KHÔNG NGỜ






Sơn Tây, ngày 18-10-1990
Sáng nay mình đến Tuy Lộc dâng thánh lễ đồng tế với cha xứ nhân ngày bổn mạng họ đạo. Nhà thờ nhỏ xíu, không có phòng thánh. Áo lễ dọn ngay trên bàn thờ. Mình đang mặc áo, thì cha xứ ghé tai nói nhỏ:
- Piô giảng nhá.
- … Dạ.
Miệng thì dạ, mà lòng thì băn khoăn: có nên giảng ở đây không? Điều gì nên nói, điều gì nên suy gẫm một mình? Nội dung bài Tin Mừng hôm nay là “Lên đường truyền giáo.” Mình không dám nói chuyện truyền giáo hôm nay, nên chỉ duyệt lại một khúc truyền giáo hôm qua: Vấn đề thờ cúng tổ tiên.
Dẹp bàn thờ ông bà là một sai lầm có tầm mức chiến lược, nhưng là một sai lầm gần như không thể tránh được. Lý do :

1- Lúc ấy hai nền văn hóa Đông Tây mới gặp nhau, không thể hiểu được nhau. Bà Pearl Buck minh chứng điều đó bằng câu chuyện sau đây.
Có một ông Tây vào một nhà hàng ở Thượng Hải để “ăn cơm Tàu” sau khi đã được “ở nhà Tây.” Ông Tây đang ăn ngon miệng, thì bỗng khựng lại, lợm giọng... Ở bàn kế bên, một thực khách Tàu lâu lâu lại nhổ nước bọt xuống sàn gạch hoa. Cầm lòng không được, ông Tây bèn lên lớp:
- Người Tàu dơ dáy quá! Nhổ nước bọt xuống đất là bất lịch sự, là làm mất vệ sinh chung.
- Nước bọt bẩn, nên người Tàu phải nhổ xuống đất. Như thế là đúng. Còn người da trắng các ông lại nhổ nước bọt vào trong khăn, gói lại, rồi cất trong túi quần! Như thế mới mất vệ sinh...
Các vị thừa sai thời ấy không thể hiểu nổi danh từ ĐẠO và động từ THỜ trong tiếng Việt Nam. ĐẠO đối với họ chỉ có một nghĩa là TÔN GIÁO. Động từ THỜ họ chỉ dành cho Thiên Chúa mà thôi. Còn trong tiếng Việt Nam thì ĐẠO vừa có nghĩa là TÔN GIÁO, vừa có nghĩa là cách đối xử: Đạo vua-tôi, đạo cha-con, đạo vợ-chồng, đạo bằng-hữu... Động từ THỜ trong tiếng Việt Nam vừa có nghĩa là tôn kính Thượng Đế và Thần Thánh, vừa có nghĩa là trung thành, chung thủy, hiếu thảo... Dân trung thành với vua, vợ chung thủy với chồng, con hiếu thảo với cha mẹ, đều có thể dùng một động từ THỜ. Ông Phan Văn Trị đã nhắc nhở Tôn Thọ Tường như sau:
“ Anh hỡi, Tôn Quyền, anh có biết:
Tôi ngay THỜ chúa, gái THỜ chồng?"
Đạo Công giáo là đạo độc thần, nên các vị thừa sai không thể cho thờ ông bà được. “Chỉ thờ một mình Chúa mà thôi” (Lc 4,8; Đnl 6,13). Các vị thừa sai lầm là thế, mà đúng cũng là thế.

2- Thời ấy người ta tin ông bà về ăn đồ cúng của con cái. Niềm tin này được thể hiện rõ rệt trong ngày “xá tội vong nhân..” Có những bà đạo đức nấu một nồi cháo lớn, cho hai đầy tớ khiêng. Còn bà thì đi theo, múc từng muỗng cháo đổ vào lá mít để hai bên đường. Đó là phần bố thí bà dành cho những linh hồn mồ côi.
Niềm tin này không phù hợp với giáo lý Công giáo, nên người theo đạo Chúa không được cúng cơm cho người quá cố.
Từ đó sinh ra biết bao hiểu lầm giữa người đạo và người lương. Người lương trách người đạo là bất hiếu. Còn người đạo thì không những không bất hiếu mà còn nhờ cả Giáo hội báo hiếu hộ mình bằng cách xin họ đạo dâng lễ cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ... Lúc ấy cấm cúng giỗ là đúng.

Ngày nay các Giám mục Việt Nam đã điều chỉnh lại toàn bộ việc thờ cúng ông bà. Thờ cúng ông bà là văn hóa dân tộc và người tín hữu được tích cực tham gia mọi nghi lễ thờ cúng ông bà...
Bài giảng của mình làm mọi người chưng hửng, ngơ ngác... Mình ở lại ăn cơm với họ đạo. Cha xứ không nói gì về bài giảng.
Giáo dân cũng chẳng phát biểu gì. Bài giảng rơi tõm xuống sông...

--------------------------------------------------------------------------------
Sơn Tây, ngày 26-10-1990 .

Mình đang sửa soạn đi ăn cơm, thì bà phước ghé tai, nói nhỏ:
- Cha có khách.
- Ai thế?
- Bốn ông.... ở Tuy Lộc
- Chết cha tôi rồi. Chắc là có vấn đề. Chị có đoán được là họ muốn gì không?
- Con không biết. Họ nói là họ muốn trao đổi với cha về bài giảng của cha đấy.
- Bài giảng của tôi hiền khô à! Chuyện một trăm năm về trước ấy mà.
- Cha ra đi! Con bưng nước ra sau.
Mình đi thật chậm, và muốn có một không gian vô tận, để đi mãi mà không tới...
- Chào linh mục.
- Chào các ông. Bài giảng của linh mục được thu băng, phổ biến khắp xã. Chúng tôi không đi lễ, mà cũng được nghe.
- Các ông thấy có vấn đề gì không? Ai thu băng thì tôi không hề hay biết. Nếu tôi biết thì tôi không cho thu băng.
- Bài giảng của linh mục có rất nhiều vấn đề mà từ xưa đến nay chúng tôi chưa được biết.
- Quý ông có thể cho tôi biết những vấn đề đó không? Tôi chỉ chân thành nhắc lại những chuyện hiểu lầm giữa lương và giáo trong quá khứ mà nay thì không còn nữa. Lương giáo đã hiểu nhau nhiều, mà cũng thương nhau nhiều rồi.
- Chắc linh mục có băn khoăn về việc chúng tôi đến thăm linh mục hôm nay. Tôi xin nói ngay để linh mục an tâm. Nhờ bài giảng của linh mục, chúng tôi mới hiểu tại sao người Công giáo không thờ cúng tổ tiên. Bây giờ hiểu rồi, chúng tôi đến đây để xin... học đạo.
- Nghĩa là các ông muốn theo đạo Chúa?
- Nếu đạo Công giáo cho thờ cúng ông bà, thì không có gì thắc mắc nữa.
- Rất tiếc tôi sắp về rồi. Nhưng không sao, tầm đạo với ai mà chả được...

Giã từ bốn ông, lòng thương mến vô vàn.

Lm. Piô Ngô Phúc Hậu trích “Nhật ký Truyền Giáo”