ĐÊM VỌNG PHỤC SINH 2018:
ĐẤNG BỊ ĐÓNG ĐINH ĐÃ TRỖI DẬY



Linh mục Giuse Đỗ Đức Trí – GP Xuân Lộc


Kính thưa quý OBACE, phụng vụ Lời Chúa của đêm canh thức hôm nay cho chúng ta một cái nhìn tổng quát về chương trình sáng tạo và cứu chuộc của Thiên Chúa. Lịch sử thăng trầm của dân Israel cũng là quá trình Thiên Chúa chuẩn bị cho dân Chúa đón nhận mầu nhiệm cứu chuộc mà Thiên Chúa thực hiện qua cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu. Đồng thời cũng là từng bước Thiên Chúa mặc khải chính Ngài là Đấng sáng tạo và quan phòng, là Cha yêu thương và là Đấng cứu độ nhân loại.

Bài đọc đầu tiên là bài ca, ca ngợi về công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã dựng nên vũ trụ, loài người và muốn cho con người và vũ trụ luôn mãi hạnh phúc, tốt đẹp. Thiên Chúa được diễn tả như người thợ, dồn bao công sức vào công trình tạo dựng vũ trụ. Câu điệp khúc được lặp đi lặp lại nhiều lần: “Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp …Qua một buổi chiều và một buổi sáng...”, cho thấy Thiên Chúa rất hài lòng về công trình Ngài đã thực hiện. Tuy nhiên, ma quỷ không muốn thấy con người hạnh phúc, chúng ghen tị về tình thương mà Thiên Chúa dành cho con người. Vì thế, chúng tìm cách lôi kéo con người về phía nó và con người đã đồng ý chiều theo cám dỗ của ma quỷ. Hậu quả là đau khổ và sự chết đã tràn vào thế gian, con người trở nên thù nghịch với nhau, gia đình đổ vỡ, tình nghĩa sứt mẻ, vũ trụ trở nên thù nghịch với con người.

Thiên Chúa là Cha yêu thương, Ngài không thể đứng nhìn loài người phải đau khổ và phải chết dưới quyền của ma quỷ. Thiên Chúa đã mở ra cho con người một tia hy vọng qua lời tuyên bố với con rắn: “Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người ấy. Người miêu duệ ấy sẽ đạp giập đầu mi, còn mi thì rình cắn gót chân Người”. Ngay lập tức Thiên Chúa đã thực hiện lời hứa cứu độ qua việc tuyển chọn một người là Abraham, để từ nơi ông, Thiên Chúa làm nên một dân tộc thuộc về Chúa. Abraham đã đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa với cả lòng tin, ông đã đặt trọn cuộc đời vào lời hứa của Thiên Chúa. Vì tin, Abraham đã bỏ quê cha đất tổ để bước vào hành trình theo Chúa, ông ra đi mà không biết mình đi đâu. Abraham tin vào lời Chúa hứa sẽ cho ông trở nên tổ phụ của một dân tộc đông như sao trên trời, như cát dưới biển, mặc dù hai ông bà đã già mà vẫn chưa có con. Nhất là ông đã tin và yêu mến Thiên Chúa đến độ dám đem Isaac con trai duy nhất của ông để hiến dâng cho Thiên Chúa như Chúa đòi hỏi.

Thiên Chúa chỉ thử lòng ông, Thiên Chúa thấu hiểu nỗi đau của người cha mất con, Ngài đã trả lại Isaac cho Abraham. Nếu như vì lòng tin và yêu mến Thiên Chúa, Abraham đã dám dâng con mình cho Thiên Chúa, thì sau này cũng vì yêu thương nhân loại, Thiên Chúa đã hiến tặng Con của Ngài cho nhân loại. Chỉ có điều là, trước đây, Thiên Chúa đã trả lại nguyên vẹn Isaac cho Abraham, nhưng sau này, con người đã giết Con của Thiên Chúa và còn đóng đinh Người Con ấy vào thập giá.

Thiên Chúa không chỉ bày tỏ mình là Đấng sáng tạo, là cha yêu thương, Ngài còn cho thấy, Ngài là Đấng cứu độ quyền năng. Vì chối bỏ Thiên Chúa là cha yêu thương, nên Thiên Chúa đã để cho dân Israel rơi vào tình trạng nô lệ, khổ nhục bên Ai Cập. Dân Israel đã hối hận, đã nài xin Chúa cứu vớt. Thiên Chúa đã thể hiện uy quyền của Ngài trên Pharaô và người Ai Cập, đã dùng cánh tay hùng mạnh để đưa dân ra khỏi ách nô lệ và còn tiêu diệt toàn bộ chiến xa và kị binh của người Ai Cập. Qua Môse, Thiên Chúa cho Israel và Ai Cập biết rằng Thiên Chúa là Đấng hùng mạnh, oai phong vượt trên tất các các thế lực. Ngài chính là Đấng giải thoát và có sức mạnh để giải thoát dân Ngài khỏi đau khổ chết chóc. Biến cố vượt qua biển đỏ trở thành cơ hội Thiên Chúa bày tỏ quyền năng của Ngài.

Dân Israel luôn tỏ ra là một dân cứng đầu cứng cổ, nhiều lần họ phản bội và muốn thử thách Thiên Chúa. Họ đòi có thức ăn, Thiên Chúa đã cho họ Manna suốt bốn mươi năm; họ muốn ăn thịt, Chúa ban cho họ có thịt; họ nổi loạn đòi nước uống, Thiên Chúa đã cho mạch nước từ tảng đá vọt ra cho họ và đàn vật được uống thỏa thuê.

