NHỮNG MỐI QUAN HỆ CHƯA TRỌN

Một người bạn của tôi, nhà tâm lý trị liệu đã chia sẻ câu chuyện sau: Một phụ nữ trong tâm trạng khá sầu thảm đến gặp ông. Chồng của bà vừa chết vì đau tim. Ông chết đột ngột và vào thời điểm không đúng lúc nhất. Họ đã lập gia đình ba mươi năm và suốt thời gian này, mối quan hệ của họ chưa từng bị khủng hoảng nặng nề. Thế mà ngày chồng bà chết, họ đã cãi nhau về một vấn đề rất quan trọng và đã leo thang đến mức nói lời ác ý cay độc với nhau. Kích động và giận dữ, chồng của bà lao ra khỏi phòng, nói là ông sẽ đi mua sắm, rồi đột quỵ trên đường ra xe. Chúng ta dễ hiểu vì sao bà bị suy sụp do cái chết đột ngột của người bạn đời, thêm nữa là các lời cuối cùng họ nói với nhau. Bà than thở: “Suốt bao năm qua, chúng tôi yêu thương nhau, thế mà cãi vã chẳng vì lý do gì, rồi đó lại là những lời cuối cùng chúng tôi nói với nhau!”

Nhà tâm lý học mở đầu với lời nói phần nào khôi hài có chủ đích. Ông nói: “Ông ấy thật tệ khi làm thế với bà! Khi chết kiểu đó!” Ông không lên kế hoạch cho cái chết của mình, nhưng rõ ràng, thời điểm chết của ông quá bất công cho vợ, làm cho bà phải mang mặc cảm tội lỗi suốt đời, chẳng có cách nào để xóa bỏ.

Tuy nhiên, sau lời mở đầu đó, nhà tâm lý học hỏi bà: “Nếu bà được gặp chồng bà trong năm phút, bà sẽ nói gì với ông ấy?” Không chần chừ, bà trả lời ngay: “Tôi sẽ bảo tôi yêu anh biết bao, anh đã tốt với tôi bao nhiêu năm trời, và chút thời gian giận dữ xét cho cùng chỉ là khoảnh khắc quá vô lý chẳng là gì so với tình yêu của chúng tôi.”

Khi đó nhà tâm lý học nói: “Bà là người có đức tin, bà tin vào sự thông công của các thánh, chồng bà đang sống và hiện diện với bà lúc này, thế tại sao bà không nói tất cả những lời này với ông ấy ngay đi. Chưa quá muộn để giải bày hết những tâm tình đó với ông ấy đâu!”

Ông ấy đúng. Chẳng bao giờ là quá muộn! Chẳng bao giờ là quá muộn để nói với những người thân đã qua đời về cảm giác thực sự của mình dành cho họ. Chẳng bao giờ là quá muộn để xin lỗi những gì chúng ta đã làm tổn thương họ. Chẳng bao giờ là quá muộn để xin họ tha thứ cho những lơ là của chúng ta trong mối quan hệ, và chẳng bao giờ là quá muộn để nói lên những lời cảm kích, trân trọng, và tri ân mà đáng ra chúng ta phải nói khi họ còn sống. Là tín hữu Kitô, chúng ta được an ủi khi biết rằng chết chưa phải là hết, biết rằng chẳng bao giờ là quá muộn.

Và chúng ta cần sự an ủi đó vô cùng… cần cơ hội thứ nhì. Dù là ai, chúng ta luôn luôn bất đạt trong các mối quan hệ của mình. Chúng ta không thể lúc nào cũng thể hiện được những gì đáng phải thể hiện với người mình yêu thương, đôi khi chúng ta nói lên những câu giận dữ và chua cay, chúng ta phản bội sự tin tưởng bằng đủ kiểu khác nhau, và hầu như chúng ta thiếu sự trưởng thành và tự tin để thể hiện sự xác nhận mà chúng ta phải dành cho người mình yêu thương. Không ai trong chúng ta tốt cho đủ. Khi Karl Rahner nói rằng trong chúng ta, không ai từng trải nghiệm “hòa âm trọn vẹn” trong đời này, là cha không chỉ nói đến việc không ai trong chúng ta đạt được trọn ước mơ của mình, mà còn nói đến việc trong mọi mối quan hệ quan trọng nhất của mình, chẳng ai trong chúng ta tốt cho đủ.

Xét cho cùng, tất cả chúng ta yêu thương người mình thương theo các cách chẳng khác gì người phụ nữ mất chồng trong câu chuyện trên, với những chuyện còn dang dở, với những thời điểm không hợp. Luôn có những điều đáng phải nói rồi mà chưa nói, và luôn có những điều đáng lý không được nói nhưng đã nói.

Nhưng chính vì thế mới cần đức tin Kitô giáo của chúng ta. Chúng ta không phải là những người thiếu thốn. Và thời điểm Chúa Giêsu chết, rõ ràng các môn đệ đã mất hết tất cả. Thời điểm xảy ra chuyện đó thật quá tệ. Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh là một chuyện không hay trong tâm thức nhiều người trong một thời gian dài. Nhưng, lúc này, là Kitô hữu, chúng ta không tin rằng trong đời luôn có cái kết có hậu, cũng không tin rằng chúng ta luôn mãi bất đạt trong đời. Đúng hơn, chúng ta tin rằng sự viên mãn trong đời và hạnh phúc sẽ đến với chúng ta nhờ chuộc lại những gì đã sai lầm, ít nhất là với những gì đã sai lầm vì sự bất đạt và yếu đuối của chúng ta.

G.K. Chesterton đã nói rằng Kitô giáo đặc biệt vì trong niềm tin vào phép thông công, “đến kẻ chết cũng có phiếu.” Họ không chỉ có lá phiếu mà thôi. Họ vẫn nghe được những gì chúng ta nói với họ. Thế nên… Nếu bạn mất đi một người thân yêu trong hoàn cảnh vẫn còn khúc mắc, vẫn còn căng thẳng cần xoa dịu, khi đáng ra bạn phải quan tâm hơn, khi bạn thấy trách mình vì chưa từng thể hiện đủ sự trân trọng và tình cảm đáng phải có, những lúc như thế, hãy biết rằng, chưa quá muộn đâu. Tất cả vẫn có thể làm được!

Rev. Ron Rolheiser, OMI