SỐNG CÁC NGÀY TRONG TUẦN


Theo đề nghị của Thánh GM Josemaría Escrivá (1902–1975, Tây Ban Nha), giao tiếp với thế giới vô hình là điều rất tốt nếu chúng ta chú ý vào từng ngày trong tuần.

CHÚA NHẬT – KÍNH THỜ CHÚA BA NGÔI

Ngoài việc cử hành mầu nhiệm phục sinh của Chúa Giêsu, ngày Chúa Nhật là để tôn thờ Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm chính yếu và đỉnh cao của việc sống nhân chứng của Kitô hữu. Giáo lý Công giáo gọi mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là “mầu nhiệm trung tâm của đức tin và đời sống Kitô giáo” (số 234).

Mầu nhiệm cao cả này phải chiếm vị trí ưu tiên không chỉ ở mức độ lý thuyết mà còn ở mức độ thực hành trong đời sống Kitô hữu. Cách tốt lành là làm cho các ngày Chúa Nhật là ngày đặc biệt.

Khi chúng ta làm dấu Thánh Giá, chúng ta cố gắng ý thức về ý nghĩa khi chúng ta đọc: “Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần”. Hơn nữa, chúng ta có thể đem mầu nhiệm đức tin cao cả này vào lời cầu nguyện của chúng ta, làm chủ đề suy niệm, và chúng ta có thể thấy hữu ích khi đọc kinh Tạ Ơn (Te Deum), kinh Thương Xót, kinh Sáng Danh, kinh Tin Kính.

Vào các ngày Chúa Nhật, khi làm việc, chúng ta sẽ thấy hữu ích khi lặp đi lặp lại lời này: “Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Thần”, hoặc cầu nguyện theo đề nghị của Thánh Josemaría: “Kính mừng Maria, Ái Nữ của Chúa Cha; kính mừng Maria, Thánh Mẫu của Thánh Tử; kính mừng Maria, Hiền Thê của Chúa Thánh Thần! Không ai cao trọng hơn Mẹ, chỉ có Thiên Chúa mà thôi!”.

THỨ HAI – CẦU NGUYỆN CHO CÁC LINH HỒN NƠI LUYỆN HÌNH

Thật tốt lành để tưởng nhớ các linh hồn trong Luyện Hình. Họ thuộc thế giới im lặng, cách xa chúng ta. Tuy nhiên, họ là những linh hồn thánh thiện, vì ơn Chúa ở với họ. Các linh hồn này càng lúc càng cháy lửa yêu mến Thiên Chúa và kết hiệp với Ngài.

Do đó, khi đi qua nghĩa trang, nhà hài cốt, gặp đám tang hoặc thấy có ai tín, chúng ta hãy cầu nguyện cho họ: “Lạy Chúa, xin thương xót linh hồn này, và cho họ được nghỉ yên muôn đời!”. Thật tuyệt vời khi chúng ta nhớ tới ông bà, cha mẹ, thân nhân, bạn bè, và các linh hồn trong Luyện Hình, xin cho họ được hưởng phúc trường sinh.

THỨ BA – KÍNH CÁC THIÊN THẦN BẢN MỆNH

Thứ Ba là ngày làm cho mối quan hệ của chúng ta với các Thiên Thần Bản Mệnh. Thánh Josemaría cho biết: “Hãy tin tưởng Thiên Thần Bản Mệnh. Hãy đối xử với ngài như người bạn chí thiết, hằng ngày ngài sẽ làm hằng ngàn điều cho bạn. Nếu bạn nhớ tới ngài, bạn sẽ tránh được nhiều điều ngu xuẩn mà bạn có thể lầm lỡ trong giao tiếp hằng ngày”.

Hơn nữa, bạn cần thường xuyên nhớ rằng Thiên Thần Bản Mệnh là “vệ sĩ” uy quyền mà Thiên Chúa ban cho chúng ta, giúp đỡ chúng ta trên đường lữ hành, để chống lại ma quỷ. Hãy cầu nguyện bằng Kinh Thiên Thần Bản Mệnh và Kinh TLTT Micae.

