CHÚA NHẬT III MC C: NHẬN RA Ý CHÚA TRONG
CÁC BIẾN CỐ VÀ KHÔNG NGỪNG SÁM HỐI


Lm Giuse Đỗ Đức Trí – GP Xuân Lộc

Những năm gần đây, dường như truyền thông thế giới đang hợp lực để tấn công vào Giáo Hội. Họ tô vẽ một hình ảnh Giáo Hội như hang ổ của tội ác, là nơi dung túng cho tội phạm qua một vài sự kiện bị tố cáo có liên quan đến vấn đề tính dục. Giáo Hội không phủ nhận, cũng không bao che cho những sai lầm của những người gây ra điều xấu, dù họ đang ở nhiệm vụ nào. Điều nguy hiểm và độc ác hơn là báo chí và truyền thông dường như cố tình kết án, xoáy sâu vào một vài trường hợp cá biệt, mà bỏ qua sự dấn thân không mệt mỏi của Giáo Hội trong việc bảo vệ và thăng tiến con người. Trải qua hơn hai ngàn năm, Giáo Hội cũng đã từng bị tấn công bởi biết bao nhiêu trào lưu xã hội của ma quỷ, nhưng Chúa vẫn gìn giữ Giáo Hội, không ngừng bảo vệ và thánh hóa Giáo Hội giúp Giáo Hội nhận ra ý Chúa mỗi ngày để nên giống Chúa Kitô hơn.

Con người thường đánh giá sự việc theo cảm tính chủ quan và nhìn sự việc dưới góc độ tiêu cực. Chúa Giêsu đã cảnh báo người Do Thái về thái độ đoán xét chủ quan này và nhắc họ nhìn tất cả mọi sự việc trong cái nhìn đức tin để sám hối, rút ra bài học cho mình và quan trọng hơn nữa là mọi người cần phải tận dụng thời giờ cơ hội Chúa ban để làm điều tốt.

Tin Mừng Luca kể lại: có mấy người đến kể cho Chúa Giêsu nghe chuyện những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết đang khi họ tế lễ. Theo cái nhìn của người Do Thái những người chết thảm là do tội lỗi của họ. Trường hợp những người bị Philatô giết, người Do Thái coi như những kẻ bị Chúa phạt; họ bị giết chết trong lúc dâng của lễ chứng tỏ của lễ của họ không được Chúa nhận và vì bất xứng nên Chúa phạt cho phải chết vì gươm giáo ngay trước bàn thờ. Cái nhìn của người Do Thái như thế vừa khắc nghiệt đối với các nạn nhân, vừa muốn tỏ ra mình là người tốt, người công chính nên không bị giết như thế.
Chúa Giêsu đã sửa lại lối suy nghĩ của những người Do Thái khi nói với họ rằng: “Các ông tưởng mấy người Galilê bị giết đó vì họ tội lỗi hơn những người khác sao? Tôi bảo các ông: Không phải như thế. Nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết như vậy”. Trả lời như vậy, Chúa cho thấy vấn đề quan trọng không phải mình ngồi đó để xét đoán, đánh giá người khác tốt hay xấu, cho bằng phải nhìn lại chính bản thân mình để kịp thời thay đổi. Chúa Giêsu cũng kể một trường hợp tai nạn khác, đó là mười tám người bị tháp Silôê đổ xuống đè chết, để nói cho những người Do Thái biết rằng khi chứng kiến một tai họa xảy ra, dù là tai nạn tự nhiên hay do con người gây ra, là điều nhắc chúng ta rằng: Chỉ có Thiên Chúa là Đấng làm chủ sự sống và là Đấng Trường Tồn. Cuộc sống của con người thật mong manh, mỗi người cần biết tận dụng cuộc sống hiện tại để sống sao cho đẹp lòng Chúa, có ích cho bản thân và cho mọi người.

Để minh họa cho ý tưởng này, Chúa Giêsu đã kể cho họ nghe dụ ngôn Người chủ làm vườn: “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho đã nhiều năm mà không ra trái. Ông bảo người làm vườn: Đã bao năm ta ra tìm trái mà không thấy, vậy anh hãy chặt nó đi để cho nó choán đất làm gì. Người làm vườn đáp: Xin ông cứ để nó lại một năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới, bón phân cho nó, may ra sang năm nó ra trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi”. Chúa Giêsu muốn so sánh cây vả là chính mỗi con người được Thiên Chúa ưu ái trồng trong vườn nho của mình, được vun tưới chăm sóc đầy đủ. Thiên Chúa là ông chủ đã kiên nhẫn đợi chờ, đã nhiều năm tìm kiếm, tuy nhiên chúng ta đã không sinh hoa kết trái, không đáp lại được sự mong đợi của Thiên Chúa. Đã đến lúc ông chủ muốn loại bỏ nó, nhưng Đức Giêsu giống như người làm vườn đã xin gia hạn cho chúng ta. Ngài đã tiếp tục vun tưới chúng ta bằng Lời của Chúa, chăm sóc bằng ơn thánh của Ngài với hy vọng chúng ta sớm trổ sinh hoa trái. Dụ ngôn cũng cho thấy, sự kiên nhẫn đợi chờ của Thiên Chúa cũng có giới hạn, nếu chúng ta không sinh hoa trái, lúc đó chúng ta sẽ bị cắt bỏ, bị coi như đồ vô dụng
.
Kể dụ ngôn này, Chúa Giêsu cho thấy Ngài chính là người thợ làm vườn tốt bụng, thời gian Chúa ban cho mỗi người là thời ân phúc, là cơ hội để chúng ta nhận ra tình yêu thương của Chúa. Nếu mỗi người biết điều chỉnh, thay đổi lại cuộc sống như Chúa muốn, thì sẽ được sống. Trái lại, nếu để cho những cơ hội Chúa ban bị trôi qua cách uổng phí, không thay đổi, chúng ta sẽ bị loại trừ.

