CN IV MV/ C
Bài đọc 1 : ( Mk. 5:1-4).Bài đọc 2 : ( Dt. 10:5-10).Tin Mừng : ( Lc. 1:39-45)

1.BÁO TRƯỚC MỘT CUỘC VIẾNG THĂM

Nghe tin chị họ Êlibeth, tuy tuổi đã già, nhưng đã có thai được sáu tháng, đó là một tin vui không những đối với gia đình anh chị Gacaria mà còn cả cho Maria. Maria đã “ chỗi dậy, vội vã ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Guiđêa”.
Việc thăm viếng như thế có lẽ cũng bình thường như bao cuộc viếng thăm khác. Viếng thăm vì lâu ngày không gặp. Viếng thăm để chúc mừng cho chị có tin vui. Viếng thăm để giúp đỡ chị lúc thai nghén…
Nhưng trong cuộc thăm viếng xem ra bình thường ấy, lại có những điểm khác lạ: khi Maria “vào nhà ông Giacaria và chào bà Êlisabeth. Và khi bà Êlisabeth nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Êlisabeth được đầy Chúa Thánh Thần. Bà kêu lớn tiếng rằng: “ Em được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em”.
Và Maria nói: “Linh hồn tôi ca ngợi Chúa…”
Maria ở lại với bà Elisabeth độ ba tháng, đoạn người trở về nhà mình.
Chương trình cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện cách kín đáo, những việc con người tưởng chừng như không thể, thì Thiên Chúa lại dùng đến.
Trong cuộc đối thoại giưa sứ Thần Gabrien và Mẹ Maria, qua việc loan báo sự sinh ra của Gioan Tẩy giả và Chúa Giêsu theo Tin Mừng Thánh Luca, Đức Thánh Cha Bênêđictô 16 giải thích rằng qua một người nữ, Thiên Chúa tìm kiếm “ một lối vào mới trong thế giới”
Trong cuộc viếng thăm người chị họ, Mẹ Maria là người chủ động đem, giới thiệu Con Thiên Chúa đến với gia dình Giacaria, với nhân loại; và Mẹ Thiên Chúa đã ở lại nhà bà Êlisabeth độ ba tháng, phải chăng đây cũng là dấu chỉ thời gian Đấng Êmmanuen, Đấng ở giữa chúng ta nơi trần thế trong thời gian ba năm!
Bà Êlisabet và Gioan là hai người đầu tiên nhận ra Maria là ai và hài nhi trong bụng Maria là ai. Cả hai vui mừng và làm chứng cho hai nhân vật ấy.
Cuộc viếng thăm xem ra bình thường ấy lại mang mọt ý nghiã, một dấu chỉ cho một cuộc viếng thăm quan trọng hơn cho nhân loại, đó là việc Ngôi Hai, Con Thiên Chúa xuống thế làm người, một cuộc viếng thăm của Thiên Chúa đến với con người.
Cuộc gặp gỡ giữa hai người phụ nữ mang thai, nhưng lại là cuộc gặp gỡ giưa bốn nhân vật: giữa hai bào thai trong bụng hai bà mẹ: Gioan và Giêsu, và giữa hai phụ nữ đang mang thai: bà Êlisabeth và Maria. Cuộc viếng thăm ấy là hình bóng của sự giao duyên giữa Cựu Ước và Tân Ước.
Bà Êlisabeth là đại diện cho dân Chúa trong thời kỳ Cựu Ước; và Gioan lại là con người nối kết giữa hai thời kỳ, là chuyển tiếp, là khởi đầu cho thời kỳ mới. Gioan sẽ là người Tiền hô cho Đấng sẽ đến, là người dọn đường cho Đấng ấy đi qua, kêu gọi người ta sám hối để nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa, là vị tiên tri cuối cùng của Cựu ước gặp gỡ một hài nhi khác trong cung lòng của Maria, một thiếu nữ trạc chừng 16 xuân xanh, sống trinh tiết, mà theo như lời sứ thần Gabrien loan báo: hài nhi ấy là “con trai, có tên là Giêsu, sẽ được gọi là Con Đấng tối cao, Con Thiên Chúa.”
Không phải chờ cho đến ngày nay qua các thánh giáo phụ, qua các nhà thần học chúng ta mới xác tín Maria là Mẹ Thiên Chúa, mà ngay trong cuộc viếng thăm giữa bà Êlisabeth và Maria, bà đã xác định Maria là Mẹ Thiên Chúa, và hài nhi trong bụng Maria là Con Thiên Chúa: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?”
