THÀNH KIẾN

Thành kiến được định nghĩa là một suy nghĩ, một cái nhìn cố định khó thay đổi về việc gì đó. Khăng khăng bảo vệ quan điểm của mình “như đúng rồi” lại còn úp lên đó cái khung cứng nhắc của cảm tính, người thành kiến sẽ không thể nhìn người khác đúng như họ là, mà trái lại sẽ đánh giá theo kiểu: “Thương nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau quả bồ hòn cũng méo.” Chẳng những thế, người thành kiến lại thích đeo cặp kính đen để chỉ nhìn thấy phương diện xấu xa, bi quan, tiêu cực của sự việc.

Trang Tin Mừng hôm nay là lời tiên báo về sự chống đối và bách hại mà Chúa Giêsu sẽ trải qua. Sau một thời gian rao giảng và làm nhiều phép lạ, danh tiếng Ngài được nhiều người biết đến. Thế nhưng, khi trở về quê hương, Ngài chỉ nhận được sự hững hờ và khinh rẻ của người đồng hương mà thôi.

“Bụt nhà không thiêng”: định luật tâm lý đó đã chi phối người Do thái và họ đã đối xử với Chúa Giêsu một cách hững hờ, thậm chí là tẩy chay và kết án! Như thánh Gioan đã viết: “Ngài đã đến nơi nhà của Ngài nhưng người nhà đã không đón nhận” (Ga 1, 11). Vì thế, họ đánh mất cơ hội được Chúa thực hiện phép lạ; và nhất là, cơ hội được đón nhận mạc khải nước trời.

Những người đồng hương đương thời với Chúa Giêsu đã nhìn Người với đôi mắt thành kiến như thế. Đối với họ thì gà thì đẻ ra gà chứ không thể đẻ ra công được. Với cái nhìn thành kiến, họ không thể nào nhận ra Chúa Giêsu mà họ vẫn tưởng là con bác thợ mộc Giuse lại là Con Thiên Chúa được.

Chúa Giêsu đã trích dẫn câu tục ngữ quen thuộc: "Không ngôn sứ nào được đón tiếp nơi quê hương của mình", đó là định luật tâm lý mà chính Ngài cũng không thoát khỏi. Nhưng quê hương đối với Chúa Giêsu không chỉ là ngôi làng Nazareth nhỏ bé, mà sẽ là toàn cõi Palestina. Ngài đã đến nơi nhà Ngài mà người nhà của Ngài đã không đón tiếp Ngài. Cái chết trên Thập giá là tuyệt đỉnh sứ mệnh ngôn sứ của Chúa Giêsu, là lời nói cuối cùng của Ngài như một vị ngôn sứ.

Rời bỏ Nazareth một thời gian dài, Chúa Giêsu đã làm những phép lạ cả thể ở Capharnaum (Mc 1, 21-45); nhưng khi trở về thăm quê hương, thay vì là một cuộc “vinh quy bái tổ” thì Ngài gặp phải sự coi thường, chống đối. Trước những lời giáo huấn của Chúa, họ cũng ngạc nhiên vì Ngài có những lời lẽ khôn ngoan (Lc 4, 22). Nhưng mặt khác, họ cũng thấy Ngài chỉ là con của bác thợ mộc: “Người này không phải là con ông Giuse sao”? Họ không nhận ra Ngài là Đấng cứu thế, là Con Thiên làm người.

Lời giảng của Chúa Giêsu bước đầu đã được dân làng thán phục. Họ có vẻ hãnh diện vì một người trong làng được lừng lẫy tiếng tăm. Nhưng Chúa Giêsu không muốn mình bị chi phối bởi dân làng. Ngài không muốn bị buộc phải dành chút ưu tiên nào cho Nazareth (c. 23). Chúa Giêsu còn nhìn xa hơn đến sứ vụ nơi dân ngoại (cc. 25-27). Ngài nhắc đến hai vị ngôn sứ trong Cựu Ước là Êlia và Êlisa. Hai vị này đã giúp bà góa ở Xiđôn và tướng Naaman ở Xyri. Dân Nazareth phẫn nộ và định giết Chúa Giêsu khi Ngài nói rằng Thiên Chúa chỉ sai hai ngôn sứ trên đến với dân ngoại mà thôi.

Không thể làm ngôn sứ mà không trải qua bách hại, khổ đau thử thách. Ðó là số phận chung của các ngôn sứ từ Cựu Ước qua Tân Ước. Những kẻ không được sai đi, tự lấy danh mình mà nói, đó là những ngôn sứ giả; còn các ngôn sứ thật ý thức mình được Chúa sai đi và chỉ nói những gì Ngài muốn, một sứ mệnh như thế thường tạo ra nơi vị ngôn sứ một cuộc chiến nội tâm mãnh liệt. Môsê và Êlia trải qua khủng hoảng và ngay cả thất vọng khi phải trung thành với Lời Chúa; Giêrêmia đã nhiều lần ca thán và có lúc chỉ muốn đào thoát. Ðau khổ nhất cho các ngôn sứ là thấy lời nói của mình không được lắng nghe.

