MẸ MARIA

CÓ LÒNG KHOAN NHÂN

Ông Adong và bà Evà đã bất tuân lệnh Thiên Chúa, nghe lời con rắn mà phạm tội. Hậu quả là hai ông bà bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng. Từ đây, đau khổ, bệnh tật, tội lỗi và chết chóc đã đi vào trần gian. Không chỉ hai ông bà nguyên tổ phải chịu những hậu quả tai hại đó, mà con cháu sau này cũng phải chịu nữa.

Ngay khi con người phạm tội, Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, đã hứa ban cho loài người một Đấng Cứu Độ ngang qua một người nữ, người nữ sẽ đạp nát đầu con rắn – ma quỷ. Chính con rắn – ma quỷ là nguyên nhân chính làm cho tổ tông loài người và con cháu của họ phải chịu đau khổ, bệnh tật, tội lỗi và phải chết. Người nữ được Thiên Chúa ban cho quyền năng đạp nát đầu con rắn là chính Đức Mẹ. Thánh Augustino viết: “Nhân loại hư đi vì người đàn bà, thì việc cứu rỗi cũng phải bắt đầu từ người đàn bà. Evà đạp đổ thì Maria nâng dậy”. Quả thật, vì bà Evà bất tuân lệnh Thiên Chúa mà nhân loại phải khóc lóc, thì nhờ Đức Maria vâng lời Thiên Chúa mà cả nhân loại đón nhận được ơn phúc cứu độ.

Trước khi ban cho nhân loại Đấng Cứu Thế, Thiên Chúa đã ban cho nhân loại Đức Mẹ. Người đàn bà nâng đỡ nhân loại trong lúc sa ngã vì lòng thương xót nhân loại đau khổ. Người đàn bà ấy đã được Giáo Hội khen tặng một tước hiệu hết sức tốt đẹp: “Đức Nữ có lòng khoan nhân thương xót” (Virgo Clemens).

Đức Mẹ là Đấng khoan nhân thương xót, vì lòng Mẹ hằng cảm thông sự đau khổ của nhân loại.

Bây giờ chúng ta tìm hiểu Đức Mẹ khoan nhân thương xót như thế nào?

1/ Đức Mẹ đã vui lòng cộng tác với Thiên Chúa trong việc cứu vớt nhân loại. Yêu ai thì lo cứu vớt người ấy. Đó là khuynh hướng tự nhiên của con người. Cũng vậy, vì yêu nhân loại mà Đức Mẹ đã vui lòng cứu vớt nhân loại, cứu bằng cách cộng tác với Thiên Chúa.

Đành rằng Thiên Chúa đã định cứu nhân loại, thì Người cũng có thể thi hành ý định ấy bằng cách này hay cách khác, theo sự khôn ngoan vô cùng của Người. Nhưng hiện nay, Người đã cứu nhân loại qua con đường Đức Mẹ, con đường yêu cầu Mẹ cộng tác trong việc sinh Chúa Cứu Thế, thì đó là ơn Đức Mẹ đã làm cho ta, và chứng tỏ lòng nhân từ thương xót của Mẹ đối với ta.

Để thực hiện con đường ấy, Đức Mẹ đã phải hy sinh rất nhiều. Trước hết, Đức Mẹ đã phải hy sinh chính mình. Hy sinh chính mình để trở nên tôi tớ hèn mọn của Thiên Chúa. Đàng khác, Đức Mẹ còn muốn làm tôi giúp đỡ người thế gian, khi Đức Mẹ đích thân tới thăm viếng bà Êlisabét để phục vụ bà.

2/ Để thực hiện con đường cứu thế, Đức Mẹ lại còn hy sinh chính Con Một yêu dấu của mình. Đức Mẹ đã sinh ra Chúa Giêsu. Chúa Giêsu là Con Đấng Cao Cả, là Con Thiên Chúa và cũng là Con của Đức Mẹ. Chúa Giêsu đương nhiên phải quý giá phi thường biết bao! Đức Mẹ chỉ có một người con quý giá, thế mà vì lòng nhân từ thương xót nhân loại, Đức Mẹ vui lòng để cho Con Một của Mẹ chịu chết.

Quả thật, Đức Mẹ thật là Mẹ của lòng thương xót.

Lạy Mẹ rất nhân từ thương xót. Vì thương xót chúng con, Mẹ đã quên mình, đã quên cả Con Một mình nữa. Chúng con xin hết lòng ca tụng Mẹ là Đấng nhân từ thương xót. Và xin Mẹ thương xót chúng con khi nay, và nhất là trong giờ lâm tử, giờ rất cần sự thương xót của Mẹ lắm vậy!

(Lược trích theo Lm. Nguyễn Duy Tôn,

Những mắt xích vàng, Tủ Sách Ra Khơi, 1964).




