CHÚA NHẬT LỄ LÁ 2019:
HOAN HÔ VUA CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT


Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – GP Xuân Lộc


Kính thưa quý OBACE, Giáo Hội bắt đầu Tuần Thánh bằng việc tưởng niệm Chúa Giêsu long trọng vào thành Giêrusalem trong tư cách là Đấng Cứu Thế con vua Đavít. Thánh lễ hôm nay cho chúng ta những tâm trạng khác nhau. Nghi thức rước lá lúc đầu lễ gợi lên một bầu khí hân hoan vui mừng, nhưng khi vào Thánh lễ bầu khí như lắng xuống với các bài đọc và bài thương khó của Chúa Giêsu. Sự tương phản này phần nào nói lên sự thay lòng đổi dạ nhanh chóng của con người khi đón nhận Đấng Cứu Thế. Trước sự ồn ào náo nhiệt bên ngoài, Chúa Giêsu vẫn giữ được một tâm hồn bình an tĩnh lặng để bước đi theo chương trình mà Thiên Chúa Cha đã muốn, Ngài thể hiện vai trò của một vị vua đầy lòng xót thương khi nhìn thấy tình trạng tội lỗi và sự tráo trở của con người.

Bài Tin Mừng chúng ta nghe khi kiệu lá cho chúng ta thấy Chúa Giêsu đã chủ động dẫn các tông đồ lên Giêrusalem. Điều đó có nghĩa là Chúa Giêsu biết trước tất cả những sự việc sắp xảy ra cho Ngài kể cả cuộc thương khó và cái chết đau đớn. Chúa Giêsu không tìm cách tránh né, nhưng thực hiện tất cả những gì Cựu Ước nói trước về Ngài. Chúa Giêsu sai hai môn đệ đi mượn một con lừa cho Người cưỡi vào thành: Hình ảnh này gợi lại hình ảnh của vua Salômon, một vị vua đã đem lại hòa bình, sự phồn vinh và vẻ vang cho dân tộc. Trong ngày Salômon lên ngôi, vua cha Đavít đã cho người đặt Salômon ngồi lên con lừa của mình để đăng quang tiến vào thành Giêrusalem trong tiếng reo hò của dân chúng. Cũng vậy, hôm nay Chúa Giêsu được các môn đệ đặt ngồi trên lưng lừa để tiến vào thành trong tiếng hò reo: “Hoan hô con vua Đavít, chúc tụng đấng nhân danh Chúa mà đến”. Dân chúng trải áo, trải lá trên đường để chào đón Người.

Những người Do Thái hôm đó nghĩ rằng, từ hôm nay, Đức Giêsu sẽ khôi phục triều đại của Đavít, mở ra một thời kỳ thái bình thịnh vượng cho dân tộc Israel như trước đây vua Salômon đã thực hiện. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không thực hiện ước mơ của họ theo nghĩa chính trị, cũng không đáp ứng mộng bá quyền của người Do Thái. Đức Giêsu xuất hiện trong tư cách là Đấng Messiah của Thiên Chúa, ngài sẽ xây dựng một vương quốc mới, vương quốc của tình yêu, hòa bình và lòng xót thương. Ngài không phải là một người hùng ngồi trên chiến mã để chinh phạt kẻ thù, nhưng trên lưng một con lừa, một giống vật hiền lành, chịu khó làm việc. Qua việc tiến vào thành Giêrusalem, vào nhà của Thiên Chúa, đón nhận cuộc khổ hình thập giá sắp tới, Chúa Giêsu cho thấy Ngài sẽ dùng tình yêu và sự vâng phục đến cùng thánh ý Chúa Cha để xây dựng một thế giới mới theo ý Chúa Cha muốn. Ngài không dùng vũ khí gươm giáo, sức mạnh quân đội, nhưng dùng tình yêu và thập giá để chinh phục nhân loại về cho Chúa Cha. Các môn đệ và những người Do Thái lúc đó chưa thể hiểu hết, nhưng miệng họ đã reo vang: “Chúc tụng Đức Vua, Đấng nhân danh Chúa mà đến! Bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời”.

Tiên tri Isaia cho thấy trước hình ảnh của vị Thái Tử nhà Đavít sẽ là một vị vua hoàn toàn vâng phục thánh ý Thiên Chúa như người con vâng lời cha, như tôi tớ vâng lời chủ. Thánh Phaolô đã nhận ra Thái tử nhà Đavít chính là Đức Giêsu Kitô: “Ngài vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ nhất quyết phải duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã trút bỏ vinh quang để mang lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân…vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập giá”. Thánh Phaolô còn quả quyết rằng: “Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Danh Ngài được tôn kính, cả trên trời, dưới đất và âm phủ cũng phải khiếp sợ, phải bái quỳ”.

Thông thường con người chỉ dễ vâng phục khi có lợi hoặc khi vui, còn khi phải vâng lời trong những điều trái ý hoặc trong khó khăn là điều không dễ. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã thể hiện sự vâng lời Chúa Cha cho đến cùng và trong lúc đang phải đối diện với đau khổ vẫn bộc lộ tình yêu thương đến cùng dành cho những người chung quanh.