Tự xem mình là tôi tớ của Thiên Chúa, Chúa Giêsu luôn thực hiện tốt sứ mạng đem Tin Mừng cứu độ đến cho con người. Người đến để thực hiện tất cả những gì đã được ngôn sứ Isaia loan báo: “Người sai tôi đi công bố Tin Mừng…” Nếu như người làng Nadarét hiểu được lời Chúa nói: “Hôm nay đã ứng nghiệm…” thì sự hiện diện của Chúa thật sự trở nên Tin Mừng cho họ vì Thiên Chúa đang ở giữa dân Người. Sự hiện diện đó thực sự là một thực tại mới mẻ, một ngày “hôm nay” mang tính cứu độ. Với tất cả những điều đó, Chúa muốn nói với người cùng thời và với chúng ta rằng: Chúa đang có mặt, một cách sống động, bên cạnh chúng ta, Người luôn sẵn sàng ban ơn, đem niềm vui và tình thương đến cho chúng ta.

Người dân Nazareth, nhất là những người đã từng quen biết và lớn lên với Chúa Giêsu hẳn có đủ lý do để tỏ ra ngỡ ngàng khi nghe kể về thành tích của Ngài, bởi vì trong suốt ba mươi năm sống trong ngôi làng nhỏ bé ấy, Ngài đã chẳng tỏ ra bất cứ một dấu thánh thiện siêu phàm nào. Chúng ta có thể tự hỏi làm sao Chúa Giêsu đã có thể sống trong ngôi làng bé nhỏ ấy trong suốt ba mươi năm mà không để lộ bản tính của Ngài? Làm sao Con Thiên Chúa lại có thể sống trong ngôi làng hẻo lánh nghèo nàn ấy trong bao nhiêu năm mà dân chúng không hề thắc mắc? Câu trả lời chỉ có thể là Chúa Giêsu chỉ có một ý niệm về thánh thiện hoàn toàn khác với những người Do Thái đồng hương và cả chúng ta nữa.

Vào thời Chúa Giêsu, thánh thiện có nghĩa là tuân giữ chi ly mọi Lề Luật, trung thành với truyền thống và phong tục vốn được xem là biểu thị của đời sống đạo đức, nhưng Chúa Giêsu đã không nghĩ như thế. Chính vì vậy mà khi Ngài bắt đầu rao giảng, chữa bệnh và làm phép lạ, tất cả những ai đã từng biết Ngài trong ngôi làng nhỏ bé ấy đều thắc mắc và bỡ ngỡ. Quả thật, tất cả những ai đã từng quen biết Ngài chỉ xem Ngài như một người như họ mà thôi, Ngài không để lộ bất cứ một dấu thánh thiện hay siêu phàm nào.

Chúa Giêsu không chỉ đến để làm cho lời các ngôn sứ được ứng nghiệm, Ngài cũng là vị ngôn sứ đúng nghĩa nhất. Nơi Ngài cũng có những đặc điểm của các ngôn sứ: đối đầu với những giá trị sẵn có, Ngài tỏ thái độ như các ngôn sứ: Ngài nghiêm khắc với những kẻ khóa Nước Trời không cho người khác vào. Ngài nổi giận trước sự giả hình của những người Biệt phái. Ngài đặt lại vấn đề tư cách là con cháu Tổ phụ Abraham mà người Do Thái vẫn tự hào. Nhất là Ngài rao giảng không chỉ bằng lời nói, mà còn bằng cả cuộc sống của Ngài; do đó, bị chống đối, bị bách hại là số phận tất yếu của Ngài.

Họ thách thức Chúa hãy làm phép lạ như đã làm ở Capharnaum nhưng Ngài không làm. Ngài không làm không phải vì Ngài không làm được nhưng vì họ có thái độ xem thường và kém tin. Để nói lý do không làm phép lạ, Chúa Giêsu đã kể hai chuyện xảy ra trong thời cựu ước; đó là trường hợp của bà góa thành Sêrepta và tướng quân Syria, cả hai đều là dân ngoại nhưng đã tin và tôn trọng người của Chúa; nhờ vậy họ nhận được phép lạ…

Chúa đã trích dẫn câu tục ngữ quen thuộc: "Không tiên tri nào được đón tiếp nơi quê hương của mình", đó là định luật tâm lý mà chính Ngài cũng không thoát khỏi. Nhưng quê hương đối với Chúa Giêsu không chỉ là ngôi làng Nazareth nhỏ bé, mà sẽ là toàn cõi Palestina. Ngài đã đến nơi nhà Ngài mà người nhà của Ngài đã không đón tiếp Ngài. Cái chết trên Thập giá là tuyệt đỉnh sứ mệnh tiên tri của Chúa Giêsu, là lời nói cuối cùng của Ngài như một vị tiên tri.

“Hôm nay” không chỉ là hiện tại đối với những người đang hiện diện và chăm chú lắng nghe lời Chúa Giêsu nói trong hội đường ngày ấy, song, “hôm nay” còn là hiện tại của chính mỗi người chúng ta, những người cũng đang chăm chú hướng mắt, tai và lòng về Chúa Giêsu. Và vì vậy, niềm vui và sự trầm trồ thán phục trước Chúa Giêsu đừng chỉ là thái độ của những người của quá khứ, song cũng phải là thái độ của chính chúng ta, chính thời đại chúng ta.

Huệ Minh