CHUỖI NGỌC MÂN CÔI

Thánh Đa Minh đã sáng lập phương thức cầu nguyện, một phương thức dễ thực hiện và phù hợp với mọi người, phương thức cầu nguyện này được gọi là Kinh Mân Côi hoặc Thánh Vịnh của Đức Trinh Nữ Diễm Phúc Maria. Lời kinh này bao gồm việc tôn kính Đức Maria qua việc đọc 150 lần Lời Chào Sứ Thần, tương tự với 150 Thánh Vịnh của vua Đavít, xen vào mỗi chục bằng Kinh Lạy Cha, đồng thời suy gẫm về những mầu nhiệm liên quan đến cuộc đời của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Thánh Giáo hoàng Piô V

Vào thế kỉ thứ 16, quân kẻ thù (quân Thổ) với hạm đội hùng hậu đang đe doạ tất cả các thành phố cảng quanh vùng Địa Trung Hải. Đức giáo hoàng Piô V đã triệu tập một hạm đội liên minh cùng với Tây Ban Nha, Venice và những hiệp sĩ Malta do tướng Don Juan chỉ huy. Đức Piô V, như Môsê thứ II, tự đặt mình vào vị trí trung tâm trong trận cuồng phong bằng lời cầu nguyện. Vâng theo lời ngài, mọi Kitô hữu cùng cất lên lời Kinh Mân Côi khẩn cầu ân huệ của Đức Maria trong trận chiến quyết định vận mạng của Ý và của toàn Châu Âu.

Tôi tớ Chúa Joseph Kentenich

Kinh Mân Côi là một trong những bí mật lớn nhất đến từ trời.

Thánh Louis de Montfort

Thật khó cho tôi khi phải diễn đạt bằng lời về vấn đề Đức Mẹ nghĩ Kinh Mân Côi ra sao và Người thích nó hơn tất cả mọi việc tôn sùng khác biết là chừng nào.

Thánh Louis de Montfort

Không có lòng sùng kính nào được các tín hữu thuộc mọi tầng lớp thực hành rộng rãi cho bằng Kinh Mân Côi.

Thánh Anphongsô Liguori




Kinh Mân Côi phải được xướng lên với lòng yêu mến.

Thánh Anphongsô Liguori

Thật chính đáng khi nói rằng việc quỳ gối đọc Kinh Mân Côi trước ảnh Mẹ Maria và trước mỗi mầu nhiệm, làm nên một hành vi của lòng mến đối với Chúa Giêsu và Mẹ Maria; đồng thời khẩn cầu các Ngài ban cho chúng ta những đặc ân.

Một ngày kia, Đức Mẹ nói với chân phước Alan: “Mẹ muốn người ta tôn sùng Kinh Mân Côi để đón nhận ơn phúc của Con Mẹ trong cuộc đời cũng như trong giờ lâm chung. Sau khi họ chết, Mẹ muốn họ thoát khỏi cảnh nô lệ để nên giống như vua chúa đội triều thiên, cầm vương trượng và vui hưởng vinh quang đời đời.”

Tôi sẽ chinh phục thế giới nếu tôi có một đội quân đọc Kinh Mân Côi.

Đức Chân phước Giáo hoàng Piô IX

Trong số tất cả các việc sùng kính được Giáo Hội chấp thuận, không có hình thức nào được nhiều ân huệ nhờ các mầu nhiệm như lòng sùng kính Kinh Mân Côi.

Đức Chân phước Giáo hoàng Piô IX

ĐỨC CHÂN PHƯỚC GIÁO HOÀNG PIÔ IX

Người Tôi tớ của Kinh Mân Côi (1792 – 1878)

Đức Chân phước Giáo hoàng Piô IX cai quản Giáo Hội trong suốt 31 năm. Đây là triều đại giáo hoàng dài nhất trong lịch sử Giáo Hội. Suốt cuộc đời, Đức Piô IX bị chứng bệnh động kinh. Khi còn là chủng sinh, ngài đã phải chịu đựng một cơn động kinh dữ dội đến nỗi ngài bị đuổi khỏi chủng viện lẫn Đội vệ binh tinh nhuệ của Giáo hoàng. Chỉ sau khi ngài sấp mình dưới chân Người tôi tớ của Chúa là Đức giáo hoàng Piô VII, và khẩn cầu để được trở lại; Đức giáo hoàng đã cho phép ngài trở lại chủng viện và Đội vệ binh. Trong những năm đầu đời linh mục, vì các cơn động kinh không thể dự đoán trước, nên Đức Piô IX cần đến sự trợ giúp của các linh mục khác trong khi cử hành Thánh Lễ. Dù bị bệnh động kinh, ngài vẫn được bổ nhiệm làm giám mục ở tuổi 35 và được Đức giáo hoàng sai đến Chilê và Pêru để hỗ trợ cho sứ thần tòa thánh. Nhờ công tác phục vụ ở Nam Mỹ, ngài trở thành giám mục đầu tiên nắm giữ chức vụ Đại diện Chúa Kitô đặt chân lên châu Mỹ. Khi được bầu làm giáo hoàng vào năm 1846, ngài đã chọn danh hiệu “Piô” để tôn vinh Người tôi tớ của Chúa, Đức giáo hoàng Piô VII, bởi vì chính Đức Piô VII đã khích lệ ơn gọi của ngài dù ngài bị bệnh động kinh. Đức Chân phước Giáo hoàng Piô IX đã viết 38 thông điệp, là giáo hoàng đầu tiên được chụp ảnh, và tại Công đồng Vaticanô I, ngài đã giúp hình thành tín điều về ơn bất khả ngộ của giáo hoàng.

