MẸ MARIA LÀ TOÀ ĐẤNG KHÔN NGOAN

Kinh Thánh viết rằng: “Trời là toà Thiên Chúa ngự, đất là bệ dưới chân Người”.

Thiên Chúa ngự trên trời, vì trời là toà báu của Người, nhưng vì lòng thương xót nhân loại, Thiên Chúa sai Con của Người giáng sinh để cứu nhân loại. Để cứu nhân loại, Người cần có ngôi toà nhân loại nữa.

Ngôi toà ấy chính là Đức Mẹ. Đức Mẹ là người xứng đáng nhất, là người tuyền vẹn nhất để Thiên Chúa Khôn Ngoan ngự vào.

Giáo Hội tặng cho Đức Mẹ tước hiệu: “Đức Bà là Toà Đấng Khôn Ngoan”. Giáo Hội nói lên câu ấy cũng như muốn nói ra rằng: Đồ đựng phải xứng với của đựng. Thiên Chúa là Đấng Khôn Ngoan, thì ngôi toà Người ngự cũng phải xứng đáng, phải khôn ngoan.

Thiên Chúa ngự trong lòng Đức Mẹ bằng ơn thánh. Thiên Chúa ngự trong lòng Đức Mẹ bằng chính thân xác Người, như vua ngự trên ngai vàng vậy. Thiên Chúa ngự trong lòng Đức Mẹ bằng tình yêu.

Xin Đức Mẹ là Toà của Đấng Khôn Ngoan cầu bầu cho chúng con, để chúng con sáng suốt tin tưởng và sống sao cho xứng đáng để trở nên đền thờ cho Thiên Chúa ngự vào!

(Lược trích theo Lm. Nguyễn Duy Tôn,

Những mắt xích vàng, Tủ Sách Ra Khơi, 1964).

CHÂN PHƯỚC BARTOLO LONGO

Tông đồ Kinh Mân Côi

(1841-1926)

Thánh Gioan Phaolô II tuyên chân phước 26/10/ 1980; Lễ nhớ: 5 tháng 10

Chân phước Bartolo Longo sinh tại vùng Naple, Italia, trong một gia đình Công giáo đạo đức, chuyên chăm lần hạt Mân Côi. Khi còn trẻ, ngài học ngành luật của trường đại học Naples. Trong khoảng thời gian này, Longo chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi những tư tưởng chính trị. Từ đó, ngài ra sức chống đối Hội Thánh Công Giáo, bài bác quyền bính của Đức Giáo hoàng, hàng linh mục và những tu sĩ Đa Minh. Longo thù ghét tu sĩ Đa Minh bắt nguồn từ một câu chuyện trong quá khứ. Số là các tu sĩ này nỗ lực vận dụng kiến thức và học thuật nhằm bảo vệ Giáo Hội chống lại các triết gia thế tục trong khi Bartolo đang theo đuổi tư tưởng của những người này. Sau đó, ngài từ bỏ chủ nghĩa duy quốc gia và chú tâm đến những giá trị tâm linh. Longo bị thu hút bởi những buổi cầu hồn, rồi trở thành linh mục tự phong của Satan.

Trong khi tìm hiểu các hiện tượng thần bí và tâm linh, Longo cảm thấy tâm hồn ngài trống rỗng và đau khổ. Ngài rơi vào những cơn ảo giác, ác mộng kinh khủng, đau ốm về thể xác và suy nhược thần kinh trầm trọng. Để xin được chỉ dẫn, ngài tìm đến một người bạn đồng thời cũng là linh mục Dòng Đa Minh, và trải qua một cuộc hoán cải toàn diện. Vì lo sợ cho phần hồn, ngài đã từ bỏ thuyết duy linh cùng những luận đề của nó và quay trở lại với Giáo lý Công giáo. Để tỏ lòng biết ơn cho mình được cứu thoát khỏi thế lực đen tối, ngài xin gia nhập Dòng Ba Đa Minh và dành trọn cuộc đời để rao truyền Kinh Mân Côi. Đặc biệt, Longo nỗ lực canh tân đức tin Công giáo tại những thành phố cổ của Pompeii và xây dựng tại đây ngôi thánh đường dâng kính Nữ Vương Mân Côi. Ngài khởi xướng nhiều công việc từ thiện và xem đó là một phần sứ vụ tông đồ của mình. Longo cũng trở thành một hiệp sĩ của Dòng Mộ Thánh.