THỨ TƯ – KÍNH ĐỨC THÁNH GIUSE

Thứ Tư là ngày kính nhớ Đức Thánh Giuse. Ngài không chỉ là Dưỡng Phụ của Chúa Giêsu, là Đức Lang Quân của Trinh Nữ Maria, là người bảo vệ Gia Đình Nadaret, đồng thời cũng là mẫu gương cho giới lao động, là bậc thầy về cầu nguyện và đời sống nội tâm, là bổn mạng những người hấp hối và Giáo Hội hoàn vũ.

Chúng ta nhớ rằng Đức Thánh Giuse có mối quan hệ riêng với mỗi chúng ta. Ngài sống âm thầm và lặng lẽ, nhưng như thế không có nghĩa là ngài như “chiếc bóng”. Không, ngài có thật và thực sự quan tâm tới chúng ta, vì Chúa Giêsu đã đổ máu ra để cứu độ nhân loại. Đức Thánh Giuse thực sự là người cha yêu thương đối với mọi người. Thánh Josemaría nói: “Đức Thánh Giuse là Cha đối với Đức Kitô thì cũng là Cha của bạn. Hãy cầu xin ngài”.

Hãy cầu xin Đức Thánh Giuse giúp đỡ về mọi nhu cầu của chúng ta. Khi cầu nguyện, chúng ta cứ tin tưởng bày tỏ với ngài. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể cầu xin ngài dạy chúng ta biết cách giao tiếp với Chúa Giêsu và Đức Mẹ Maria.

THỨ NĂM – KÍNH THỜ THÁNH THỂ

Thứ Năm luôn gắn liền với Bí tích Thánh Thể, vì đó là ngày Chúa Giêsu thiết lập bí tích này trong Bữa Tiệc Ly. Được Chúa Thánh Thần linh hứng, Thánh Mátthêu đã ghi lại cho chúng ta biết: Trong bữa ăn, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy”. Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26:26–28).

Bữa Tiệc Ly liên kết giao ước cũ và mới (Cựu Ước và Tân Ước), để rồi ngày hôm sau được đóng ấn tín trên Thánh Giá bằng Máu Châu Báu của Chúa Giêsu. Do đó, thật thích hợp để chúng ta sống ngày Thứ Năm là Ngày Thánh Thể.

Chúng ta có thể bắt đầu bằng việc tham dự Thánh Lễ, mặc dù bạn chưa có thể đi lễ hằng ngày. Điều quan trọng là hiện diện khi tái diễn hiến tế trên Can-vê và xứng đáng lãnh nhận Bánh Sự Sống vào một ngày nào đó, không phải là ngày lễ buộc (như Chúa Nhật). Trong những trường hợp như vậy, chúng ta vui mừng bảo đảm rằng chúng ta tham dự Thánh Lễ không vì sợ hoặc đòi buộc mà vì lòng yêu mến tự do và tinh tuyền.

Vào các ngày Thứ Năm, chúng ta có thể đem mầu nhiệm tình yêu cao cả này vào lời cầu nguyện, và không quên viếng Thánh Thể. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể cố gắng thể hiện niềm khao khát đón rước Chúa bằng việc rước lễ thiêng liêng:“Lạy Đức Chúa Giêsu, con tin thật Chúa con ngự trong Thánh Thể, con kính mến Chúa trên hết mọi sự, con ước ao rước Chúa vào linh hồn con. Xin Chúa đừng để con lìa bỏ Chúa bao giờ. Amen”. Nhiều người được lợi ích khi dùng lời cầu nguyện này của Thánh Josemaría: “Lạy Chúa, con muốn rước Chúa với lòng thanh khiết, khiêm nhường, và sùng kính mà Thân Mẫu Ngài đã đón nhận Ngài, với tinh thần và lòng nhiệt thành của các thánh”.

THỨ SÁU – KÍNH NHỚ CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA GIÊSU

Thứ Sáu là ngày tưởng niệm cuộc khổ nạn và sự chết của Chúa Giêsu trên Can-vê để cứu độ chúng ta. Đó là lòng thương xót mà chúng ta khao khát. Hãy cố gắng suy niệm về cuộc khổ nạn của Chúa trong ngày này, tốt nhất là tham dự Thánh Lễ. Chúng ta sẽ thấy mình ở Đồi Gôngôtha cùng với Thượng Tế Tối Cao, cũng là Lễ Vật, và cũng là chính Đức Giêsu Kitô – Con Thiên Chúa. Ngài là Ngôi Lời vĩnh cửu, Ngôi Hai trong Tam Vị Nhất Thể, Thiên Chúa duy nhất hằng hữu và hằng sống.

