THỨ TƯ LỄ TRO 2019:
LÀM MỚI LẠI CUỘC ĐỜI VÀ TRỔ SINH HOA TRÁI


Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – GP. Xuân Lộc


Hằng năm Giáo Hội dành một thời gian đặc biệt của Mùa Chay để mời gọi con cái mình nhìn lại cuộc sống, làm mới lại cuộc đời và trổ sinh nhiều hoa trái thánh thiện. Vào cuối năm, những cây mai, cành đào cần phải vặt bỏ những chiếc lá già, lá cũ, chịu khô hạn trong những tuần trước tết, để đến đúng thời điểm nó sẽ nở bung những cánh hoa rực rỡ chào đón mùa xuân, tô điểm cho thiên nhiên và đem lại hương sắc cho bầu khí tết trong gia đình. Cũng vậy, Mùa Chay thánh là mùa Giáo Hội mời gọi mỗi người trút bỏ con người cũ, cằn cỗi, trải qua những ngày chay tịnh chế ngự bản thân và trổ sinh nhiều hoa thơm trái ngọt thiêng liêng trong cuộc sống. Vì thế, lời mời gọi thiết tha của Chúa và Giáo Hội gửi đến chúng ta trong những ngày này là: Hãy sám hối trở về với Chúa trong chay tịnh, cầu nguyện và làm những việc lành bác ái.

Giáo Hội khai mạc mùa sám hối này bằng nghi thức xức tro. Mỗi người lát nữa sẽ tiến lên cúi đầu nhận lấy một nhúm tro được rắc trên đầu với lời nhắc nhở: “Hỡi người hãy nhớ mình là bụi tro, một mai ngươi sẽ trở về bụi tro”. Việc làm này trước hết thể hiện sự khiêm tốn trước mắt Thiên Chúa. Cúi đầu để thú nhận mình yếu đuối, hay sai lỗi, để dám nhìn lại con người mình cùng với sự thấp hèn. Cúi đầu nhận tro là để nhắc cho bản thân nhớ rằng mình mang thân phận cát bụi, được Thiên Chúa trao ban hơi thở và sự sống, vì thế cuộc sống của ta là hoàn toàn tùy thuộc vào Thiên Chúa. Đến ngày Chúa gọi, chúng ta sẽ phải trở về trình diện với Chúa, sẽ phải để lại thế gian này những gì là của nó. Chúng ta chỉ có thể mang theo mình những hoa quả thiêng liêng tốt lành đó là tình yêu và những việc hy sinh phúc đức.

Lời kêu gọi sám hối không phải là lời dành riêng cho kẻ có tội, nhưng là lời thôi thúc tất cả mọi người, từ lớn đến nhỏ, từ giáo sĩ, đến giáo dân. Theo tiên tri Gioen, việc sám hối không dừng lại ở những hình thức bên ngoài mà phải phát xuất từ trong tâm hồn, thật lòng hối tiếc về lời nói, việc làm trong quá khứ và quyết tâm thay đổi sửa chữa bản thân: “Hãy xé lòng chứ đừng xé áo; Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, vì Người từ bi nhân hậu”. Như thế, động lực của việc sám hối trở về cùng Thiên Chúa là vì tin vào lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa. Sám hối có nghĩa là nhìn lại tương quan của mình với Thiên Chúa. Thiên Chúa hết mực yêu thương, Ngài đã tạo dựng và quan phòng dẫn dắt chúng ta như người cha yêu thương con mình. Tuy nhiên, con người lại khước từ Thiên Chúa, xúc phạm đến tình yêu của Ngài, ngỗ nghịch chống đối lại Thiên Chúa. Sám hối là trở về xin lỗi Chúa, nối lại mối dây thân tình với Thiên Chúa, quyết tâm điều chỉnh lại cuộc sống của mình để từ nay sống tốt hơn.

Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu dạy chúng ta các việc làm cụ thể thể hiện sự thành tâm sám hối của mỗi người, đó là làm việc bác ái, cầu nguyện và chay tịnh. Tất cả các việc làm này phải được phát xuất từ lòng yêu mến Chúa với một cái tâm chân thành. “Khi làm việc lành phúc đức, chớ phô trương cho thiên hạ trông thấy, đừng khua chiêng đánh trống cốt để người ta khen. Khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, vì Cha anh em Đấng thấu suốt mọi sự sẽ trả lại cho anh em”. Cám dỗ triền miên của con người đó là thích khoe khoang về công trạng của mình, tìm kiếm lời khen ngợi của người đời. Vì thế khi làm việc bác ái, nhiều người đã làm không phải vì tình thương đối với những người đau khổ, mà họ làm bác ái để được người khác khen ngợi, đánh bóng hình ảnh của mình. Chúa muốn chúng ta âm thần, kín đáo chia sẻ giúp đỡ anh em trong tình huynh đệ, vì anh em chung quanh cũng chính là con cùng một Chúa với chúng ta. Đây là điểm khiến cho việc bác ái chia sẻ của Kitô giáo khác với công tác từ thiện xã hội. Vì bác ái không phải chỉ cho đi những của dư thừa, mà là chia sẻ cho anh chị em, những người kém may mắn hơn ta, cả những cái mình đang cần, đang dùng. Chúng ta chia sẻ với họ trong cái nhìn đức tin rằng, họ là con Thiên Chúa, là hình ảnh của Thiên Chúa là anh em của ta.