Lòng Sùng Kính Đức Maria

Mặc dù đã cắt đứt tương quan với Giáo Hội trong suốt quá trình học luật tại Naples, Bartolo vẫn luôn kính trọng phẩm giá phụ nữ. Hành động này bắt nguồn từ tình yêu với mẹ của ngài. Chính nhờ tình mẫu tử này, Thiên Chúa cải hóa toàn diện con người Longo qua Đức Maria, người Mẹ thiêng liêng của ngài. Thực tế, khi từ bỏ thuyết duy linh, ngài cố gắng không ngừng để làm cho mọi người nhận biết và được yêu mến Đức Maria hơn. Mẹ trở thành Nữ Hoàng và niềm hy vọng lớn lao của ngài trong việc tìm kiếm ơn cứu độ nhờ Đức Giêsu Kitô. Ngài cậy trông hoàn toàn vào Mẹ trong mọi công việc và nỗ lực nhằm cứu vớt các linh hồn.

Trong bài giảng nói về lòng sùng kính Đức Maria của chân phước Bartolo, khi tuyên phong chân phước cho Bartolo vào năm 1980, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II dâng tặng cho ngài những cảm nghĩ sau đây: “Bartolo Longo, giáo dân Đa Minh, người sáng lập Hội Dòng Chị Em Rất Thánh Mân Côi Pompeii, thực sự có thể được coi là “người của Đấng Đồng Trinh”. Vì yêu mến Đức Maria, ngài đã trở nên một nhà văn, tông đồ của Tin Mừng, người truyền bá Kinh Mân Côi, người xây nên ngôi thánh đường nổi tiếng giữa những khó khăn và nghịch cảnh. Vì tình yêu với Đức Maria, ngài thiết lập nên những tổ chức bác ái; ngài đã trở thành người hành khất cho trẻ em nghèo; ngài đã biến đổi thành phố Pompeii nên thành lũy của tình người và thiện hảo Kitô Giáo. Vì tình yêu với Đức Maria, ngài âm thầm chịu đựng những lời vu khống và nỗi khổ nhục, và ngài đã vượt qua Cơn Hấp Hối kéo dài ấy. Ngài luôn luôn tín thác vào Thiên Chúa, vâng phục Đức Giáo hoàng và Hội Thánh.

Chiến Sĩ Kinh Mân Côi

Sau khi trở lại với Giáo Hội, chân phước Bartolo gia nhập Hội viên Dòng Ba Đa Minh vào ngày 7 tháng 10 năm 1871 và lấy tên là “anh Rosario”. Đây là tên gọi hiếm gặp vào thời ấy. Kinh Mân Côi thực sự trở thành nơi nương tựa và niềm hy vọng cứu độ khi ngài đã phải trải qua cuộc thử thách đức tin rất lớn trong chuyến viếng thăm đến Pompeii vào năm 1872.

Trong chuyến hành trình này, ngài nhận ra những người sống gần các thành phố cổ của Pompeii đang thiếu hụt trầm trọng về Giáo lý. Bên cạnh đó, họ bị cám dỗ sa vào những sai lầm của thuyết duy linh. Tình cảnh thảm hại của Pompeii làm cho ngài suy sụp dữ dội. Longo thấu hiểu điều đó bởi ngài cũng từng là linh mục của Satan. Thật vậy, trước đây ngài đã dẫn dắt nhiều người ra khỏi đường lối đức tin và đưa họ vào những sai lạc của thuyết duy linh. Khi ấy, Bartolo nhận thấy nếu còn sống trong cảnh nô lệ tội lỗi và hố sâu tuyệt vọng này, thì nó sẽ khiến ngài phải tự tử. Một điều duy nhất có thể kéo ngài ra khỏi cảnh trì trệ của mình là, trông chờ vào lời Đức Maria hứa với thánh Đa Minh: bất cứ ai thực hành Kinh Mân Côi đều được cứu. Nhờ đó, ngài từ bỏ ý định tự sát và dâng hiến trọn đời để truyền bá Kinh Mân Côi. Ngài khởi đi bằng việc gắn kết Kinh Mân Côi với mọi hoạt động sống của mình. Mỗi tối, ngài cùng với mọi người đọc Kinh Mân Côi chung tại nhà thờ. Chuỗi Mân Côi trở thành tràng chuỗi ngọt ngào nâng ngài lên tới Chúa Giêsu và Đức Maria đồng thời phá tan sự thống trị của Satan.

Công cuộc truyền bá Kinh Mân Côi và phục hồi đức tin Công giáo tại Pompeii trở thành sứ vụ trọn đời của Bartolo. Năm 1873, ngài thành lập Hội Ái Hữu ở Pompeii. Được thôi thúc bởi những tác phẩm về việc truyền bá lòng sùng mộ thánh tâm Chúa Giêsu của thánh Catarina Volpicielli ở Naples, Longo tiến hành kiến thiết một Vương cung Thánh đường dâng kính Đức Maria ở Pompeii. Khi xây dựng Thánh đường, ngài tìm được một bức tranh Đức Mẹ Mân Côi đã được lưu giữ ở đây. Qua bức ảnh này, Thiên Chúa thực hiện nhiều phép lạ đến độ toàn thể thế giới đều tin vào quyền năng của Kinh Mân Côi.