Lòng sùng kính Đức Maria

Đức Chân phước Giáo hoàng Piô IX được biết đến như là “Giáo hoàng của Đức Mẹ Vô Nhiễm”. Ngày 08/12/1854, ngài đã dùng đặc quyền giáo hoàng xác định tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Trong khi thông báo chính thức về tín điều mới, đúng lúc Đức Piô IX bắt đầu đọc công thức quyền giáo hoàng “declaramus” (“chúng tôi tuyên bố”) thì có một chùm ánh sáng tỏa xuống Đền thờ Thánh Phêrô và chiếu trực tiếp vào ngài. Nhận thấy vinh dự của người công bố tín điều này, Đức Piô IX bật khóc ngay lập tức và ngài xúc động đến nỗi phải ngừng đọc lời tuyên bố cho đến khi những giọt nước mắt bớt dần. Ngài thực sự yêu mến Đức Mẹ Vô Nhiễm và thậm chí trước khi công bố tín điều vào năm 1854, ngài đã cho phép các giám mục Hoa Kỳ nhận Đức Mẹ Vô Nhiễm làm bổn mạng của đất nước vào năm 1847.

Trong các tác phẩm của Đức Chân phước Piô IX, Đức Maria được mô tả là thánh thiện hơn các thiên thần cherubim và seraphim; mọi ngôn ngữ trên trời cũng như dưới đất không đủ để ca ngợi Mẹ bởi vì Mẹ thực sự xứng đáng. Bởi Đức Maria là Mẹ Chúa Giêsu và là Mẹ tinh thần của chúng ta nên lời cầu nguyện của Mẹ có sức mạnh phi thường. Thiên Chúa vui thích đón nhận những lời cầu nguyện của Mẹ vì Mẹ phục vụ như là Đấng Trung Gian của tất cả mọi ân sủng. Để giúp các tín hữu nhận thức rõ hơn nữa về tầm quan trọng của lời cầu bầu mà Đức Maria dâng lên Thiên Chúa, Đức Piô IX đã thiết lập ngày lễ kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp vào năm 1876.

Chiến sĩ Kinh Mân Côi

Năm 1858, trong suốt triều đại của Đức Chân phước Giáo hoàng Piô IX, Giáo Hội đã lãnh nhận một món quà tuyệt vời từ trời khi các cuộc hiện ra ở Lộ Đức diễn ra. Xảy ra chỉ bốn năm sau khi tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội được tuyên bố, các cuộc hiện ra ở Lộ Đức đã khiến cho sự quan tâm tới Kinh Mân Côi được khơi gợi lại. Trong suốt triều đại giáo hoàng của mình, Đức Chân phước Piô IX đã quảng bá Kinh Mân Côi như chống lại thói vô đạo đức và lạc giáo, thậm chí mọi người nói rằng nếu ngài có một đội quân cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi thì ngài sẽ chinh phục cả thế giới! Ngày 07/05/1867, Đức Piô IX tôn phong chân phước cho 205 vị tử đạo ở Nhật Bản, rất nhiều trong số đó là các tu sĩ Đa Minh và những thành viên Hội Mân Côi.

Khởi đi từ kết quả của việc khơi gợi sự quan tâm tới Kinh Mân Côi nổi lên sau các cuộc hiện ra ở Lộ Đức, Đức Chân phước Giáo hoàng Piô IX thường xuyên rao giảng về Kinh Mân Côi, viết về Kinh Mân Côi và phê chuẩn ơn đại xá cho các tín hữu đọc Kinh Mân Côi ngày Chúa Nhật. Năm 1868, thể theo lời thỉnh cầu của cha Joseph Moran, một tu sĩ Đa Minh người Tây Ban Nha, Đức Chân phước Giáo hoàng Piô IX đã ban ơn xá cho những ai tham dự các buổi lễ tôn kính Kinh Mân Côi trong tháng Mười. Chuỗi Mân Côi luôn ở trong tay vị giáo hoàng thánh thiện này cho đến cuối cuộc đời. Ở tuổi 85, trong khi đọc Kinh Mân Côi cùng người giúp việc, Đức Piô IX đã qua đời vì một cơn đau tim là hậu quả của cơn co giật động kinh.