Giáo Hội kêu gọi chúng ta cầu nguyện cách tích cực hơn nữa trong mùa chay này. Cầu nguyện là hơi thở của người tín hữu, là thưa chuyện với Chúa, là sống trong sự hiện diện của Chúa và phó thác cuộc đời cho Chúa. Siêng năng cầu nguyện là thể hiện sự khiêm nhường của mình trước mắt Chúa, là nhìn nhận uy quyền tối cao của Thiên Chúa trên cuộc đời mình. Cầu nguyện là thể hiện sự tin tưởng, sự lệ thuộc của ta vào Thiên Chúa. Vì thế, Chúa Giêsu dạy chúng ta phải có tâm tình phó thác như trẻ thơ phó thác nơi vòng tay của cha mình: “Khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả, chúng đứng tại các ngả đường cầu nguyện để cho người khác trông thấy. Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng đóng cửa lại và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo và thấu suốt mọi sự, Ngài sẽ ban lại cho anh”. Vào phòng đóng cửa lại để cầu nguyện, có nghĩa là dám rút lui khỏi cái ồn ào hình thức bên ngoài, để cho tâm hồn tĩng lặng, trong sự thân tình riêng tư với Thiên Chúa, ta có thể dễ dàng tâm sự với Chúa những trăn trở trong cuộc sống và có thể dễ dàng nghe được tiếng Chúa nói với ta.

Một việc làm thể hiện sự sám hối trong mùa chay là việc giữ chay, hy sinh hãm mình. Con người dễ bị cám dỗ chiều theo bản năng ham muốn, hưởng thụ, ăn uống vô độ. Việc chay tịnh không nhắm vào hình thức bên ngoài ăn gì hay kiêng gì, cũng không tùy thuộc vào việc ăn no hay ăn đói cho bằng việc giúp con người làm chủ bản năng, rèn luyện ý chí của mình. Việc ăn chay trong thực tế có đem lại cảm giác đói hoặc thèm ăn. Từ cái đói thể xác, nhắc cho chúng ta nhớ đến cái đói của linh hồn, đói của ăn thiêng liêng và ước muốn tìm kiếm lương thực thiêng liêng cho linh hồn. Chúa Giêsu dạy rằng: “Khi ăn chay anh em chớ làm bộ mặt rầu rĩ như bọn đạo đức giả. Khi ăn chay hãy rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm để không ai thấy anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng thấu suốt mọi sự, sẽ trả lại cho anh”. Như thế, việc ăn chay là để lòng chúng ta không quá bận vướng vào vật chất để có nhiều thời giờ hơn dành cho Thiên Chúa và chia sẻ với anh em. Giữ chay là kiềm chế, làm chủ các dục vọng trong con người của mình và bắt con người mình quy hướng và quy phục Thiên Chúa.

Thưa quý OBACE, bốn mươi ngày mùa chay cũng sẽ nhanh chóng qua đi mà không để lại âm hưởng hay sự biến đổi nào nếu chúng ta không tích cực thực hiện Lời Chúa mời gọi. Trong những ngày thánh này, mỗi người cần cố gắng để làm những việc cụ thể: tĩnh lặng nhìn lại đời sống hiện tại, xét lại các mối tương quan của ta đối với Chúa, với người thân, gia đình và với những người chung quanh. Chúng ta cần mạnh dạn bước đến với Chúa và với nhau, gỡ bỏ những cản trở bận vướng, nói lời xin lỗi Chúa và anh em, lật qua một trang mới trong cuộc đời. Mùa chay cũng là mùa Chúa mời gọi chúng ta tin vào Tin Mừng, có nghĩa là chuyên chăm đọc và suy gẫm Tin Mừng, tin vào Chúa Giêsu chính là Tin Mừng của Thiên Chúa được gửi đến cho nhân loại để cứu độ chúng ta.

Chúng ta cần bắt đầu từ những quyết tâm cụ thể như làm một việc hy sinh, tranh thủ thời gian đến nhà thờ mỗi ngày để dâng lễ, dành thêm một vài phút trong ngày nhớ đến Chúa bằng một lời nguyện tắt hoặc qua giờ kinh tại gia đình. Chúng ta cần làm mới lại tương quan trong gia đình bằng việc quan tâm và dành giờ cho nhau nhiều hơn, hỏi thăm nói chuyện, cùng ăn cơm, cùng vui chơi với các thành viên trong gia đình, làm cho bầu khí gia đình gần gũi ấm cúng hơn. Chúng ta cần chủ động bước đến để hòa giải những xích mích, căng thẳng giữa vợ chồng hoặc với hàng xóm chung quanh, tạo nên tình nghĩa gia đình xóm giềng tốt đẹp hơn. Việc làm cụ thể quan trọng trong mùa chay này là siêng năng đến với Chúa qua Bí Tích Giải Tội và siêng năng rước Mình Thánh Chúa vì chính nơi Bí Tích Giải Tội, chúng ta đón nhận được sự yêu thương tha thứ và chữa lành của Chúa, để chúng ta cũng có thể dễ dàng tha thứ cho nhau. Và, nơi Bí Tích Thánh Thể, chúng ta được nuôi dưỡng, tăng cường sức mạnh để làm mới lại cuộc đời và sống trong sự thuận thảo với Chúa.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần quyết tâm làm những việc hy sinh như bớt nóng nảy, bớt buôn chuyện nói xấu, bớt một điếu thuốc, ly cà phê, bữa nhậu hoặc những chi tiêu chưa thật cần thiết để dành thêm giờ nhớ đến Chúa và để chia sẻ với các anh chị em đang gặp khó khăn. Đó là những việc làm vừa thể hiện sự sám hối vừa là tập các nhân đức và sinh hoa trái tốt lành.

Xin Chúa giúp chúng ta biết tận dụng tốt hơn thời gian của mùa chay để sửa chữa những sai lầm thiếu sót và xin Chúa thêm sức mạnh cho chúng ta để ta quyết tâm sống cuộc đời mới tốt hơn. Amen