Năm 1877, ngài xuất bản cuốn 15 ngày thứ 7. Đây là một tác phẩm bao gồm những phép lạ liên quan đến chuỗi Mân Côi. Năm 1884, ngài phổ biến Tạp chí mang tên Kinh Mân Côi và Tân Pompeii. Ngài trở thành bạn của thánh Giuse Moscati, một bác sĩ thánh thiện hằng ngày đều đọc Kinh Mân Côi. Thánh nhân biết Bartolo vì thánh nhân là bác sĩ riêng ngài và thánh Moscati cũng rất yêu mến ngôi thánh đường của Đức Maria Mân Côi ở Pompeii. Trung bình, có khoảng 4 triệu người viếng thăm ngôi thánh đường này mỗi năm. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Giáo hoàng Bênêđictô XVI và Giáo hoàng Phanxicô cũng đã có những cuộc hành hương đến vương cung thánh đường này để cầu nguyện cũng như khuyến khích mọi người cùng đọc Kinh Mân Côi. Chân phước Bartolo được an táng vào lễ Đức Mẹ Mân Côi ngày 7 tháng 10 năm 1926. Trong tông thư Rosarium Virginis Mariae về Kinh Mân Côi, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã dâng kính tước hiệu “Tông đồ Kinh Mân Côi” cho chân phước Bartolo.

Trích từ Donald H. Calloway, MIC,

Champions of the Rosary, Marian Press, 2016

HẠT GIỐNG MÂN CÔI

Khi trao Kinh Mân Côi cho Thánh Đa Minh, Đức Mẹ đã truyền cho thánh nhân phải lần hạt mỗi ngày và hướng dẫn những người khác cũng làm như vậy. Thánh Đa Minh không bao giờ cho phép ai gia nhập Hội Mân Côi nếu họ không quyết tâm lần hạt mỗi ngày.

Thánh Louis de Montfort

Sau khi thành lập Dòng Anh Em Giảng Thuyết, Thánh Đa Minh mong muốn chấm dứt những sai lạc của bè rối Albigensian. Được Thần Khí Chúa thúc đẩy, ngài bắt đầu khẩn nài sự trợ giúp của Thánh Mẫu Đồng Trinh để tăng sức cho những ai đang phải vất vả quét sạch lạc giáo trong vũ trụ này; và ngài rao giảng Kinh Mân Côi như một phương thức bảo trợ hữu hiệu chống lại lạc giáo và thói xấu.

Chân phước Pio IX

Bạn có biết lòng sùng kính Kinh Mân Côi xuất hiện như thế nào không? Bằng cách thức tuyên truyền ngụy biện, lạc giáo đã lan rộng nhanh chóng và tạo nên một thế lực rất lớn chống lại Giáo Hội. Vì vậy, Thiên Chúa đã gợi hứng cho Thánh Đa Minh thiết lập và truyền bá lòng sùng kính Kinh Mân Côi. Cách thức này có vẻ đơn giản và dễ dàng, nhưng Chúa lại chọn lựa những điều nhỏ bé trong thế giới để hạ bệ những điều lớn lao. Do đó, trước tiên cách thức này dành cho những ai có lòng đơn sơ và nghèo khó, nhưng không chỉ cho những người này thôi đâu, mà còn cho tất cả những ai thực hành lòng sùng kính này biết rằng trong sự sùng kính này có một sự ngọt ngào mà không điều gì khác có được.

Chân phước John Henry Newman

Dưới sự hướng dẫn cùng với quyền năng của Đức Maria, nhiều người thành tâm thiện chí -nổi tiếng về đức hạnh chứ không phải về tinh thần tông đồ- đã đứng lên đương đầu với kẻ thù và dẫn đưa các linh hồn quay trở lại với đời sống Kitô hữu. Các ngài đã thắp lên trong các linh hồn này ngọn lửa tình yêu của Thiên Chúa. Trong số đó, Thánh Đa Minh là một người như thế. Đặt trọn niềm tin tưởng vào Kinh Mân Côi của Đức Mẹ, thánh nhân không sợ hãi chu toàn cả hai trách vụ trên với những thành quả tốt đẹp.