Khi đến thời đã định, Thiên Chúa đã cho Con của Ngài là Đức Giêsu đến với họ, yêu thương và chỉ cho họ con đường sống hạnh phúc. Nhưng người Do Thái đã mượn tay dân ngoại để giết chết Ngài bằng cái chết đóng đinh trên thập giá. Thiên Chúa vẫn không thất vọng về sự nổi loạn của con người và cũng không để cho tình thương của Ngài bị chặn lại bởi sự độc ác của con người. Từ trong cái chết, Thiên Chúa đã cho Con của Ngài được trỗi dậy. Tin Mừng Marcô hôm nay đã thuật lại giây phút quan trọng ấy.

Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, các phụ nữ ra thăm mộ, trên đường đi các bà băn khoăn: “Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm ta đây?”. Đến nơi, các bà rất ngạc nhiên, khi thấy tảng đá đã được lăn ra rồi. Các bà vào mộ thì thấy hai người mặc áo trắng, hai người này nói với các bà: “Đừng hoảng sợ, các bà tìm Đức Giêsu Nazaret, Đấng bị đóng đinh chứ gì? Người đã trỗi dậy rồi, không còn ở đây nữa, đây là chỗ đặt Người”. Thánh Marcô kể: “Các phụ nữ này hoảng sợ, chạy trốn, run rẩy, không dám nói gì với ai vì sợ hãi”.

Tại sao các bà không vui, không mừng mà lại sợ hãi?

Các phụ nữ sợ hãi, vì đang đối diện với một mầu nhiệm hết sức lớn lao, vượt quá sức tưởng tượng và lý trí tự nhiên của con người. Các bà run rẩy, vì các bà đang đối diện và đang nói chuyện với “thiên thần của Thiên Chúa”. Các bà được tiếp xúc với thế giới của thần linh, mà trong lịch sử, các tổ phụ và nhiều vị tiên tri được tiếp xúc, các bà cảm thấy sợ hãi. Tin Mừng nhấn mạnh các bà sợ hãi, run rẩy không dám nói với ai, bởi vì các bà còn đang để cho một tảng đá rất lớn đè nặng trong tâm hồn, trong trí khôn của các bà. Đó là tảng đá của sợ hãi, tảng đá của sự thiếu lòng tin vào Chúa Giêsu.

Những phụ nữ này là những người đi theo Chúa Giêsu suốt nhiều năm, đã chứng kiến nhiều phép lạ quyền năng của Ngài. Các bà cũng chính là những người đi theo Chúa trên chặng đường thương khó. Vậy mà, các bà vẫn chưa tin thật, chưa nhận ra thầy Giêsu là Thiên Chúa là Đấng quyền năng. Cuộc khổ nạn thập giá của Chúa Giêsu thực sự là một thử thách đức tin cho các bà và các môn đệ. Trong khi hai người mặc áo trắng nói với các bà: “Đức Giêsu Nazaret, Đấng bị đóng đinh đã trỗi dậy rồi, đã ra khỏi mồ”, thì các phụ nữ lại bước vào mồ và ở mãi trong mồ. Vì các bà ở mãi trong ngôi mồ của con người cũ, suy nghĩ cũ, nên các bà khó có thể đón nhận được tin vui phục sinh.

Ngày hôm nay nhiều người chúng ta vẫn chưa đón nhận được Tin Mừng Phục Sinh, chưa để cho mầu nhiệm phục sinh biến đổi chúng ta. Bởi vì chúng ta vẫn cứ chôn vùi mình trong nấm mồ của con người cũ, của tội lỗi, thế gian và ma quỷ. Chúng ta vẫn để cho tảng đá sợ hãi, hồ nghi, lười biếng, thù oán, tội lỗi dày vò và đè nặng trên cuộc đời chúng ta. “Ai sẽ lăn tảng đá lớn đó ra khỏi cửa mộ giùm chúng ta đây?”.

Chỉ có Đức Giêsu phục sinh mới có đủ quyền năng và sức mạnh đập tan tảng đá đó. Thánh Phaolô chỉ cho chúng ta biết: Muốn được Ngài lăn tảng đá đang đè trên chúng ta, cần phải dìm mình vào tình yêu của Chúa Giêsu Kitô, để cho Ngài thanh tẩy, chấp nhận cùng chết với Ngài thì chúng ta mới có thể sống lại với Ngài, và như Ngài. Chúng ta phải chấp nhận bước ra khỏi con người cũ như ngôi mộ hôi hám chết chóc, để mang lấy con người mới đã được biến đổi. Nhờ Đức Kitô, chúng ta phải đoạn tuyệt với tội lỗi, ma quỷ và những dục vọng, lôi kéo của thế gian, xác thịt, chấp nhận cái chết là sự hy sinh từ bỏ mỗi ngày. Gắn bó với Đức Kitô, cùng sống chết với Ngài, chúng ta cũng sẽ được chia sẻ vào sự sống lại với Ngài.

Xin cho chúng ta luôn biết đặt trọn niềm tin và cuộc đời nơi Đức Kitô, xin Ngài lật bỏ tảng đá chết chóc, cứng lòng ra khỏi tâm hồn và cuộc đời chúng ta. Đồng thời, mở ra cho chúng ta một cuộc đời mới, một cuộc đời tràn đầy sức sống mới. Amen.