Ngày xưa người Do Thái sống trong cảnh khổ cực làm nô lệ cho người Ai Cập. Thiên Chúa đã gọi ông Môsê sai ông đến với dân Israel để đưa họ ra khỏi cảnh nô lệ. Chúa nói với Môsê: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân ta bên Ai Cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than. Giờ đây ta xuống để giải thoát nó và sẽ đưa chúng lên một miền đất tốt tươi và rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật”. Ông Môsê đã đáp lại tiếng Chúa mời gọi và sẵn sàng làm theo những gì Chúa truyền dạy. Ông đến với dân Israel như hiện thân của Thiên Chúa. Dân Israel đã nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa nơi ông Môsê, đã tin, đã nghe theo lời ông và đã được dẫn dắt ra khỏi đất Ai Cập như Chúa truyền.

Thánh Phaolô rút ra những bài học từ biến cố Thiên Chúa dùng Môsê để đưa dân ra khỏi Ai Cập mà dạy cho tín hữu Côrintô. Theo thánh nhân, bài học đầu tiên đó là việc nhận ra sự hiện diện của Chúa trong tất cả mọi biến cố. Hình ảnh cột mây che chở người Do Thái ban ngày khi vượt qua sa mạc và cột lửa dẫn đường ban đêm là dấu chỉ cho thấy Chúa luôn ở với dân, luôn yêu thương và dẫn dắt dân Người. Bài học tiếp theo, đó là Thiên Chúa luôn nuôi dưỡng dân Người. Ngài đã cho dân được ăn Mana suốt hành trình bốn mươi năm sa mạc, cho dân uống nước từ tảng đá vọt ra tại Mêriba.

Ngày nay, Chúa Giêsu chính là Thiên Chúa đang hiện diện giữa nhân loại, là bánh của Thiên Chúa ban tặng cho thế gian, là tảng đá thiêng liêng để cứu nhân loại khỏi khát. Ngài hiến thân mình làm của ăn cho nhân loại, Ngài cho dòng nước thần linh chảy ra từ cạnh sườn để tẩy rửa tội lỗi và thỏa mãn mọi cơn khát cho nhân loại và đem nhân loại đến sự sống đời đời. Với bài học này, Thánh Phaolô khuyên chúng ta đừng để mình chiều theo những cảm tính và dục vọng tự nhiên, đừng kêu trách Thiên Chúa khi gặp khó khăn thử thách, cũng đừng vội vã kết án người khác khi họ gặp tai ương.

Thưa quý OBACE, để nhận ra được ý Chúa, sự hiện diện của Chúa trong mọi biến cố của bản thân cũng như xã hội thật không dễ. Vì phản ứng tự nhiên của con người khi gặp khó khăn, thử thách, tai ương là gào thét, than trách Thiên Chúa, đổ lỗi cho người khác. Vì vậy, tâm hồn không đủ sự tĩnh lặng để suy gẫm về các biến cố xảy ra với cái nhìn đức tin. Thiên Chúa vẫn hiện diện và ngỏ lời với con người qua nhiều cách. Chúa nói với chúng ta qua Lời của Chúa trong Tin Mừng. Lời này có sức chữa lành những vết đau, soi sáng và dẫn đường khi gặp tăm tối và là sức mạnh nâng đỡ khi bị thử thách. Chúa vẫn nói với chúng ta qua Giáo Hội là mẹ và là thầy hướng dẫn chúng ta, chỉ cho chúng ta nhận ra tiếng Chúa và nâng đỡ chúng ta trên hành trình theo Chúa. Đặc biệt Chúa còn dùng những người chung quanh và các sự kiện xảy ra trong cuộc sống để nhắc nhở chúng ta đi đúng với con đường của Chúa nhất là nhận ra bàn tay yêu thương và quan phòng của Chúa dành cho từng người.

Chúa đang nói với chúng ta qua các biến cố xảy đến trong gia đình, những buồn vui hay sướng khổ, thành công hay thất bại, êm ấm hay bất hòa, đều là những lời nhắc nhở của Chúa. Chúa nhắc chúng ta trong mọi sự luôn tin tưởng vào sự nâng đỡ của Chúa; Chúa nhắc ta củng cố lại đời sống đạo đức của gia đình, vun đắp lại bầu khí hạnh phúc; Chúa nhắc mỗi người biết nhường nhịn và tha thứ cho nhau, biết kiên nhẫn và đón nhận nhau, cùng chung tay canh tân đổi mới lại bầu khí gia đình. Chúa nhắc cha mẹ quan tâm đến con cái nhiều hơn việc tìm kiếm tiền bạc, dùng gương sáng để uốn nắn dạy bảo con cái…

Để có thể nghe và nhận ra được tiếng Chúa, chúng ta cần phải có một đức tin vững mạnh, một đời sống gắn bó với Chúa, nhất là phải thường xuyên tiếp xúc với Chúa qua cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích. Vì cầu nguyện chính là lúc chúng ta sống thân mật, tâm sự với Chúa, ta nghe Chúa và Chúa nghe ta. Cầu nguyện là để cho lòng tĩnh lặng thoát ra khỏi những lo toan bộn bề và để Chúa bước vào tâm hồn. Chúa sẽ ở với ta như người bạn, như người thầy và là cố vấn cho chúng ta biết sống sao cho tốt, cho đẹp lòng Chúa.

Xin cho chúng ta biết để tâm tĩnh lặng, hầu có thể nghe và nhận ra tiếng Chúa nói với mỗi người chúng ta. Amen.