CHÚA NHẬT XXI TN C:
ĐƯỢC CHỌN VÀ BỊ LOẠI



Lm, Giuse Đỗ Đức Trí



Mấy tuần qua là chuỗi ngày căng thẳng đối với nhiều học sinh tốt nghiệp phổ thông vì phải trải qua một cuộc đua khốc liệt để bước vào ngưỡng cửa đại học. Đại học là khung trời mơ ước của thời học sinh, tuy nhiên nó cũng là một cái ngưỡng, là một thử thách mà không phải học sinh nào cũng có thể vượt qua. Với quy chế tuyển sinh đại học hiện nay, việc được tuyển vào trường đại học theo mong muốn, ngoài sự cố gắng của bản thân cũng còn có nhiều yếu tố may rủi. Có những em học sinh kết quả đạt 28, 29 điểm trên ba môn mà vẫn bị rớt, có những em chán nản rơi vào trầm cảm tuyệt vọng và có những em không chịu nổi áp lực dẫn đến tự tử.

Trong cuộc sống, việc được chọn và bị loại là hai mặt của một cuộc đua. Được chọn vào đại học, được chọn vào công ty, được chọn để làm nhân viên cao cấp… tất cả những người trong số được chọn luôn cảm thấy vui mừng ,hãnh diện và hạnh phúc; còn người bị loại thì buồn sầu, đau khổ. Người nào đã đầu tư nhiều, nỗ lực nhiều nhưng không may mắn được chọn thì sẽ đau khổ tuyệt vọng nhiều hơn. Việc được chọn vào Nước Trời cũng là một cuộc đua đòi hỏi sự nỗ lực hết mình của từng người. Tuy nhiên khác với các cuộc thi tuyển của trần gian, cuộc thi vào nước trời không có tính hên xui, may rủi, cũng không đòi những khả năng xuất sắc vượt trội, mà Thiên Chúa chỉ đòi nơi mỗi người sự kiên trì và cố gắng hết mình mà thôi.

Nước Trời là nơi Chúa dành cho tất cả mọi người, không sợ thiếu chỗ. Thiên Chúa là Đấng quảng đại, ngài muốn cho tất cả mọi dân tộc trên thế giới cùng được mời gia nhập vào đoàn dân của Thiên Chúa, cùng được vào nhà của Ngài để dự tiệc Nước Trời. Trước đây, người Do Thái có cái nhìn hết sức giới hạn, họ cho rằng Thiên Chúa là độc quyền của họ và Thiên đàng chỉ dành cho người Do Thái mà thôi. Tuy nhiên, qua miệng tiên tri Isaia, Thiên Chúa cho biết, Ngài sẽ phá bỏ mỏi giới hạn, Ngài mở rộng Nước Trời để đón nhận tất cả mọi dân tộc trên khắp mặt đất vào chung vui với Ngài: “Ta sẽ đến tập họp mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ, họ sẽ đến và được thấy vinh quang của Ta”. Không chỉ mời gọi họ quy tụ về Giêrusalem, Thiên Chúa còn cho biết Ngài có ý định chọn cả những người trong họ làm tư tế, làm thầy Lêvi để họ chuyên lo việc phụng thờ Thiên Chúa. Lời loan báo này quả thực như một cánh cửa mở rộng, như sự ưu ái đặc biệt Chúa dành cho các dân tộc vượt xa những suy nghĩ hẹp hòi giới hạn của Israel.

Chúa Giêsu đến, Ngài đã thực hiện việc mở rộng Nước Trời bằng việc kêu gọi tất cả mọi người, mọi dân đón nhận Tin Mừng. Bất cứ ai, bất cứ dân tộc nào đón nhận Tin Mừng của Chúa Giêsu đều được đón nhận vào hưởng hành phúc Nước Trời. Nước trời là nơi hạnh phúc ngập tràn, là mục tiêu đời đời cho tất cả chúng ta. Niềm vui và hạnh phúc Nước Trời thường được Kinh Thánh so sánh với hình ảnh một bữa tiệc cưới, nơi đó mọi người xum họp ăn uống trong niềm vui của sự gặp gỡ hân hoan, có Đức Kitô là chàng rể, Thiên Chúa Cha là chủ tiệc. Khi thấy Chúa Giêsu mời gọi mọi người vào Nước Trời, các môn đệ dường như sợ hết chỗ, nên hỏi Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, có phải những người được cứu thoát thì ít, có phải không?” Chúa Giêsu cho thấy điều kiện vào Nước Trời không quá khó. Ngài không đòi trình độ, bằng cấp hay khả năng đặc biệt, nhưng chỉ có một yêu cầu là: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em: có nhiều người tìm cách vào mà không thể vào được.”

