HAI TRONG MỘT


Đó là hai dụ ngôn mang ý nghĩa Lòng Thương Xót của Thiên Chúa: [1] Đứa Con Hoang Đàng (Lc 15:11-32), [2] Người Phụ Nữ Ngoại Tình (Ga 8:2-11). Dụ ngôn thứ nhất “độc quyền” trong Tin Mừng theo Thánh Luca, và dụ ngôn thứ nhì “độc quyền” trong Tin Mừng theo Thánh Gioan.

Hai tội nhân, hai trường hợp, khác nhau về cách thức nhưng giống nhau về tính công khai – chứ không thuộc loại “tội kín”, và có thể cũng giống nhau về mức độ. Đối với lòng nhân từ của Thiên Chúa, chúng ta có mô tả thế nào cũng không thể lột tả hết, và có nói nhiều hoặc viết dài tới mức nào cũng không bao giờ diễn tả hết về sự đại lượng bao la của Ngài. Tốt nhất và hiệu quả nhất là chúng ta cảm nghiệm sự kỳ diệu đó từ chính cuộc đời của mình.

Đối với Lòng Thương Xót của Thiên Chúa thì chúng ta đã biết. Còn đối với các tội nhân, cụ thể như cậu Út và chị Hai trong hai dụ ngôn được Chúa Giêsu đề cập, có lẽ chúng ta vẫn nghĩ “tổng quát” (chung chung mà thôi) về việc tha thứ, nhưng chúng ta đã thể hiện cụ thể như thế nào trong ánh mắt, thái độ, lời nói? Khó nhất là ý nghĩ. Liệu trong tư tưởng của chúng ta đã thực sự “sạch” khi nghĩ về những người được coi là đang ở trong tình trạng tội lỗi công khai? Thật không hề đơn giản như chúng ta tưởng đâu. Chắc chắn chỉ khi nào ý nghĩ của chúng ta thực sự “sạch” thì mới xứng đáng được Thiên Chúa tha thứ tội lỗi của mình, như lời cầu xin trong Kinh Lạy Cha: “Xin Cha tha nợ Chúa Con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con…”. Đừng thuộc lòng kiểu con vẹt!

Văn sĩ Nam Cao (1917-1951) đã có tầm nhìn rất sâu sắc khi ông viết truyện Chí Phèo vào đầu năm 1941 – nguyên bản có tựa là “Cái Lò Gạch Cũ”. Ở làng Vũ Đại, Chí Phèo muốn hoàn lương mà khó quá! Chí Phèo nói với Thị Nở: “Tao muốn làm người lương thiện! Không được! Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là người lương thiện nữa. Biết không?”.

Tại sao Chí Phèo không thể hoàn lương? Lỗi của ai, hay lỗi của mỗi chúng ta? Thật vậy, những người đã từng có “tương lai đen” mà nay làm điều tốt cũng bị người ta khinh miệt, dè bỉu. Tội lỗi cũng có tính liên đới chứ đừng tưởng tội ai nấy chịu!

Chính Chúa Giêsu đã mặc khải cho Thánh Faustina với lời nhắn nhủ ân cần: “Hỡi linh hồn mê mải trong bóng tối, đừng thất vọng. Mọi thứ chưa mất. Hãy đến và tín thác vào Thiên Chúa, Đấng yêu thương và thương xót” (Nhật Ký, số 1486). Lời động viên như vậy thật cần thiết cho mỗi chúng ta, đặc biệt trong khoảng thời gian Mùa Chay, và đặc biệt hơn nữa là cuối Mùa Chay này.

Cũng liên quan Lòng Thương Xót, Chúa Giêsu đã mặc khải cho Mẹ Carmel tại Milan (Ý) trong thời gian từ 1968-1969. Ngày 20-4-1968, Mẹ Carmel chân thành thân thưa: “Lạy Chúa Giêsu, Chúa muốn con làm gì?”. Chúa Giêsu trả lời: “Hỡi con gái của Ta, con hãy viết. Con sẽ làm Tông đồ Tình Yêu Đầy Thương Xót của Ta. Ta sẽ chúc lành cho con. Và Cha sẽ đổ xuống trên con muôn vàn ơn Thánh, và những ân thưởng lớn lao. Ta cảm ơn con đã phổ biến Thánh Nhan của Ta. Ta sẽ chúc lành cho các gia đình trưng bày hình ảnh của Ta, và Ta sẽ cải hoán những kẻ tội lỗi sống trong các gia đình đó. Ta sẽ giúp kẻ lành tự cải tiến thêm, và những kẻ nguội lạnh trở nên sốt sắng hơn. Ta sẽ để mắt đến các nhu cầu của họ, và sẽ giúp họ trong mọi sự cần thiết, vật chất cũng như siêu nhiên”. Và rồi chính Ngài đã xác nhận: “TA LÀ GIÊSU ĐẦY LÒNG THƯƠNG XÓT”.

TRẦM THIÊN THU
Sáng Chúa Nhật V Mùa Chay – 2019
Mạng Lưới Cầu Nguyện