CN XXVIII TN / C
Bài đọc 1 : ( 2 V. 5:14-17). Bài đọc 2 : ( 2Tm. 2: 8-13).Tin Mừng : ( Lc. 17 : 11-19)
THẾ THÌ CHÍN NGƯỜI KIA ĐÂU?
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong ca khúc ‘ Tạ Ơn’ đã cảm nhận: “ Dù đến rồi đi, tôi cũng xin tạ ơn người, tạ ơn đời, tạ ơn ai đã đưa em về chốn này, tôi xây mãi cuộc vui. Dù đến rồi đi, tôi cũng xin tạ ơn người, tạ ơn đời, tạ ơn ai đã cho tôi còn thấy những ngày ngồi mơ ước cùng người.” Trong cuộc sống của mỗi người, không biết bao lần chúng ta đã thụ ơn người khác. Cám ơn đời, cám ơn người là phải đạo làm người. Luân lý dân gian Việt Nam cũng đã khuyên: “ Làm ơn chớ nên nhớ. Được ơn chớ nên quên.”
Trong một gia đình kia, cha mẹ thường giao cho các con phụ giúp những công việc trong nhà như quét dọn nhà cửa, sắp xếp bàn ăn. Một hôm, cứ thấy cha mẹ ra lầy tại sao không đứa nào quét nhà, không đứa nào chuẩn bị dọn dẹp bàn ăn, có một đứa bực tức, viết một tờ giấy: ‘Tiền sửa soạn bàn ăn là năm mười xu’ và đặt nơi ghế ngồi của mẹ. Vào bữa ăn, người mẹ đọc được tờ giấy ấy. Không nói gì, bà lấy một tờ giấy lớn và viết: ‘ Cưu mang các con chín tháng trong bụng, đau đớn sinh nở các con, thức khuya dậy sớm khi các con đau yếu, lo ăn lo mặc, lo cho các học hành suốt ngần ấy năm trời...Tất cả tiền công cọng lại: Miễn phí. Mẹ làm tất cả vì yêu thương các con.” Khi nhận được một ơn huệ từ ai đó không phải là một quen biết hay một người thân thuộc, chúng ta dễ nhận ra người ấy là ân nhân và tỏ lòng biết ơn họ; nhưng khi đón nhận một ân huệ từ một người thân quen, chúng ta thường dễ quên tỏ lòng biết ơn hay tạ ơn người ấy; và có khi trở nên vô ơn : “Cha mẹ nuôi con như biển hồ lai láng. Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày.” ( Ca dao ) Tạ ơn đời, tạ ơn người về mặt nhân bản chưa đủ, quan trọng hơn chúng ta còn phải biết tạ ơn Trời, tạ ơn Thiên Chúa.
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu trên đường lên Giêrusalem. Ngài đi qua biên giới giữa hai miền Samari và Galilê. Khi vào một làng kia, có mười người phong hủi đón gặp Ngài. Từ đàng xa, họ đã lớn tiếng van xin: “Lạy Thầy Giê su, xin dủ lòng thương chúng tôi!” Thấy vậy, Đức Giêsu bảo họ: “ Hãy đi trình diện với các tư tế.” Đang khi đi thì họ được sạch. Một người trong bọn họ, lại là một người Samari ngoại đạo, liền quay trở lại lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa và sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn. Đức Giêsu mới nói: “ Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu?
Trong số mười người bị phong hủi, có chín người Do Thái và một người Samari. Điều làm chúng ta ngạc nhiên là 9 người có đạo lại ‘được cá quên nơm.’ Không biết có phải vì vui mừng quá mà quên trở lại tôn vinh và tạ ơn Chúa hay họ tưởng rằng việc chữa lành cho họ là chuyện đương nhiên Chúa phải thực hiện cho họ! Chỉ có một người Samari biết quay trở lại để tôn vinh và tạ ơn ân nhân của mình. Ông Naaman và người Samari đã được chữa lành cả hồn lẫn xác.
“ Thế thì chín người kia đâu?” Một câu hỏi vừa có tính cách trách yêu, vừa có tính cách nhắc nhở. Anh Samari không thể trả lời thay cho chín người kia; nhưng chín người kia phải tự mình trả lời cho câu hỏi ấy. Trong những lúc bình yên, chúng ta dễ quên mất Thiên Chúa. Có thể chúng ta vẫn tiếp tục phục vụ Ngài bằng môi miệng, bằng thói quen, nhưng lòng chúng ta lại xa Ngài. Trong trường hợp ấy, chúng ta cũng không khác gì chín người phong hủi được chữa lành mà không biết tạ ơn.
Nếu không thể tham dự thánh lễ hằng ngày; thì ít ra, ngày Chúa Nhật là cơ hội để chúng ta quầy quần bên nhau mà chúc tụng và tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho chúng ta bao nhiêu hồng ân qua một tuần lễ. Thiên Chúa yêu thương con người. Lòng thương xót của Ngài vô biên. Chúa không đòi hỏi chúng ta phải tạ ơn Ngài, nhưng là nhắc nhở chúng ta bổn phận làm con phải biết tôn vinh, chúc tụng và tạ ơn Cha chúng ta ở trên trời.

Hoàng Trung