Điều kiện nói trên, nghe tưởng chừng đơn giản, nhưng thực sự là một đòi hỏi trường kỳ: “Chúa muốn mỗi người không phải giành giật nhau để vào, mà là phải chiến đấu để vào qua cửa hẹp.” Chắc chắn không cần phải chiến đấu hơn thua tranh giành nhau, nhưng là chiến đấu với chính bản thân mình. Cửa hẹp ở đây, tức là những đòi hỏi của Tin Mừng: “Cửa rộng thênh thang thì đưa đến sự chết, ai chọn sống buông thả dễ dãi, sống chiều theo xác thịt, dục vọng, tôn thờ vật chất, chiều theo bản năng và những lôi kéo của thế gian là chọn con đường rộng. Trái lại, ai chọn hy sinh tiết chế, làm chủ bản thân và dám từ bỏ những ham muốn thấp hèn, sự lôi cuốn của của cải và hấp dẫn cuả thế gian, để sống theo giáo huấn của Tin Mừng, tức là chọn con đường hẹp.” Sự chọn lựa này quả thật là một cuộc chiến đấu cam go. Đã nói đến chiến đấu tức là phải chấp nhận đau đớn vì thương tích và có khi còn phải chấp nhận hy sinh mạng sống ở đời này để đạt được sự sống đời đời bên kia cánh cửa hẹp. Như vậy, những người muốn vào nước trời mà không cố gắng, không thiện chí và không kiên trì cho đến cùng thì sẽ không thể vào được.

Mặt khác, cánh của hẹp để vào Nước Trời sẽ chỉ được mở trong một thời hạn nào đó thôi. Vì vậy, những người sống la cà, trễ nải, lười biếng và những kẻ cơ hội, ỷ nại sẽ không thể vào. Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại thì cơ hội sẽ không còn nữa: “Lúc đó kẻ đứng ngoài gõ cửa mà nói: Thưa Ngài xin mở của cho chúng tôi. Ông chủ là Thiên Chúa sẽ trả lời: Ta không biết các ngươi từ đâu tới.” Chúng ta thấy ông chủ là Thiên Chúa rất quảng đại mời gọi hết mọi người, nhưng lại rất nghiêm khắc với những người không thiện chí, những người đối xử với ông chủ cách hình thức hời hợt mà không có lòng yêu mến thực sự, thì sẽ bị loại ra ngoài. Lúc bấy giờ, những kẻ bị loại không thể biện minh hoặc kể lể công trạng của mình: “Chúng tôi đã từng ăn uống trước mặt Ngài, Ngài đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi…” Dù có kể lể như thế cũng không làm thay đổi được tình hình. Thiên Chúa là ông chủ vẫn trả lời cách lạnh lùng: “Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi khỏi mắt ta, hỡi những kẻ làm điều bất chính.”

Nguyễn Công Trứ đã nói: “Đệ nhất buồn là sự hỏng thi.” Thi trượt sẽ là nỗi buồn rất lớn cho các sĩ tử vì cơ hội vào đại học sẽ trở nên xa vời với họ và những ước mơ thời học sinh sinh viên sẽ khép lại. Bên cạnh đó, nếu thi trượt đại học ngày nay, các học sinh vẫn còn cơ hội những năm sau, nếu quyết tâm và cố gắng, hoặc vẫn còn những cơ hội vào các trường cao đẳng. Tuy nhiên, nếu mỗi người bị trượt cơ hội vào Nước trời thì sẽ chỉ còn là bất hạnh đau khổ vĩnh viễn mà thôi. Đó là đau khổ vì bị loai trừ vĩnh viễn, đau khổ vì mình phải ở ngoài mà không được vào, mọi người được mời dự tiệc mà mình không được mời. Chúa Giêsu dùng hình ảnh hết sức thê thảm đau khổ để nói về những người bị loại: “Bấy giờ anh em sẽ khóc lóc nghiến răng khi thấy Abraham, Isaac… cùng tất cả mọi người từ đông sang tây được vào dự tiệc trong Nước Chúa còn anh em thì bị loại ra ngoài.”

