TÔI LÀ GIÁO HỘI
Trần Mỹ Duyệt

Nếu bạn hỏi tôi: “Có tin vào Thiên Chúa không?”
Câu trả lời của tôi sẽ là “có”.

Còn nếu bạn lại hỏi làm sao tôi lại tin vào điều đó?
Tôi sẽ nói: “Đây là câu trả lời đòi có sự cảm thông, chia sẻ, và nhất là một tâm hồn thiện chí muốn tìm hiểu. Có thể tôi và bạn, chúng ta cần ngồi lại với nhau nhiều ngày, nhiều tuần, nhiều tháng để trao đổi, để chia sẻ và để cùng nhau học hỏi.”

Và sau cùng, nếu bạn lại hỏi tôi: “Vậy bạn theo tôn giáo nào?”
Tôi sẽ không ngần ngại, và cũng không cần suy nghĩ trả lời ngay: “Công Giáo”.

Tại sao lại Công Giáo?
Vì đối với tôi, Công Giáo có những điểm mà tôi không tìm thấy ở các tôn giáo khác. Đó là:

1. Một nền triết học rất vững chắc. Một nền triết học được xây dựng do bao nhiêu khối óc thông minh, trác tuyệt như Augustine, Ambrosiô, Thomas A’quinas, và nhiều nhiều những triết gia thuộc các dòng tu, các viện nghiên cứu, các đại học Công Giáo.

2. Một nền thần học rất uyên thâm. Nhờ đó, giúp con người có thể biết nhiều hơn, hiểu nhiều hơn, khám phá nhiều hơn về Đấng mà mình đang tin kính.

3. Một kỷ luật rất rõ ràng, minh bạch gọi là Giáo Luật. Bộ luật bao gồm những luật lệ hết sức nhân bản, nhưng cũng rất tâm linh giúp mọi thành phần trong Giáo Hội có thể sống, trưởng thành hơn trong đời sống tâm linh, cũng như bảo đảm đời sống sinh hoạt của Giáo Hội.

4. Một nghi lễ sốt sắng, trang nghiêm, và nhất thống gọi là Phụng Vụ. Qua Phụng Vụ ta mới biết phải thờ phượng, tôn kính Đấng Tạo Hóa như thế nào, bằng những tác động, tâm tình nào. Phụng Vụ còn đưa con người tiến sâu vào sự kết hợp mật thiết với chính Thiên Chúa.

5. Một tổ chức chặt chẽ, có hệ thống rõ ràng gọi là Giáo Hội hoàn vũ, và các Giáo Hội địa phương.

6. Một căn bản xây dựng trên kho tàng Thánh Kinh gồm Cựu và Tân Ước. Bộ sách mặc khải cho biết về Thiên Chúa, về tình thương của Ngài đối với nhân loại cũng như từng người, và về chương trình cứu độ Ngài đã thực hiện để giải phóng con người khỏi nô lệ Satan, nô lệ tội khiên, và để cứu độ con người.

7. Và nhất là tôn giáo này được minh chứng qua lịch sử, qua dòng thời gian bằng lớp lớp những chứng nhân anh hùng sẵn sàng đổ máu mình ra vì niềm tin và tôn giáo ấy, họ là những anh hùng tử đạo. Họ thuộc mọi thành phần xã hội, mọi tuổi tác, nam cũng như nữ, mọi chủng tộc, mọi đẳng cấp trong Giáo Hội, và mọi ngành nghề. Giáo Hội Việt Nam, cũng đóng góp 117 vị hiển thánh và 1 Chân Phước hay Á Thánh trong số những anh hùng tử đạo của Giáo Hội.

Với từng ấy những lý do trên, tôi tin là tôi đã chọn đúng tôn giáo của mình, cũng như đặt niềm tin vào đúng đối tượng là Thiên Chúa.

Nhưng ở một khía cạnh khác, có lẽ bạn đang muốn hoài nghi về những điều tôi vừa trình bày. Bạn có sẽ mỉm cười như ngầm nói với tôi là tôi phải giải thích sao khi mà gần đây trên mọi phương tiện truyền thông đang nhắm vào việc tố cáo, bôi xấu, tấn công Giáo Hội, tấn công niềm tin của tôi.
Bạn muốn nói đến trường hợp của một số hồng y, giám mục, linh mục, tu sỹ nam nữ đang vướng phải những tội lỗi rất xấu xa, ghê tởm như tội ấu dâm, tội lạm dụng tình dục...
Thí dụ điển hình hiện nay hồng y George Pell, cố vấn tài chính của Vatican đang phải đối mặt với những cáo buộc tại Úc, hoặc như hồng y Theodore McCarrick, giáo chủ hồi hưu của Tổng Giáo Phận Washington từ 2001-2006.
Họ là những giáo phẩm, giáo chủ từng nắm giữ những chức vụ quan trọng trong Giáo Hội, cũng như có một tầm ảnh hưởng rất rộng lớn ngoài xã hội.
Và bạn nói với tôi: “Những cây đại thụ trong vườn Giáo Hội của bạn mà như vậy, thì cây lau, cây sậy, hoặc cỏ rác sẽ như thế nào?”

