LỄ THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAO LÔ TÔNG ĐỒ

NỀN TẢNG VÀ CỘT TRỤ CỦA GIÁO HỘI



Lm Giuse Đỗ Đức Trí - GP Xuân Lộc


Theo giáo luật quy định, các Đức Giám mục cứ sau 5 năm phải trở về giáo đô Rôma để viếng mộ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, gặp Đức Giáo Hoàng, vị kế nhiệm thánh Phêrô và gặp gỡ các cơ quan liên hệ. Phần mộ của Thánh Phêrô hiện nay nằm dưới tầng hầm của Đền thờ, ngay phía dưới chân của bàn thờ Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô. Với vị trí này, ngôi mộ của thánh Phêrô thực sự là nền móng cho đền thờ theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Thánh Phaolô bị giam giữ dưới một đường cống của đường phố Ôttia và bị chém đầu gần nơi đó. Ngôi đền thờ thánh Phaolô ngày nay được xây dựng ngay trên nơi đã giam giữ Ngài. Ngôi đền thờ cách xa trung tâm thành phố Vatican, tuy không có một quảng trường rộng lớn như đền thờ thánh Phêrô, nhưng bao quanh đền thờ là những cột đá cẩm thạch rất lớn, tạo nên sự vững chắc cho ngôi đền thờ.

Mừng lễ hai thánh Phêrô và Phaolô tông đồ, Giáo hội mời gọi chúng ta suy gẫm về cuộc đời và sứ mạng của hai vị, để thấy quyền năng của Thiên Chúa đã hoạt động qua hai con người này và lòng trung kiên của các Ngài với Chúa và với nhiệm vụ Chúa trao phó.
Phêrô một ngư phủ bình dân tại miền Galilê đã được Chúa gọi. Ông là những môn đệ đầu tiên bỏ thuyền và lưới để đi theo Chúa Giêsu. Quyết định này đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời của ông. Ông đi theo Chúa bằng sự ngưỡng mộ lúc ban đầu và dần dần đi đến xác tín sâu xa: “Thầy chính là Đức Kitô Con Thiên Chúa Hằng Sống”. Chính trên nền tảng đức tin của Phêrô, Chúa Giêsu đã thiết lập Giáo hội và trao cho Phêrô quyền điều khiển Giáo Hội nhân danh Chúa. Tông đồ Phêrô hoàn toàn gắn bó với Chúa Giêsu và dành cho Chúa Giêsu một tình yêu đặc biệt hơn tất cả các anh em khác. Lòng yêu mến và sự sôi nổi nhiệt thành của ông, đã nhiều lần khiến ông vấp ngã. Chúa Giêsu vẫn thương ông và dành cho ông một vị trí hết sức quan trọng trong anh em, đặt ông làm thủ lãnh trong các tông đồ. Chúa Giêsu biết rõ về con người yếu đuối của Phêrô và lòng yêu mến đặc biệt của ông đối với Chúa. Chúa đã tin tưởng trao cho ông nhiệm vụ chăm sóc đoàn chiên của Chúa.

Sau khi được nhận lãnh Chúa Thánh Thần, với vai trò và nhiệm vụ Chúa trao, Phêrô đã miệt mài trong việc rao giảng và làm chứng về Chúa Giêsu phục sinh cho tất cả mọi người, không sợ hãi, không ngại ngần. Sách Công Vụ đã thuật lại hoạt động không mệt mỏi của Phêrô và Phaolô. Đoạn sách hôm nay cho thấy, ngay từ những ngày đầu tiên, Giáo Hội non trẻ đã trải qua cơn bách hại kinh khủng tại Giêrusalem và Samaria. Lúc đó, vua Hêrôđê ra tay tàn sát các tông đồ và các tín hữu, Phêrô cũng bị chung số phận. Ông bị giam trong ngục tối, có lính canh gác cẩn thận. Sách Công Vụ kể lại, lúc này, Hội Thánh không ngừng dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện khẩn thiết cho ông. Thiên Chúa đã nhận lời và cho thiên thần đến giải thoát Phêrô khỏi ngục. Ông được thiên thần dẫn ra ngoài một cách lạ lùng, đến độ ông tưởng như trong giấc mơ. Khi ra ngoài, ông không chạy trốn, cũng không nản chí, nhưng lại tiếp tục củng cố đức tin cho các tín hữu và mạnh dạn rao giảng công khai về Chúa Giêsu. Phêrô không dừng lại tại Giêrusalem mà còn lên đường đến Rôma, là thủ đô của thế giới lúc đó, để nói về Chúa Giêsu và củng cố các giáo đoàn. Cuối cùng ông đã bị hoàng đế Nero giết chết bằng việc đóng đinh ông tại ngọn đồi Vatican.

Không được theo Chúa từ những ngày đầu như Phêrô và các tông đồ khác, Phaolô chỉ nghe nói về Chúa Giêsu. Có lẽ Phaolô cũng đã từng có lần chứng kiến việc chúa Giêsu làm, tuy nhiên đức tin chưa nảy mầm trong ông. So với phêrô, Phaolô là người học thức, uyên bác hơn. Ông nhiệt thành với đạo Do Thái đến cực đoan và muốn tìm cách tiêu diệt hết những người tin vào Chúa Giêsu. Thiên Chúa đã muốn dùng sự nhiệt thành của ông cho chương trình của Ngài. Trên đường Đamas, qua việc quật ông té ngã, Thiên Chúa đã bẻ lái hướng đi của ông để ông trở thành người hoàn toàn quy phục Thiên Chúa. Qua biến cố này, Phaolô đã tin Đức Giêsu là Thiên Chúa và là Đấng đã kêu gọi, biến đổi ông. Từ đó Phaolô đã dành trọn cuộc đời mình để rao truyền Đức Kitô và bênh vực giáo lý của Tin Mừng. Ông gắn bó với Chúa Kitô đến độ ông chia sẻ: “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi”. Ông đã hoàn toàn nên một với Chúa Kitô và để Chúa Kitô sử dụng và chi phối cuộc đời mình theo ý Chúa muốn. Phaolô được đưa đến Rôma trong tình trạng là một tù nhân bị giam giữ. Tại đây, ông đã lợi dụng tất cả thời gian và hoàn cảnh cho phép, tiếp tục gặp gỡ các tín hữu, an ủi họ khi bị bách hại.