Bà Êlisabeh có lẽ vẫn hằng nghe và đọc kinh Thánh, cho nên bà biết đến lời hứa của Thiên Chúa sau khi tổ tông phạm tội: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống ấy sẽ đánh vào đâu mi, và mi sẽ cắn gót nó”( St. 3:15); cũng đã nghe những gì Thiên Chúa hứa qua miệng tiên tri Isaia: “ Chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai và đặt tên là Emmanuel” ( Is. 7: 14); và qua miệng tiên tri Mikêa: “ Hỡi Bêlem-Ephrata, ngươi nhỏ nhất trong trăm ngàn phần đất Giuđa, nhưng nơi ngươi sẽ xuất hiện một Đấng thống trị Israel và nguồn gốc Người có từ nguyên thủy, từ muôn đời. Vì thế Người sẽ bỏ dân Người cho đến khi một người nữ phải sinh, sẽ sinh con” ( Mik. 5: 2-3);và được đầy ơn Thánh Thần, nên bà đã nhận ra người Trinh Nữ mà Thiên Chúa hứa ban qua miệng các tiên tri là ai. Maria đích thị là người Trinh Nữ ấy.
Hình bóng người Trinh nữ đã được giới thiệu qua các sử liệu trong thời Cựu Ước lại được thiên thần nhắc lại lần cuối với người chồng mới đính hôn là Giuse, khi biết tuy chưa chung sống với nhau, nhưng Maria đã có thai: “vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh một con trai mà ông đặt tên là Giêsu: vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội lỗi. Tất cả sự kiện này đã được thực hiện để làm trọn lời Chúa dùng miệng tiên tri phán xưa rằng: Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghiã là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” ( Mt. 1: 20-23)
Người Trinh Nữ ấy phải là một người trổi vượt trên các người khiêm nhường và khó nghèo của Chúa, nổi bật giữa những người tin tưởng hy vọng và lãnh nhận ơn cứu độ nơi Thiên Chúa.
Điều kiện để Thiên Chúa chọn thiếu nữ Maria làm Mẹ Thiên Chúa: trước hết phải là một người nhân đức, khiêm nhường tin tưởng, mau mắn phó thác vào quyền năng của Thiên Chúa: “không có gì mà Thiên Chúa không làm được”, ưng thuận với ý của Thiên Chúa. Mẹ nhận mình là người bất xứng, và theo như lời Sứ thần Gabrien thì Mẹ lại là người “ đầy ân sủng, được Thiên Chúa ở cùng, sống đẹp lòng Thiên Chúa”, và khi nghe sứ thần giải thích, thì mẹ đã “ Xin vâng”.
Thánh Bênađô, Viện Phụ Clairvaux đã viết: “ Để giải thoát nhân loại khỏi tội lỗi, Thiên Chúa cần sự vâng phục tự nguyện, Ngài trở nên lệ thuộc con người. Quyền năng của Ngài gắn liền với lời “ xin vâng” tự nguyện của một người.” Và như thế, chỉ nhờ sự ưng thuận của Mẹ Maria, lịch sử cứu độ mới có thể bắt đầu.
Trong những mầu nhiệm năm Sự Vui của kinh Mân côi, hai mầu nhiệm đầu tiên nói lên đức tính của Mẹ Maria mà chúng ta xin học theo:
Thứ nhất thì ngắm: Thiên thần truyền tin cho Đức bà chịu thai. Ta hãy xin cho được ở khiên nhường”
Rồi khi nghe tin chị họ mang thai được sáu tháng, thì “Đức bà đi viếng bà thánh Isave. Ta hãy xin cho được lòng yêu người”; đó là mầu nhiệm thứ hai.
Về sau, Con Mẹ là Chúa Giê su cũng dạy: “ Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng.” Tấm lòng khiêm nhường và yêu gu72i thích hợp cho Con Thiên Chúa là Đấng hiền lành và khiêm nhường ngự đến.
Chị Chiara Lubich là người sáng lập ra phong trào Focolare vào năm 1943 đã viết về cuộc thăm viếng của Maria với chị họ Elisabeth như sau: “Đức Trinh Nữ Maria đi đến nhà bà Isave không phải để hát kinh Magnificat ( Linh hồn tôi ngợi khen Chúa) mà là để giúp đỡ người chị họ. Ta cũng thế, ta đừng đi đến với người khác để phô bày kho tàng trong quả tim ta, nhưng để cùng vác gánh nặng những khổ đau của họ và chia sẻ niềm vui cũng như trách nhiệm của họ.”
Sống khiêm nhường, yêu thương, vâng phục thánh ý Thiên Chúa là chúng ta bắt chước gương Mẹ Maria để cho Chúa đến với mỗi người trong chúng ta để từ đó cũng như Mẹ Maria đem Chúa đến với mọi người khác trong chương trình cứu độ nhân loại.
