CHÚA NHẬT XVII TN C:
SỨC MẠNH CỦA LỜI CẦU NGUYỆN


Lm Giuse Đỗ Đức Trí – GP Xuân Lộc


Vụ cháy nhà thờ Đức Bà Paris vào tháng Tư vừa qua đã gây xúc động và tiếc nuối cho nhiều người. Vì ngôi nhà thờ không chỉ là một công trình Công Giáo mà còn là một công trình văn hoá của cả Châu Âu và là chứng nhân lịch sử của Nước Pháp, đã tồn tại cùng Nước Pháp qua các biến cố lớn trong suốt hơn tám trăm năm. Với hình ảnh ngọn tháp trăm tuổi gục ngã trong ngọn lửa, nhiều người nghĩ rằng ngôi nhà thờ sẽ chỉ còn là một đống hoang tàn. Tuy nhiên, trong lúc ngọn lửa đang hoành hành trên ngôi nhà thờ, thì phía bên ngoài dọc bờ sông Seine và các khoảng trống gần đó, có rất nhiều người, trong đó có các bạn trẻ quỳ gối dưới đất sốt sắng hát lên bài thánh ca kính Đức Mẹ. Có thể nói phép lạ đã xảy ra nhờ những lời cầu nguyện tha thiết trong nước mắt của bao nhiêu người. Ngọn lửa đã được khống chế ngay trong đêm, ngôi nhà thờ chỉ bị cháy một phần mái và ngọn tháp, các báu vật và cổ vật được giữ gìn nguyên vẹn. Nhưng quan trọng hơn, là sau biến cố này, người Pháp đã ý thức lại rằng: Đã lâu nay họ hờ hững với việc cầu nguyện và tham dự thánh lễ. Biến cố cháy nhà thờ như lời nhắc nhở của Chúa dành cho dân tộc Pháp, giúp khôi phục lại đời sống đức tin của họ và biến cố này cho thấy lời cầu nguyện luôn có sức mạnh chạm đến lòng thương xót của Chúa. Lời Chúa hôm nay muốn nhấn mạnh cho chúng ta niềm xác tín đó.

Câu chuyện sách Sáng Thế tiếp nối câu chuyện chúng ta nghe tuần trước: Ông Abraham nài nỉ mời các vị Thiên Sứ dừng chân thăm lều, ông niềm nở làm thịt bê đãi khách và đứng hầu khi khách ăn. Hôm nay trước lúc ra đi, các vị cho biết là Đức Chúa sẽ tiêu diệt thành Sôđôma vì tội lỗi của họ. Ông Abraham đã năn nỉ Chúa: “Chẳng lẽ Chúa tiêu diệt người lành cùng với kẻ tội lỗi trong thành hay sao? Giả như trong thành có năm mươi người công chính thì Chúa có tha cho cả thành không?” Chúa đáp: “nếu tìm được năm mươi người lành trong thành, Ta sẽ vì họ mà tha cho cả thành”. Ông Abraham lại tiếp tục “kỳ kèo trả giá” với Chúa từ năm mươi xuống bốn mươi lăm, rồi xuống bốn mươi, xuống ba mươi và sau cùng là: “Nếu chỉ tìm được mười người công chính thì Chúa có tha cho cả thành không?” Thiên Chúa rất quảng đại trả lời với Abraham: “Vì mười người đó, ta sẽ không phá huỷ Sôđôma”. Câu chuyện này gợi lên cho chúng ta nhiều bài học:

Sự bằng an, hạnh phúc, những điều tốt đẹp ngày hôm nay của ta là do sự hy sinh cầu nguyện thầm lặng của biết bao nhiêu người. Abraham không có liên quan gì đến thành Sôđôma, cho dù họ tội lỗi đáng phải chết, vậy mà ông vẫn mạnh dạn cầu xin với Chúa tha tội chết cho họ. Ông nhân danh sự công minh chính trực của Thiên Chúa để nại đến sự khoan dung của Chúa cho thành Sôđôma. Thiên Chúa đã “chấp nhận” đối thoại, thoả thuận với ông. Trong cuộc sống xã hội có nhiều chuyện xảy ra như bạo lực, gian ác, bất công; trong gia đình sự bất hoà bất hạnh, gian dối, vợ chồng con cái hư hỏng… có nhiều người đã kết án Chúa, họ nói rằng: Sao Chúa không tiêu diệt hết sự ác và bất công trong thế giới này? Câu chuyện hôm nay trả lời cho ta rằng: Sở dĩ chúng ta và nhiều kẻ gian ác khác vẫn tồn tại mà không bị tiêu diệt là vì còn có rất nhiều người, những người xa lạ, đang âm thầm cầu xin với Chúa cho ta và cho những kẻ xấu.

Kế đến, lời cầu nguyện có thể chạm đến lòng thương xót của Chúa và có sức mạnh cứu sống, giải thoát và đừng bao giờ thất vọng khi cầu nguyện: Câu chuyện cho thấy ông Abraham sống thân thiết với Chúa như với người bạn. Thiên Chúa không ngại tâm sự, tỏ lộ cho ông biết ý định của Chúa là sẽ tiêu diệt thành Sôđôma, còn Abraham đã không sợ hãi, nhưng mạnh dạn “can thiệp” vào ý định của Thiên Chúa qua lời cầu xin chân thành tha thiết của ông. Ông kiên nhẫn để năn nỉ, trả giá với Chúa và còn dám “khuyên và can ngăn” Chúa: Chúa làm như thế không được đâu! Giết cả người lành chung với kẻ dữ, chắc không được đâu! Thiên Chúa đã nghe lời bạn của Ngài là Abraham và chấp thuận sự cò cưa trả giá của ông: “Nếu tìm được chỉ mười người công chính trong thành, ta sẽ vì những kẻ đó mà tha cho cả thành”. Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta không đủ kiên nhẫn và không đủ mạnh dạn để cầu xin cùng Chúa mỗi khi gặp khó khăn thử thách. Chúng ta dễ nản lòng, buông xuôi, có những người còn đi tìm sự trợ giúp từ các thầy bà bói toán thay vì chạy đến van xin cùng Thiên Chúa. Nhiều người quên rằng: Thiên Chúa không thể cầm lòng trước lời van xin của con cái Chúa; lời cầu nguyện chân thành cùng với sự tin tưởng trọn vẹn luôn có sức lay động Thiên Chúa. Câu chuyện Abraham hôm nay cho thấy, khi chúng ta sống với Chúa thân tình như những người bạn, khi rộng lòng quảng đại mời Chúa đến thăm tâm hồn và gia đình, thì đừng bao giờ ngại ngần tâm sự chia sẻ và nài xin cùng Chúa. Chúa sẽ không ngần ngại lắng nghe và còn bày tỏ ý định của Ngài cho chúng ta qua các biến cố xảy ra trong gia đình và cuộc sống.

Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu củng cố cho chúng ta niềm xác tín rằng chúng ta có một Thiên Chúa là Cha và chúng ta là anh chị em với nhau khi dạy cho chúng ta cầu nguyện: “Lạy Cha chúng con ở trên trời…” Nếu như Abraham sống với Thiên Chúa thân tình như với người bạn, thì Chúa Giêsu đã dạy chúng ta sống với Thiên Chúa cách thảo hiếu thân tình, ngoan ngoãn như những người con đối với cha mình. Chính Chúa Giêsu đã sống tâm tình thảo hiếu đó, Ngài biết rằng Chúa Cha là Đấng rất thương con và luôn muốn con cái ở bên trò chuyện với mình. Vì thế, Chúa Giêsu dù bận rộn với công việc từ sáng đến chiều nhưng khi đêm về, lúc sáng sớm, Ngài luôn dành giờ để gặp gỡ, ở bên và trò chuyện cùng với Chúa Cha, kể cho Chúa Cha nghe công việc hằng ngày và xin Chúa Cha chỉ cho biết việc phải làm trong ngày mới.