Chúa Giêsu còn đưa ra kết luận: “Có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu và có những kẻ đứng hàng đầu sẽ xuống hàng chót.” Điều đó chứng tỏ rằng cơ hội vào Nước Trời không dành cho những người chủ quan, tự mãn, cũng không cộng điểm ưu tiên. Tất cả mọi người dù ở bậc sống nào, ơn gọi nào cũng phải kiên trì cố gắng hết mình, chiến đấu hết mình trong ơn gọi và bậc sống ấy thì mới có thể vào Nước Trời. Điều đó có nghĩa là dù là giáo hoàng, giám mục, linh mục hay tu sĩ mà không cố gắng thì không chắc có được vào Nước Trời. Cơ hội vào Nước Trời cũng không dành cho những người tự coi mình đã đủ, coi mình là đạo đức, hoặc để cho cuộc sống mình trở nên cồng kềnh vì quá nhiều đồ đạc hành trang, dục vọng, của cải và sự ham muốn…

Thưa quý OBACE, Lời Chúa hôm nay quả thật nhắc nhở cho chúng ta để chúng ta luôn biết tỉnh thức sẵn sàng như người lính canh vừa chu toàn nhiêm vụ canh gác, vừa phải chiến đấu không ngừng để sống theo những tiêu chuẩn và đòi hỏi của Tin Mừng; chiến đấu với chính bản thân mình để không bị ngủ quên hay xao nhãng nhiệm vụ. Chúng ta cần phải sống và điều chỉnh cuộc đời mình và gia đình, giúp cho mình và mọi thành viên trong gia đình có thể vượt qua cửa hẹp để vào Nước Trời, cùng xum họp với Chúa và xum họp với nhau. Đừng để bất cứ một thành viên nào: vợ chồng, con cái và người thân trong gia đình bị loại ra khỏi tiệc vui Nước Trời. Vì thế, mỗi người cần phải nỗ lực liên tục chu toàn bổn phận của mình đối với Chúa và đối với gia đình. Trung thành với giới răn lề luật của Chúa, thể hiện lòng yêu mến Chúa qua việc chuyên chăm tham dự Thánh lễ và lãnh nhận Bí Tích, làm chủ bản thân và loại trừ những ham muốn dục vọng, vật chất. Bên cạnh đó, chúng ta còn phải trung thành với điều răn của Giáo Hội nhất là trong đời sống hôn nhân và gia đình. Trung thành và kiên trì như thế mỗi ngày là chúng ta đang chiến đấu đi vào cửa hẹp.

“Ta không biết các ngươi là ai, các ngươi từ đâu tới” là câu trả lời cho những kẻ hờ hững với Chúa khi đến gõ cửa. Câu trả lời này là lời cảnh báo cho chúng ta: “Đừng tự biến mình thành người xa lạ đối với Chúa.” Chúng ta sẽ trở nên xa lạ với Chúa khi sống đạo cách hình thức hời hợt cho qua lần, xong việc để khỏi vi phạm luật; khi đi lễ mà thiếu tập trung, ngồi lang thang, không chú tâm, không có lòng yêu mến, không rước lễ…tức là ta đang biến mình thành người xa lạ với Chúa.

Xin Chúa cho chúng ta và mọi thành viên trong gia đình, trong cộng đoàn luôn biết chú tâm chiến đấu mỗi ngày để có thể được vào dự tiệc Nước Trời nơi Thiên Chúa dành sẵn và đang chờ đợi chúng ta. Amen.