Trước hết là tình yêu dành cho các môn đệ: Chỉ còn ít giờ nữa thôi Chúa Giêsu sẽ phải bước vào cuộc thương khó, phải chia tay các môn đệ, từ bỏ thế gian, sẽ phải chết. Vậy mà, Chúa Giêsu vẫn dành trọn tình thương cho các môn đệ, Ngài ở bên các ông, nâng đỡ, tâm sự và cầu nguyện cho các ông. Chúa Giêsu đã bày tỏ khao khát của Ngài muốn ăn mừng lễ Vượt Qua đặc biệt này với các tông đồ. Tiệc Vượt Qua này không chỉ là bữa tiệc theo nghi lễ Do Thái, nhưng là cuộc Vượt Qua của chính Ngài. Chúa Giêsu sẽ vượt qua đau khổ và cái chết thập giá để dẫn đưa nhân loại vào đất mới là Nước trời. Nếu như ngày xưa người Do Thái trên hành trình vượt qua, họ đã được nuôi bằng manna và chim cút, thì trong cuộc vượt qua của Chúa Giêsu, Ngài sẽ nuôi dân mới bằng lương thực mới là chính Thịt và Máu Ngài. Vì vậy, trong giây phút quan trọng này, Chúa Giêsu cầm lấy bánh dâng lời tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ; Người cũng cầm chén trao cho các ông và nói đây là Mình Thầy, đây là Máu Thầy anh em hãy cầm lấy mà ăn, mà uống và hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy. Chúa Giêsu trao trọn con người cùng với máu thịt, sự sống cho các môn đệ là những kẻ Ngài yêu thương.

Kế đến là tình yêu Chúa dành cho những kẻ phản bội: Kẻ phản bội trước hết là Giuđa: “Này bàn tay của kẻ nộp Thầy đang cùng đặt trên bàn với thầy”. Chi tiết này cho thấy, Giuđa muốn trở thành một đối tác, một kẻ thỏa thuận hơn là muốn làm môn đệ của Chúa. Anh đã từ chối tình yêu của Thầy, anh muốn chọn một giải pháp chính trị theo kiểu thế gian hơn là giải pháp của Thiên Chúa. Anh muốn chọn tiền bạc và của cải hơn là chọn con đường thập giá. Vì thế, anh muốn ép Chúa đi theo chọn lựa của anh. Chúa Giêsu đã lấy làm tiếc cho anh vì anh đã cố tình trở thành kẻ phản bội lại Thầy và phản bội lại chương trình của Thiên Chúa đã muốn.

Không kém gì Giuđa, các môn đệ khác cũng đã phản bội lại chọn lựa và con đường của Chúa Giêsu, khi các ông đã sôi nổi dàn xếp, phân chia quyền lực với nhau, mặc cho Chúa nói về sự yêu thương và phục vụ. Chúa Giêsu đã đau khổ vì hành trình thập giá trước mắt, Ngài còn đau khổ trong tâm hồn vì các học trò của Ngài. Sau nhiều năm theo Chúa, dường như các ông chẳng thấm nhuần được những bài học Chúa đã dạy và đã làm. Chúa Giêsu lại kiên nhẫn nói cho các ông về sự khiêm nhường và phục vụ theo tiêu chuẩn Tin Mừng: “Ai muốn làm lớn nhất thì trở thành kẻ nhỏ nhất, ai muốn làm đầu anh em, thì trở thành kẻ phục vụ anh em”. Chỉ những ai dám sống theo nguyên tắc này, thì mới có thể chia sẻ vào vinh quang với Chúa mà thôi.

Chúa Giêsu còn quan tâm đặc biệt đến từng người nhất là những người yếu đuối, cụ thể là Simon Phêrô. Chúa cảnh báo cho Simon biết, với vai trò là người được Chúa trao nhiệm vụ phục vụ anh em, Simon sẽ bị ma quỷ tấn công và Satan sẽ sàng anh em như người ta sàng gạo. Chúa Giêsu biết được lòng yêu mến và sự quảng đại mà Simon và các tông đồ dành cho Ngài. Chúa Giêsu tỏ ra rất thông cảm với sự yếu đuối của Simon và các tông đồ, Ngài hứa sẽ lôi kéo các ông trở lại và sẽ cầu nguyện giúp các ông đứng vững trước những cám dỗ và tấn công của ma quỷ.

Trong suốt tường thuật về cuộc thương khó, Tin Mừng cho thấy Chúa Giêsu luôn có cái nhìn nhân từ, và hành động yêu thương dành cho những kẻ tiếp xúc với Ngài, dù đó là đám đông dân chúng hay là những thượng tế, những kẻ chủ mưu, các đầy tớ, Philatô và các tên lính là những kẻ hành hạ Người. Thánh Luca cho thấy Chúa Giêsu đã biết trước tất cả và Ngài đón nhận cuộc thương khó trong vâng phục hoàn toàn thánh ý Thiên Chúa với một tình yêu lớn lao dành cho tất cả nhân loại. Bài thương khó kết thúc bằng sự kiện: Toàn thể dân chúng dù là người tham gia từ đầu hay đã đi theo để xem, khi chứng kiến cái chết của Chúa Giêsu thì đấm ngực trở về.

Hôm nay, cùng với các môn đệ, chúng ta được sống những giờ phút yêu thương bên Chúa, cùng chia sẻ vào cuộc thương khó với chúa, tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng nhân danh chúa mà đến, cùng được ăn Thịt và uống Máu Ngài, xin cho chúng ta can đảm theo Chúa cho đến cùng. Xin cho chúng ta mỗi khi phải trải qua đau khổ hoặc những ngày tháng khó khăn trong cuộc đời, chúng ta luôn tin có Chúa hằng yêu thương, thông cảm và nâng đỡ cho ta.

Xin cho mỗi người, mỗi gia đình cùng với Chúa bước vào Tuần Thánh này cách sốt sắng, để cảm nhận được tình thương mà Vua Giêsu dành cho mỗi người. Amen.