Sức mạnh của lời nói

Lời nói thì thật là quan trọng trong đời sống chúng ta. Chúng ta vui sống với những lời nói yêu thương, tin tưởng, hy vọng. Chúng ta dùng lời để đấu tranh cho tự do, cho tổ quốc, cho tôn giáo. Chúng ta sẳn sàng chết để lên tiếng cho tự do, cho danh dự, cho đức hạnh, cho danh thơm tiếng tốt. Những danh nhân thường dẫn dắt người khác hành động bằng lời nói của họ. Trong Kinh Thánh Tân Ước có rất nhiều lời quý báu tốt lành của Chúa Giêsu liên quan đến cuộc sống con người.

Chúa Giêsu là Lời của Thiên Chúa đã trở nên người phàm. Là Thiên Chúa, Ngài có thể thực hiện nhũng việc lạ lùng một cách đơn giản theo ý Ngài muốn. Nhưng Ngài đã không làm như thế. Ngài thường dùng lời để phán dạy, dùng lời để xua đuổi ma quỷ, dùng lời để chữa bệnh, dùng lời để kêu gọi các môn đệ, dùng lời để trao quyền năng khi sai các tông đồ đi rao giảng.... Nhiều lần Chúa Giêsu nói “Đức tin con đã cứu con!”, “Chỗi dậy!” để ra lệnh cho kẻ chết chỗi dậy, người bại liệt được lành; “Tội con được tha. Hãy đi bình an!” để đem lại sự tha thứ cho người tội lỗi; “Hôm nay anh sẽ ở trên thiên đàng với tôi.” đó là lời Ngài nói với người trộm lành...” Cũng thế, lời nói của chúng ta có một sức mạnh và tiềm lực của nó. Lời nói chúng ta có thể thu hút người khác, cũng có thể làm họ xa rời chúng ta. Lời nói chúng ta có thể thêm sức mạnh hay làm ngã lòng người khác. Lời của người mẹ an ủi dỗ dành đứa con. Lời nói có thể làm sáng tỏ một ý kiến hay khiến người khác lúng túng. Lời nói có thể gây đau đớn cho người khác hoặc khiến họ mát lòng. Đôi khi một lời nói bông đùa không đúng lúc hay tỏ tình không đúng đối tượng có thể xúc phạm đến người khác và khiến chính mình bị khinh dễ. Lời nói có thể khiến một ai đó hoảng sợ hoặc làm cho người ấy được tán dương. Lời nói có thể làm người khác vui vẻ hay nổi giận. Lời nói có thể chọc tức người khác hoặc có thể làm cho người ta bình tĩnh lại khi đang giận dữ. Lời nói có thể chúc tụng Thiên Chúa hay xúc phạm đến Ngài. Lời nói có một sức mạnh phi thường để làm cho một vấn đề nên tốt hay trở nên tồi tệ.

Lời nói là một sự biểu lộ ra bên ngoài ý tưởng và cảm xúc của chúng ta. Khi vui sướng chúng ta cất tiếng hát; khi sợ hãi chúng ta chúng ta thét lên; khi giận dữ chúng ta quát tháo; khi muốn khoả lấp lỗi lầm chúng ta la lớn để trấn át...
Chúng ta có thể kể ra đây một số lời tốt lành cần nói để xây dựng các mối tương quan trong đời sống vợ chồng, cha mẹ con cái, anh chị em trong gia đình; giữa lãnh đạo, bề trên, phụ trách với cấp dưới thuộc quyền trong cộng đoàn tu trì, hay trong các cơ quan xí nghiệp;... tương tự như:

Lời khuyến khích nâng đỡ
: “Tôi tự hào về bạn (anh / chị / em).” hoặc
“Tôi tin tưởng vào bạn (anh / chị / em).” hoặc...

Lời khen thưởng, tán dương:
“Tuyệt vời, bạn làm hay quá!” hoặc
“Điều bạn làm là tốt, nên tiếp tục thực hiện.” hoặc...

Lời tôn trọng:
“Ý kiến của bạn là gì?” hoặc
“Bạn nói phải.” hoặc
“Bạn nghĩ thế, nhưng theo tôi thì...” hoặc...

Lời khuyên bảo góp ý:
“Bạn nên làm thế này...” hoặc
“Bạn có thể làm thế, nhưng thế này thì tốt hơn...” hoặc...

Lời tế nhị
: “Làm ơn giúp tôi làm việc này.” hoặc
“Bạn có thể làm điều này chứ?” hoặc...

Lời biết ơn
: “Cám ơn bạn.” hoặc
“Tôi vô cùng biết ơn bạn về...” hoặc...

Lời xin lỗi
: “Xin lỗi bạn. Vì tôi đã...”
“Xin lỗi. Tôi đã vô ý làm khiến bạn buồn/ đau...” hoặc...

Có một lời trổi vượt hơn tất cả các lời khác đó là Lời Chúa. Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Do Thái chương 4:12 viết: “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người.” Thánh Giacôbê cũng viết trong thư của Ngài như sau: “Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình. Thật vậy, ai lắng nghe Lời Chúa mà không thực hành, thì giống như người soi gương thấy khuôn mặt tự nhiên của mình. Người ấy soi gương rồi đi, và quên ngay không nhớ mặt mình thế nào.” (Gc 1:22-24).

Ước gì chúng ta dùng những lời nói tốt lành để nói cho nhau và về nhau. Ước gì trong cuộc sống hằng ngày chúng ta biết làm theo lời dạy của thánh Phaolô: “Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan. Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng. Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha.” (Cl 3:16)

25 tháng 9 năm 2010
Hoa Hạ, fsc
Biên dịch dựa theo “The Power Of Words”
From Frank Mihalic, 2011, A Though for Today, Logos Publication, Inc, Manila.