CN XVII TN/ C
Bài đọc 1 : ( St. 18: 20-32). Bài đọc 2 : ( Cl. 2: 12-14).Tin Mừng : ( Lc. 11: 1-13)
SỰ LIÊN ĐỚI TRONG CẦU NGUYỆN
Một lần kia, sau khi Chúa Giêsu cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ xin với Ngài: “ Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gioan đã dạy môn đệ của ông.” Và Chúa Giêsu đã dạy các ông lời kinh căn bản của Kitô giáo, đó là kinh Lạy Cha. Theo bản kinh của thánh Luca ghi lại, chỉ có năm lời nguyện xin, còn thánh Matthêu thì ghi lại bảy lời. Truyền thống Phụng vụ Hội Thánh sử dụng bản văn của thánh Matthêu. Kinh lạy Cha là lời kinh chính Chúa dạy, là lời cầu nguyện của Hội Thánh và đã trở nên thành phần tất yếu của các giờ kinh phụng vụ chính và của các bí tích khai tâm của Kitô giáo, là bản tóm lược toàn bộ Tin Mừng như thánh Augustinô đã viết: “ Cứ đọc hết các kinh nguyện trong Sách Thánh, chúng ta không thể tìm thấy một điều gì không được thâu tóm trong Lời Kinh Chúa dạy.” Và trong thánh lễ, các lời nguyện xin trong kinh Lạy Cha còn cho thấy đặc tính cánh chung: cộng đoàn Kitô hữu cầu nguyện và chờ đợi cho tới khi Chúa lại đến.( 1 Cr 11:26)
Trong kinh Lạy Cha, có hai mối liên đới: giữa Thiên Chúa với con người trong quan hệ Cha - con và giữa con người với con người trong quan hệ anh em trong một nhà. Khi cầu nguyện, Chúa không dạy chúng ta: lạy Cha của con , nhưng Ngài dạy: Lạy Cha chúng con. Kinh lạy Cha là một lời kinh tập thể, có tính liên đới giữa những lời chúng ta nguyện xin với Chúa Cha.
Ba lời cầu xin đầu nói lên sự liên đới trách nhiệm trong vai trò của người con đối với chương trình sáng tạo, kế hoạch cứu chuộc của Chúa Cha: Chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện đưới đất cũng như trên trời. Ở đây cũng nói lên tính liên đới giữa đất và trời. Đất và trời có một mối liên hệ nhân quả. Bốn lời cầu xin cuối nói lên mối liên hệ liên đới giữa anh em với nhau : một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ. Lời cầu xin không phải là lời cầu xin cho riêng mình: cho con mà là cho chúng con. Nỗi khổ của anh em, sự đói khát của anh em, lỗi lầm với Chúa Cha và lỗi lầm với anh em, sự yếu đuối sa ngã vì chước cám dỗ hay cứu khỏi sự dữ không phải chỉ cho riêng mình mà cho tất cả chúng con trong tinh thần liên đới.
Ông Abraham không cầu xin cho bản thân ông, nhưng xin cho cả thành Xơđôm. Ông đặt mối liên đới giữa những người lành và kẻ dữ. Ông lấy người lành như là một nhân tố để cầu xin lòng thương xót của Chúa. Và Thiên Chúa đã đoái thương không phải chỉ mười người lành mà Apraham đã mặc cả với Chúa, nhưng vì 10 người tốt lành mà Chúa đã tha phạt cho cả thành Xôđơm.
Người anh cả trong dụ ngôn người Cha nhân hậu, thấy em đòi chia gia tài, thay vì cản ngăn, có lẽ anh lại mừng thầm vì chỉ còn một mình anh hưởng trọn gia tài của cha; và khi đứa em khốn khổ trở về, thay vì mừng với cha thì anh lại đâm ghen tỵ. Lòng thương xót của Chúa không chỉ dành riêng cho người lành, nhưng nhờ người lành mà những ngững người xấu cũng được giải thoát. Lòng thương xót và ơn cứu độ của Thiên Chúa không chỉ có tính chất riêng lẻ nhưng có tính liên đới tập thể.
Không một người cha trần gian nào khi con xin con cá lại cho con rắn, hoặc xin trứng lại cho con bò cạp. Người cha trần thế còn biết thương con như thế huống hồ Cha trên trời là Đấng nhân hậu và đầy lòng thương xót: “ Anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha trên trời, Người sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người.”
Chúa khuyến khích chúng ta cầu nguyện với tâm tình tín thác, khiêm tốn, kiên trì và cậy trông trong tinh thần liên đới. Chúa đã đảm bảo cho chùng ta rằng: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ thì sẽ mở cho.” Hãy kiên trì XIN – TÌM – GÕ.

Hoàng Trung