Kỳ mùa chay vừa qua chúng tôi vô mạng để tìm mấy kinh cổ xưa trong sách Toàn Niên Kinh Nguyện, nhưng dưới muc “Toàn niên kinh nguyện” thay vì tìm được các kinh muốn tìm, tôi thấy đầy dẫy các bình luận mà phần lớn là chỉ trích moi móc.
Càng đọc càng thấy nhiều nên chúng tôi bắt đầu chú trọng đến những tình trạng chỉ trích, moi móc Giáo Hội đầy dẫy trên mạng này. Xin đưa ra đây một vài nhận xét:
  • Nhận xét 1: Theo văn vẻ, tôi đoán là phần lớn tác giả là giới trẻ hoặc trung niên, loại có học, có bằng cấp.
  • Nhận xét 2: Cho dẫu là các tác giả đều có vẻ trí thức nhưng ở nhiều bài ta thấy rằng giữa tri thức về văn hóa “đời” và hiểu biết về “đạo” thì chênh lệch nhiều, nghĩa là tác giả chịu mài đũng quần hằng 5, 7 năm ở đại học “đời” mà công phu học “đạo” thì chẳng bao nhiêu nhưng họ nghĩ rằng có cấp bằng Đại học là đủ vốn đễ phê phán Đạo.
  • Nhận xét 3: Một số bài có vẻ như muốn đưa ra thắc mắc để tìm hiểu nhưng phần khá đông là moi móc bài bác.
Chúng tôi thử phân loại những người đả kích như sau:
  1. Cố tình đả phá, kể cả ngụy biện: Những người này có vẻ như thù ghét Giáo Hội. Đối với những người này ta không nên phê phán gì cả.
  2. Có người như chỉ thích đã kích để thử thách độc giả. Đọc những người này ta có thế đoán rằng họ biết đạo khá cao để tự mình phản bác chính mình nếu họ muốn.
Nhưng nên phân biệt hai loại phê phán:
Một là loại phê phán các hoạt động bề ngoài như nghi thức, phong tục tập quán thông thường trong Giáo Hội... Loại phê phán này không đáng quan ngại vì dễ giải thích để họ hiểu.

Hai là loại phê phán thuộc về phần thiêng liêng, đụng chạm đến đức tin và lãnh vực cốt lõi của Giáo Hội. Ví dụ: giải thích lệch lạc về Kinh Thánh hay các Mầu Nhiệm v. v. Lãnh vực thường thấy là giải thích Kinh Thánh theo khuynh hướng dựa vào nghĩa đen ví dụ câu nói nếu ai tát má này thì giơ má kia ra... nhiều người hiểu là đạo Công Giáo dạy người ta chỉ biết cúi đầu làm nô lệ vâng lời chịu đựng để dễ sai bảo... Đứng trước những cách hiểu đơn sơ như vậy ta cần phản bác lại, nhưng phải bằng cách giải thích có tính chất lý luận chứ không phải kiểu áp chế, cả vú lấp miệng em.

Nhận xét 4: Cũng có số tác giả có trình độ đáng kính về đạo lý cả lĩnh vực Thần Học, Kinh Thánh. Họ có trình độ đạo lý cao dày nhưng lại không đủ cao để vượt qua bức tường thủ cựu. Họ sống đạo với nề nếp ngày xưa và dễ dàng lên án người không cùng quan điểm.
Tôi xin cả gan nói thêm rằng: Những người này không chỉ là giới tín hữu bình thường mà đau lòng thay có cả số đông Giám Muc, Hồng Y đã chống đối Đức Giáo Hoàng và chống đối lẫn nhau sau đại hội đồng Giám Mục thế giới về gia đình cách đây vài năm. Sự chia rẽ của các Ngài kéo theo sự chia rẽ trong giáo dân. Giáo hội thời cổ đã có tư duy khắc khe về các đạo khác coi họ là but thần ma quỷ. Ngày nay tư duy này vẫn còn phảng phất trong cuộc sống.

Nhận xét 5: Nhiều người đa có sẵn thiên kiến rằng tôn giáo chỉ là mê tín, dị đoan, điều này rất dễ hiểu vì nhiều điều ta thấy trong cuộc sống thường nhật của nhiều tín hữu có rất nhiều chất liệu, hơi hám của mê tín dị đoan trong đời sống. Họ hiểu đao lý rất đơn giản và chẳng phân biệt rõ ràng chính tà.

Nhận xét chung: Nếu chúng ta đọc các bài bình luận, phân tích hoặc tham dự các hội thảo đó đây, chúng ta sẽ nhận thấy rằng: Kỹ thuật về IT ngày nay ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống. Chỉ có một số nhỏ người siêu việt trong ngành này đang điều khiển nhân loại, còn phần đông chúng ta chỉ là người hưởng thụ. Có được một iPhone là mê man suốt ngày, có người dùng nó để học hỏi, nhưng số đông thì chỉ để giải trí đăng hình viết lách lung tung. Và đây là môi trường của mọi giao tiếp kể cả truyền Đạo lẫn chống Đạo.
Không có một cái iPhone thì cuộc sống mất chất liệu, và rồi vì có đám đông người sử dụng iPhone nên tầng lớp siêu nhân mới lợi dụng để làm chính trị, kinh tế, xấu tốt lẫn lộn.

