“CHẲNG LẼ CON SAO?”

Lm Nguyễn Hồng Giáo - Dòng Phanxicô (1937-2015)

Trong bữa Tiệc Ly, sau khi Đức Kitô nói cho các môn đệ biết có người trong họ sẽ phản bội Người, các ông đâm ra buồn rầu, và lần lượt hỏi Người: “Thưa Thầy, chẳng lẽ con sao?” Người đáp:”Chính là một trong Nhóm Mười Hai đây, mà là người chấm chung một dĩa với Thầy. Đã hẳn, Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người. Nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn!” (Mc 14, 21). Câu “người chấm chung một dĩa” không phải là một chi tiết nhằm giúp người nghe nhận diện ai là kẻ phản bội, không phải là một ám chỉ cụ thể. Đức Giêsu nói như thế là để bộc lộ tâm tình chua xót của mình bị chính bạn hữu mình phản bội, như lời than thở của thánh vịnh 40 mà chắc hẳn lúc đó Người đang liên tưởng tới:”Cả người thân con hằng tin cậy, Đã cùng con chia cơm xẻ bánh, Mà nay cũng giơ gót đạp con!” (câu 10).


Chúa đã biết kẻ làm phản là Giuđa. Thử hỏi ông ta có suy nghĩ gì, tâm tình gì khi cùng ngồi ăn với Thầy, với các bạn mà trong lòng thực sự đã chia lìa xa cách ngàn vạn dặm? Cùng ngồi ăn chung với ai là biểu lộ sự hiệp thông với kẻ ấy. Nơi Giuđa, sự hiệp thông chỉ còn là bề ngoài, hình thức. Ông là một kẻ lạc lỏng trong cộng đoàn thầy trò, anh em vì đã rắp tâm phản bội. Ông có ngượng nghịu chút nào không khi cũng hỏi như các bạn Tông Đồ khác:”Thưa Thầy, chẳng lẽ con sao?” Tôi nghĩ là không. Ông đóng kịch giỏi lắm. Ít giờ nữa thôi, khi dẫn đám lính tráng đến bắt Thầy, ông ta vẫn ân cần chào hỏi Thầy, lại còn ôm hôn Thầy nữa. Vẫn tỉnh bơ, như không có chuyện gì cả! Phúc âm thánh Luca viết: “Xa-tan đã nhập vào Giuđa” (22, 3). Thế có nghĩa là mọi việc ông sắp làm là việc vừa của chính ông ta vừa của Xa-tan. Kế hoạch nộp Chúa đã thoả thuận xong với các thượng tế và lãnh binh Đền Thờ đâu vào đó trước khi Thầy trò vào bàn tiệc rồi. Vấn đề bây giờ chỉ là thực hiện sao cho trót lọt. Cho nên dù Đức Giêsu đã muốn đánh động ông ta một lần chót khi nói: “Khốn cho người nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn”, ông cũng không tỏ một dấu ân hận nào.


“Chẳng lẽ con sao?” Nơi Giuđa, câu hỏi là thiếu thành thực, nhưng các Tông Đồ khác, mỗi người đều biết rõ mình chưa hề có ý nghĩ quái gỡ là nộp Thầy, thế thì sao cũng hỏi như thế? Thật ra câu này không chỉ là một câu hỏi đơn thuần, nhưng cũng là một câu khẳng định lòng trung thành: “Như con đây mà phản bội Thầy ư? Không đâu!” Nhưng chắc còn có một lý do khác nữa khiến các ông đặt câu hỏi: “Vâng, về phía con thì không có chuyện đó được, nhưng ai biết hết được lòng dạ mình? Lúc này thì con cương quyết như thế, nhưng biết đâu rồi sẽ có tình huống nào đó khiến con đổi thay và phản bội? Kinh nghiệm đã cho thấy như thế. Chỉ có Thầy mới thấu suốt lòng dạ con người, không phải chỉ hiện tại mà cả trong tương lai nữa...”. Và quả thực, kinh nghiệm này sắp được lặp lại.


Trước hết là với trường hợp của Tông Đồ Phêrô. “Đêm nay tất cả anh em sẽ vấp ngã vì Thầy. “ Đức Giêsu vừa nói xong, Phêrô đã quả quyết chắc nịch: “Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã.” Phêrô rất thành thực và cương quyết. Nhưng những gì sắp xảy ra cho Phêrô trong vòng vài ba tiếng đồng hồ nữa thôi, chúng ta đều biết: ông sẽ chối Thầy không phải một lần mà đến ba lần! Còn các Tông Đồ khác, thật ra cũng chẳng khá hơn lắm đâu, họ bỏ chạy trốn đi hết; giả như họ cũng liều vào trong dinh Cai-pha như Phêrô, chắc gì họ đã không vấp ngã như ông; họ không chối Thầy chẳng qua vì không có dịp đó thôi! Trên Núi Sọ, sẽ chỉ một mình Gioan có mặt.


Điều quan trọng nhất trong cuộc đời làm môn đệ Chúa là giữ lòng trung tín. Trung tín không chỉ là không chối bỏ mà thôi, đó chỉ là một mặt; trung tín còn là sống theo Lời Chúa, luôn luôn để cho tinh thần của Chúa thấm nhập vào mình, chi phối, hướng dẫn mọi tư tưởng, tình cảm, hành động của mình. Trung tín trong hoàn cảnh bị thử thách nặng nề là khó, nhưng chưa hẳn là khó nhất, hoặc luôn luôn khó nhất. Bởi vì những lúc ấy ta thường có ý thức, có cảnh giác cao. Nhưng trung tín trong những hoàn cảnh bình thường, lắm khi lại khó hơn đấy, không những vì ta thiếu cảnh giác, mà còn vì ta thường không coi sự thất trung thất tín đó là quan trọng: “Một chút thôi mà! Có sao đâu!”... Bà Madeleine Delbrêl, một chiến sĩ công giáo Pháp, nhận xét khá tinh vi: “Lạy Chúa, con mến Chúa hơn hết mọi sự ... cách chung chung, song lúc này đây, trong giây phút đang lướt qua này đây, con thích một điếu thuốc lá Ăng-lê ... hoặc ngay cả điếu thuốc nhãn hiệu Gô-loa của Pháp hơn Chúa” (La joie de croire, tr. 69)


Vậy, chúng ta cũng nên chăm chỉ lắng nghe Chúa cảnh cáo: “Có kẻ sẽ phản bội Thầy” để mà hỏi lại với tất cả lòng chân thành: “Lạy Chúa, chẳng lẽ con sao?” Thánh Phanxicô, trong một bài huấn đức cho anh em tu sĩ mình, đã nói: ”Không phải ma quỉ đã đóng đinh Chúa, nhưng chính anh em đã cùng với chúng đóng đinh Người, và còn đóng đinh Người khi tìm lạc thú trong nết xấu và tội lỗi. Thế anh em còn có thể hãnh diện vì lẽ gì? (...) Nhưng chúng ta có thể lấy làm vinh dự vì mình yếu đuối (x. 2Cr 12, 5) và hằng ngày được vác thánh giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta (x. Lc 14, 27) (Huấn ngôn 5, 3)