Thư gửi cho Timôthêô chúng ta nghe hôm nay như lời trăng trối; là một trong những bức thư được Phaolô viết trong cảnh ngục tù và sắp đến ngày bị xử tử. Phaolô không hề nuối tiếc cuộc sống của mình, ông cảm thấy mãn nguyện vì đã dành trọn cuộc đời để phục vụ Đức Kitô và Tin Mừng của Người: “Con thân mến, giờ ra đi của cha đã gần. Cha đã chiến đấu trong trận chiến cao đẹp, đã chạy hết chặng đường và vẫn giữ vững niềm tin. Giờ đây cha chỉ mong đợi vòng hoa chiến thắng dành cho người công chính”. Trong lúc tù đầy một mình, cái chết đã cận kề, Phaolô vẫn không cảm thấy cô đơn, cũng không hối tiếc, trái lại, ông vẫn nhận ra: “Có Chúa luôn bên cạnh cha, Người đã ban sức mạnh cho cha, nhờ đó mà dân Ngoại được nghe biết Tin Mừng”. Cuối cùng Phaolô đã chịu chết bằng án xử chém đầu ở ngoại thành Rôma.

Mừng kính hai vị tông đồ Phêrô và Phaolô hôm nay, chúng ta tạ ơn Chúa vì những việc kỳ diệu Chúa đã làm nơi các Ngài. Chúng ta học được nơi các Ngài lòng tin yêu dành cho Chúa Giêsu và lòng nhiệt thành trong sứ vụ xây dựng Giáo Hội. Chúa Giêsu đã tin tưởng trao cả sự nghiệp của mình cho Phêrô và các tông đồ. Chúa không đòi các ông khả năng, trình độ bằng cấp, cũng không đặt một điều kiện nào khác ngoài lòng yêu mến. Phêrô – Phaolô đã bày tỏ lòng yêu mến vượt trội của mình đối với Chúa Giêsu không chỉ qua lời tuyên xưng, nhưng đã minh chứng bằng cả cuộc đời và mạng sống của mình. Hai vị tông đồ cũng đã thể hiện lòng yêu mến đối với Giáo Hội mà chính các ông là cột trụ và là nền móng. Các ông đã cùng chia sẻ số phận và những khó khăn của Giáo Hội và hết lòng bênh vực Giáo Hội trước những cơn bách hại và những sai lạc nơi các giáo đoàn.

Chúa Kitô đã trao phó Giáo Hội cho Phêrô và các đấng kế vị tiếp tục chăm sóc và dẫn dắt. Giáo Hội của Chúa Kitô là Giáo Hội có tính: Duy Nhất, Thánh Thiện, Công Giáo và Tông Truyền. Ngày nay, ma quỷ vẫn luôn tìm mọi cách để chống phá, chia rẽ Giáo hội, tấn công vào sự Duy Nhất, Thánh Thiện của Giáo Hội. Chúng dùng nhiều cách để tách người tín hữu ra khỏi sự hiệp thông với Giáo Hội, gây sự chia rẽ giữa các tín hữu. Chúng tìm cách hạ uy tín của Giáo Hội bằng cách tấn công vào các chủ chăn. Chúng thôi phồng quá mức một số gương xấu, hoặc những sai lầm trong quá khứ nhằm gieo sự nghi ngờ trong Giáo hội.

Giáo Hội Công Giáo là Giáo Hội của Chúa Kitô, do Chúa Kitô thiết lập. Giáo hội không có chức năng làm kinh tế, chính trị, nhưng sứ mạng của Giáo Hội là xây dựng Nước Trời, rao giảng sự thật và bênh vực cho công lý. Giáo Hội có bổn phận phải lên tiếng bảo vệ cho người nghèo chống lại bất công, đem tình yêu thương và tha thứ của Chúa đến cho thế giới. Tiếng nói của Giáo Hội là tiếng nói nhằm thức tỉnh lương tâm con người, giúp con người sống theo đòi hỏi của Tin Mừng.

Là Kitô hữu, chúng ta có cùng một sứ mạng với giáo Hội. Mỗi người phải sống và xây dựng sự Duy Nhất, Thánh Thiện, Công Giáo và Tông Truyền bằng đời sống của mình trong gia đình và xã hội. Chúng ta góp phần vào sự Thánh Thiện của Giáo Hội bằng việc nỗ lực sống thánh và nên thánh; góp phần xây dựng sự Duy Nhất bằng sống tinh thần hiệp thông; sống đặc tính Công Giáo bằng việc mở rộng vòng tay để yêu thương và phục vụ mọi người và sống đặc tính Tông Truyền bằng việc vâng phục các giáo huấn của Giáo Hội.

Qua lời bầu cử của hai thánh Phêrô và Phaolô, xin Chúa thương gìn giữ và thánh hóa Giáo Hội, Đức Giáo Hoàng và các Đức Giám mục các linh mục và mỗi chúng ta. Xin Chúa cũng thương gìn giữ và giúp chúng ta biết nhiệt tâm xây dựng Giáo Hội nơi trần thế này. Amen.