Ngày nay, hằng năm chúng ta mừng Con Thiên Chúa giáng thế làm người, chúng ta đón mừng ngày ấy như thế nào? Vui vì được nghỉ việc, vui vì có những bửa họp mặt, tiệc tùng…nhưng có khi nào chúng ta hỏi: “Bởi đâu tôi được Con Thiên Chúa ghé thăm ngày xưa trong máng cỏ Bêlem, và ngày nay trong Bí tích Thánh Thể?”



2.CHUYỆN GÌ PHẢI ĐẾN SẼ ĐẾN

Chúa nhật I mùa Vọng báo tin vui ngày Chúa đến. Chúa nhật II, ông Gioan kêu gọi dọn đường cho Chúa đến. Chúa nhật III, ông loan báo niềm vui vì Chúa gần đến. Chúa nhật IV hôm nay,thánh sử Luca lại nói về một cuộc viếng thăm giữa hai chị em họ là cô Maria và bà Êlisabét.
Sau khi báo cho Đức Maria sẽ thụ thai cách nào, sứ thần lại cho biết thêm một việc Thiên Chúa đã làm: “ Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng.” Sứ thần loan tin ấy cũng có thể để củng cố niềm tin của Maria: “ Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” nhưng cũng để tạo một duyên cớ cho hai chị em và hai thai nhi gặp nhau. Đó là chương trình của Thiên Chúa.
Sau khi nghe tin chị Êlisabét có thai được sáu tháng, một tin thật rất vui với một người phụ nữ bị hiếm muộn, Maria đã vội vã lên đường, không chần chừ, không ngại đường sá xa xôi. Cô Maria quyết định đến thăm chị là để chia sẻ niềm vui với chị, đồng thời cũng có thể ở lại giúp chị trong thời gian sinh sản, như thế cũng là chuyện thường tình, chẳng có gì quan trọng. Nhưng có ai ngờ trong cuộc viếng thăm ấy lại là một cuộc viếng thăm có tính cách quyết định cho số phận của loài người như Thiên Chúa đã tiên báo qua ngôn sứ Mikha: “ Phần ngươi, hỡi Bêlem Épratha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuđa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ítraen. Nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa, vì thế, Đức Chúa sẽ bỏ mặc Ítraen cho đến thời một phụ nữ sinh con.” ( Mk 5: 1-2a)
Chuyện gì phải đến sẽ đến. Đó là cách thức hoạt động của Thiên Chúa. Không ai biết được Ngài hành động như thế nào trong chương trình của Ngài. Vì thế, đừng ai bắt Thiên Chúa hành động theo ý nghĩ của mình. Nếu đặt tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa thì hãy để cho Ngài hành động.
Cuộc viếng thăm giữa hai chị em là một cuộc giao duyên, một sự chuyển tiếp giữa Cựu Ước và Tân Ước. Bà Êlisabét, đại diện thời Cựu Ước đi vào tuổi già, là hình ảnh của một thời quá khứ và con bà lại là mần non cuối cùng để đi vào giai đoạn mới. Gioan là vị ngôn sứ cuối cùng của thời Cựu Ước đóng vai trò gạch nối giữa hai giai đoạn. Ông là tiếng kêu trong sa mạc để dọn đường cho giai đoạn mới sẽ được thực hiện nơi người con mà Đức Maria đang cưu mang.
Vừa nghe tiếng em chào, đứa con trong bụng bà Êlisabét đã nhảy lên, và được tràn đầy Thánh Thần, bà đã nhận ra em mình không còn phải là một người thiếu nữ bình thường, nhưng là một thiếu nữ được chúc phúc hơn mọi người nữ và người con mà em mình đang mang thai cũng được chúc phúc. Bà không nghi ngờ, nhưng bà tin là bà được Mẹ Thiên Chúa ghé thăm: “ Bởi đâu tôi được Thân Mẫu của Chúa tôi đến thăm tôi thế này?” Bà và con bà là những người đầu tiên đón nhận tin vui cứu độ được thực hiện nơi Đức Maria.
Bước chân mau mắn của Mẹ Maria trong cuộc viếng thăm người chị họ là một tấm gương về sự quan tâm đến tha nhân, không phải để xoi mói nhưng là để trao ban và giúp đỡ. Noi gương Mẹ Maria, chúng ta cũng phải học cách đem Chúa đến với người khác. Nhưng để có thể mang Chúa đến với người khác thì chính chúng ta phải có Chúa nơi chính chúng ta.