Không sao, những suy nghĩ của bạn đã có câu trả lời trong Thánh Kinh. Kinh Thánh cho biết rằng Chúa Giêsu đã biết rõ về Phêrô trước khi đặt ông làm đầu Giáo Hội do Ngài sáng lập. Con người Phêrô là vậy, còn con thuyền Hội Thánh do Phêrô cầm tay lái cũng đã từng trải qua những giây phút tưởng chừng như bị đắm chìm, bị dập vùi vì sóng dữ, vì biển động do những cuộc bách hại, những trào lưu chống đối.
Nhưng tôi tin vào lời Chúa Giêsu đã nói với Phêrô khi trấn an ông trong sứ mạng thuyền trưởng con thuyền Giáo Hội:
“Và thầy bảo anh rằng, anh là Phêrô, và trên đá này Thầy sẽ xây Giáo Hội Thầy, và các cửa Hỏa Ngục cũng không thắng nổi”. (Mat 16:18)
Lịch sử hơn 2000 năm của Giáo Hội đã chứng minh điều này.

Khi con người qua sự hướng dẫn và xúi dục của Satan càng cố gắng công phá, bắt bớ, tiêu diệt Giáo Hội, thì Giáo Hội lại càng phát triển như lời giáo phụ Tertulian (c.155 - c.240) đã nói:
“Máu các Kitô hữu là hạt giống” trổ sinh mùa màng cho Giáo Hội.
Như vậy cả Hỏa Ngục, cũng như những tay sai của Hỏa Ngục cũng không đánh chìm được con thuyền Giáo Hội. Niềm tin này cho đến nay trong thế giới hiện tại vẫn luôn được minh chứng một cách mạnh mẽ.
Đêm trước ngày bị hành quyết bởi Nazis (Đức Quốc Xã), linh mục German Lutheran cha sở Dietrich Bonhoeffer đã nói với các tù nhân khác là:
“Đây là sự chấm dứt - nhưng với tôi, đời sống lại bắt đầu” (This is the end - but for me, the beginning of life).

Tôi rất tâm đắc với lối nhìn Giáo Hội của cây viết Simcha Fisher, ngày 1 tháng Tám, trên Blog www.simchafisher.com của cô, mô tả tâm trạng nhiều người Công Giáo hiện nay có liên quan đến những cáo buộc của hồng Y McCarrick như sau:

“Bạn nghĩ bạn muốn chạy trốn khỏi Giáo Hội. Bạn nghĩ bạn sẽ tìm được một nơi không còn giả hình đến thế, không còn sự ác cố thủ đến thế, một nơi không xây dựng bằng hết lớp này đến lớp khác đủ tội lệ, nhuốc nhơ và hư đốn.
Có khi bạn sẽ tìm được một nơi như thế; tôi không biết chắc. Nhưng điều chắc chắn là bạn sẽ không tìm được ở đấy một vị Thiên Chúa khóc lóc, chẩy máu và chết, Đấng đã nhận lấy tội lỗi vào cõi lòng Người, nuốt nó trọn khối, để nó bừng bừng trong dạ cho đến khi cháy tàn mới thôi.
Bạn chỉ tìm thấy một Thiên Chúa như thế trong Thánh Hội Công Giáo Rôma Thối Rữa, nơi kẻ hư đốn dạy người trẻ cách pha chế Thiên Chúa.

Đó là một giáo hội thối rữa. Nhưng nó không thối rữa đến tận trái tim vì Chúa Giêsu là trái tim nó. Ở đó, sẽ còn nhiều đổ máu hơn tôi nghĩ. Nhưng Chúa Giêsu ở đó. Người biết hết chuyện liên quan tới ‘Uncle Ted’, nhưng Người cũng biết mọi điều khác mà chúng ta sẽ được thấy. Đó là lý do tại sao Người đã đến. Xin nhớ điều đó, bất cứ ta làm điều gì khác”. 1


Xa hơn nữa, tôi nhớ lại lời của Đức Piô XII mà Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết lại trong Tông Huấn Người Tín Hữu Giáo Dân (Christifideles Laici):

“Các tín hữu, nói một cách rộng hơn, là các giáo dân là những kẻ đứng ở mặt trận tiền phong trong đời sống của Giáo Hội. Nhờ họ, Giáo Hội trở nên nguyên lý sự sống cho xã hội loài người. Vì thế, chính họ phải ý thức ngày càng rõ rệt là họ không những thuộc về Giáo Hội mà là Giáo Hội, nghĩa là cộng đồng các tín hữu trên mặt đất, dưới sự hướng dẫn của vị thủ lãnh chung là Đức Giáo Hoàng và các Giám Mục hiệp thông với Ngài. Họ là Giáo Hội” (số 9). 2





...