Kĩ thuật IT ảnh hưởng và đảo lộn đến cuộc sống ở tất cả mọi lãnh vực. Vài ví dụ:
  • Về kinh tế, thị trường: Amazon và Alibaba, họ không làm kinh tế marketing theo lối cổ, họ không cần nhiều mặt bằng, không cần nhiều nhà kho chứa đồ, business của họ giống cái mà người ta gọi là “Buôn nước bọt”.
  • Rồi mới cách đây vài năm, khi nghe đến Uber nhiều người chỉ nghĩ đây là một loại business có tính cách địa phương, mượn vốn (xe hơi) của thiên hạ chứ mình không cần vốn. Ai dè như qua một đêm thức dậy nó đã hoành hành khắp thế giới.
Yếu tố nào đã giúp họ thành công: IT, kĩ thuật điện tử.
  • Về chính trị: Vụ xì-căng-đan của Facebook đã xì ra hàng triệu tin tức dính dáng đến bầu cử Mỹ 2016 và còn bao nhiêu nước khác nua?
  • Về tôn giáo: Các trang mạng đây dẫy bài vơ về tôn giáo: Khen chê có, lợi và hại cũng nhiều và đây là lãnh vực mà anh em chúng tôi, tuy già lụ khụ rồi nhưng vẫn muốn đánh động đến quý vị Già Trẻ, đầy khả năng, tầm vóc hãy lắng nghe vài lời yêu cầu, xin đánh thức các vị trí giả, hãy xoay hướng hoạt động đôi chút để hướng về giáo dục đạo đức cho hợp với thực tế. Cứ nhìn đến nước Mỹ hai năm vừa qua có gần 300 vụ xả súng tại các trường học, tuổi học sinh giết tuổi học sinh mà lý do sâu xa là thiếu Đức Dục. Rồi đến thống kê tín hữu bỏ đạo (năm ĐGH Benedictô 16 thăm nước Mỹ, có thống kê 10 % giáo dân, tuổi từ 20 đến 30, đã bỏ đao, và thống kê có một chi tiết là: họ không bỏ đạo vì sa ngã tội lỗi nhưng họ đổi đạo để tìm sang các giáo phái khác.
Trở về với mục đích của bài này: Trong lời mở đầu tôi vắn tắt kể ra những bài phê bình chỉ trích Đạo. Tôi liên tưởng tới cụm từ “Tân Phúc Âm hóa”, thực ra tôi cũng không hiểu định nghĩa của Tân Phúc Âm hóa là gì. Rồi tôi lại liên tưởng đến một bài giảng trên tivi của một vị linh mục già. Cha đọc đoạn văn Cựu Uớc về Thiên Chúa dựng lên ông Adam, cha đọc nguyên văn như trong sách Cũu Ước và cha diễn tả thêm bằng tay giơ lên mũi như Chúa thổi phù phù vào lỗ mũi ông Adam. Tôi nghĩ rằng đọc Cựu Ước mà không chú giải thì khác gì đọc truyện cổ tích tiếu lâm.
Những cách thức rao giảng Kinh Thánh kiểu này có thể đã làm cho đám thanh niên ngày nay dễ có lí đễ phê bình chỉ trích, vì họ không nhận ra được chút gì là khoa học triết lý hay Thần Luận chi ca. (Tôi không dám lộng ngôn đi thêm vào lãnh vực này, nhưng tôi nghĩ rằng ở địa vị một khán thính giả, tôi cũng có quyền được phản hồi lại tâm trạng của mình chứ? Cũng như đứa con có quyền xin mẹ thay đổi cách xào nấu món ăn. Hoặc giả nếu có ai phật ý thì xin nệ tình một nhóm ông già ngoài tám mươi này. Tôi tin rằng nhiều người cũng đã nghe thấy Đức Thánh Cha và nhiều Giáo Phụ cũng đã nói nhiều lần về cac bai giảng DDD này va chắc nhiều người con nhớ các tài liệu của Đại Hội Đồng GM thế giới năm 2008 về việc chấn chỉnh lại các bài giảng).

Chúng tôi kêu gọi quý vị hay dành chút sinh hoạt để giúp hóa giải những bài chống đối đạo vì nó đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến giới trẻ ngày nay, trong đó có con cháu của chúng tôi.
Mấy anh em chúng tôi thuộc lớp đông con nhiều cháu. Chúng tôi hằng quan sát chúng và cac bạn của chúng sinh hoat trong cuộc sống và thấy được thực tế rất đáng lo buồn này.

Chúng tôi ước vọng được nghe vài dòng góp ý của quý vị.

Trân trọng,

Đại diện nhóm: Nguyễn Thất Khê