ĐẠO YÊU THƯƠNG

Trong hành trình đi loan báo Tin Mừng, người ngôn sứ trong Cựu Ước gặp biết bao từ khước, bị chống đối và thậm chí còn bị đe doạ đến tính mạng. Thánh Gioan Tẩy Giả vì nói lên tiếng nói chân lý, muốn bảo vệ luân lý đạo đức mà ngài đã bị chém đầu. Chúa Giêsu - Vị ngôn sứ quyền năng không thoát khỏi số mệnh đã dành riêng cho Ngài.

Trang Tin Mừng Lc 6, 6-11 hôm nay nói lên mầm mống chống đối của những kẻ không ưa Ngài, muốn tìm cách hãm hại và loại trừ Ngài. Ta hãy cùng Ngài bước vào cuộc đối đầu đã khởi sự.

Mặc dù Chúa Giêsu đã đem Tin Mừng cho người nghèo, giải phóng kẻ bị áp bức và kẻ bị cầm tù, đem ánh sáng cho người mù, bảo vệ kẻ cô thế cô thân, và chữa lành bệnh tật. Cho dù Ngài chỉ nói lời yêu thương, khuyến cáo cảnh tỉnh người lầm lạc trở về, thế mà Ngài lại bị lên án và bị giết chết trên Thập Giá.

Nhiều người Do thái thời Chúa Giêsu, nhất là các thành phần lãnh đạo trong dân cũng có lối hành đạo tương tự. Thật ra, đạo của mạc khải Do thái giáo cốt yếu cũng là đạo của tình thương; thế nhưng trong thực tế, cái cốt lõi ấy thường bị quên lãng để nhường chỗ cho biết bao nghi thức trống rỗng vô hồn; người ta sẵn sàng loại trừ tha nhân và chối bỏ tình thương để tuân giữ những nghi thức và luật lệ vô hồn ấy.

Trong dòng lịch sử, dân Do Thái đã hiểu và tuân giữ quy luật thiên định ấy. Nhất là trong biến cố vượt qua biển đỏ cách lạ lùng, Dân Do Thái thoát khỏi cảnh nô lệ Ai Cập do sự can thiệp kỳ diệu của bàn tay uy quyền của Thiên Chúa. Ý thức về quyền năng và tình thương của Thiên Chúa dành cho họ cách lạ lùng nên họ dành ngày Sabat để tôn thờ và tạ ơn Thiên Chúa. Chính vì vậy mà ngày Sabat thuở ban đầu được xác định là ngày kính nhớ tình thương tạo dựng và sự sống Chúa trao ban.

Thế nhưng rồi trải qua dòng thời gian, ý nghĩa chính của ngày nghỉ Sabat đã bị những người Biệt Phái làm sai lệch. Chính vì thế mà Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu xác định rõ lại cho họ thấy ý nghĩa đích thực của ngày Sabat. Ngày Sabat được đặt ra là để “làm việc lành và để cứu sống”. Nên Chúa Giêsu đã không ngần ngại làm việc lành là cứu chữa cho người bị bại liệt được khỏi mà ban lại cho anh ta sự sống mới.

Chúa Giêsu tự ý chữa lành cho người bại tay không do yêu cầu của người này, cho thấy lập trường của Ngài về việc chữa lành. Bệnh của người khô bại tay không phải là trường hợp nguy cấp, cần được chữa trị ngay trong ngày sa-bát.

Tuy thế, với Chúa Giêsu, vấn đề không còn là trong ngày sa-bát được phép chữa bệnh hay không, nhưng là được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay bị hủy diệt? Với Ngài, sự sống con người quan trọng đến độ không làm điều lành cần phải làm là làm điều dữ, không cứu sự sống khi có thể là hủy diệt sự sống ấy.

Lời Ngài có uy quyền trên bệnh tật và lời Ngài đã chứng minh Tình Yêu Thiên Chúa qua hành vi cụ thể chữa lành. Việc chữa lành của Chúa Giêsu đã đưa anh khô bại tay trở về cuộc sống đời thường nhưng lại là lúc làm cho mầm mống ghen tỵ, hiềm khích của người pha-ri-sêu gia tăng. Thánh sử Luca viết tiếp, họ giận điên lên và bàn nhau xem có làm gì được Chúa Giêsu không (c.11). Một kế hoạch được lập ra. Một âm mưu được khởi đầu chỉ vì lòng ghen ghét.

Chúa Giêsu đã đến và đưa con người trở lại cái cốt lõi của đạo. Tin Mừng hôm nay ghi lại một nỗ lực của Chúa Giêsu nhằm nhắc nhở cho người Do thái về cái cốt lõi của đạo được thể hiện qua lề luật. Một trong những khoản quan trọng của lề luật chính là ngày Hưu lễ. Chúa Giêsu đã không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn lề luật, và kiện toàn lề luật chính là mặc cho tinh thần và ý nghĩa của yêu thương; không có tình thương, lề luật chỉ còn là một cái xác không hồn.

Như vậy, kiện toàn luật giữ ngày Hưu lễ chính là biến ngày đó thành ngày tôn vinh Thiên Chúa, và không gì đúng đắn và xứng hợp hơn để tôn vinh Thiên Chúa trong ngày Hưu lễ cho bằng thể hiện tình thương đối với tha nhân. Chính trong ý nghĩa ấy mà Chúa Giêsu đã chữa lành một người có bàn tay khô bại trong ngày Hưu lễ. Lề luật là một thể hiện ý muốn của Thiên Chúa, và ý muốn của Chúa không gì khác hơn là con người được sống, và sống dồi dào, sung mãn chính là sống yêu thương. Như vậy chu toàn lề luật trước tiên là sống yêu thương.

Thái độ của người Pharisêu xưa cũng là hành vi của chúng ta ngày nay. Nhiều lúc trong cuộc sống nơi công sở, nhà máy, trường học, chúng ta vẫn có nhiều âm mưu diệt trừ lẫn nhau: một lời nói xấu, gièm pha, một hành vi phản đối hoặc thái độ “mackeno”. Thậm chí một vài người có hành vi loại trừ Thiên Chúa như: tôn thờ chủ nghĩa vật chất, ham mê những quyến rũ của lạc thú trần gian và có những thái độ chống phá Giáo hội như : đặt điều vu khống, bắt bớ, bách hại những người ngay lành, thấp cổ bé miệng, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ, trẻ em...

Cái nhìn yêu thương của Thầy Chí Thánh Giêsu giúp chúng ta có một cái nhìn đúng đắn về anh em mình. Đó là ánh nhìn nhạy bén, yêu thương, cảm thông, hy sinh, lo lắng, chia sẻ đối với những ai đang đau khổ dù họ chưa một lần lên tiếng cầu xin.

Trang Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại cách sống đạo của chúng ta. Ðọc kinh, dự lễ, tham gia sinh hoạt giáo xứ mà không sống yêu thương, điều đó có thật sự là sống đạo chưa? Sống đạo đích thực là sống yêu thương: một lời kinh đích thực phải phát xuất từ cõi lòng rộng mở yêu thương; một của lễ đẹp lòng Chúa phải là một nghĩa cử yêu thương dành cho tha nhân. Xin Chúa giúp chúng ta mỗi ngày thêm thấm nhuần cái cốt lõi của đạo là yêu thương.

Huệ Minh