Nếu có thể, hãy tham dự Đàng Thánh Giá, một việc đạo đức được Mẹ Giáo Hội ban nhiều ân xá. Thánh Josemaría nói:“Đàng Thánh Giá là lòng sùng kính mạnh mẽ và sinh nhiều hoa trái. Nên tạo thói quen đi Đàng Thánh Giá vào ngày Thứ Sáu. Tôi bảo đảm rằng bạn sẽ có đủ sức mạnh cho cả tuần”.

Chân phước GM Álvaro del Portillo (1914–1994, Tây Ban Nha) nói: “Đàng Thánh Giá không là lòng sùng kính buồn tẻ. ĐGM Josemaría Escrivá nhiều lần dạy rằng niềm vui Kitô giáo có nguồn gốc từ Thánh Giá. Nếu cuộc khổ nạn của Đức Kitô là con đường đau khổ thì đó cũng là con đường của sự hy vọng dẫn tới chiến thắng chắc chắn”.

THỨ BẢY – TÔN KÍNH ĐỨC MẸ

Thứ Bảy luôn liên quan Đức Maria. Các Kitô hữu đừng quên rằng ngày Thứ Bảy u buồn khi thi thể Chúa Giêsu Kitô nằm trong mộ đá, Đức Mẹ gợi hứng cho các môn đệ bằng niềm tin và nâng đỡ họ bằng niềm tin vững vàng của Mẹ. Trong lúc tăm tối nhất, Đức Mẹ thực sự là niềm hy vọng của các Kitô hữu. Vì thế, qua các thế kỷ, ngày Thứ Bảy luôn là ngày sùng kính Đức Mẹ.

Thật tuyệt vời nếu sống ngày Thứ Bảy là Ngày Đức Mẹ. Chúng ta có thể bắt đầu bằng cách chú ý nhiều tới Đức Mẹ khi cầu nguyện. Đức Mẹ là Nữ Vương Thiên Đàng – nghĩa là người quan trọng nhất trong “đoàn tùy tùng” của Chúa. Sau Thiên Chúa là Đức Mẹ, và Mẹ xứng đáng được chúng ta chú ý đặc biệt. Do đó, sau khi dâng ngày cho Thiên Chúa Toàn Năng, chúng ta cần tâm sự với Đức Mẹ, cầu xin Mẹ che chở chúng ta trong ngày mới.

Kinh Hãy Nhớ thật ý nghĩa, được các Kitô hữu dùng để cầu nguyện nhiều. Chúng ta có kinh này nhờ Thánh TS Bernard Clairvaux (1090–1153, Viện phụ Dòng Xitô, Pháp quốc), một người rất sùng kính Đức Mẹ. Ngoài ra, thật phù hợp nếu chúng ta cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi. Các đức giáo hoàng luôn tha thiết khuyến khích và ban ân xá cho những ai cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi.

Chúng ta cũng có thể dùng Kinh Nữ Vương để tôn kính Đức Mẹ. Đó là một lời kinh đẹp, gắn liền với Mẫu Tâm Vô Nhiễm, chắc chắn làm vui lòng Đức Mẹ khi chúng ta tôn vinh Mẹ bằng tước hiệu Nữ Vương, và khiêm nhường cầu xin Mẹ cầu bầu cho chúng ta “đến khi khỏi đày” – tương tự “trong giờ lâm tử” trong Kinh Kính Mừng.

Qua Nt Lucia, Đức Mẹ đã yêu cầu chúng ta tôn sùng Mẫu Tâm vào năm ngày Thứ Bảy đầu tháng liên tiếp: Tham dự Thánh Lễ, rước lễ, đền tội, lần Chuỗi Mân Côi, và dành ít nhất 15 phút để suy niệm các mầu nhiệm Mân Côi.

Cùng với yêu cầu này, do chính Đức Mẹ đưa ra, thật tốt lành khi dùng các ngày Thứ Bảy đầu tháng để truyền bá lòng sùng kính Mẫu Tâm Vô Nhiễm và việc đền tội cho mọi người trên khắp thế giới.

LM. JOHN PORTAVELLA

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)
Mạng Lưới Cầu Nguyện