Trích từ Donald H. Calloway, MIC,

Champions of the Rosary, Marian Press, 2016

GIA ĐÌNH

NGÔI TRƯỜNG GIÁO DỤC ĐẦU TIÊN

VÀ CĂN BẢN

Gia đình cũng là ngôi trường giáo dục đầu tiên và căn bản. Ngày nay, nói đến giáo dục, người ta thường chỉ nghĩ đến giáo dục tại học đường mà quên rằng giáo dục là bổn phận đầu tiên và cao cả nhất, cũng là quyền ưu tiên của gia đình, nhất là về mặt nhân bản, đạo đức và đức tin tôn giáo.

Gia đình là ngôi trường đầu tiên dạy những giá trị nhân bản. Những năm tuổi thơ trong gia đình sẽ hình thành những khuynh hướng căn bản, ăn rễ sâu và kéo dài trong suốt cuộc đời còn lại. Gia đình cũng là nơi trẻ thơ tập sống mối liên hệ với người khác, tập lắng nghe và tôn trọng tha nhân; nhờ đó, khi bước vào đời sống xã hội, các em sẽ sống tử tế và hoà hợp với mọi người, thay cho lối sống ích kỷ và chỉ tìm cách thống trị người khác.

Song hành với giáo dục nhân bản là giáo dục đạo đức. Trong bối cảnh xã hội được coi là xuống cấp trầm trọng về mặt đạo đức, chúng ta càng phải quan tâm hơn đến lãnh vực này. Chính các bậc cha mẹ phải tập cho con những thói quen tốt, hình thành những nguyên tắc và luật lệ trong đời sống, học cách sử dụng tự do cách khôn ngoan và đúng đắn. Để được như thế, cha mẹ cần tạo được sự tin tưởng của con cái và cách giáo dục tốt nhất chính là cách sống và gương sáng hằng ngày của cha mẹ.

Trong lãnh vực này, thiết nghĩ cần phải có cái nhìn đúng đắn và tích cực về việc sửa dạy con cái. Việc sửa dạy đích thực không phát xuất từ sự giận dữ nhưng từ tình yêu thương, giúp trẻ ý thức rằng làm sai sẽ dẫn đến hậu quả xấu, do đó phải biết xin lỗi và đền bù những thiệt hại gây ra. Việc sửa dạy như thế phải đi đôi với việc nhìn nhận những điều tốt lành con cái làm, để khuyến khích chúng. Ngoài ra, trong thời đại ngày nay, các bậc cha mẹ không thể không lưu tâm đến việc sử dụng các phương tiện truyền thông. Phải giúp con cái tập làm chủ những phương tiện này thay vì làm nô lệ của thế giới ảo đến nỗi xa rời thế giới thực, không quan tâm con người thật ngay trong gia đình.

Ngoài ra, với các bậc cha mẹ Công giáo, lãnh vực rất quan trọng phải quan tâm là giáo dục đức tin. Có thể nói gia đình là nơi mỗi chúng ta khám phá ý nghĩa và cảm nhận vẻ đẹp của đức tin. Đã hẳn đức tin là ơn ban của Chúa chứ không do chúng ta, thế nhưng cha mẹ là khí cụ Chúa dùng để làm cho mầm sống đức tin đó lớn lên và phát triển. Vì thế cha mẹ hãy tập cho con ngôn ngữ đức tin từ những việc nhỏ bé nhất như tập làm dấu Thánh Giá, đọc kinh Lạy Cha và Kính Mừng, hôn ảnh Chúa và Đức Mẹ… Hạt giống gieo xuống tuy nhỏ bé nhưng mai này sẽ thành cây to (x. Mt 13,31-32). Đừng quên rằng trẻ em cần những biểu tượng, hành động, chuyện kể, hơn là những lý luận trừu tượng. Vì thế, những giờ kinh gia đình và những việc đạo đức có giá trị hơn nhiều bài giáo lý. Đồng thời, để phát triển đời sống đức tin nơi con cái, cha mẹ cũng cần khuyến khích con tham gia các lớp giáo lý và sinh hoạt đạo đức tại giáo xứ. Những sinh hoạt này không những giúp con cái chúng ta lớn lên trong sự hiểu biết đức tin, mà còn làm phát triển nơi các em ý thức về Hội Thánh cũng như những kỹ năng sống trong xã hội.

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam,

Tâm thư gửi các gia đình Công giáo, số 10