Các môn đệ đã khao khát và xin với Chúa Giêsu: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy các môn đệ của ông”. Các môn đệ này chỉ dám xin được cầu nguyện như môn đệ của Gioan, cầu nguyện trong tương quan như thụ tạo với tạo hoá, như tôi tớ với ông chủ. Chúa Giêsu đã đưa các môn đệ vượt xa hơn các tương quan thông thường đó để đặt các ông vào tương quan thân mật cha con với Thiên Chúa khi dạy các ông: “Khi cầu nguyện, các con hãy nói: Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến…” Qua lời Kinh Lạy Cha này, Chúa Giêsu đã thay đổi hoàn toàn tương quan của Thiên Chúa với con người và con người với Thiên Chúa. Thiên Chúa và con người không còn xa cách, cũng không còn khiếp sợ, nhưng gần gũi, thân tình như cha con ruột thịt. Vì thế, chúng ta không còn phải ngần ngại để thân thưa với Chúa, cũng đừng ngại trải lòng ra với Thiên Chúa khi vui khi buồn, khi cần hỏi ý Chúa.

Cũng vì được đưa vào trong tương quan cha - con với Thiên chúa, chúng ta càng tin tưởng, mạnh dạn và kiên trì cầu nguyện cho dù có những lúc tưởng chừng như Thiên Chúa đã quên ta hay đã không muốn nghe ta. Để cụ thể cho điều này, Chúa Giêsu đã kể cho môn đệ một dụ ngôn minh hoạ: Có một người bạn nửa đêm đến nhà gõ cửa nài nỉ: “Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh vì tôi có khách lỡ đường ghé nhà, mà tôi chẳng còn gì đãi anh ta cả”. Người bạn bị đánh thức đang lúc đêm khuya mặc dù đã tìm cách từ chối: “Xin đừng quấy rầy tôi vì cửa đã đóng, các con tôi đã lên giường ngủ rồi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được”. Chúa Giêsu khẳng định: “Cho dù người kia không muốn dậy để giúp bạn mình, thì anh cũng phải dậy vì người kia cứ đứng lì ra đó và vì để khỏi bị quấy rầy”. Chúa Giêsu đã kết luận: “Cứ xin thì được, tìm thì thấy và gõ cửa thì sẽ mở cho”.

Qua câu chuyện Chúa Giêsu không so sánh Thiên Chúa như người bạn bị quấy rầy, tìm cách từ chối lời năn nỉ cùa người bạn kia, nhưng Chúa muốn nhấn mạnh đến sự kiên nhẫn của người bạn đến gõ cửa. Mặc dù anh đã như bị từ chối nhưng anh vẫn không nản, cho dù anh phải chờ đợi, nhưng anh vẫn không mất kiên nhẫn, cuối cùng anh đã được như ý anh muốn. Chúa muốn chúng ta phải có thái độ kiên nhẫn tin tưởng khi cầu xin cùng Thiên Chúa. Có những lúc Thiên Chúa chưa ban cho ta vì có thể Ngài muốn thử thách sự kiên nhẫn thành tâm của chúng ta.

Xin cho chúng ta luôn xác tín vào Thiên Chúa là Cha yêu thương, Ngài luôn muốn và làm điều tốt cho con người, Ngài không thể làm ngơ khi thấy con mình đau khổ, thiếu thốn chạy đến với Ngài. Xin cho chúng ta biết chạy đến với Chúa trong lúc vui, khi buồn để tâm sự, truyện trò với Chúa và lắng nghe tiếng Chúa nói với chúng ta. Xin cho chúng ta không chỉ cầu nguyện cho mình mà còn cầu nguyện cho anh em chung quanh và cho cả xã hội, Giáo Hội và thế giới nữa. Amen