V.I.P.


V.I.P. là viết tắt của Very Important Person – người rất quan trọng, nói cho gọn là “nhân vật quan trọng”. Nhưng nói kiểu bình dân nên người Việt “vô tư” Việt hóa nên đọc là “víp” (đáng ngại ghê đi!).

Đó là “dạo đầu” một chút cho vui thôi. Vấn đề quan trọng là các V.I.P. trong Tin Mừng, cụ thể là trình thuật Lc 15:11-32. Trong dụ ngôn này có ba nhân vật, cả ba nhân vật đều là nhân vật quan trọng, cho biết nhiều loại người trong xã hội. Ngày xưa cậu Út được coi là V.I.P. nên quen gọi là dụ ngôn Đứa Con Hoang Đàng, ngày nay có cách nhìn mới hơn nên gọi là dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu. Còn cậu Hai – cậu Cả thì sao?

Dụ ngôn này là dụ ngôn nổi bật nhất về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, và cũng là dụ ngôn “độc quyền” trong Phúc Âm theo Thánh Luca – không có trong các Phúc Âm khác.

1. NGƯỜI CHA

Người cha nhân hậu là điều hiển nhiên, nước mắt bao giờ cũng chảy xuống, con cái có hư đốn thế nào thì cũng vẫn là con mình. Con dại, cái mang. Đời là thế, trách nhiệm là vậy.

Người cha này sẵn sàng chia gia tài theo ý muốn của cậu Út, không phải là ông nhu nhược. Có lẽ ông cũng đã khuyên nhủ và giải thích cặn kẽ nhưng nó không nghe, thế nên ông đành lòng chiều theo ý nó. Kinh Thánh ghi ngắn gọn thế thôi. Nhưng ông biết “cá không ăn muối cá hư”, rồi nó sẽ quay về, thế nên ông không ngừng chờ đợi ngày nó tỉnh ngộ mà nhận ra sai lầm “chết người” của nó. Và điều ông biết trước đã xảy ra y chang.

Người cha này không chỉ nhân hậu và tha thứ cho cậu Út, mà ông còn nhân hậu và cảm thông với cậu Hai nữa. Ông nhân hậu với cả hai đứa con, mặc dù ông đau lòng lắm. Ông chấp nhận đau khổ vì yêu thương chúng. Nhân hậu thì phải tha thứ, tha thứ rồi thôi, không bao giờ ông đay nghiến, chì chiết, hoặc nhắc lại lỗi lầm của chúng. Ông cho chúng cơ hội làm lại cuộc đời.

Thiên Chúa rất nhiều lần cho chúng ta cơ hội làm lại cuộc đời, mở con đường sống cho chúng ta. Nếu Ngài chấp lách, không cho chúng ta cơ hội thì chúng ta không còn thở trong giây phút hiện tại này, và cũng hết hy vọng về Trời mai sau. Thánh Vịnh gia đã cảm nhận Tình Phụ Tử mầu nhiệm quá đỗi, nên đã tự nhủ: “Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi, chớ khá quên mọi ân huệ của Người. Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi, thương chữa lành các bệnh tật ngươi” (Tv 103:2-3).

2. CẬU ÚT

Tội của cậu Út là tội công khai, ai cũng biết nên coi cậu là nghịch tử. Rõ ràng. Đúng. Không sai. Thế nhưng cậu ta biết mình ngu dại, sai lầm lắm rồi, và cậu đã can đảm đứng dậy, trở về, thú tội và viết lại trang đời mới. Ngã rồi mau mắn đứng dậy chứ không nằm lì ra đó mà ăn vạ. Cậu ta hơn người ở chỗ đó.

Cậu biết mình quá bất xứng, không dám hy vọng người cha đại lượng mà tha thứ, chỉ dám hy vọng mong manh rằng cha cho ở lại trong nhà và chỉ cần cha coi mình như người làm công mà thôi. Ở bước đường cùng, cậu ta không thể làm gì hơn, bởi vì không còn con đường nào khác – dù con đường đó nhỏ hẹp.

Thật may mắn cho cậu ta, và ngoài sức tưởng tượng của cậu ta, người cha đã vui mừng đón cậu ta về, không trách móc, không giận dữ, không thử thách,... Con về là vui rồi, hạnh phúc của người cha chỉ đơn giản thế thôi. Niềm vui của ông to lớn lắm, bởi vì đứa con coi như mất mà vẫn còn, coi như đã chết mà lại hồi sinh. Rõ ràng bằng xương bằng thịt chứ không phải là chiêm bao. Thế thì không thể trì hoãn cái sự sung sướng lớn lao như vậy. Thế nên ông sai gia nhân làm tiệc ngay lập tức, dù cho lúc đó đứa con lớn chưa về tới nhà.

3. CẬU HAI – CẬU CẢ

Tội của cậu Hai là tội thầm kín, không ai biết nên vẫn coi cậu là hiếu tử. Cậu ta có vẻ ngoan ngoãn, không đi hoang, không cãi lời cha, chăm chỉ làm việc. Đứa con sống như vậy thì đúng là hiếu tử, có trách nhiệm và biết điều, thật đáng học hỏi lắm!

Thế nhưng không phải vậy. Bé cái lầm! Đó chỉ là bề ngoài của một con người mà thôi. Cậu ta không đua đòi, đàn đúm, cờ bạc, rượu chè, hút sách,… nhưng cậu ta có cách đi hoang tinh vi lắm, đi hoang ngay trong căn nhà của mình mà không ai có thể phát hiện.

Nhưng rồi chiếc mặt nạ hiếu tử của cậu ta bất ngờ rơi ra mà không kịp giữ lại. Đó là lúc cậu ta biết người cha mở tiệc mừng thằng em hoang đàng chi địa vừa trở về. Cậu ta so đo chi ly với người cha và ghen tức với thằng em ruột của mình.

Là các Kitô hữu chính danh, chúng ta giữ đầy đủ luật Chúa, luật Giáo Hội, luật dòng,… nhưng đó mới chỉ là hình thức. Như thế cũng là tốt rồi, nhưng như vậy mới ở mức tiêu cực chứ chưa tích cực. Nếu giữ luật chỉ vì luật – luật vị luật, thế thì chúng ta cũng chỉ như cậu Hai trong dụ ngôn này, sống ở nhà mình với con tim rỗng tuếch chứ chẳng thật lòng yêu mến chi cả. Sống như vậy là tính toán, đòi hỏi, vị kỷ,... Người cha chỉ là “cái bóng” đối với cậu ta mà thôi. Còn với cậu em là máu mủ ruột rà mà cũng kèn cựa chi li. Làm anh mà không xứng đáng, trưởng nam mà hèn hạ, làm lớn mà làm láo!

Cũng may là cậu ta đã “hạ hỏa” mà nghe lời khuyên ra và phân tích vừa chí lý vừa chí tình của người cha, để rồi nhận ra sai lầm nghiêm trọng của mình và tha thứ cho cậu em. Thiên Chúa là Người Cha nhân hậu, Ngài cũng chỉ cần chúng ta biết điều như vậy mà thôi, chứ Ngài không đòi hỏi chi cả!

“Chúa là Đấng nghe lời cầu khẩn, mọi phàm nhân sẽ đến với Ngài, thân mang đầy tội lỗi; bao tội ác đè bẹp chúng con, nhưng phần Chúa, Chúa tha thứ cả” (Tv 65:3-4).

TRẦM THIÊN THU
Mạng Lưới Cầu Nguyện