Giáo hoàng Leo XIII

Trong đời sống tâm linh, Thánh Đa Minh luôn cậy nhờ những cách thức hữu hình nhằm gia tăng tâm tình cầu nguyện. Trong số đó, ngài thường sử dụng những hạt cườm khi lần chuỗi Mân Côi. Nhận thấy dân chúng thiếu hiểu biết về đức tin, và nhằm chiến đấu với bè rối Albigensian đang chối bỏ chân lý Kitô giáo, Thánh Đa Minh, được Thiên Chúa gợi hứng, đã cố gắng giúp cho dân chúng suy gẫm về chân lý và mầu nhiệm qua mỗi chục Kinh Mân Côi. Vì thế, trong khi giới thiệu một phương thức cầu nguyện đơn giản, ngài cũng hướng dẫn sao cho mọi người có thể dễ dàng cầu nguyện.

Chân phước James Alberione

ĐỒNG HÀNH VỚI CÁC GIA ĐÌNH TRẺ

2- Trong năm 2018, chúng tôi đề nghị anh chị em tiếp tục quan tâm đến Mục vụ gia đình, với điểm nhấn là đồng hành với các gia đình trẻ.

Mặc dù có nhiều thách đố và khó khăn trong đời sống gia đình, vẫn có những chứng từ tốt đẹp nơi nhiều cặp vợ chồng trẻ Công giáo. Họ chấp nhận những hy sinh lớn lao, vượt qua mọi khó khăn thử thách để sống trung thành với giao ước hôn nhân. Nhiều cặp vợ chồng đã can đảm giữ mầm sống trong mọi hoàn cảnh. Có những đôi bạn chấp nhận tình trạng son sẻ suốt đời, vượt qua cám dỗ muốn sử dụng những phương pháp trợ giúp Giáo Hội không cho phép, đồng thời đón nhận và thực thi tình phụ mẫu thiêng liêng qua việc đảm nhận những hoạt động tông đồ, bác ái xã hội với lòng nhiệt thành hân hoan. Nhiều bậc cha mẹ dù nghèo về kinh tế, vẫn cố gắng chu toàn bổn phận chăm lo cho con cái được giáo dục toàn diện về thể dục, trí dục, cũng như đức dục và tâm linh.

Tuy vậy, phải nhìn nhận rằng do ảnh hưởng trào lưu hưởng thụ, sống ảo, sống gấp và quan niệm lệch lạc về hôn nhân, một số không nhỏ những tiêu cực vẫn tồn tại và có nguy cơ phát triển, ngay trong cộng đồng Công giáo như: phá thai, sống thử, kết hợp đồng tính, ly dị, lựa chọn giới tính. Những hiện tượng này đang làm mất đi những giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam, đi ngược lại với ý muốn của Đấng Tạo hoá, để lại những hậu quả nghiêm trọng cho thế hệ mới.

3- Dựa trên tình hình thực tế đã nêu trên, chúng tôi mời gọi các gia đình trẻ hãy trân trọng giữ gìn và phát huy giá trị của hôn nhân Công giáo. Chúng tôi cũng mời gọi các mục tử và mọi thành phần Dân Chúa đồng hành và giúp đỡ các gia đình xây dựng hạnh phúc.

Trong Tông huấn Niềm vui của tình yêu, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói đến những nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia đình đổ vỡ. Đó là kỳ vọng quá cao về đời sống hôn nhân, sự thu hút ban đầu qua đi, cùng với những khó khăn mới mà đôi bạn chưa được chuẩn bị để đối diện. Ngoài ra, còn phải nói đến tác động của bối cảnh văn hoá xã hội ngày nay, đề cao tự do cá nhân hơn hạnh phúc gia đình, đo lường tình yêu dựa vào những tiêu chuẩn vật chất và hưởng thụ hơn là những giá trị tinh thần. Vì vậy, trước những khó khăn trong đời sống hôn nhân, nhiều đôi bạn trẻ coi ly dị, phá thai là giải pháp tối ưu thay vì cố gắng vượt qua để bảo vệ hạnh phúc gia đình.

Chính vì thế, đồng hành với các gia đình trẻ là yếu tố quan trọng trong Mục vụ gia đình. Mục vụ hôn nhân không chỉ dừng lại ở khoá chuẩn bị nhưng phải đồng hành với các đôi vợ chồng trẻ trong những năm tiếp theo, bằng cách giúp họ hiểu rằng: (1) Hôn nhân là một hành trình dài, trong đó mỗi người phải gạt đi những ảo tưởng để đón nhận bạn đời của mình như họ là, cùng nhau nên hoàn thiện hơn mỗi ngày; (2) Hành trình này đòi hỏi sự kiên nhẫn, hiểu biết, hy sinh và quảng đại; (3) Hành trình đó giúp đôi bạn đào sâu và làm phong phú hơn quyết định của họ khi bước vào đời sống hôn nhân (Niềm vui của tình yêu, số 223).

Hội đồng Giám mục Việt Nam,

Thư mục vụ gửi cộng đồng Dân Chúa 2018, số 2-3.