Tại sao Giáo hội mừng trọng thể Lễ Truyền tin vào ngày 25 tháng 3? “Việc truyền tin” có nghĩa là gì?
Lễ Truyền Tin được mừng trọng thể vào ngày 25 tháng 3, một ngày lễ đặc biệt được cử hành trong mùa Chay. Ngày lễ truyền tin không tưởng nhớ đến cái chết và sự Phục sinh của Chúa Giêsu, nhưng liên quan đến việc Ngài Giáng sinh.
Theo cách hiểu này thì lễ Truyền tin được xem như một ngày lễ Giáng sinh hơn là một lễ Phục sinh.
Để phần nào giúp bạn đọc hiểu hơn về ngày lễ đặc biệt này, xin được trình bày đưới đây 4 sự thật về Lễ Truyền Tin.
Tại sao Lễ Truyền Tin được cử hành vào ngày 25 tháng Ba?
Các sách Tin Mừng không đề cập đến ngày Chúa Giêsu hạ sinh. Vì thế, những Kitô hữu đầu tiên phải ấn định những ngày cụ thể trên lịch cho những lễ kỷ niệm này, có tính đến cả truyền thống truyền khẩu và bản văn.
Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng và có nhiều tranh luận nhiều, cuối cùng Giáo hội thời sơ khai đã ấn định ngày lễ Truyền tin vào ngày 25 tháng 3. Ngày này được chọn dựa trên cái chết của Chúa Giêsu.
Lễ Truyền Tin có thể bắt nguồn từ thế kỷ thứ 3 hoặc thứ 4 và được ấn định trùng với ngày Chúa Giêsu chết.
Từ “truyền tin” có nghĩa là gì?
Trong Giáo hội Công giáo, ngày 25 tháng 3 đánh dấu lễ trọng được gọi là “Lễ Truyền tin”. Điều đó nghĩa là gì?
Từ “truyền tin” xuất phát từ cách Giáo hội đặt tên ngày lễ trong tiếng Latinh Annuntiationem Beatae Mariae Virginis. Từ annuntiationem có gốc là từ tiếng Latinh annuntiare, có nghĩa là “thông báo“.
Từ này ám chỉ đến việc Đức Trinh Nữ Maria được “truyền tin” về việc nhập thể của Chúa Giêsu, như đã được thuật lại trong tin mừng thánh Luca.
Làm thế nào ngôi nhà Đức Mẹ đã từng sống đến được Loreto, Ý?
Vương cung thánh đường Loreto bao gồm ba bức tường bằng đá xếp chồng lên nhau và bên dưới được che chắn bởi một vương cung thánh đường thời Phục hưng được trang trí công phu. Người ta tin rằng Đức Maria đã lớn lên trong ngôi nhà này và việc Truyền Tin đã diễn ra trong căn nhà ấy.
Chắc chắn rằng ngôi nhà Đức Mẹ đã sống nằm vùng Galilê của Israel. Ở Nazareth ngày nay, có một vương cung thánh đường khác – đó là nhà thờ Truyền tin – được xây dựng trên một hang động nơi người ta tin rằng Đức Mẹ đã lớn lên và được Tổng lãnh thiên thần Gabriel viếng thăm. Vương cung thánh đường Nazareth ngày nay là nhà thờ lớn nhất ở Trung Đông. Điều này chứng minh cho niềm tin lâu đời rằng đây là nơi Đức Mẹ đã sống và được Thiên Thần truyền tin. Bên trong Vương Cung Thánh Đường là tàn tích của bốn nhà thờ trước đó: một vương cung thánh đường Do Thái từ thế kỷ 3, một vương cung thánh đường Byzantine thế kỷ 5, một nhà thờ thập tự chinh từ thế kỷ 12, một cái khác do các tu sĩ dòng Phanxicô xây dựng vào thế kỷ 18, và được mở rộng thành Vương cung thánh đường hiện tại, được cung hiến gần đây vào năm 1969.
Trong nhiều thế kỷ, truyền thống cho rằng các thiên thần đã mang ngôi nhà Đức Mẹ đã sống từ Nazareth đến Loreto một cách kỳ diệu. Trong toàn bộ vương cung thánh đường là vô số bức tranh nghệ thuật mô tả các thiên thần bay trên biển cùng với “ngôi nhà”.
“Fiat” nghĩa là gì?
Một số bản dịch Latinh trong sách Nêhêmi chương 8 câu 6, nguyên gốc “amen” được dịch ra là “fiat”. Đây là một bản dịch thú vị vì tiếng “xin vâng” của Đức Mẹ trong ngày Lễ Truyền Tin được gọi “fiat” theo tiếng Latinh. Từ tiếng Latinh “fiat” được dịch sang tiếng anh nghĩa là “hãy để việc đó được thực hiện”. Tiếng “fiat” gói trọn sự vâng phục khiêm nhường của Mẹ đối với Lời của Chúa. Trong bối cảnh này, từ “amen” không chỉ khẳng định điều đã được nói ra, mà còn là lời cam kết trung thành với Thiên Chúa trong sự vâng phục cách khiêm nhường.
Tác giả: Philip Kosloski
Chuyển ngữ: Jos. Đăng Vũ
Nguồn: https://aleteia.org