế. Ngài xem cảnh nghèo khổ của ngài như là quà tặng của Thiên Chúa và như là một phương tiện sống kết hợp hơn với Thiên Chúa.
Ngài có thể làm cho việc chấp nhận cảnh nghèo này giống như một lý tưởng gây cho chúng ta một cảm tưởng khó chịu. Vấn đề xã hội có nhắc đến sự phân phối của cải không đồng đều được đặt ra một cách bức thiết, mọi người không thể không biết điều đó; hoặc trong viễn cảnh này, việc cam chịu cảnh nghèo khổ có vẻ đi ngược lại những cố gắng thực hiện việc phân phối đúng đắn hơn của cải của nhân loại. Nhưng thái độ của thánh Giuse không liên quan đến vấn đề xã hội này; nó chỉ liên quan đến vấn đề tôn giáo cá nhân gây nên bởi sự nghèo khổ. Vì vậy, vấn đề này luôn giữ tính cách thời sự của nó. Vì nếu con người phải làm điều thuộc khả năng của họ để xóa bỏ sự nghèo khổ trên thế giới, trong xã hội loài người vẫn còn có những người thua thiệt: “Các con sẽ luôn có những người nghèo giữa các con (Mt, XXVI, 11; Mc, XIV, 7)” Những điều kiện về tài sản sẽ không bao giờ đồng đều, và người ta chỉ có thể tránh cho một số người vần còn bị bất lợi. Một vấn đề cá nhân được đặt ra cho những người này. Họ sẽ chấp nhận sự thua kém hay nỗi loạn chống lại tình trạng đó? Thánh Giuse đã chấp nhận nó, không phải miễn cưỡng, nhưng bằng cách phân biệt ở đó một lời mời gọi của Chúa để vượt qua.
Ngài đã nắm bắt được ý nghiã siêu nhiên của sự nghèo khổ. Bằng cách chấp nhận sự tách rời khỏi những của cải đời này, ngài được dẫn dắt đến chỗ tìm kiếm của cải nơi Thiên Chúa. Sự nghèo khổ giải thoát ngài khỏi sự ham muốn đang xô đẩy biết bao người chạy theo tiền tài và tiện nghi; sự nghèo khổ hướng dẫn những ước muốn của ngài hướng lên trời cao.
“Phúc thay cho những người nghèo trong tinh thần, vì Nước Trời là của họ (Mt, V, 3)”. Khi công bố mối phúc thật này, Đức Ki-tô mạc khải thành quả của toàn bộ truyền thống đã ca tụng những người nghèo trong Cựu Ước. Qua cảnh nghèo khổ, Thiên Chúa đã muốn chuẩn bị một tâm lý thích hợp để đón nhận Nước Trời mà Ngài mong muốn thiết lập. Và lúc này, Ngài ban Nước Trời này cho những người nghèo. Từ nay về sau, Nước Trời thuộc về những người từ chối chiếm hữu trái đất.
Mối phúc thật đã được thánh Giuse trải nghiệm trước khi nó được Chúa Giê-su công bố. Thánh Giuse là một “người nghèo trong tinh thần” một cách tuyệt vời. Có thể có trong nước Israel nhiều người nghèo hơn thánh Giuse. Thánh Giuse đã không ở trong cảnh khốn khổ hoàn toàn mà người ta gọi là túng quẫn. Ngài chỉ có những phương tiện mưu sinh rất khiêm tốn, biện pháp đủ để dưỡng nuôi gia đình. Nhưng không ai, ngoại trừ Đức Maria có tinh thần nghèo khó hơn ngài.
Chúng ta hãy nhận xét ở đây khoảng cách đã từng được trải qua từ thời các tổ phụ. Người ta đã gọi thánh Giuse là tổ phụ cuối cùng; trong thực tế, với tư cách người nghèo, ngài cao trọng hơn những tổ phụ trên, bởi vì của cải các ngài rất to lớn, và được Sách Thánh giới thiệu như là dấu hiệu chúc phúc của Chúa. Sự chúc phúc của Chúa ngự trị trên thánh Giuse còn vĩ đại hơn, dưới dấu hiệu của sự nghèo khổ. Thường thường, vì danh tính, người ta so sánh vị hôn phu của Đức Maria với ông Giuse người từng làm bộ trưởng của vua Pharaon Ai Cập. Ông Giuse ngày xưa này đã chứng tỏ tài khéo léo đáng kể để đạt đến một địa vị có lợi và để điều khiển công việc kinh doanh; người ta nhận biết ở đó một dấu chỉ mà sự khôn ngoan của Thiên Chúa dẫn dắt. Trong địa vị khiêm tốn của ngài ở Nazareth, vị hôn phu của Đức Maria, hết sức kém trong việc đạt được những của cải vật chất, nhưng được ban cho sự khôn ngoan cao cả, vì trong sự nghèo khổ, ngài đã nhận được của cải của Thiên Chúa. Giữa hai ông Giuse, có một khác biệt to lớn về lý tưởng; sự tương phản làm toát lên toàn bộ sự tiến bộ được thực hiện để một người đàn ông không tìm kiếm của cải nhưng yêu chuộng sự nghèo khổ. Theo từ ngữ của sự tiến bộ này, ông Giuse thứ hai vượt quá xa ông đầu tiên.
Đối với ông, Nước Trời đã được ban cho một cách đặc biệt. Nước Trời này, đó là di sản của Thiên Chúa. Vì vậy, Thiên Chúa đã trao cho thánh Giuse điều ngài thân thiết hơn, Con riêng của Người. Đón nhận Chúa làm gia sản: phần thưởng của sự nghèo khổ có thể là một khuôn mặt hoặc một phép ẩn dụ, nó đã trở thành thực tại đích thực trong cuộc đời của thánh Giuse.
Người ta coi trọng giá trị của sự nghèo khổ, khi người ta nghĩ rằng, nhờ sự nghèo khổ này, thánh Giuse đã có thể có được Chúa Giê-su trong gia đình. Sống nghèo và có tinh thần nghèo, đó là làm cho mình sẵn sàng chiếm hữu Thiên Chúa. Vì vậy, nếu như thánh Giuse đã tận hưởng mùi vị Thiên Chúa từ cảnh nghèo khổ của ngài trước cuộc hôn nhân, ngài sẽ quý trọng nó càng nhiều hơn nữa khi ngài có trước mắt con trẻ kỳ diệu, quà tặng tối cao của Thiên Chúa. Ngài hiểu rõ hơn ngài có lý do biết bao khi từ bỏ việc theo đuổi của cải trần thế; những của cải này chẳng là gì nếu so sánh với sự hiện diện của Đấng Cứu Thế!
“Kho tàng của các người ở đâu, thì lòng trí của các ngươi cũng ở đó (Lc, XII, 34)” Thánh Giuse biết rõ rằng có một kho tàng độc nhất có thể làm thỏa mãn tâm hồn con người: Thiên Chúa. Ngài nghèo để đạt đến kho tàng này. Ngài có niềm vui khi chiếm hữu Thiên Chúa qua tâm hồn. Trong mối phúc thật về sự nghèo khổ, ngài không chỉ nắm giữ Nước Trời, nhưng trước hết Vị Vua.
Niềm hân hoan của người nghèo, niềm hân hoan cảm thấy tự thoát ra khỏi những ràng buột trần thế, được tăng sức bởi niềm hạnh phúc siết chặt trong vòng tay nhân loại một con trẻ là Thiên Chúa.



Tác giả: Jean Galot, S.J. (Giáo sư Thần học)
Chuyển ngữ: Thiên Hựu và Kim Ngân